Vụ mất tích kỳ bí ở Trung Quốc

BBC Tiếng Việt - thứ bảy, 30 tháng 1, 2010
Michael Bristow
BBC News, Bắc Kinh

Cảnh sát nói LS Gao Zhisheng mất tích

Dư luận thêm lo ngại sau vụ một luật sư Trung Quốc được tin là bị bắt giữ nhưng không ai nhìn thấy gần một năm qua.
Các chính phủ nước ngoài kêu gọi giới chức Trung Quốc đưa ra tin tức về nhà hoạt động Gao Zhisheng (Cao Trí Thịnh).
Các nhóm nhân quyền nói đây là chuyện bất thường vì không có l̀ơi chính thức nào về chuyện ông Gao đang ở đâu và trong tình trạng nào.
Giới chức cho đến nay chỉ ra ngụ ý về chuyện ông đang ở đâu. Một phát ngôn nhân bộ ngoại giao nói ông "ở nơi cần ở".
Người luật sư này từ lâu là mục tiêu của chính phủ, vốn từng ngăn cản ông làm việc, đưa ông ra tòa và theo dõi mọi hành động.

'Đơn giản là bốc hơi'

Ông Gao biến mất hồi tháng Giêng năm ngoái, khiến các nhóm nhân quyền ngay lập tức quan ngại.
Ông xuất hiện ngắn ngủi tại nhà bố mẹ ở tỉnh Sơn Tây sau đó một tháng nhưng đi cùng với nhóm người được cho là nhân viên an ninh.
Ông Gao chỉ ở đó ngắn hạn rồi ra đi và sau đó không ai còn nhìn thấy nữa.
Người luật sư cũng gọi được điện thoại cho anh mình, ông Gao Zhiyi, vào mùa hè vừa qua, nói rằng ông yên ổn nhưng nói thêm là ông không tự do và không nói ông đang ở đâu.
Từ sau đó, không còn thêm tin tức gì về ông.
"Chúng tôi không có ý niệm gì về chuyện ông ấy đang ở đâu. Đơn giản là bốc hơi. Vốn là bạn của ông, chúng tôi rất lo lắng cho ông," lời một đồng nghiệp luật sư, Li Fangping.
Tôi hỏi cảnh sát em tôi đâu,
họ nói không biết
Gao Zhiyi

Ông Gao Zhisheng tự học về luật, và không phải lúc nào cũng đối đầu với giới lãnh đạo. Ông từng là đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc.
Năm 2001 ông được vinh danh là một trong số mười luật sư giỏi nhất nước trong một bản tin của Bộ tư pháp.
Nhưng ông gặp rắc rối khi bắt đầu bào chữa cho các nhóm người bị thiệt thòi nhất, ví dụ như là những người ủng hộ phong trào tinh thần bị cấm Pháp Luân Công.
Văn phòng luật của ông bị đóng cửa năm 2005. Chính phủ nói lý do là vì ông không báo cáo việc thay đổi địa chỉ.
Một năm sau đó ông bị tuyên án tù treo về tội "kích động lật đổ".
Gia đình bỏ trốn

Sau đó, ông cùng gia đình - ông có vợ và hai con - bị chính quyền theo dõi thường xuyên. Thậm chí ông còn bị bắt một lần nữa vào tháng Chín năm 2007.
Ông nói bị tra tấn trong lúc bị giam giữ.
Những người bắt giữ ông đã đánh bằng roi điện, dí thuốc lá sát vào mắt và khủng bố tinh thần trong hơn 50 ngày, ông nói.
"Nhiều tội ác khủng khiếp đã được thực hiện đến mức xấu mặt nếu ghi vào lịch sử các chính phủ trên thế giới," ông nói trong một sự kiện được tổ chức sau lần bị bắt giam mới nhất.
Vợ và con ông Gao đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc hồi năm ngoái, hiện sống ở Hoa Kỳ nhưng người thân vẫn còn ở Trung Quốc với hi vọng tìm được nơi ông đang ở.
Anh của ông lên Bắc Kinh hồi tháng Mười Hai và tìm được một cảnh sát có liên quan đến vụ việc.
Với chế độ cảnh sát kiểm tra ngặt nghèo thì không ai có thể mất tích được
Teng Biao


"Tôi hỏi viên cảnh sát em tôi đâu, họ nói không biết. Họ nói ông mất tích từ tháng Chín," Gao Zhiyi nói với BBC.
Câu nói đó đã khiến gia đình và bạn bè người mất tích lo lắng.
"Chuyện không thể nào có người mất tích trong đất nước được cảnh sát kiểm soát chặt chẽ như ở đây," lời Teng Biao, một người bạn khác của Gao Zhisheng.
"Tôi suy nghĩ không biết anh vẫn còn bị cảnh sát giam hay chuyện gì khác có thể đã xảy ra."
Chỉ trích nhân quyền

Các chính phủ nước ngoài cũng tiếp tục gây sức ép đòi Trung Quốc tiết lộ thông tin về nơi chốn của người đàn ông nổi tiếng ở nước ngoài.
"Hoa Kỳ rất lo ngại về an toàn và sức khỏe của Gao Zhisheng và chúng tôi đã liên tục nêu quan ngại của mình ở Washington và Bắc Kinh," lời một phát ngôn nhân đại sứ quán Hoa Kỳ ở thủ đô Trung Quốc.
Các phóng viên cũng đưa câu hỏi trong các buổi họp báo thường xuyên do bộ ngoại giao tổ chức - mặc dù các câu trả lời không đưa ra được ánh sáng gì cho câu chuyện này.
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Mã Triều Húc đầu tiên nói rằng ông Gao ở nơi ông nên ở. Hôm thứ Ba ông lại nói không biết ông Gao đang ở đâu.
Tất cả điều đó đều bất thường, ngay cả trong một đất nước thường xuyên bị chỉ trích vì vấn đề nhân quyền.
Nicholas Bequelin từ Human Rights Watch nói gia đình hoặc cơ quan thường được thông báo khi có người bị bắt.
Ông nói những người bị nhà nước Trung Quốc giam giữ có quyền nhận thư và gặp luật sư. Nhưng điều đó không xảy ra trong vụ của ông Gao.
Ông nói thêm: "Thường khi gặp sức ép quốc tế đến mức này thì chính quyền sẽ đưa người đó ra xét xử, nhưng điều đó đã không xảy ra, cho nên có chuyện gì đó xấu."

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn