Ôn cố tri tân với hai điều giả định

Vũ Cao Đàm

Trong những ngày gần đây, Bauxite Việt Nam đã công bố bài viết của hai vị lão tướng khả kính, là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cảnh báo về việc các tỉnh biên giới cho các Công ty Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc (Sau đây gọi chung là Trung Quốc) thuê rừng đầu nguồn.
Tiếp đó, trên một số trang mạng trong nước và ngoài nước đã đưa tin, bình luận và cảnh báo các nguy cơ liên quan đến việc các tỉnh biên giới cho các Công ty Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn. Đài BBC cũng đã có cuộc phỏng vấn với những người có trách nhiệm liên quan đến việc cho thuê rừng đầu nguồn.
Các ý kiến xoay quanh việc lo ngại các Công ty này là, khai thác cạn kiệt, gây hậu quả đến môi trường Việt Nam, hơn nữa còn lo ngại việc các Công ty này chiếm dần các vùng đất hiểm yếu ở các tình biên giới, với những mục đích mà ngày nay chúng ta chưa thể lường hết được.
Sau khi tiếp nhận và phân tích các thông tin đó, tôi xin đặt ra hai tình huống giả định để các nhà lãnh đạo và dư luận xem xét.
Tình huống giả định thứ nhất nên đặt ra là, tất cả các Công ty này đều xuất phát từ một địa chỉ, đó là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là Trung Cộng để phân biệt với khái niệm Trung Quốc đã nói ở trên). Chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra một mối quan ngại như vậy. Trung Cộng có một mưu đồ rất nhất quán là xâm lấn đất nước Việt Nam. Trên những dòng sông biên giới, họ đã xây kè tạo dòng xoáy để làm xói lở đất Việt Nam, một hành vi ăn trộm đất trắng trợn để bồi sang phía đất Trung Cộng. Ở những tỉnh biên giới, họ đã từng “mượn” đất để chôn người thân. Lâu dần chiếm đất luôn, và tuyên bố rằng, mộ người Tầu ở đâu, đất Tầu ở đó. Với kinh nghiệm về sự thâm độc của Trung Cộng, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra tình huống giả định này: Trung Cộng lập các công ty mang nhãn mác Đài Loan và Hồng Kông (thậm chí họ có thể “mua” một số người Việt để lập các công ty mang nhãn mác Việt Nam) để thuê rừng đầu nguồn ở vùng biên giới, và cả những vùng không nằm ở biên giới, biến những vùng đất này thành các làng, các huyện của Trung Cộng, từng bước lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam.

Tình huống giả định thứ hai, các công ty này giữ đúng cam kết với các nhà lãnh đạo thuộc các tỉnh biên giới (cứ giả định là đã có những cam kết này), và cũng là để trấn an dư luận, là họ không tàn phá rừng đầu nguồn – điều mà cư dân mạng đang lớn tiếng cảnh báo hiện nay; họ chăm lo cho đất rừng tươi tốt, không gây hậu quả lũ lụt. Họ hoàn toàn có thể làm điều đó để bác bỏ những lời cảnh báo của các vị tướng khả kính Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, nhưng, thâm độc hơn, họ sẽ lẳng lặng di dân đến đó, họ chôn người thân ở đó, và ở lỳ ở đó, lấn chiếm theo kiểu vết dầu loang, biến toàn bộ hai trăm mấy chục ngàn hecta rừng thành đất Trung Cộng. Sau 50 năm, họ sinh con, sinh cháu, đủ sức sinh chắt, biến đó thành những vùng nói tiếng Hán. Nên tham khảo tình hình các nước láng giềng: Ở Lào đã có một vùng nói tiếng Hán, với 97% dân số là dân Trung Cộng, dùng giờ Bắc Kinh. Đó là trung tâm thương mại thuộc huyện Bò Tèn thuộc tỉnh Luông Nậm Thà, ở biên giới Lào – Trung Cộng. Các tổ chức NGO Lào đang bày tỏ sự lo ngại rất lớn về tình trạng Hán hóa ở Lào. Xin hỏi, 50 năm sau, những người đứng ra cho thuê đất rừng hôm nay có thể sống dậy để đuổi người Trung Cộng về lại đất nước Trung Cộng của họ được không? Hay là chúng ta đành ngậm bồ hòn làm ngọt, xem đó như một vùng tô giới của Trung Cộng?
Nhân dịp này, chúng tôi thiết nghĩ, cũng nên ôn lại một câu chuyện về thái độ của Triều Lý nước Đại Việt trước luận điệu mà vua Tống ngụy biện về hành vi lấn chiếm đất Đại Việt.
Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, lịch sử nước ta đã chứng kiến một sự kiện tương tự, diễn ra vào năm 1076: Nhà Tống từ phía Bắc, sai Tướng Quách Quỳ đem quân phối hợp với hai vương quốc phía Tây Nam, là Chiêm Thành và Chân Lạp đánh chiếm Đại Việt, nhưng bị Lý Thường Kiệt đánh cho đại bại trên sông Như Nguyệt. Quách Quỳ đành phải lui quân, nhưng lại vẫn ở lỳ tại một số nơi. Sách Trần Trọng Kim viết, đó là “các châu Quảng Nguyên (bây giờ là châu Quảng Uyên thuộc tỉnh Cao Bằng), châu Tư Lang (bây giờ là châu Thượng Lang và Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng), châu Tô, châu Mậu (ở giáp giới tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn) và huyện Quảng Lang (Ôn Châu, tỉnh Lạng Sơn)”.
Sách của Trần Trọng Kim viết tiếp “Đến năm Mậu Ngọ (1078) Lý nhân Tông sai Đào Tôn Nguyên đưa voi sang cống nhà Tống và đòi lại những châu huyện ở mạn Quảng Nguyên. Vua Tống bắt phải trả những người châu Khâm, châu Liêm và châu Ung mà quân nhà Lý bắt về ngày trước, rồi mới trả châu huyện cho nhà Lý. Sang năm Kỷ Mùi (1079) Vua Nhân Tông cho những người Tàu về nước , tất cả chỉ có 221 người. Con trai thì thích ba chữ vào trán, từ 15 tuổi trở lên thì thích: Thiên tử binh; 20 tuổi trở lên thì thích: Đầu Nam triều; còn con gái thì thích vào tay trái hai chữ : Quan khách”.
Sách của Trần Trọng Kim còn viết rất tỉ mỉ: “Đất Quảng Nguyên từ khi bọn Quách Quì lấy được, cải tên là Thuận Châu và có 3.000 quân Tống ở lại giữ, nhưng vì đất lam chướng, mười phần chết đến năm sáu. Đến khi nhà Lý cho những người châu Khâm, châu Liêm và châu Ung về Tàu, vua nhà Tống mới trả lại châu Quảng Nguyên. Nhưng vì có người nói rằng châu ấy có nhiều vàng, người Tống tiếc của, làm hai câu thơ rằng: “Nhân tham Giao Chỉ tượng / Khước thất Quảng Nguyên kim” (Vì tham voi Giao chỉ / Mà mất vàng Quảng Nguyên).
Một năm sau, vào năm 1079, nhà Tống đã buộc phải trả lại các châu trên, nhưng vẫn cố giữ lại mấy châu, như Bảo Lạc, Luyện, Miêu…, với lý do: Đây là những vùng đất do các quan cai trị ở địa phương tiến cống (Liệu hành động cho thuê đất 50 năm có thể xem như một kiểu tiến cống thời hiện đại?).
Đến mùa hạ năm Giáp Tí (1084) Vua Lý Nhân Tông sai quan Thị lang thuộc Bộ Binh là Lê Văn Thịnh sang nhà Tống bàn việc phân chia địa giới. Lê Văn Thịnh đã chất vấn sứ giả Nhà Tống, là Thành Trạc, ý như sau: Đất thì có chủ, [chủ] là Triều đình Đại Việt. Các viên quan địa phương giữ đất ấy đem nộp cho người khác thì đất ấy thành vật ăn trộm của Triều đình Đại Việt. Những vùng đất được Triều đình giao cho cai quản, mà lấy trộm đã là không tha thứ được, mà lấy trộm của hay tàng trữ thì luật pháp cũng không cho phép; Còn nhân danh nhà vua mà oa trữ của ăn trộm là một việc làm gây nhơ bẩn thanh danh của nhà vua.
Chắc là nghĩ đến cái “thanh danh” được nhắc nhở, tự cảm thấy không nên tiếp tục oa trữ của ăn cắp, Vua Tống đành ngậm bồ hòn làm ngọt, mang trả lại cho vua Đại Việt những vùng đất mà các quan cai trị địa phương nước Đại Việt đã tiến cống.
Ở đây có hai chuyện đáng nói:
Một là, Từ hơn một ngàn năm trước, Thị lang Bộ Binh Lê Văn Thịnh, nhân danh Triều đình Đại Việt, đã dõng dạc tuyên bố, những vùng đất giao cho các quan địa phương cai quản, mà các quan lại ăn cắp đất đó để cung tiến (xin phép mở ngoặc: dù là cung tiến trong 50 năm) cho kẻ khác, là một việc làm phi pháp, không thể tha thứ được.
Thứ hai, Từ hơn một ngàn năm trước, nhân danh Triều đình Đại Việt, Thị lang Bộ Binh Lê Văn Thịnh đã nhắc nhở vua Tống, đường đường một đấng Thiên Triều như vua Tống, mà đi nhận của ăn trộm, là một việc làm có hại cho thanh danh của nhà Tống. Đáng phục cho vua Tống, còn nghĩ đến một chút gọi là “thanh danh” của Thiên triều, mà trả lại cho vua Đại Việt món của đã trót ăn cắp.
Thì ra, từ hơn một ngàn năm trước, những vị quan cương trực trong triều như Thị lang Bộ Binh Lê Văn Thịnh đã thẳng thắn vạch tội các quan địa phương mang đất của tổ tiên dâng hiến cho kẻ xâm lược ngoại bang là phi pháp. Tướng Đồng Sỹ Nguyên và Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh chính là các quan Thị lang Bộ Binh của thời đại chúng ta.
Nhưng một điều đáng nói hơn, là những kẻ vỗ ngực là Thiên triều thời đó, tuy luôn mang trong tim đen cái máu bành trướng, tham lam vô độ của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán, nhưng vẫn còn biết giữ cái gọi là chút “thanh danh” của Thiên triều, mang vùng đất đã ăn cắp trả lại cho nước láng giềng.
Điều ấy đáng để cho các vị đại diện cho Thiên triều thời hiện đại suy nghĩ lắm chứ.
VCĐ
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn