Báo chí và cán cân quyền riêng tư-lợi ích công

Đoan Trang


Ở Anh, Mỹ, nếu báo chí chứng minh được rằng việc đưa thông tin xấu về cá nhân, tổ chức là vì lợi ích công thì đó chính là cái khiên “đỡ đòn” trước kiện tụng.

Hội thảo ngày 10-3 tại Hà Nội về chống xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức trên báo chí (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 11-3 đã thông tin) là lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra trên cơ sở luật học trước tình trạng ngày càng có nhiều tờ báo bị khiếu nại, kiện tụng. Ở Anh, luật chống xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín đã ra đời từ năm 1275, hai thế kỷ trước khi có máy in. Ngày nay ở phương Tây nói chung và Anh, Mỹ nói riêng, luật này vẫn hết sức đắc dụng.

Khi danh dự, uy tín trở thành cái khiên

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, người dân, đặc biệt là các tổ chức, cơ quan nhà nước bắt đầu ý thức được về tình trạng báo chí lạm dụng thông tin để xúc phạm. Điều đáng nói ở đây là một xu hướng ngược lại cũng đang diễn ra: Cá nhân và tổ chức liên quan bị báo chí đưa tin lại lạm dụng việc kiện bôi nhọ danh dự, xâm phạm đời tư để “trừng trị” báo chí. Nói như ông Mai Phan Lợi (báo Pháp Luật TP.HCM), những quy định về chống xâm phạm cuối cùng lại biến thành chỗ náu thân cho một số người tránh được sự giám sát của công luận, nhất là những người được cho là “người của công chúng”.



Trong khi đó, nếu cầm một tờ báo hằng ngày của phương Tây, nhất là loại báo “lá cải” chỉ nhằm đưa tin về các “sao”, có thể thấy chi chít tin về đời tư, ảnh “sao xấu”, chuyện “tình non” của Demi Moore hay biểu hiện ngoại tình của Brad Pitt. Tin đời tư các quan chức hoặc nhân vật chính trị cũng bị phơi lên mặt báo.

Không chỉ xâm phạm đời tư, nhiều thông tin rõ ràng có nguy cơ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, nhưng chúng vẫn được đăng tải. Giải thích điều này, một nhà báo kỳ cựu của BBC, ông Stephen Whittle, cho biết: “Bởi vì một trong các vai trò của báo chí là công khai những việc làm sai trái trong xã hội. Nhiệm vụ quan trọng của các tờ báo là cởi bỏ mặt nạ của những kẻ làm sai, lừa đảo và xì-căng-đan. Đó là lợi ích công để làm như vậy”.

Lợi ích công trên hết

Phục vụ lợi ích công – đó chính là cái khiên để báo chí “đỡ đòn” trong những vụ việc có khiếu kiện xâm phạm đời tư, danh dự. Khái niệm này hãy còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Ông Stephen Whittle giải thích đơn giản: “Báo chí phục vụ lợi ích công khi nó đưa tin nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sự an toàn của cộng đồng; khi nó phát hiện và vạch trần tham nhũng; chỉ ra sự yếu kém năng lực, đạo đức giả, dối trá của những quan chức trong chính quyền dân cử; khi nó giúp công chúng hiểu biết về xã hội và thế giới mà họ đang sống để họ có thể đưa ra những lựa chọn và quyết định đúng đắn”.

Như vậy, vì lợi ích công, báo chí có thể cung cấp thông tin về một cá nhân bị nghi tham nhũng, trốn thuế, hoạt động gây ô nhiễm môi trường của một doanh nghiệp, hay kết quả thanh tra chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng mà không sợ mắc tội “xâm phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức”. Tất nhiên, điều kiện sống còn phải là: thông tin đó đúng sự thật.

Cũng theo luật pháp Anh, đời tư bê tha về tình ái của một quan chức có thể bị bêu lên mặt báo nếu trong quá khứ hoặc hiện tại ông ta đã hoặc luôn tỏ vẻ là người đứng đắn, chung thủy. Bởi vì như vậy, ông ta đã thể hiện sự đạo đức giả, hoặc nặng hơn là lừa dối công chúng. Báo chí chỉ ra điều đó tức là đã phục vụ lợi ích công. Ông Stephen Whittle còn nhắc tới các trường hợp nhà báo trích dẫn phát ngôn hoặc sử dụng hình ảnh xấu của một ngôi sao giải trí, “sẽ không phải là bôi nhọ, xâm hại đời tư nếu với phát ngôn đó và hành động đó, ngôi sao nọ có ý thức là mình được công chúng biết đến. Những thông tin trên Facebook của anh ta/cô ta đều có thể bị đưa lên báo như một nguồn chính thức”.

Một điều nữa là lợi ích công không nhất thiết trùng với lợi ích nhà nước. Điểm này đưa đến một hệ quả: Nguyên đơn trong các vụ kiện xâm phạm lợi ích không phải là nhà nước mà chỉ có thể là cá nhân, tổ chức, có địa chỉ cụ thể.

Tầm quyết định: Con mắt cộng đồng

Bản thân những khái niệm nhân phẩm, uy tín, danh dự… cũng cần được định nghĩa và có phép thử rõ ràng. Luật báo chí của Anh quy định: “Các từ ngữ không xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm nếu chỉ có ảnh hưởng xấu tới danh dự, uy tín của một người dưới con mắt của một thành phần cộng đồng. Nó chỉ xâm phạm danh dự, uy tín… khi nó làm ô danh người đó dưới con mắt của những người bình thường có tư duy đúng đắn”. Ví dụ báo chí đưa tin một quan chức hay mặc áo vest màu hồng thì không được coi là làm tổn hại uy tín vì những người bình thường có tư duy đúng đắn sẽ không đánh giá ông thấp đi chỉ vì ông mặc áo vest hồng!

Đối với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, những quy định rõ ràng đó là hết sức cần thiết để nhà báo có thể thực hiện đúng chức năng “phục vụ lợi ích công” của báo chí. Còn ở Anh thì ngược lại, bà Trần Lệ Thùy – Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Đại học Oxford) cho biết: “Giới truyền thông đang ca thán rằng Defamation Law (luật về chống xâm phạm danh dự, uy tín) hiện nay quá chặt, cản trở quyền tự do báo chí”.

Vấn đề là làm thế nào để cân bằng giữa tự do báo chí và đảm bảo quyền riêng tư của công dân không bị xâm phạm.

Báo chí Anh rất sợ dính vào những vụ kiện liên quan đến tội “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín” vì chi phí cực kỳ tốn kém, tới hàng triệu bảng. Một vị quan tòa Anh từng nói rằng đó không phải chỉ là vấn đề của một cá nhân bị tổn hại, mà “việc bảo vệ uy tín của người nổi tiếng và quan chức khỏi bị tổn hại không chính đáng là lợi ích công, có lợi cho sự tốt đẹp chung”.Bà TRẦN LỆ THÙY, Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Đại học Oxford)
ĐT

Nguồn: phapluattp.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn