Những người anh hùng Yên Bái

Nguyễn Thị Thanh Trinh

Cho đến tận hôm nay, cách đối xử của giới sử học – tất nhiên là giới sử học mác-xít – với cuộc khởi nghĩa Yên Bái vẫn không thay đổi bao nhiêu so với cách đây 50 năm. Tên của những người anh hùng trong cuộc khởi nghĩa này thì vẫn nằm đàng hoàng trên các đường phố Hà Nội, tuy vậy tấm gương đẹp đẽ bất khuất của họ lại không được mấy ai nhắc tới, thậm chí có những người như ông Nguyễn Khắc Đạm, con trai ông Nguyễn Khắc Nhu, công tác ở Viện Sử học – do ân tình của GS Trần Huy Liệu – nhiều năm còn phải im hơi lặng tiếng về người bố gan góc nổi tiếng của mình. Rõ ràng không ít vấn đề bí ẩn của lịch sử cận hiện đại còn đòi hỏi phải được “vén lên”. Bài viết dưới đây tuy chỉ mới là một cảm nhận ở một vài khía cạnh nhưng điểm son của nó là nó đã phát hiện được cái tinh thần cơ bản của các lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng: biết “đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phái và cá nhân”. Thiết tưởng đó cũng là ánh chớp vạch thời đại khiến cho tổ chức này tuy chỉ tồn tại thực tế trong ba năm, vẫn cắm một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Bauxite Việt Nam

Nguyễn Thái Học (1902-1930) sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và làm khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.
Tôi đã đọc “Cuộc khởi nghĩa Yên Bái” trong tủ sách lịch sử Việt Nam.
Tôi đã đọc “Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng” của nhà sử học Bạch Diện.
Tôi đã đọc “Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu” của chính con trai ông viết.
Lần giở từng trang sử Việt, tôi thật sự đã gặp những anh hùng, những người con của đất Việt thân yêu từ gần trăm năm trước. Hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tôi là vào một buổi sáng mờ sương, rét căm căm, 13 người anh hùng hiên ngang lên máy chém thực dân. Có anh thoáng nụ cười, anh gật đầu vĩnh biệt, anh lặng lẽ nhìn đất trời, mắt trừng sáng quắc, hiên ngang ngẩng đầu thách thức, thẳng bước ung dung và giơ tay vẫy tạm biệt. Người vang khúc hát, kẻ sang sảng đọc thơ, cùng tung hô câu “Việt Nam vạn tuế!” tiếng hát ấy vọng theo sông theo núi vang rền trên quê hương Việt Nam, lặn vào trong đất Việt Nam, thấm vào từng con tim, thớ thịt của những con người Việt Nam từ ngày ấy đến muôn đời sau.
Tôi đã lặng người đi khi ngắm nhìn bức tranh bi tráng và hào hùng đó, lịch sử đã sản sinh ra những anh hùng bất khuất, dân tộc Việt Nam lại có thêm những người con trung kiên lẫm liệt, đem máu mình thấm vào đất mẹ để trăm năm sau người đời còn nhớ và truyền nhau khúc hùng ca dũng đó.

Suy ngẫm
Có nhiều điều để con cháu ngày nay kính cẩn nghiêng người và suy ngẫm.
Tôi khâm phục họ, những con người đương thời, vì dân tộc mà sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Tôi đọc lịch sử và thấm, thấm từ cách họ sống, họ suy nghĩ và đấu tranh từ cách anh em nghĩa sĩ đối đãi với nhau như người thân thuộc.
Tôi suy nghĩ mãi về mẩu chuyện Nguyễn Thái Học từ chối lời đề nghị trốn trại của một cai ngục sau khi ông bị bắt cùng 12 đồng chí khác, hồi hộp và mong chờ trước hình ảnh ông ngồi suy tính và quyết định, ông nhớ từng nét mặt, từng thói hay tật xấu của từng anh em nghĩa sĩ của mình, ông lo cho họ, lo lắng thật nhiều. Tôi đã lặng thật lâu sau đó khi đọc đến đoạn ông thinh lặng cả tuần lễ để suy xét về quyết định từ chối của mình việc cùng trốn ngục. Không phải vì ông yếu bóng vía hay hèn nhát mà rốt cuộc cũng chỉ vì lo cho những người anh em. Thế đấy, tấm lòng ông nặng về đạo đức và trách nhiệm, trọng tình cảm hơn là vội vàng, toan tính và thủ đoạn.
Tôi đã đọc và cảm nhận trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái những sắc thái nổi bật hơn cả những gì mà nhiều sách sử đã từng viết. Đó chính là hai từ tình nghĩa. Thứ tình nghĩa toát ra từ chính những con người lãnh đạo, từ chính lòng nhân dân. Tôi đã đọc đến đoạn cuộc họp ở làng Võng La, khi bị gián điệp bán đứng và giặc bao vây, thì chính những người lãnh đạo được nhân dân cưu mang che chở. Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu được người dân cho mượn áo, cuốc xẻng vờ giả làm nông dân ra đồng, các đồng chí khác cũng len lỏi vào cùng với dân làng. Phó Đức Chính thì được một người phụ nữ vừa sinh xong giấu vào ổ rơm, khi đó ông bị thương rất nặng.
Tôi để ý đến cái tình người trong cách các ông đối đãi với nhau và với những nghĩa sĩ anh em, sống như các ông, sống hết mình và tràn đầy nhiệt huyết.
Tôi đã nhìn thấy cô Giang trong hôm Nguyễn Thái Học bị chém. Tôi cảm nhận được nỗi đau của cô, tôi đã đọc hai bức thư cô viết và lặng người rất lâu trước gốc đa bên đường nơi người con gái trung liệt ấy tuẫn tiết.
Tôi đọc về thời đi học của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, thấy nhiều câu chuyện ấn tượng, về nếp sống, về suy nghĩ, về cách nhìn đời và lý tưởng của các ông. Các ông sống có lý tưởng và có cái nhìn thức thời trước thời cuộc và vận mệnh đất nước.
Nguyễn Khắc Nhu cũng là một thanh niên hiếu học, yêu nước, trọng đạo, ông yêu dân và quan tâm đến việc cải cách xã hội, ông dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, ông vận động nhân dân đào giếng uống nước sạch, dệt khăn cho từng người dùng riêng, giảm bớt nhiều hủ tục lạc hậu trong nhân dân.
Tôi để ý đến cái tình người trong cách các ông đối đãi với nhau và với những nghĩa sĩ anh em, sống như các ông, sống hết mình và tràn đầy nhiệt huyết.
Tôi cảm nhận được tiếng hét căm thù giặc nơi các ông. Tôi nghe văng vẳng bên tai lời Nguyễn Khắc Nhu thống thiết kêu gọi quân lính đầu hàng, chĩa giáo mác về phía quân thù trong cái đêm khởi nghĩa ấy. Tôi hiểu ông suy nghĩ thế nào khi bị thương và tự sát, mà phải tự sát đến lần thứ ba mới được chết để giữ tròn khí tiết. Cái chết oanh liệt của ông đã gây xúc động mạnh cho nhân dân cả nước, các sĩ phu yêu nước thời bấy giờ và muôn đời sau. Ông đã “vì dân quyên sinh, vì nước quyên sinh, vì đảng nghĩa quyên sinh, thề chẳng tham nhìn giặc nước; lòng ông không chết, danh ông không chết, tinh thần ông không chết, quyết đem cái chết giục đồng bào”.

Việt Nam hiện nay ca tụng nhiều chiến công lịch sử, nhưng chưa nói hết về Nguyễn Thái Học
Tôi còn ngạc nhiên hơn khi đọc câu chuyện lãnh tụ Nguyễn Khắc Nhu tự nguyện sát nhập tổ chức Việt Nam Dân Quốc vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, và bằng lòng đứng dưới quyền chỉ huy của một người sinh viên kém ông cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm đấu tranh. Ngẫm nghĩ mãi, tôi mới hiểu rằng lịch sử có lý do khi khắc ghi tên tuổi của họ. Bởi vì những con người ấy đã có một hành động thật bình thường và rất tự nhiên – họ đã đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phái và cá nhân.
Khi nói về cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái nhằm dân chủ hóa Việt Nam và Đông Dương của Việt Nam Quốc Dân Đảng, khi nói về Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp, Cô Bắc, Cô Giang, Đỗ Thị Tâm, thú thật, người Việt Nam nhiều thế hệ nay ít ai biết đến, hay chỉ là biết rất sơ sài và tổng thể đó là một cái gì đó mờ nhạt, ánh lên trong lịch sử rồi qua đi rất nhanh. Môn lịch sử trong nhà trường Việt Nam ít chú trọng đến tổ chức này, phong trào này và những cái tên này.
Đó là sự thật và là một thiếu sót vô cùng lớn vì người ta cần đọc lại một thời hào hùng của dân tộc mà đôi khi nhiều người đã cố tình bỏ qua.
NTTT
Tác giả đang học đại học ở Việt Nam, là một trong những người nhận học bổng năm 2009 của Nguyễn Thái Học Foundation, một tổ chức đặt tại Hoa Kỳ nhằm vinh danh di sản của Nguyễn Thái Học. Bài viết đánh dấu 80 năm ngày diễn ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái (10 tháng Hai 1930).
Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn