Chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa đẻ ra óc kỳ thị chủng tộc kiểu Trung Hoa

Hãy gọi sự kỳ thị dành cho người dân tộc Uighur (Duy Ngô Nhĩ) là một cuộc thanh tẩy chủng tộc (ethnic cleansing) có đặc tính Trung Hoa.

Trong hai thập niên vừa qua, các quan lớn cộng sản Trung Quốc (TQ) đã cố vận dụng chủ nghĩa dân tộc nhằm lấp liếm tính chính đáng đầy nghi vấn (dubious legitimacy) của chế độ. Bằng cách biến mọi sai phạm của Trung Quốc thành một sự xúc phạm do người nước ngoài gây ra, chế độ Bắc Kinh đã tạo được một cảm thức “Trung Quốc là trên hết” (China Uber Alles), xin mượn cụm từ của một chế độ đã bị vùi sâu vào dĩ vãng [1].

Biến chứng của chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa kiểu mới là một dạng kỳ thị chủng tộc độc hại. Nói chính xác hơn, đó là óc kỳ thị chủng tộc của người Hán Hoa.

Chủng tộc Hán khống chế thế giới người Hoa trong mọi cách thế mà người ta có thể tưởng tượng ra. Dù họ giàu hay nghèo. Dù họ nói tiếng Quảng Đông hay Quan thoại. Dù họ sinh ở Thượng Hải hoặc Đài Loan hay Los Angeles. Nhưng họ cùng chung một dòng máu từ một cội nguồn tiên tổ.

Vì lãnh thổ nguyên thủy của Trung Quốc có một dân số gần như thuần chủng, vấn đề chủng tộc hiếm khi là một đề tài đáng tranh luận. Dân tộc Hán rốt cuộc đã đoàn kết lại vào thế kỷ 19 nhằm mục đích đánh đuổi giới thống trị gốc Mãn Châu ra khỏi Trung Quốc. Một khi Nhà Thanh bị lật đổ năm 1911, hồ sơ quan hệ chủng tộc tại Trung Quốc coi như được khép lại.

Cho đến bây giờ.

Sau khi giành được chiến thắng trong cuộc Nội chiến vào năm 1949, người Cộng sản Trung Quốc đã cố duy trì sự vẹn toàn lãnh thổ, nhất là sau nhiều cuộc đụng độ biên giới với Liên Xô, Ấn Độ và Việt Nam. Nhằm nắm vững những vùng sâu gần biên giới trong phần lãnh thổ rộng lớn phía tây của nước Cộng hoà Nhân dân, chính phủ Bắc Kinh đã đầu tư vào chính sách đưa những thành phần đáng tin cậy đến những vùng có tiềm năng rối loạn.
Đây là một chương trình định cư to lớn, mà nếu đem ra so sánh thì chương trình định cư của Israel chỉ là trò chơi con trẻ.

Người Hán Hoa lũ lượt tràn vào Tây Tạng và Tân Cương (nghĩa đen là “Lãnh thổ Mới”) trong những năm sau khi Quân Giải phóng Nhân dân tiến vào nắm quyền kiểm soát những vùng này. Chính phủ TQ đã khuyến dụ người Hán Hoa di cư đến những nơi cách xa vùng trung châu cả hàng ngàn dặm bằng cách hứa hẹn với họ việc làm tốt hơn, địa vị cao hơn và tương lai tương sáng hơn.

Thành quả của chương trình này là một trong những cuộc chuyển dịch dân số (population shifts) lớn nhất của thế giới kể từ khi người Đức bị trục xuất ra khỏi Đông Âu vào cuối Thế chiến II. Vào năm 1949, người Hán Hoa chỉ chiếm 5% dân số Tân Cương. Ngày nay con số đó đã lên tới 41%, chẳng bao lâu nữa chắc họ sẽ che mờ người bản địa Uighur theo đạo Hồi hiện chiếm 45% dân số. Urumqi, thủ phủ hiện đại lấm chấm những nhà chọc trời, bị khống chế bởi người Hán Hoa, một chủng tộc chiếm đến 75% trong số 2 triệu rưỡi dân của thành phố này.

Việc định cư thành công dân tộc Hán tại Tân Cương làm nổi bật tầm quan trọng của vùng này đối với chế độ Bắc Kinh. Mặc dù Tây Tạng được thế giới bên ngoài chú ý nhiều hơn, nhưng Tân Cương mới thật sự trọng yếu hơn đối với Trung Quốc.

Với diện tích lớn hơn gấp đôi bang Texas, Tân Cương nằm trên Con đường Tơ lụa cỗ xưa và là vùng đất phong phú tài nguyên như khí đốt thiên nhiên và dầu hỏa. Tân Cương là nhà chứa những cơ sở vũ khí hạch nhân của Trung Quốc. Biên thùy của nó được rặng Thiên Sơn sừng sững đứng canh phòng, che chắn cho Trung Quốc khỏi bị phiền nhiễu vì những nước láng giềng bất ổn của vùng Trung Á.

Cũng như Tây Tạng, trên danh nghĩa Tân Cương là một “vùng tự trị”, nhưng tên gọi này cũng thiếu trung thực như cụm từ “Cộng hoà Nhân dân”. Người bản địa Uighur không được nắm giữ những chức vụ then chốt, đành rằng những chức vụ này đương nhiên chịu sự kiểm tra của Bắc Kinh. Thật vậy, mặc dù cách xa thủ đô đến 3000 dặm Anh, toàn bộ Tân Cương (cũng như toàn bộ Trung Quốc) đều theo giờ giấc của Bắc Kinh.

Ngoài việc đưa người Hán vào Tân Cương để đảm bảo có được một khối dân trung kiên, một yếu tố khác của chính sách “thanh tẩy chủng tộc” là việc đưa người dân tộc Uighur ra khỏi Tân Cương. Hàng ngàn người Uighur bản địa đã bị đưa ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để nhận việc làm trong nội địa Trung Quốc. Bề ngoài, sự thuyên chuyển này có mục đích giúp người dân Uighur có đồng lương cao hơn và tương lai tươi sáng hơn, đúng như những điều Bắc Kinh đã hứa hẹn người Hán Hoa tại Tân Cương.

Những rối ren tuần này [tức đầu tháng 7-2009] không khởi sự tại Tân Cương mà tại Quảng Đông, nơi những người Uighur, sống xa quê hương và làm công nhân nhà máy, có chuyện xô xát với người Hán Hoa địa phương. Khi người Uighur tổ chức biểu tình tại Urumqi, họ gặp sự chống trả của những đám đông Hán Hoa, nhiều hơn họ đến 5 lần, trong thủ phủ của vùng đất có cái tên khá mỉa mai “Vùng Tự trị Uighur Tân Cương”.

Rõ ràng là, từ những vụ bạo loạn năm ngoái tại Lhasa [thủ phủ của Tây Tạng] đến những bạo loạn tuần này tại Urumqi, nhiều người Hán Hoa đã để lộ một ý thức tự tôn về chủng tộc mình.

Một cụm từ mà người ta thường nghe từ cửa miệng của người Hán Hoa bình thường trên đường phố là “đồ vong ơn bội nghĩa”. Nói thế khác: Bọn dân tộc ít người lạc hậu kia lẽ ra phải biết ơn về tất cả cơ sở hạ tầng hiện đại và mức sống tốt đẹp mà người Hán Hoa đã ban phát cho họ chứ không nên gây rối loạn.

Đã qua rồi cái thời mà sự hoà hợp chủng tộc là một quan niệm được đề cao tại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Mao Trạch Đông chủ trương đấu tranh giai cấp nhưng cũng đòi hỏi lòng nhân ái (ít ra trên danh nghĩa) đối với các dân tộc ít người. Thời đó, ngay cả tờ giấy bạc Nhân dân tệ của TQ cũng cố tình mô tả hết mọi dân tộc thiểu số trong sắc phục địa phương của họ.

Nhưng đó là cái thời mọi người  còn bị áp bức tại Trung Quốc. Bây giờ Trung Quốc đã rộng lớn hơn, hùng mạnh hơn, và giàu có hơn bao giờ cả, thì việc quan tâm đến những bất bình của các dân tộc ít người không còn là một ưu tiên.

Thật vậy, những bất bình này đã được đáp lại không phải chỉ bằng những cái nhún vai khinh rẻ, nhưng bằng những cú đấm, gậy gộc và cả súng đạn – không phải chỉ do cảnh sát và quân đội. Bạn có thể gọi đó là sự kỳ thị chủng tộc mang đặc tính Trung Hoa.

Samuel Chi
Trần Ngọc Cư dịch, tạp chí talawas số Mùa Thu 2009

[1] “Deutschland über alles” (nước Đức là trên hết, ND)
Nguồn:
http://www.realclearworld.com/articles/2009/07/09/chinese_nationalism_beget_chinese_racism_96900.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn