Chùm thư bạn đọc

I. Thư thứ nhất: Tại sao yêu nước phải xin phép
Kính gửi Ban điều hành Bauxite Việt Nam,
Thưa quý Anh Chị,
Xin được trao đổi với quý Anh Chị một điều hiện đang làm tôi thắc mắc, chưa biết giải đáp thế nào.
Hôm vừa rồi tôi gọi điện đến Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, được biết tin rất vui:
Để làm quà tặng cho cộng tác viên, nhà xuất bản Tri thức dự định in một loạt áo với các dòng chữ TỔ QUỐC TRÊN HẾT, QUYỀN DÂN TRÊN HẾT, HOÀNG SA TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM, cùng hình bản đồ Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo.
Tôi reo mừng:
- Thích quá, đề nghị in thật nhiều vào, vì với tư cách cộng tác viên, chắc chắn tôi sẽ được tặng một chiếc (tôi là cộng tác viên về phát hành sách cho NXB, xin xem bài “Tôi đi bán sách về Hoàng Sa…” trên trang mạng vanchuongviet.org, mục Bùi Minh Quốc), nhưng ngoài phần được tặng, tôi sẽ mua mấy chục chiếc để tặng cho người thân và bạn hữu.Và tôi tin rằng hầu hết cộng tác viên cũng sẽ yêu cầu được mua.
Nghe xong, Giáo sư Chu Hảo bảo tôi: NXB rất muốn tiến hành sớm việc này, nhưng chắc chưa thể làm ngay vì còn phải xin phép.

Lạ nhỉ?
Tôi đã thấy người ta in những chiếc áo có chữ “kiss me” (hôn tớ đi) to tướng cho trai gái Việt Nam mặc tung tẩy đầy đường khắp chốn, có phải xin phép không nhỉ?
Thế mà yêu nước phải xin phép?
Tôi không hiểu nổi.
Tôi cũng biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa tuyên bố: cần chủ động thông tin về chủ quyền, đấy là cái giấy phép bao trùm rồi còn gì!
Thông qua lá thư ngỏ này tôi đề nghị Ban điều hành BVN trao đổi với Giáo sư Chu Hảo để cùng nhau tìm ra một giải pháp khả thi cho vấn đề mắc mớ hết sức vô lý này. Có thể một mặt GS cứ tiến hành thủ tục xin phép, một mặt nên xé rào mà làm như ông Kim Ngọc đã từng làm. Ông Kim Ngọc ngày xưa dám chịu khổ nạn để che cho dân khoán chui, nhưng rồi ông đã được tôn vinh nhờ đổi mới. Nay trí thức ta, toàn dân ta lẽ nào lại phải “yêu nước chui”? Không thể như thế được. Xin Giáo sư Chu Hảo cứ làm, nếu có ai ngăn cản Giáo sư in những chiếc áo có nội dung yêu nước yêu dân yêu tự do như thế, Giáo sư hãy công khai với công luận họ tên địa chỉ chức vụ của người ấy, chắc chắn toàn dân và ngay cả nhiều người trong giới cầm quyền sẽ ủng hộ Giáo sư.
Tôi cũng được biết, theo sáng kiến đề xuất của nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó thủ tướng) Đoàn Duy Thành, NXB Tri thức dự định in một loại sách mỏng bỏ túi (song song với các công trình đồ sộ hàng nghìn trang bấy lâu vẫn làm) với 2 mảng đề tài :
- Thông tin về địa lý, lịch sử, chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
- Hướng dẫn về việc trau dồi ý thức làm chủ, ý chí làm chủ, năng lưc, phương pháp làm chủ của công dân, của đảng viên; đảng viên làm chủ Đảng, công dân làm chủ các hội đoàn mà mình đang tham gia, làm chủ nghị trường (bao gồm từ hội nghị tổ nông hội, tổ công đoàn tổ Đảng đến Ban chấp hành trung ương, Quốc hội), làm chủ lá phiếu (ở tất cả các cuộc bầu cử).
Sách mỏng bỏ túi, viết ngắn gọn, dễ hiểu theo cách viết của Hồ Chủ tịch, sẽ in số lượng lớn, tổ chức phát hành đến tận thôn cùng xóm vắng. Riêng sách về Hoàng Sa Trường Sa sẽ dịch ra tiếng Trung Quốc để thông tin rộng rãi đến nhân dân Trung Quốc.
Hỏi sao mãi chưa thấy sách ra, giáo sư Chu Hảo cho biết: kẹt kinh phí.
Tôi viết lá thư này, nhờ mạng BVN đăng lên, để mong tất cả những ai quan tâm hãy gửi phiếu đặt mua sách đến NXB TRI THỨC, địa chỉ 53 Nguyễn Du, Hà Nội, tin rằng số lượng người đặt mua đợt đầu ít nhất cũng 3.000 (đấy là nói khiêm tốn cho chắc, chứ nếu Hội Nông dân các cấp, Công đoàn các cấp, Hội Thanh niên, Học sinh Sinh viên các cấp, chi bộ Đảng bộ các cấp mà đặt thì sẽ lớn vô cùng).Với sự đặt mua như thế, NXB hoàn toàn yên tâm để xúc tiến ngay việc cho ra loại sách rất cần thiết nêu trên.
Đà lạt 14.03.2010
BMQ

II. Thư thứ hai: Việc xây lại cột cờ Lũng Cú

Xin chào các Bác và các Anh Chị trong Bauxite Việt Nam.
Cho phép tôi tự giới thiệu mình, tôi là một phụ nữ trung niên, dân Sài Gòn, gốc Bắc, là độc giả trung thành và thân thiện với BVN, và là một trong gần 20 triệu người truy cập trang báo mạng hàng ngày đến nay. Tôi quan tâm đến các vấn đề của nước Việt như BVN và có cùng mối đồng cảm giống như các độc giả thân thiện với BVN.
Sáng nay, đọc tin “Xây lại cột cờ Lũng Cú – Hà Giang” trên báo TT http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=368159&ChannelID=3 tôi nghĩ nên nêu lên ý mình vì những lý do sau đây:
- Tán đồng với kế hoạch này để nhấn mạnh với TQ rằng đất này là đất của ta (tôi nghĩ Hà Giang khá gần với TQ phải không ạ?)
- Mặt khác, vì không có khả năng viết lách, tôi muốn nêu vấn đề với BVN để các cộng tác viên BVN có cùng mối quan tâm viết thành bài cảnh báo trước, để công trình xây cột cờ này không lặp lại một chuyện tư túi tài chính tệ hại, đáng xấu hổ, nhờ đó công trình sẽ không bị kém chất lượng như tượng đài Điện Biện Phủ mà người ta sắp đem ra xử mấy “quan tham” và có cả GS/Phó GS nhúng tay vào chàm nữa.
Tôi nghĩ rằng có lên tiếng trước thì ít nhiều người ta cũng có chùn tay, nước ta đỡ thất thoát tiền thuế mà người dân nai lưng ra đóng góp, giá trị công trình là trên 21 tỷ đồng chứ phải ít đâu. Nỗi lo lắng của tôi là hoàn toàn có thực, vì có dự án, công trình nào của VN là sạch đâu, từ dự án của TW đến địa phương, thậm chí đến tận xã ấp cũng bị bọn tham ô bòn rút không kiêng nể kể cả dự án nhân đạo nữa.
Rất mong có thân hữu của BVN viết mấy lời cảnh báo thật đanh thép vào để UBND huyện Đồng Văn và Cty CP Xây lắp & sản xuất công nghiệp – Xí nghiệp xây lắp 3 (Bộ Xây dựng) biết sợ dân (họ không sợ nhà nước đâu) mà không dám làm càn.
Tôi rất vui vì góp ý nhỏ nhoi này để mọi người cùng quan tâm.
Xín chúc các Bác và các Anh Chị bình an, mạnh khỏe để chúng tôi mãi được đọc BVN.
Kính
Nguyễn Ngọc Bích


III. Thư thứ ba: Trang “Giáo sư dỏm” quá đà và không nghiêm túc

Kính gửi BBT trang Bauxite Việt Nam,
Tôi biết được trang “Giáo sư dỏm” qua bài viết có chỉ dẫn đường link của GS Nguyễn Văn Tuấn, được đăng lại trên Boxitvn.net như một tài liệu tham khảo (http://www.boxitvn.net/bai/1952). Tôi thấy đây là 1 trang chưa nghiêm túc, do đó xin nêu một vài ý kiến của riêng mình. Trang “Giáo sư dỏm” có vấn đề ở hai điểm, thứ nhất là tiêu chuẩn đánh giá chưa chính xác, thứ hai là thống kê công trình khoa học để đánh giá không đầy đủ.
Khi đánh giá tư cách một con người, nhất là người ta có học hàm GS hay PGS thì cần phải thực sự nghiêm túc, xác đáng, vì nó ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của người đó. Nhưng tiêu chuẩn đánh giá của trang “Giáo sư dỏm” dựa trên các chỉ số trích dẫn ISI, SCI hay SCIE là chưa chính xác. Các chỉ số này hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo vì không thống kê được hết và chỉ thống kê các công trình xuất bản bằng tiếng Anh là chủ yếu. Tuy nhiên, kể cả việc tìm kiếm các bài báo, trang “Giáo sư dỏm” cũng không làm đến nơi đến chốn. Điển hình như trường hợp anh Bùi Thế Duy, đã có bạn đọc chỉ ra là trang “Giáo sư dỏm” thống kê không hết.
Các công cụ tìm kiếm ở trên mạng như Google scholar, IEEE xplorer, ACM, Thomson ISI v.v. đều không thể cho câu trả lời đầy đủ. Nhất là với những bài báo xuất bản bằng tiếng Nga trước khi Liên Xô sụp đổ. Nên nhớ rằng các công cụ trên thiếu hẳn mảng các bài báo bằng tiếng Nga do vấn đề lịch sử. Ví dụ một số bài báo quan trọng về Laser trong giai đoạn đầu xuất bản bằng tiếng Nga. Các GS Việt nam đa phần là tốt nghiệp ở các nước XHCN cũ, vậy thì các công cụ search kia càng không thể cho đáp số đầy đủ về số lượng bài báo của những người này. Ngay trường hợp anh Bùi Thế Duy mới tốt nghiệp ĐH Twente, Hà Lan mà còn không đủ thì các bậc lão niên khác sẽ thiếu chính xác đến đâu.
Để đánh giá chuyên môn thì chỉ những người trong ngành mới nắm rõ nhất. Thông thường các GS đều có trang cá nhân đăng tải danh sách các công trình của mình. Tuy nhiên ở VN việc đó chưa phổ biến, nên việc trang “Giáo sư dỏm” chỉ dựa vào thông tin trên mạng là không khoa học trong việc thu thập số liệu.
Ở nước nào cũng có những GS giỏi, GS vừa và GS dỏm. Tôi đã được nghe các bạn Pháp, Ý, Đức, Mỹ phàn nàn về các GS mà họ biết. Việt Nam đâu phải là ngoại lệ, có thể nhiều nữa là khác, tất nhiên cần phải lên tiếng phê phán. Tuy vậy, việc đi quá đà thì lại phải được xem xét, đánh giá lại một cách cẩn trọng.
Kính thư
Nam Long
Nghiên cứu sinh tại Hà Lan

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn