Thư số 2 của Phạm Toàn – “Trẻ em đeo râu và cụ già”

Nhà giáo Phạm Toàn kể lại ngày “làm việc” (thứ năm 14.1.2010) với cục A25


Thân gửi anh Giao và các bạn,

Lá thư thứ 2 này của tôi gửi các bạn có nội dung nói về buổi làm việc với cơ quan An ninh ngày 14-01-2010. 7 giờ 45 sáng, điện thoại : CA khu vực gọi. Đó chính là người hôm qua đã gọi khi tôi không ở nhà. Tôi hẹn anh 8 giờ 30 sẽ gặp, vì tôi bận đi trả tiền Bưu điện. Anh đồng ý. Tôi giả vờ hỏi: “ Anh sẽ đến vì việc gì ? ” thì anh lúng túng mãi không biết trả lời ra sao. Thế mới biết hỏi đã khó mà trả lời cũng chẳng mấy dễ dàng !

Đúng 8 giờ 30, những bốn anh vào nhà tôi. Một trung tá cao 1 mét 78, đẹp trai ra phết. Hai anh mặc thường phục. Và anh Công an khu vực. Anh Công an khu vực vào đề để đưa tôi tờ giấy gọi đi “ làm việc ”ở A 25 của cơ quan An ninh quốc gia. Các anh yêu cầu đi ngay. Tôi hỏi “ Đi đến tối có về chứ ? ” Mọi người cười không trả lời. Tôi bảo : “ Để mình xin phép vợ đã ”. Tôi vào phòng làm việc của vợ tôi, xin phép đàng hoàng. Và nói thêm bằng tiếng Anh “ Không bị tù đâu ”. Vợ tôi tán thêm “ Chưa bị chứ không phải là không bị ”. Các đồng chí Công an có mặt đều hiểu tiếng Anh nên đều cười.

Lên đến cơ quan A25 ở đường Âu Cơ thì làm việc với người khác, mới biết rằng ba bốn đồng chí lúc nãy chỉ có nhiệm vụ đưa mình đi đến nơi về đến chốn, thật quá cẩn thận ! Ngày xưa, Cục 78 (cơ quan tương tự như A 25 bây giờ) gọi đi thì phải một mình lóc cóc đi, cho ăn kẹo cũng chẳng dám trốn. Bây giờ có đầy đủ phương tiện xe cộ đưa đón, và dư thừa cả người áp giải. Cũng hay !

Thư này nhắc lại mãi chuyện hỏi han về trang mạng bauxite thì cũng ngán. Vì vậy, mình đổi đề tài, so sánh A25 với Cục 78 ngày xưa, cốt để các bạn trẻ (kể cả các bạn trẻ ở hai cơ quan đó) biết rõ đôi chút lịch sử, có khi cũng là điều hữu ích.

“ Làm việc ” với A 25 bây giờ so với Cục 78 ngày xưa, khác nhau một trời một vực. A 25 bây giờ chú trọng đến khả năng tạo thiện cảm, chú ý đến sự duyên dáng, cũng chú trọng phô trương tài năng nữa. Một đồng chí cấp trên khi làm việc, nói với tôi tỏ ý chê bai cách phát âm tiếng Anh của nhiều người biết tiếng Anh đương thời. Như thế chứng tỏ đồng chí đó ít ra cũng đi học nước ngoài về. Rõ rồi ! Có rất nhiều trường hợp anh chị em “ trong ngành ” mang lai lịch dân sự để đi học. Phần nhiều là đi học Luật. Thế là rất hay. Một xã hội dân sự, pháp quyền, không thể để các đồng chí “ trong ngành ” lơ mơ về Luật. Tiện thể trau giồi tiếng Anh. Càng hay !

A25 bây giờ so với Cục 78 xưa còn hơn ở chỗ sang trọng, vệ sinh. Ngày xưa, nếu bị doạ “ ở lại làm việc thêm ”, thì sự hứa hẹn sang trọng nhất cũng chỉ là tấm ván làm cái gọi là giường cá nhân. Bây giờ, bên trong chỗ “ làm việc ” có hẳn chiếc giường có nệm đàng hoàng. Và vào sâu bên trong còn có cả toa lét, có bồn tắm, có chỗ đi “ ấy ” sáng bóng như ở nhà. Chút nữa quên, bên ngoài, phía trên giường còn có máy lạnh. Cũng chẳng đến nỗi nào nếu như được “ thiên thu tại ngoại ”!

*

Chỗ hơn hẳn của A25 so với Cục 78 ngày xưa không chỉ ở những vẻ ngoài. Còn ở cung cách “ làm việc ”. Hay nhất bây giờ là được phép tranh luận, A25 rất lắng nghe – dĩ nhiên khi tranh luận, không nên quá triệt để. Đương sự nên nhớ đến chuyện hai ông cháu đánh cờ, ông bị thua cầm bàn cờ nện cháu, một lúc thấy cháu khóc lâu quá, ông sốt ruột quát “ còn khóc đến bao giờ nữa, không ra đánh ván nữa cho ông gỡ ? ”

Cục 78 ngày xưa chuyên trị cấm đoán, chẳng hiểu các đồng chí có tin rằng cấm đoán có hiệu quả thực sự chăng ? Mình còn nhớ, hồi “ Nghị quyết 9 ”, nhà văn XK và mình vẫn gặp nhau kể chuyện bị hỏi những gì cho nhau nghe, mặc dù bị cấm không được gặp nhau. Bây giờ, các đồng chí chỉ dặn “ Hễ đài nước ngoài họ phỏng vấn thì bác nhớ trả lời thận trọng ” . Thì vưỡn ! Ai dại gì mà lại không thận trọng ? Tổ quốc này là của chung, có của riêng ai mà không chịu gìn giữ cho cẩn thận ? Mình phải biết chứng tỏ ít nhất mình cũng yêu nước bằng các đồng chí chứ ?

Thật thú vị, khi mình đem chuyện cục 78 xưa kể cho các đồng chí A25 bây giờ nghe. Chuyện có thật của mình. Hồi Nghị quyết 9, mình còn bị hạch tội “ sửa chữa đường lối ” về giáo dục. Chỉ vì mình chủ trương phải dạy cho học sinh dân tộc thật giỏi tiếng phổ thông, sau đó các em sẽ quay lại củng cố và phát triển ngôn ngữ và văn học dân tộc trên cơ sở cao hơn là “ bậc lớp 1 ”. Mình kể là đã bị đặt một câu hỏi rất vô lý như sau : “ Ai khiến anh nghiên cứu chuyện đó kia chứ ? ” Và câu trả lời ngay khi đó cũng rất ngang : “ Khi tôi mười bảy tuổi thì đồng bào dân tộc có hai cái bánh thì tôi được ăn một cái, nên mới sống đến bây giờ. Tôi thay mặt mọi người nghiên cứu đề tài đó để trả ân đó ”. Mình kể xong, bây giờ A25 tỏ vẻ thông cảm : “ Thời đó có những ấu trĩ như thế đấy ”. Thật sướng ! Nhưng khi mình hỏi tiếp “ Thế bây giờ còn cái gì ấu trĩ ? ” thì đồng chí A25 chỉ mỉm cười tinh quái, và không nói gì…

Thôi, mình nêu ra đây mấy cái ấu trĩ để giúp đồng chí Huệ Chi và các đồng chí A25 cùng nhau suy nghĩ nhé. Huệ Chi gọi điện báo cho mình biết là phải ký xác nhận vào mấy cái tài liệu do Trung tướng Trần Độ viết, và hỏi mình “ như thế có sao không nhỉ ? ”. Mình hỏi lại Huệ Chi : “ Thế ông có nghe phổ biến ông Trần Độ bị kỷ luật bao giờ chưa ? Thế ông có đem tài liệu Trần Độ đó phân phát cho mọi người không ? Thế ông có bổ sung thêm đồng chí Trần Độ vào bộ Từ điển văn học do ông với mấy giáo sư nữa cùng chủ biên ? Hay là ông chỉ đọc Trần Độ xong rồi xếp xó ? ”. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Ông cứ trình bày đi, các đồng chí A 25 chắc chắn sẽ biết lắng nghe.

*

Mình nói với các bạn ở A25 rất chân tình rằng cuộc “ làm việc ” thoải mái, thú vị, thẳng thắn. Đó là nói thật lòng, không khách sáo. Cuộc sống thực đã trôi xa qua những khúc quanh ghềnh thác. Đó là điều không còn gì phải nghi ngờ.

Nhưng bây giờ trong lá thư này, xin các đồng chí A25 hiểu thêm một ý nghĩ khác nữa của mình. Ý nghĩ về một nỗi buồn. Vì sao mà buồn ? Vì thấy cuộc sống có tiến lên, tiến lên rất nhanh và rất xa, nhưng hãy tỉnh táo mà nhìn quanh quất đi coi: người ta, nước họ, toàn bộ cái thể chế đang vận hành của họ, nếu xem đó như một cơ thể, thì đó là tấm thân của một ông già sáu mươi bẩy mươi lịch lãm, hãy đem so với tấm thân dân tộc mình, sẽ thấy hình như mình vẫn chỉ đâu đó quãng tuổi lên năm lên bẩy.

Mình rất thích có một so sánh cho vui như thế này : đứng thấy trẻ em đeo râu vào và bảo đó là cụ già.

Đó là lời dặn dò của một đồng chí năm nay bẩy mươi chín tuổi, tuy đã già rồi, nhưng cho đến giờ phút này vẫn thấy mình là kẻ tuyệt đối yêu đời và son trẻ. Mình thách ông nào dựa trên lời khuyên vừa rồi để ghép tội đấy. Tội gì ? Mọi tội, kể cả tội nặng nhất, chẳng hạn tội diễn biến hoà bình, hoặc tội lật đổ chính quyền nhân dân.

Nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/thu-so-2

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn