Thủy điện và Việt Nam

Đặng Đình Cung

Ở một đất nước đói năng lượng như Việt Nam thì tất nhiên không thể gạt bỏ thủy điện mà tiềm năng có thể khai thác với hiệu quả kinh tế lên đến 80 TW-h mỗi năm. Nhưng phải khai thác như thế nào để vẫn có thể chung sống hài hòa với Thiên nhiên? Những trận lụt kinh hoàng vừa qua ở miền Trung cho thấy khai thác thủy điện ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Không có quy hoạch thích hợp. Tàn sát rừng để làm thủy điện. Không có cơ chế phối hợp giữa các nhà máy thủy điện khi xả lũ và nói rộng ra không có quy chế về thủy điện tham gia chống lũ. Thiếu sự cân bằng giữa thủy điện và thủy lợi. Vân vân. Tất cả những điều ấy là nguồn gốc sinh ra tâm lý ngán ngại thủy điện trong xã hội; thậm chí nếu tổn thất quá lớn, rất có thể sinh ra những phản ứng có màu sắc chính trị. Đã đến lúc Quốc hội phải có / phải yêu cầu Chính phủ thực hiện một cuộc tổng điều tra toàn diện về thủy điện. Từ đó, Chính phủ cần xây dựng một chương trình thủy điện trong chiến lược về năng lượng nói chung, vừa có tầm nhìn lâu dài vừa có những giải pháp cụ thể và hữu hiệu.
Bauxite Việt Nam
Đặng Đình Cung Kỹ sư tư vấn
Tiềm năng thủy năng có thể khai thác với hiệu quả kinh tế ở nước ta là 80 TW-h mỗi năm. Năm 2006 chúng ta đã sản xuất 23 TW-h điện từ thủy lực, nghĩa là một phần tư tiềm năng. Mấy con số đó cho thấy chúng ta vẫn còn có thể gia tăng sản xuất thủy điện trong những thập niên tới. Lợi dụng địa thế và khí hậu thuận tiện, chúng ta đã xây và dự tính xây nhiều công trình thủy điện từ những công trình cực lớn như Lai Châu (vừa được Quốc hội phê chuẩn), Sơn La (đang xây) hay Hòa Bình (đã đưa vào hoạt động) trên sông Đà cho đến vô số cơ sở sản xuất điện tầm cỡ vừa, nhỏ hay cực nhỏ rải rác khắp nơi trên lãnh thổ quốc gia.
Tuy nhiên, khai thác thủy điện như chúng ta đang làm gây ra nhiều vấn đề tài chính, kỹ thuật và môi trường. Chúng tôi đã có dịp trình bày những khía cạnh chiến lược của thủy điện trong những bài viết về năng lượngi và vi thủy điệnii. Trong bài này, chúng tôi xin trình bày những vấn đề ngành thủy điện đặt ra cho nước ta.

Vấn đề tài chính
Chúng tôi không trình bày ở đây những phương pháp tính tỷ số lợi nhuận của một dự án mà chỉ xin trình bày một số vấn đề tài chính của ngành thủy điện Việt Nam dựa trên những thông tin chúng tôi gom được trên các báo mạng trong nước.
(a) Khi quyết định đầu tư vào một dự án thì phải biết dự án đó có sinh lợi nhiều hơn hay ít hơn vốn đầu tư và khi do dự giữa một số phương án thì phải chọn phương án nào có tỷ số lợi nhuận cao nhất.
Nói một cách đơn giản, giá thành trung bình của một sản phẩm gồm một phần cố định và một phần biến thiên tỷ lệ với sản lượng. Hệ số tỷ lệ gọi là chi phí sản xuất lề của sản phẩm.Trong ngành năng lượng, phần cố định chủ yếu là khấu hao, nghĩa là vốn đầu tư phân bố cho mỗi khoảng thời gian hoạt động của nhà máy.
Trong ngành thủy điện, vốn đầu tư rất cao và một khi đã tính khấu hao thì chi phí lề để sản xuất điện từ thủy năng không đáng là bao nhiêu. Vì thế, nhiều người tưởng lầm rằng thủy năng là của Trời cho. Xây một nhà máy thủy điện thì cần đến nhiều vốn và mất nhiều thời gian hơn là xây một nhà máy nhiệt điện. Nếu tính tiền vốn và tiền lãi phải trang trải trong thời gian xây dựng nhà máy vào giá thành của điện thì chưa chắc gì thủy điện đã rẻ hơn là nhiệt điện. Giá trị thương mại của lượng điện sản xuất từ khi hòa mạng cho tới khi ngưng hoạt động vì nhà máy quá cũ hay quá lỗi thời có vượt giá trị vốn đầu tư và các chi phí tháo dỡ và hoàn thổ công trình hay không thì chúng tôi không thấy đề cập tới.
(b) Điện dùng cho những hoạt động sản xuất nên gián tiếp sinh lợi nhiều hơn là theo tính toán kinh tế của một dự án chỉ nhằm sản xuất điện. Như vậy có nghĩa là giữa một nhà máy điện sẽ được đưa vào sản xuất sớm và một nhà máy sẽ được đưa vào sản xuất muộn thì phải chọn nhà máy thứ nhất dù giá thành điện của nhà máy đó cao hơn.
Vào thập niên 1980, khi chúng ta cần gấp điện thì chúng ta đã vất vả xây các nhà máy Hòa Bình và Trị An. Công suất nhà máy Hòa Bình vượt nhu cầu điện hồi đó ở ngoài Bắc và chúng ta đã phải xây gấp đường cao thế 500 kV để tải điện vào Nam. Nhờ những công trình đó mà bây giờ chúng ta có điện với giá phải chăng và có một mạng cung cấp điện ổn định. Nhưng, vào những năm đó, nếu chúng ta dùng vốn và công lao cho những dự án này để xây ngay hai ba nhà máy nhiệt điện và có ngay điện thì chúng ta đã có thể thỏa mãn nhu cầu điện ở thời điểm đó và người dân lúc đó đỡ phải chịu khổ một cách vô ích.
Một công trình thủy lợi còn có nhiều chức năng khác chứ không vỏn vẹn chỉ sản xuất điện và hỗ trợ những ngành kinh tế tiêu thụ điện: cắt lũ, tưới tiêu chống hạn cho nông nghiệp, điều tiết mức nước cho giao thông đường sông, điều tiết nguồn nước sinh hoạt đô thị, dùng làm nơi du lịch giải trí, vân vân. Vận hành không tối ưu những chức năng đó là không tận dụng vốn đã dùng để xây dựng công trình. Hiện nay, khi vận hành một công trình, quan tâm chính của ta chỉ là sản xuất điện.
Cũng như mọi ngành kinh tế khác, ngành điện Việt Nam sinh ra ba nguồn phung phí sau đây :
(a) khởi công xây dựng công trình rồi bỏ không xây tiếp nữa để đưa vào hoạt động,
(b) việc xây dựng công trình chậm tiến độ,
(c) công trình đưa vào hoạt động nhưng không đạt hay không sử dụng hết công suất lắp đặt.
Khi ngưng xây dựng một công trình thì mất toi vốn đã bỏ ra từ khi nghiên cứu xây dựng cho tới ngày ngưng dự án. Khi một công trình chậm tiến độ thì tỷ số lợi nhuận của dự án giảm vì lãi vay trong thời gian xây dựng tăng và những ngành kinh tế khác sản xuất kém do thiếu điện trong khoảng thời gian chậm trễ. Khi một công trình không tận dụng công suất lắp đặt thì vốn đầu tư đã không được dùng một cách tối ưu vì một phần đã được đầu tư vào những hạng mục vượt quá nhu cầu.
Thỉnh thoảng, khi có một vụ tai tiếng hay khi sắp họp đại hội Đảng thì có một quan chức ra lệnh điều tra làm rõ trách nhiệm liên quan đến những dự án đã phải hủy bỏ, chậm tiến độ, không tận dụng công suất thiết kế hay có vấn đề. Và thường thì người ta chỉ được biết tin có lệnh điều tra nhưng không nghe thấy kết luận và quyết định cải tạo của người đã ra lệnh điều tra là gì.
Xin đọc tiếp/tải về nội dung toàn bài viết qua dạng PDF với đường dẫn dưới đây:
Thuy dien va Viet Nam.pdf

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn