Vài nét về lịch sử trạm khí tượng Hoàng Sa và đặc điểm khí hậu quần đảo Hoàng Sa

Nguyễn Việt [*]

Hình 1: Vị trí địa lý quần đảo Hoàng Sa (www.vi.wikipedia.org)
1. Vị trí địa lý, địa hình
Quần đảo Hoàng Sa là một nhóm gồm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm ở biển Đông, nằm cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) của Việt Nam khoảng 200km [1]. Ngoài ra, nếu tính thêm những hòn đảo, bãi đá, cồn đụn cát lúc nổi lúc chìm theo mực nước thủy triều thì số lượng đảo theo nghiên cứu của GS Sơn Hồng Đức, người đã từng đặt chân đến Hoàng Sa năm 1970, lên tới 120 [1].
Với chu vi bờ biển 518km, quần đảo Hoàng Sa nằm trong tọa độ 15045’-17015’ độ vĩ Bắc và 110000’-113000’ độ kinh Đông. Độ cao địa hình thay đổi không lớn, thấp nhất là những bãi san hô, bãi cát nằm dưới mực nước biển, cao nhất khoảng 14m tại những đảo đá [1].
2. Vài nét về lịch sử trạm khí tượng Hoàng Sa
Với vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của quần đảo Hoàng Sa trong công tác dự báo bão trên biển Đông, từ năm 1932, chính quyền cai trị Pháp tại Việt Nam đã thành lập một trạm khí tượng trên đảo Phú Lâm mang số hiệu 48859 và một trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa (Pattle) mang số hiệu 48860. Trạm khí tượng Hoàng Sa có vị trí ở 16033’ độ vĩ Bắc và 111037’ độ kinh Đông ở độ cao 5,5m so với mực nước biển. Năm 1938, Chính phủ bảo hộ Pháp cho đặt bia đá, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng người Việt ra bảo vệ đảo Hoàng Sa của quần đảo Hoàng Sa. Hàng năm, các chuyên viên khí tượng được cử ra đảo làm nhiệm vụ. Số liệu ở trạm Hoàng Sa được quan trắc đều đặn từ năm 1939 đến năm 1974, hiện lưu trữ tại Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, riêng trạm Phú Lâm không thấy có số liệu. Chính vì tầm quan trọng của trạm khí tượng Hoàng Sa nên Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization – WMO) đã đưa trạm này vào mạng lưới phát báo quốc tế. Tất cả các nước trong Tổ chức Khí tượng Thế giới đều thừa nhận Hoàng Sa là trạm khí tượng của Việt Nam, nhất là từ khi Việt Nam Cộng hòa gia nhập Tổ chức Khí tượng Thế giới ngày 2 tháng 3 năm 1955. Trong hình 2 trình bày danh sách các trạm khí tượng, khí hậu của Việt Nam của Tổ chức Khí tượng Thế giới từ những năm 50, trong đó Hoàng Sa mang số hiệu 48860.

Hình 2: Danh sách các trạm khí tượng, khí hậu của Việt Nam do Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố
Meteorological Station Information Lookup for 48860
WMO Index Number : 48860
Station Name : Hoang Sa Pattle
Country : Vietnam
WMO Region : 2
Station Position : 16-33N 111-37E (dms)
Upper Air Elevation (Hp) : 6 Meters

Các thông tin về trạm khí tượng Hoàng Sa đăng trên trang web: http://weather. noaa.gov/cgi-bin/nsd_lookup.pl? station= 48860
Từ năm 1974, Việt Nam không còn quản lý trạm khí tượng Hoàng Sa, do quần đảo này bị Trung Quốc xâm chiếm. Tuy nhiên, trạm khí tượng Hoàng Sa vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ phát báo bão trong mạng luới phát báo quốc tế cho đến hôm nay. Sau năm 1975, những chuyên viên khí tượng đã từng làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa vẫn tiếp tục làm việc. Những năm tháng làm việc tại Hoàng Sa, mảnh đất thân yêu của Tổ quốc, đã để lại trong các anh những dấu ấn không phai mờ. Anh Võ Như Dân, sinh năm 1937, quê ở thành phố Đà Nẵng, là quan trắc viên tại trạm khí tượng Hoàng Sa năm 1972-1973, sau năm 1975 làm việc tại Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, vẫn nhớ những kỷ niệm trong thời gian làm người lính canh trời, canh biển cho Tổ quốc ở Hoàng Sa.

Anh Võ Như Dân (người bên trái) là nhân viên trạm khí tượng Hoàng Sa trong năm 1972-1973.
3. Đặc điểm khí hậu quần đảo Hoàng Sa
Nằm cùng vĩ độ với Thừa Thiên Huế, ở trung độ Việt Nam, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, nhưng khí hậu Hoàng Sa là khí hậu hải dương nên ôn hòa hơn khí hậu Thừa Thiên Huế. Đó là một vùng có khí hậu nóng ẩm, nắng nhiều, mưa ít, chịu nhiều tác động của gió bão.
3.1. Chế độ nhiệt


Ghi chú: T – Nhiệt độ trung bình tháng;
Tx – Nhiệt độ tối cao trung bình tháng;
Tn – Nhiệt độ tối thấp trung bình tháng;
Tx – Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối tháng;
Tn – Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối tháng.
Chế độ nhiệt của quần đảo Hoàng Sa thuộc loại nhiệt đới gió mùa điển hình với một cực đại vào tháng 6 và một cực tiểu vào tháng 1. Nhiệt độ trung bình tháng 6 đạt 29,20C tương đương với nhiệt độ trung bình cao nhất vào tháng 7 của trạm Huế. Trong khi đó nhiệt độ trung bình tháng 1 đạt 23,40C cao hơn Huế 3,40C. Do vậy, biên độ nhiệt độ năm của Hoàng Sa chỉ bằng 5,80C, thấp hơn Huế 3,60C. Do chịu ảnh hưởng của khí hậu hải dương nên chế độ nhiệt của Hoàng Sa không có tính biến động lớn theo thời gian và khá đồng nhất về mặt không gian. Ở Hoàng Sa không chịu ảnh hưởng của gió phơn nên không có nóng gay gắt trong mùa hè, về mùa đông, nước biển tỏa nhiệt nên ấm hơn lục địa. Nhiệt độ trung bình năm của Hoàng Sa cao hơn Huế khoảng 0,80C, trong khi đó nhiệt độ cao nhất tuyệt đối chỉ đạt 35,90C, thấp hơn Huế khoảng 5,00C. Ngược lại, nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối của Hoàng Sa cao hơn Huế khoảng 7,00C.
3.2. Chế độ mưa
Chế độ mưa ở Hoàng Sa khác hoàn toàn so với trong đất liền, ở đây không có mưa tiểu mãn, mùa mưa đến sớm hơn, bắt đầu vào tháng 6 kết thúc vào tháng 11, đạt cực đại vào tháng 10 và cực tiểu vào tháng 2. Mùa mưa ở Hoàng Sa trùng với mùa hoạt động của bão nhiệt đới. Từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau là thời kỳ thiếu nước. Không giống như trong đất liền, không khí lạnh không gây mưa do thiếu yếu tố địa hình. Tổng lượng mưa năm chỉ bằng 40% lượng mưa tại Huế, đạt khoảng 1.219mm với 107 ngày mưa. Tuy nhiên, những khi ảnh hưởng trực tiếp của bão, lượng mưa một ngày có thể đạt tới 862mm, tương đương trong đất liền.


Ghi chú: R : lượng mưa trung bình tháng;
n : số ngày mưa trung bình tháng;
Rx : lượng mưa ngày lớn nhất trong tháng.
3.3. Chế độ gió
Ở Hoàng Sa có hai mùa gió thịnh hành rõ rệt: mùa gió Đông Bắc bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau; mùa gió Nam kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 9. Tốc độ gió trung bình lớn, đạt gần 5,0m/s, tần suất lặng gió ít, gió mạnh nhất lên tới cấp 12, 13. Trung bình hàng năm có khoảng 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông, 3/4 trong số đó có ảnh hưởng đến Hoàng Sa. Do vậy, Hoàng Sa luôn luôn phải đương đầu với bão tố, nhất là trong thời kỳ từ tháng 6 cho đến tháng 9.

3.4. Các yếu tố khác
Độ ẩm trung bình tại Hoàng Sa khá cao: 84,5%, cao nhất xảy ra vào tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, dao động trong khoảng 90,3-90,5%; thấp nhất từ tháng 6 đến tháng 8, dao động trong khoảng 74-77%. Độ ẩm thấp nhất tuyệt đối có thể xuống rất thấp trong thời kỳ từ tháng 4 đến tháng 7, phổ biến từ 15-21%, thấp hơn trong đất liền, gây ra thời tiết oi bức khó chịu.
Tổng lượng bốc hơi không thay đổi lớn trong năm, hàng tháng khoảng 3,3mm, tổng lượng bốc hơi năm khoảng 40mm.
Trung bình hàng ngày có 7,7 giờ nắng, cả năm có khoảng 2.800 giờ, cao hơn trong đất liền, và phân bố khá đều trong các tháng.
Lượng mây tổng quan trung bình hàng ngày khoảng 5,0/10 bầu trời thấp hơn trong đất liền.
Sương mù hầu như ít xảy ra ở Hoàng Sa, số ngày có dông cũng rất ít, trung bình hàng năm chỉ có 4,6 ngày dông.
4. Kết luận
- Khí hậu quần đảo Hoàng Sa là khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang tính chất hải dương điển hình. Đó là một vùng khí hậu nóng ẩm, mưa ít, nắng nhiều, gió lớn, có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
- Điều kiện thời tiết ở đây rất thuận lợi cho hoạt động trên biển như ít sương mù, trời quang, mây tạnh tầm nhìn xa lớn.
- Điều kiện bất lợi là lượng mưa ít, có khả năng thiếu nước trong 5 tháng từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Hàng năm phải đương đầu với 7-8 cơn bão. Có thời kỳ khí hậu oi bức do nhiệt độ cao độ ẩm thấp.
- Địa hình thấp, bị ảnh hưởng bởi thủy triều, sóng lớn và mực nước biển dâng.
N.V.

Chú thích:

[*] Trung tâm Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên Huế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bách khoa toàn thư mở vi.wikipedia. org./wiki/
2. Nha Giám đốc Khí tượng. Trung bình khí hậu, Sài Gòn, 1974.
3. Đỗ Đình Cương. Khí hậu Việt Nam. Nha Giám đốc Khí tượng, Sài Gòn, 1964.
4. Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Lịch sử khí tượng thủy văn Việt Nam, Phần biên niên Cổ-Trung đại-Cận đại, Hà Nội, 1995.
TÓM TẮT
Trạm khí tượng Hoàng Sa nằm trên quần đảo Hoàng Sa, một bộ phận lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức Khí tượng Thế giới đã công nhận trạm Hoàng Sa là của Việt Nam trong danh mục các trạm khí tượng, khí hậu từ rất lâu. Nhờ những số liệu khí tượng quan trắc được từ năm 1939 đến năm 1974, chúng ta có thể nêu lên một số đặc điểm cơ bản của khí hậu nhiệt đới gió mùa mang tính chất đại dương điển hình của Hoàng Sa. Đây là nguồn số liệu quý hiếm, có thể dùng tham khảo đối với các khu vực khác trên biển Đông có điều kiện tương tự. Là lãnh thổ của Việt Nam, Hoàng Sa cần được nghiên cứu sâu hơn về điều kiện tự nhiên, trong đó khí hậu là một hợp phần quan trọng.
ABSTRACT
A SKETCHY HISTORY OF HOÀNG SA METEOROLOGY STATION
AND CLIMATIC CHARACTERISTICS OF THE PARACELS
The Hoàng Sa Meteorological Station lies on Paracels, an intergral part of Vietnam’s territory. For a long time the WMO, with their list of the world’s meteorology and climatology stations, tacitly recognized the Paracels as part of Vietnam. Due to meteorological date, observed from 1939-1974 we can present some important features of monsoon tropical, oceanic climate of the Paracels. This is valuable, scarcely database can to be referenced. We have to study more deeply about natural conditons of the Paracels, because the Paracels is a part of Vietnam.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên – Huế, số 6 (77), 2009, 28-33.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn