Đàn Âm hồn – Đài liệt sĩ chống ngoại xâm đầu tiên của nước Việt mà nay ta còn biết

Cù Huy Hà Vũ


Dù không muốn cũng phải khẳng định rằng lịch sử Việt Nam trước hết là lịch sử của các cuộc chiến tranh ái quốc. Từ mấy ngàn năm nay, biết bao người con nước Việt đã ngã xuống vì Xã tắc và họ xứng đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh. Nếu như ta dễ dàng nhận thấy sự tôn vinh ấy của nhân dân trong quá khứ phong kiến qua các đền thờ, miếu thờ các liệt sĩ – nhân thần có khắp trên mọi miền đất nước thì dễ mấy ai biết được Nhà nước quân chủ Việt Nam cũng đã tưởng niệm những thần dân số 1 ấy bằng cả một công trình bề thế: Đàn Âm hồn, do Vua Thành Thái cho lập tại Huế năm 1894 để ghi nhận sự hy sinh của hàng ngàn quân dân trong các trận đánh cuối cùng chống quân Pháp vào ngày Kinh đô thất thủ, 5/7 (23/5 Âm lịch) 1885. Và từ đó cho đến 1975, Đàn Âm hồn luôn được chế độ cũ trân trọng, duy trì bằng ngân khố quốc gia. Đáng tiếc là ngay sau khi đất nước đã liền một giải thì Đàn Âm hồn lại bị chính quyền mới ở Thừa thiên – Huế phá tan, thậm chí chia lô để phân cho quan chức của tỉnh. Càng thấy, sự lóa mắt trước đất đai vốn là sở hữu của toàn dân đã khiến một số kẻ có vai vế trong hàng ngũ quan chức cộng sản hiện nay – và chỉ có quan chức cộng sản, vốn từ khố rách áo ôm mà lên chứ không ai khác – đã không từ một thủ đoạn trắng trợn nào, từ việc dẫm đạp lên anh hồn các bậc tiên liệt từng hiến thân vì nước, đến việc đày vào ngục tối cả những người anh hùng đã vì lý tưởng cộng sản mà tự nguyện thí nghiệm đưa nông dân lên con đường tập thể xã hội chủ nghĩa như anh hùng Trần Thị Ngọc Sương. Ôi! Họ đang làm cho người xem cười phá lên khi nghĩ đến câu nói tiên tri của ông Mác: người ta sẽ sử dụng tiếng cười (tức là chứng kiến rất nhiều tấn kịch bi hài từ nay) mà tiễn đưa quá khứ.
Cách đây 5 năm, 2005, TS Luật Cù Huy Hà Vũ trong chuyến thăm Đồi Vọng Cảnh sau khi đã thành công trong việc giành lại di sản văn hóa này từ dự án xây khách sạn của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế bằng một vụ kiện chính quyền cấp tỉnh chưa từng có ở Việt Nam, đã phát hiện Đàn Âm hồn là Đài liệt sĩ chống ngoại xâm đầu tiên của Nước Việt và là công trình tưởng niệm liệt sĩ cấp quốc gia duy nhất được lập dưới triều đại phong kiến. Thế là, vẫn lại “đơn thương độc mã” như trong trận đánh “Đồi Vọng Cảnh” ngay trước đó, chỉ có khác lần này bằng một nghiên cứu nghiêm túc với nhiều phát hiện sử học: “Đàn Âm hồn – Đài Liệt sĩ chống ngoại xâm đầu tiên của Nước Việt” đăng tải trên khá nhiều tờ báo trong nước cùng với những kiến nghị quyết liệt gửi giới hữu trách từ trung ương tới địa phương, Cù Huy Hà Vũ một lần nữa lại làm ta ngạc nhiên thích thú: Chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế cuối cùng chịu khuất phục, phải chuyển quan chức được phân “lô” đi chỗ khác và trả lại cho Đàn Âm hồn diện tích và giá trị vốn dĩ của nó!
Theo một nghĩa nào đó, Cù Huy Hà Vũ đã giành lại được “nơi ăn chốn ở” cho cả ngàn liệt sĩ. Nếu nói như những người lâu nay đang tìm con đường tiếp cận với thế giới tâm linh, rằng ông Vũ được“âm binh” phù trợ hẳn cũng không phải không có lý!
Trước tình thế Nước ta đang đối diện với họa xâm lăng mới từ phương Bắc, BVN xin giới thiệu lại bài nghiên cứu này của tác giả Cù Huy Hà Vũ như một lời nhắc nhở: Để mất nước chẳng những có tội đối với người đang sống và sẽ sống, mà trước hết, có tội đối với tất thảy những anh hồn tiên liệt đã ngã xuống vì Tổ quốc!
Bauxite Việt Nam


Kinh đô thất thủ và Đàn Âm hồn
 Ngày ấy cách đây tròn 2 năm, quay lại thành phố Huế cùng với Nguyễn Thị Dương Hà vợ tôi gốc Thành Nội, sau khi thăm đồi Vọng Cảnh trong bối cảnh của cuộc “nội chiến” vì sự tồn vong của di sản văn hóa này vừa kết thúc, tôi thấy hầu như trên hè phố nào cũng bày bàn cơm cúng. Hỏi ra mới biết đó là “Lễ cơm chung” cúng vong hồn chiến sĩ và đồng bào hy sinh trong những trận đánh cuối cùng chống quân viễn chinh Pháp với sự tham gia của 12.000 quân Triều đình và 1.200 khẩu thần công do Tôn Thất Thuyết chỉ huy trong ngày 5/7/1885 (23/5 Ất Dậu) – ngày Kinh đô Huế thất thủ trước quân xâm lược.

Trong tác phẩm Người Pháp và người Annam là bạn hay thù? (NXB Denoel 1998), nhà sử học Philippe Devillers thuật lại: “11 giờ ngày 5-7-1885, Roussel de Courcy, tướng chỉ huy đội quân viễn chính Pháp tại Việt Nam, điện cho Chính phủ Pháp [tuyên bố]: “Ngôi thành đã ở trong tay chúng ta cùng với 1.100 khẩu đại bác. Quân đội chúng ta tuyệt vời. Thương vong không đáng kể”…Tướng Prudhomme báo cáo: “Xác của 1.500 người Annam cho thấy những thiệt hại của kẻ thù ít nhất cũng phải gấp đôi thế, vì theo tập quán họ đã mang đi rất nhiều, và mang tất cả những người bị thương đi, vì họ sợ chúng ta sẽ cắt xẻo hay đối xử tàn nhẫn…”
Đúng là may mắn vì đây là ngày cuối cùng của lễ cúng kéo dài cả tuần, từ 23 đến 30/5 âm lịch. Và cũng đúng là may mắn vì lần đầu tiên trong đời tôi mới có dịp chiêm nghiệm cái não nùng của Vè thất thủ Kinh đô cạnh cái da diết của Phụ tử tình thâm xứ Nghệ-Tĩnh mà bác Xuân Diệu tôi đã ru tôi cách nay mấy mươi năm, cái não nùng đã được Huy Cận cha tôi ghi lại trong Phố Đông Ba của tôi ngày bé: “Cuối phố gốc cây, chiều chủ nhật / Là ông xẩm chợ với hai con / “Kinh đô thất thủ” vè quen thuộc / Lớn, nhỏ ngồi nghe nặng trĩu hồn”. Vậy là tôi đến thẳng Đàn Âm hồn, nay chỉ còn là phế tích tại 24 Ông Ích Khiêm thuộc phường Thuận Hòa, thành phố Huế.
Đây là một trong ba công trình phục vụ tế lễ do Triều đình nhà Nguyễn lập ra: Đàn Nam giao để tế Trời, Đàn Xã tắc để tế Đất và Đàn Âm hồn để tế vong hồn những người hy sinh vì nước trong ngày Kinh đô thất thủ. Đàn Âm hồn nằm trên khu đất rộng khoảng 1.400 m2, sát Cửa Nhà Đồ (Cửa chính Nam), chỉ cách Cung Diên Thọ, Hiển Lâm Các có 100m…
Tài liệu xưa nhất cho đến lúc này về Đàn Âm hồn là trong bài Lễ hội ở Huế (Les Fêtes à Hué) của R.Orband đăng trong Bulletin des amis du Vieux Hue (BAVH – Tập san Đô thành hiếu cổ) số 2 năm 1916: “Ở Kinh thành vào ngày 24/5 có một buổi lễ đơn giản nhưng rất cảm động: đó là lễ tưởng niệm những âm hồn (âmes abandonnées). Người dân ở đây kể lại rằng sau những trận đánh diễn ra ở Huế vào năm 1885, ngày 5/7 (23/5 Âm lịch), những hồn người chết trở thành những bóng ma gây nên những đám cháy bởi vì họ không được ai thờ cúng. Vậy nên vào năm 1894, Bộ Lễ đã cho lập một cái đàn nhỏ gần cửa Quảng Đức, hàng năm cứ vào ngày giỗ, người ta lập những bàn thờ bày đồ cúng tế những vong hồn của những nạn nhân chiến tranh. Quan Đề đốc hộ thành làm chủ tế. Trong buổi tưởng niệm, người ta có đọc một bài tế ngắn”. Còn theo dân gian thì lễ tế được tổ chức rất trọng thể, bao giờ đồ tế cũng gồm một trâu cậu (trâu lớn) và 9 con bò, chưa kể heo, gà và hoa quả. Sau lễ tế của Triều đình thì dân chúng vào cúng bái.
Như vậy Đàn Âm hồn gắn liền với sự kiện Kinh đô thất thủ và do Nhà nước (quân chủ) lập ra. Còn tại sao theo tài liệu này thì Đàn Âm hồn ở gần Cửa Quảng Đức trong khi trên thực tế lại gần Cửa Nhà Đồ là vì ngày xưa người ta lấy Hoàng thành làm trung tâm, mọi công trình chung quanh được nhìn từ cửa gần Hoàng  thành nhất mà ở đây là Cửa Quảng Đức.
Tài liệu gốc thứ hai là Bản đồ Kinh thành Huế cũng in trong BAVH, số 1-2 1933. Trong Bản đồ này, Đàn Âm hồn là di tích cổ số 270 với chú thích của cha đạo Léopold Cardière: “Nền đất đắp thờ âm hồn (tertre des Âmes abandonnées), Âm hồn đàn thuộc phường Huệ An, nơi xưa kia có các trại lính Thần cơ – pháo binh”.
Đàn là nơi tế lễ lộ thiên. Cho nên cũng như Đàn Nam giao và Đàn Xã tắc, Đàn Âm hồn thoạt kỳ thủy không có kiến trúc mái che, chỉ có nhiều bệ thờ bằng đất đắp (sau thì xây) trong đó bệ thờ chính rộng khoảng 50m2 làm nơi bày bàn thờ cúng. Rồi bệ thờ chính được xây tường bao quanh và làm mái che, trở thành ngôi đền trong đó có đặt bài vị ghi danh các chiến sĩ đã hy sinh trong ngày Kinh đô thất thủ (bài vị này tồn tại cho đến khi xảy ra các trận đánh vào năm Mậu Thân 1968). Sau này, Triều đình cho làm thêm một ngôi nhà ba gian để giữ đồ cúng gọi là tự khí và các tài liệu liên quan đồng thời cắt một đội quân nhỏ để coi sóc chung cho cả Đàn. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ngôi nhà ba gian bị phá hủy (có thể do chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”) nhưng ngôi đền thì còn nguyên cho đến năm 1987.
Vậy là thời điểm ra đời và vị trí của Đàn Âm hồn đã được xác định. Vấn đề tiếp theo là lý giải tại sao Đàn không được Triều đình lập ngay sau khi Kinh đô thất thủ mà phải đợi đến gần 10 năm sau và tại sao doanh trại cũ của lính Thần cơ (sử dụng Thần công) lại trở thành Đàn Âm hồn?
Sau khi vua Hàm Nghi lên núi kháng chiến thì Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi. Như vậy, dưới Triều của ông vua này (Đồng Khánh chết vào đầu năm 1889), nhất là khi Nguyễn Hữu độ, viên quan “đại Việt gian” quyền thế nhất Triều vẫn còn sống (chết năm 1888), thì không thể có chuyện có một công trình gì đó, chứ chưa nói tới cấp Nhà nước, khả dĩ khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần chống Pháp được dựng lên. Vì vậy, Đàn Âm hồn chỉ có thể được lập ra dưới Triều Thành Thái, vị vua thương nòi, có tư tưởng chống Pháp rõ rệt. Người đời vẫn truyền tụng bài Thương dân của ông: “Quan võ quan văn vui với cẩm bào / Ta ngôi thiên tử mà cô đơn / Uống ba chén rượu hoàng cung như uống máu quần chúng / Uống một tách trà tiếu như uống mồ hôi trăm họ / Nước mưa trên trời như nước mắt trăm họ / Tiếng hát trong cung càng cao, tiếng khóc ngoài đời càng cao / Việc can qua (thế sự) ta chưa bàn / Đường cứu quốc phó cho ai đây” (cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai Hồ Chủ tịch ghi, Sơn Tùng dịch).
Với tư tưởng như thế, năm 1916, Thành Thái bị Pháp buộc thoái vị và bị đưa đi đày ở đảo Réunion (châu Phi). Tuy nhiên, khi Thành Thái lên ngôi vua vào năm 1889, ông mới chỉ có 10 tuổi nên ý thức mất nước khó có thể có sớm mà phải đợi đến khi ông bước vào tuổi trưởng thành. Năm 1894 là năm Thành Thái sang tuổi 15 cộng với vai trò của Phụ chính đại thần lúc đó là Nguyễn Trọng Hợp, người từng đề nghị đưa Hàm Nghi về làm vua sau khi Đồng Khành chết, nên ngày Quốc hận mới có cơ được chính thức hóa bằng việc lập Đàn Âm hồn. Tất nhiên Triều đình không thể công khai ý nghĩa của việc lập Đàn mà thay vào đó phải tìm một lý do nào đó để không gây phản ứng từ phía chính quyền thực dân. Như tài liệu của R ORBAND đã dẫn, lập Đàn là để những người chết trận trong ngày Kinh đô thất thủ có chỗ nương thân mà không gây hỏa hoạn trong Kinh thành nữa. Về phía Pháp, chắc chắn không phải không biết lý do thực của việc lập Đàn nhưng một mặt họ cho rằng vào thời điểm đó tình hình đã được “bình định”, mặt khác cũng muốn làm dịu tinh thần chống Pháp vẫn âm ỉ trong người dân Huế nên đã nhắm mắt làm ngơ!
Không nghi ngờ gì nữa, Đàn Âm hồn là Đài liệt sĩ chống ngoại xâm đầu tiên của Nước Việt mà nay ta còn biết được. Chắc chắn lễ tế hàng năm được tổ chức nơi đây là cội nguồn của “Văn tế cô hồn 23/5 ở Kinh thành Huế” của nhà chí sĩ Phan Bội Châu khi cụ bị giam lỏng ở Bến Ngự (1925-1940). Nhân nói đến cụ Phan, tôi nhớ lại bác Xuân Diệu tôi và mẹ tôi, Ngô Thị Xuân Như, thường kể rằng ông ngoại tôi, cụ Hàn Ngô Xuân Thọ, cứ mỗi lần dẫn học sinh từ Collège (Trường trung học) Qui Nhơn đến Huế tham quan vào dịp hè, lại xuống thuyền đàm đạo với Ông già Bến Ngự. Không biết nói với nhau những gì nhưng chắc chắn Nhục mất Nước gắn liền với Kinh đô thất thủ là tâm sự lớn của hai cụ. Điều này giải thích vì sao một con người mơ màng như Xuân Diệu lại có thể cùng một Huy Cận mơ màng không kém trở thành “thủ lĩnh”, dẫn đầu học sinh Quốc học đón phái đoàn của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp do Bộ trưởng Godart dẫn đầu đến Huế tháng 4 năm 1937 như một hành động chống chính quyền thực dân mà sau sự kiện này, cả hai ông đều bị cắt học bổng và suýt bị đuổi học vĩnh viễn nếu không có sự bênh vực của những người thầy có lương tri.
Còn tại sao Đàn Âm hồn lại được lập trên nền doanh trại cũ của lính Thần cơ? Có thể có nhiều cách giải thích. Trước hết là sau biến cố 23/5, Kinh thành đã bị chiếm thì chức năng bảo vệ thành bằng hỏa lực mạnh (thần công) cũng mất theo nên đơn vị này hẳn bị “xóa sổ” dẫn đến doanh trại bị bỏ hoang. Bên cạnh đó, hầu hết những người chết trong trận chiến cuối cùng là các binh sĩ Triều đình nên doanh trại cũ hẳn là nơi thích hợp nhất để tưởng niệm họ. Bài vị ghi danh các chiến sĩ hy sinh là bằng chứng không thể phủ nhận. Và cũng không loại trừ khả năng nơi đây đã là một trong những điểm chôn các binh sĩ tử trận. Ngoài ra, việc Ty Lý thiện chuyên phục vụ các cuộc tế lễ của Triều đình ở ngay bên trái doanh trại cũng có thể thêm một lý do để Triều đình chọn địa điểm này làm nơi tế các tử sĩ.
Điều đáng chú ý là theo Bản đồ Kinh thành Huế do cha đạo Léopold Cardière lập thì ngoài Đàn Âm hồn ở phường Huệ An, còn có tới 5 Đàn Âm hồn khác (làng Phú Xuân, phường Tri Vụ, phường Phú Nhơn, phường Vĩnh An, phường Thuận Cát). Thực ra, chỉ có Đàn Âm hồn do Triều đình lập ở phường Huệ An mới đúng nghĩa là Đàn vì có kiến trúc lộ thiên trên diên tích rộng gần 1.500 m2 (tương tự như các Đàn Nam giao, Xã tắc). Điều này giải thích tại sao R.Orband chỉ nhắc tới một Đàn Âm hồn do Bộ Lễ lập ra. Còn lại là các miếu Âm hồn do dân các phường tự lập ra trên diện tích tối đa khoảng 100 m2. Cũng cần nói rằng có Đàn Âm hồn do Triều đình lập thì dân mới có “cơ sở pháp lý” để hợp pháp hóa tưởng niệm liệt sĩ bằng lập miếu và tổ chức “lễ cơm chung” ở  phường mình. Nói cách khác, miếu Âm hồn là Đàn Âm hồn thu nhỏ nên cùng bảng giá trị với Đàn. Còn theo cách nói thời thượng thì miếu là một hình thức “xã hội hóa” Đàn.
Huy Cận cha tôi trong hồi ký Song đôi đã hồi tưởng về Miếu Âm hồn trên đường Âm hồn thuộc phường Phú Nhơn (Ngã tư Mai Thúc Loan – Lê Thánh Tôn thuộc phường Thuận Lộc bây giờ) cách nay trên 70 năm như sau: “Người ta bảo miếu được lập trên một ngôi mộ chung chôn nhiều người tử trận. Thường cứ rằm tháng Bảy âm lịch là có giỗ cúng âm hồn, không ai bảo ai mà nhiều nhà đem cơm và trứng luộc và xôi đến cúng. Trên mỗi bát cơm có cắm một chiếc đũa mà trên có vót ngược lên thành một cái ngù, tượng trưng cho vũ khí của những người tử trận, theo lời dân gian kể. Mọi người đều bảo miếu âm hồn thiêng lắm. Thực dân Pháp biết đó là miếu thờ những người tử trận chống Pháp nhưng làm ngơ, không dám đụng chạm đến. Có vài vị quan, không biết vì lòng yêu nước, hay vì muốn lấy lòng dân mà đến ngày rằm tháng Bảy cũng cho vợ con đem cơm xôi đến cúng miếu âm hồn. Và cụ Ngáo là người đao phủ của Triều đình, và của chính quyền Pháp nữa, mỗi lúc được lệnh thi hành án một án chém thì cụ cũng đến miếu âm hồn [cầu xin] xá tội cho cụ… Các bà mẹ ở Huế muốn dọa con trẻ thì cứ nói: “Im ngay, không thì tao mời cụ Ngáo đến!”. trẻ con chẳng biết gì, cứ nghe tên cụ Ngáo thì sợ. Nhưng cụ Ngáo lại rất sợ miếu âm hồn”.
Điều đáng lưu ý là ngôi nhà tại Huế (hiện là số 112 đường Mai Thúc Loan) nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã ở cùng cha mẹ từ 1895 cho đến khi bà Hoàng thị Loan mất vào năm 1901, chỉ cách miếu này có 100 m. Chắc chắn chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, bên cạnh tinh thần chống Pháp của người cha, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đã được nhen nhóm từ những lễ tế các liệt sĩ trong ngày Kinh đô thất thủ tại chính Miếu Âm hồn. Miếu này nay vẫn còn, vàng son đẹp đẽ,  nhưng đáng tiếc là duy nhất còn lại bởi những miếu Âm hồn khác đã bị cơn lốc “bài trừ mê tín dị đoan” do chính quyền phát động cuốn sạch bách vào năm 1985.
Đàn Âm hồn – Di tích quốc gia đặc biệt
Như vậy, Đàn Âm hồn đã vượt ra ngoài phạm vi công trình Nhà nước (quân chủ) duy nhất trên cả nước đánh dấu ngày Kinh đô thất thủ để trở thành Đài Liệt sĩ đầu tiên biểu trưng cho chủ nghĩa yêu nước – chống giặc ngoại xâm của Nước Việt. Cùng với các đền, miếu âm hồn trong kinh thành Huế, Vè thất thủ Kinh đô (sáng tác của dân gian), Hạnh thục ca (sáng tác của Nguyễn Nhược Thị Bích, một trong những bà Phi của vua Tự Đức), Đàn Âm hồn đã tạo thành một bức Trường thành vô hình bao vây quân giặc. Cũng không nghi ngờ gì nữa, lễ cúng âm hồn 23/5 Âm lịch, tổ hợp Tín ngưỡng – Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành ngày Quốc Hận của người xưa, nét văn hóa đặc trưng của Huế nay. Và trong cái nét văn hóa này không thể không nhắc đến đóng góp của các Phổ, mà trước hết của Phổ Phước Lợi.
Phổ là tổ chức tự nguyện của dân có mục đích lo chuyện cúng tế tại miếu âm hồn trong phường mình trong khi việc cúng tế tại Đàn Âm hồn do Triều đình đảm nhiệm. Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ vào năm 1945, một số viên chức cũ của Triều đình như ông Nhất Lang (Nhất đẳng thị vệ), ông Nhị Lang (người theo Thiên chúa giáo), bà Đinh Thị Chất (phụ trách Hương thiện trong cung đình), ông Nguyễn Dục, ông Nguyễn Đức Trọng cùng với các bô lão nhân sĩ ở các phường Huệ An, Thuận Cát, Tri Vụ như ông Phan Hữu Dực, ông Ưng Đồng, ông Hoàng Bằng cùng cư dân đã lập ra Phổ Phước Lợi để duy trì việc cúng tế hàng năm tại Đàn Âm hồn. Lúc thành lập Phổ, có gần 100 gia đình tham gia.
“Bộ máy” của Phổ gồm: Trưởng Phổ, Phó Trưởng Phổ, thư ký, kế toán và liên lạc, nghĩa là vừa đủ, không thừa mà cũng không thiếu. Trong 60 năm qua đã có 4 đời Phổ trưởng (Phổ trưởng hiện nay là ông Trần Phú Thuận). Để tránh tai mắt của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, Phổ dời địa điểm cúng tế từ Đàn Âm hồn về khu vực “Giỏ Canh” thuộc khu vực Tả Tam (ngã tư Lê Huân – Thạch Hãn bây giờ) và lễ cúng tế được lùi lại một ngày, tức 24/5 Âm lịch. Tuy phải di chuyển địa điểm và thời gian như vậy, nhưng đến ngày cúng tế hàng năm, Phổ đều đội lễ phẩm lên cáo tại Đàn rồi mới về “Giỏ Canh”. Sau năm 1954, phường Thuận Hòa cử người làm thủ từ và Phổ Phước Lợi từ đó phối hợp với các thủ từ để tổ chức cúng tế tại Đàn cho đến khi hai gia đình thủ từ Nguyễn Yến và Cao thị Nga bị trục xuất và bệ thờ bị đập phá vào năm 1987 nhằm phục vụ cho mục đích hắc ám mà dưới đây sẽ đề cập. Mặc dầu vậy, bà con trong Phổ vẫn âm thầm cúng bái. Đến năm 2002, Phổ chủ động khôi phục cúng tế ngay tại Đàn và từ đó đến nay, việc cúng tế đã được đông đảo bà con gần xa, nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà sư, giáo dân… thành tâm hưởng ứng. Không nghi ngờ gì nữa, với sự tham gia của người dân đủ mọi tầng lớp, tín ngưỡng khác nhau, từ viên chức cũ cùa Triều đình cho đến các đảng viên cộng sản, Phổ Phước Lợi thực sự là nơi hội tụ lòng yêu nước của người dân Cố Đô, một Mặt trận Tổ quốc theo đúng nghĩa đen của từ này.
Nếu như giá trị lịch sử của Đàn Âm hồn là không thể phủ nhận thì vấn đề đặt ra là làm cách nào để giá trị đó được bảo tồn và hơn thế nữa, phát huy một cách xứng đáng. Hỏi tức trả lời: trước hết Đàn phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận là di tích lịch sử theo pháp luật hiện hành về di sản văn hóa. Thế nhưng cho đến giờ phút này điều đáng phải xảy ra lại đã không xảy ra. Phải chăng Đài liệt sĩ chống ngoại xâm đầu tiên ấy của nước Việt không đáp ứng nổi các tiêu chí của di tích lịch sử?
Trước hết phải khẳng định rằng lịch sử là tự thân, không lẽ gì một dấu tích đặc trưng của một biến cố lịch sử đau thương của Dân tộc, hơn thế nữa luôn trụ vững trong lòng người dân Cố đô cả trăm năm nay, lại không thể là một di tích lịch sử. Theo logic này thì việc công nhận rõ ràng chỉ còn là vấn đề thời gian. Thế nhưng điều mà người viết bài này muốn bàn tới là Đàn Âm hồn trên thực tế đã được công nhận là di tích lịch sử bởi 3 văn bản sau: Quyết định số 99 QĐ ngày 19/5/1976 của UBND cách mạng Bình-Trị-Thiên tạm thời xác nhận các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và danh thắng để bảo vệ, Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh  năm 1984 và Luật di sản văn hóa năm 2002.
Di tích đứng số 1 trong danh sách ban hành kèm theo Quyết định 99 QĐ là Kinh thành và Trần Bình Đài (Đồn Mang Cá). Phần thuyết minh giá trị của Kinh thành ghi rõ: “Tại Kinh thành này đã diễn ra vụ tàn sát đẫm máu của thực dân Pháp đối với gần 2000 nhân dân trong ngày 22 và 23 Âm lịch 1885, Ngày Kinh thành thất thủ”. Như vậy, sự kiện dân bị tàn sát trong ngày Kinh thành thất thủ là tiêu chí để liệt hạng di tích thì không có lý do gì mà Đàn Âm hồn – hiện thân của sự kiện đau thương đó – lại không phải là di tích. Nói cách khác, chỉ có phủ nhận được sự kiện dân chúng bị tàn sát trong ngày Kinh đô thất thủ thì mới có thể phủ nhận Đàn Âm hồn. Bản thân câu “Tạm thời xác nhận” có nghĩa mới thống kê bước đầu, chứ chưa thống kê hết các di tích hiện có (chưa nói đến di tích còn ẩn, chưa được phát hiện), chứ tuyệt nhiên không có nghĩa di tích của Cố đô chỉ có ngần ấy thôi. Bằng chứng là số lượng di tích, danh lam thắng cảnh ở Thừa Thiên – Huế từ 35 theo Quyết định trên đã tăng lên 153 theo Quyết định số 1046-QĐ/UBND ngày 8/10/1993 của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đối chiếu với Điều 1 của Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh (di tích lịch sử, văn hóa là những công trình xây dựng, địa điểm có giá trị lịch sử cũng như có giá trị văn hóa khác hoặc có liên quan đến những sự kiện lịch sử và mọi di tích lịch sử, văn hóa đều được Nhà nước bảo vệ), rõ ràng Đàn Âm hồn đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí của một di tích lịch sử. Vì thế Quyết định ngày 8/10/1993 của UBND tỉnh Thừa thiên – Huế không đưa Đàn Âm hồn vào danh mục các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh bảo vệ đợt 1 rõ ràng là thiếu sót. Tuy nhiên Quyết định này không phủ nhận Đàn Âm hồn. Thực vậy, danh mục chỉ bao gồm những đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ mà thôi. Ngược lại, theo qui định tại Điều 7 và Điều 8 Pháp lệnh thì UBND tỉnh TT-H phải lập hồ sơ mọi đối tượng có dấu hiệu như qui định ở Điều 1 để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT) công nhận di tích, danh lam, thắng cảnh. Suy cho cùng, Danh mục kèm theo Quyết định không phải là các hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa theo Điều 7 và Điều 8 nêu trên nên cũng chưa phải là các di tích, danh lam, thắng cảnh theo nghĩa được pháp luật công nhận. Nói cách khác, địa vị pháp lý của các đối tượng trong Danh mục cũng không hơn gì Đàn Âm hồn, cũng đều chưa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa công nhận (trừ các đối tượng đã được công nhận riêng lẻ trước đó).
Đối chiếu với Điều 28 Luật Di sản văn hóa (Di tích lịch sử – văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước), Điều 14.3.a Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa (Di tích quốc gia đặc biệt bao gồm công trình, địa điểm gắn với những sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc…), Kinh đô thất thủ rõ ràng là sự kiện lịch sử tiêu biểu hay sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc (biến cố lịch sử). Như vậy, với Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành, Đàn Âm hồn tiếp tục đáp ứng tiêu chí của di tích lịch sử và hơn thế nữa, của di tích quốc gia hạng đặc biệt. Trường hợp này, theo qui định tại Điều 31.2 Luật Di sản văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin sẽ lập hồ sơ Đàn Âm hồn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Cụ thể hơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) yêu cầu UBND tỉnh cung cấp đầy đủ mọi tài liệu, chứng cứ, thông tin liên quan đến Đàn Âm hồn cũng như thực hiện các biện pháp bảo vệ nguyên trạng Đàn Âm hồn. Ngay cả khi Bộ Văn hóa – Thông tin chưa yêu cầu thì Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa thiên – Huế cũng phải có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế bảo vệ nguyên trạng Đàn Âm hồn vì địa điểm này có đầy đủ dấu hiệu của di tích lịch sử như đã chứng minh.
Bên cạnh đó cũng cần phải khẳng định rằng pháp luật về di sản văn hóa được thiết lập là nhằm bảo vệ nghiêm ngặt và nhất là nhằm tạo điều kiện phát hiện, bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị vốn có của di tích chứ không phải để loại bỏ di tích, không phải là cái sàng để cục to thì mắc lại, hạt nhỏ thì vứt đi. Nói cách khác, xếp hạng di tích về cơ bản là xác định mức độ quan trọng của di tích để định ra các biện pháp bảo tồn và phát huy tương ứng chứ không đồng nghĩa với việc phủ nhận giá trị những di tích chưa được xếp hạng. Vì vậy, nói không phải là di tích vì chưa được xếp hạng là hoàn toàn ngụy biện trừ trường hợp đã lập hồ sơ nhưng cơ quan có thẩm quyền không xác nhận đó là di tích. Nhưng  ngay cả trong trường hợp sau, đối tượng không được công nhận di tích cũng chưa phải đã hết hy vọng được công nhận di tích vì còn có quy trình “tái thẩm” được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền cấp trên, y hệt như hệ thống tài phán của Tòa án.
Thế nhưng cái bia vĩ đại nhất đánh dấu biến cố đau thương nhất của Việt Nam ta trong lịch sử cận đại lại phải chịu một nỗi oan khuất tột cùng: đúng 100 năm sau ngày Kinh đô thất thủ, đến lượt Đàn Âm hồn “thất thủ”, nhưng lần này oái ăm thay, trước sự xâm lăng của chính người trong nước có quyền chức!
Thực vậy, năm 1985, cũng với cái cớ “bài trừ mê tín dị đoan” Đàn Âm hồn đã bị chính quyền sở tại “cải tạo” thành xưởng mộc để rồi bị một số cá nhân “đắm đò giặt mẹt”, liên tục “tùng xẻo” thành đất tư nhân mà cao trào là việc UBND tỉnh Thừa thiên – Huế cấp “sổ đỏ” 232 m2 đất của Đàn cho một quan chức Bưu điện tỉnh vào ngày 14/5/2000. Vậy là đối nghịch với sự “bảo thủ” rất đáng yêu, rất đáng trân trọng của người dân xứ Huế muốn duy trì truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương là sự ngoan cố chối bỏ lịch sử, ngoan cố đi ngược lòng dân của một số “quan” từ phường tới tỉnh Thừa Thiên – Huế. Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là bi kịch thời đại của Cố đô và cũng thật bất ngờ, con đường di sản Đồi Vọng Cảnh – Đàn Âm hồn lại dẫn tôi đến một con đường ngược chiều do những cái đầu bất chấp đạo lý, mê man tư lợi thiết kế: Con đường hủy diệt di sản từ Đàn Âm hồn đến đồi Vọng Cảnh.
Lịch sử là không thể đảo ngược! Đàn Âm hồn phải sớm được trả lại cho Kinh đô thất thủ, cho người dân xứ Huế và đồng bào cả nước và không chỉ thế, phải được phục dựng cho tương xứng Đài liệt sĩ chống ngoại xâm đầu tiên của Nước Việt trước khi mọi cái trở nên quá muộn!
Vả lại, không lẽ gì Miếu Âm hồn phường Thuận Lộc thì được duy trì một cách trân trọng mà Đàn Âm hồn – công trình tưởng niệm liệt sĩ cấp quốc gia – lại không đáng được phục sinh!
Như một nén nhang tưởng nhớ Đồng bào và Chiến sĩ Xưa - Nay trận vong vì Tổ quốc!

Thăng Long – Hà Nội 2007

CHHV

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn