Nhân đọc hai tác phẩm “Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989″ và “Phá Rào”

Trần Hải Hạc

« think tank »


Think tank là gì?
Có thể nói rằng think tank khác với các nhóm tư vấn cung cấp ý tưởng cho lãnh đạo chính quyền ở hai điều : quy chế của nó là tư nhân, độc lập với chính quyền (…), và hoạt động của nó là công khai, hướng tới công luận.
Ở Việt Nam, nơi xã hội dân sự đang thành hình, thành lập think tank như IDS trở thành đòi hỏi khách quan của xã hội. (…)
Nếu cho khái niệm think tank nội dung đúng của nó thì có thể kết luận rằng : trước IDS, Việt Nam chưa hề có think tank ; và sau IDS, Việt Nam không thể có think tank khi nào Quyết định 97 còn tồn tại.
Trong Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 – Nhật ký thời bao cấp (bản 2009, sẽ viết tắt TDKT) và ‘Phá rào’ trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (bản 2009, sẽ viết tắt PR), nhà sử học kinh tế Đặng Phong tạo tính độc đáo khi vận dụng khái niệm phương Tây « think tank » để phân tích diễn biến tư duy của Đảng cộng sản Việt Nam từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Tác giả mở đầu Tư duy kinh tế Việt Nam với chương nhập đề « Những think tank xưa và nay », rồi trong lần tái bản đã khai triển phần « think tank ở các nước xã hội chủ nghĩa » và thêm tiểu tựa « think tank về kinh tế Việt Nam » [TDKT, tr. 32 và tiếp theo]. Trong Phá rào, chương kết luận (xem tại đây) nhắc lại đặc điểm của think tank trong thể chế của Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa [PR, tr. 480-481].

1. Trong bối cảnh của Việt Nam, thuật ngữ think tank được tác giả dùng để chỉ vai trò của đội ngũ chuyên gia và trợ lý đối với lãnh đạo chính quyền. Vai trò này không phải là không quan trọng, nhưng nó được thực hiện bằng con đường  « không chính thức, bán công khai », theo phương pháp luận « Ý tứ chuyên gia, qua lời lãnh đạo ». Nó biểu hiện rõ nét ở cả hai khâu: hình thành ý tưởng, với việc cung cấp thông tin cho lãnh đạo; và thể hiện ý tưởng, với việc soạn thảo văn bản của lãnh đạo. Rồi khi chuyên gia đưa được ý tưởng của họ vào văn kiện của Trung ương hoặc vào bài phát biểu của lãnh đạo thì họ có thể trích lại chính câu đó, và thêm mệnh đề « nghị quyết… đã khẳng định rằng… » hoặc « đúng như đồng chí… đã nói… » [TDKT, tr. 40-41].
Tư duy kinh tế Việt Nam nhấn mạnh vai trò của các trợ lý và chuyên gia trong sự « phản tỉnh » năm 1983 của Trường Chinh (lúc ấy là chủ tịch nước) khi thâm nhập thực tế, và sự hình thành của ê-kíp tư vấn (Hà Nghiệp, Lê Văn Viện, Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm…) đã chuẩn bị và soạn thảo phát biểu của ông, từ bước « bứt phá về tư duy đầu tiên » tại Hội nghị Trung ương 6 năm 1984 (với bài phát biểu trái ngược bản báo cáo chính trị của tổng bí thư Lê Duẩn) cho đến báo cáo chính trị của Đại hội VI năm 1986 được viết lại (sau khi Lê Duẩn qua đời) trong tinh thần « nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật. » [TDKT, tr. 259 và tiếp; 268 và tiếp; 302 và tiếp]. Ngoài ra, phải nói đến sáng kiến của Nguyễn Cơ Thạch, từ đầu thập niên 80, đã thành lập ở bộ ngoại giao những tổ nghiên cứu, dịch thuật, đào tạo, có kết hợp chuyên gia Việt kiều và cả chuyên gia phương Tây. Song, táo bạo nhất là các sáng kiến của Võ Văn Kiệt, từ cuối những năm 70, đã khuyến khích hình thành tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhóm nghiên cứu « bán chính thức » tập hợp chuyên gia cao cấp và chuyên viên của chế độ Sài Gòn cũ (Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Văn Diệp, Nguyễn Văn Hảo…) và tổ chức chính thức « Văn phòng kinh tế của bí thư Thành ủy » do Nguyễn Xuân Oánh đứng đầu ; những nhóm nghiên cứu bán chính thức này (nhóm Nguyễn Xuân Oánh, nhóm chuyên viên kinh tế Thứ Sáu, Câu lạc bộ giám đốc…) đã duy trì hoạt động và tiếp tục góp ý kiến với Võ Văn Kiệt khi ông lên làm bộ trưởng và phó thủ tướng [TDKT, tr. 180 và tiếp; 331 và tiếp]. Và đến khi trở thành thủ tướng, Võ Văn Kiệt trực tiếp tổ chức, năm 1992, « Tổ tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính », qui tụ chuyên gia thuộc nhóm tư vấn của Trường Chinh (Trần Đức Nguyên giữ trách nhiệm thường trực), hoặc những nhóm nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh và người Việt ở nước ngoài (Trần Quốc Hùng, Trần Văn Thọ, Vũ Quang Việt) ; về sau, Tổ tư vấn được tổ chức lại thành « Ban nghiên cứu của Thủ tướng », khi Ban tổ chức Trung ương không cho phép có thành viên Việt kiều (trở thành cộng tác viên) .
2. Về các sự kiện nói trên, bộ sách của Đặng Phong cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Vấn đề là vận dụng khái niệm phương Tây think tank vào đây có xác đáng hay không ? Ở các nước phương Tây − như tác giả ghi nhận -, think tank có đặc điểm là « độc lập với hệ thống các cơ quan nhà nước ». Nó là tổ chức nghiên cứu tư nhân, đưa ra những giám định và đề xuất công khai về chính sách của nhà nước, « nhưng không trực tiếp dự thảo các chính sách ». Nó có thể nhận đơn đặt hàng của cơ quan nhà nước, song kết quả nghiên cứu của nó « có thể trùng hợp, nhưng cũng có thể hoàn toàn khác ý đồ của người đặt hàng » [TDKT, tr. 32]. Trong khi đó, theo Đặng Phong, « think tank ở các nước xã hội chủ nghĩa » là cơ quan đảng và nhà nước có tính chất nội bộ và khép kín. Hoạt động nghiên cứu của nó bị hạn chế trong khuôn khổ của những định hướng và huý kỵ từ cấp trên đưa xuống, cho nên « hầu như không có nhà kinh tế nào có thể đưa ra những nhận xét độc lập của cá nhân, nhất là những phát hiện khoa học có tính chất phê phán đối với thiếu sót, sai lầm trong đường lối kinh tế » [TDKT, tr. 34]. Ở Việt Nam, « khái niệm think tank của Lê Duẩn » chỉ nhóm người được ông huy động để « chủ yếu là nghe ông nói và sau đó thể hiện bằng lời văn những tư tưởng của ông ». Một trong những người được huy động đó, Trần Việt Phương, kể lại trong Tư duy kinh tế Việt Nam cuộc đối thoại thực giữa hai tổng bí thư Việt Nam và Liên Xô: « Khi Lê Duẩn sang dự đại hội đảng cộng sản Liên Xô, Brejnev kể với ông rằng để chuẩn bị cho đại hội này, phải huy động hàng trăm viện nghiên cứu, hàng nghìn nhà khoa hoc của nhiều lĩnh vực. Lê Duẩn liền nói với Brejnev rằng : ‘Còn tôi chỉ cần có mấy chú thư ký thôi’ » [TDKT, tr. 77-78]. Nếu thực tế lịch sử quả như Đặng Phong ghi chép thì từ think tank sử dùng ở đây có còn ý nghĩa gì không ?
Năm 1986 − theo tác giả – là năm « nở rộ của các think tank » : trong hệ thống đảng và nhà nước, xuất hiện hàng loạt những tổ, những nhóm, những tiểu ban nghiên cứu các vấn đề cấp bách và có tính chiến lược. Một không khí tương đối cởi mở, dân chủ hơn thổi như một luồng gió trong hoạt động tư duy kinh tế : « Phương pháp làm việc là tự do ngôn luận, không áp đặt trước những định hướng, sau đó đúc kết. Những gì kết luận được thì thì kết luận. Những gì chưa kết luận được thì tiếp tục nghiên cứu, thảo luận » [TDKT, tr. 288]. Điều mà Đặng Phong không nói − có thể vì công trình khảo cứu của ông ngừng ở năm 1989 – là không khí thông thoáng nói trên không kéo dài được bao lâu. Chính vào năm 1989, Nguyễn Văn Linh – người đã hô hào « cởi trói » trí thức, « phát huy tự do tư tưởng, tranh luận, thẳng thắn, dân chủ » [TDKT, tr. 338-339] – cũng là người dập lại cánh cửa của tự do ngôn luận và dân chủ trong thảo luận. Rồi từ đó đến các đại hội đảng tiếp theo, những vùng cấm kỵ mỗi lần lại mở rộng thêm và, đối với đội ngũ nghiên cứu trong các cơ quan đảng và nhà nước, các lĩnh vực được phép tranh luận công khai cứ thu hẹp dần. Đến đại hội sau cùng (Đại hội X), khi Nguyễn Tấn Dũng trở thành thủ tướng, một trong những quyết định đầu tiên của ông là giải thể Ban nghiên cứu của thủ tướng được Phan Văn Khải duy trì cho đến năm 2006. Một sáng kiến khác của Võ Văn Kiệt, Trung tâm nghiên cứu Saigon Times (STR), thành lập ở Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2007 − do chính ông làm chủ tịch danh dự và gồm 45 chuyên gia ở trong và ở ngoài nước -, bị buộc phải chấm dứt hoạt động chỉ ba tháng sau khi ra đời.
Sau cùng là quyết định 97 năm 2009 của thủ tướng cấm tổ chức tư nhân hoạt động nghiên cứu ngoài danh mục các lĩnh vực mà chính phủ cho phép (chẳng hạn như kinh tế vĩ mô không nằm trong danh mục đưa ra), đồng thời cấm tổ chức nghiên cứu tư nhân công bố công khai ý kiến phản biện đường lối, chính sách của đảng và nhà nước (chỉ được chuyển những ý kiến đó đến cơ quan có thẩm quyền). Quyết định này của Nguyễn Tấn Dũng nhắm vô hiệu hóa − nếu không nói là hình sự hóa – hoạt động của Viện nghiên cứu phát triển (IDS – do Nguyễn Quang A làm viện trưởng), là tổ chức nghiên cứu chính sách duy nhất ở Việt Nam có qui chế tư nhân, được thành lập năm 2007 trong khuôn khổ của luật về khoa học và công nghệ. Tập hợp nhiều trí thức đầu đàn (Hoàng Tụy, Phan Huy Lê, Phan Đình Diệu, Chu Hảo, Nguyên Ngọc…) và nhiều thành viên của Ban nghiên cứu thủ tướng trước đây (Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Tương Lai, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Nguyễn Trung…), Viện nghiên cứu phát triển đã ra tuyên bố « tự giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát » với một quyết định mà nó cho là « không phù hợp với thực tế khách quan của đất nước », là « trái với nghị quyết của đảng và vi phạm pháp luật của nhà nước », là « phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ » (xem Tuyên bố ngày 14.9 2009 của IDS).
3. Kinh nghiệm của IDS và Quyết định 97 của Nguyễn Tấn Dũng càng làm rõ câu hỏi đặt ra cho công trình sử học của Đặng Phong khi nó sử dụng khái niệm think tank vào điều kiện của Việt Nam. Trước tiên, cần trở lại định nghĩa của thuật ngữ này. Trong Tư duy kinh tế Việt Nam và Phá rào, từ think tank được dùng để chỉ những nhóm tư vấn cung cấp ý tưởng cho lãnh đạo chính quyền. Nếu nội dụng quả đơn giản như vậy thì người đọc không thể hiểu vì sao lại cần dùng đến một từ ngữ phương Tây để chỉ định nó. Think tank, thật ra, chỉ một định chế đặc thù của những xã hội trong đó có sự tách biệt giữa nhà nước và xã hội dân sự. Chính xác hơn, think tank là một định chế thuộc xã hội dân sự (định chế tư), độc lập với hệ thống nhà nhà nước (một cơ quan như Hội đồng tư vấn kinh tế của tổng thống Hoa Kỳ không thể gọi là think tank). Tuy là nghiên cứu và giám định chủ trương, chính sách của nhà nước, nhưng đối tượng trực tiếp của think tank không phải là nhà nước, mà xã hội dân sự : hoạt động của think tank nhằm trước hết là tạo ra công luận và, từ đó, tác động đến người làm ra chính sách. Cho nên hoạt động của think tank không chỉ là sản xuất ra ý kiến và đề nghị, mà còn là công bố công khai những ý kiến và đề nghị đó trong xã hội. Có thể nói rằng think tank khác với các nhóm tư vấn cung cấp ý tưởng cho lãnh đạo chính quyền ở hai điều : quy chế của nó là tư nhân, độc lập với chính quyền (dù nó có thể cùng quan điểm, lập trường với chính quyền), và hoạt động của nó là công khai, hướng tới công luận. Ở Việt Nam, nơi xã hội dân sự đang thành hình, thành lập think tank như IDS trở thành đòi hỏi khách quan của xã hội. Cho nên có thể khẳng định rằng quan điểm của Quyết định 97 là phản động, theo nghĩa nó xuất phát từ một ý muốn – nhưng cũng là ảo tưởng – có thể ngăn chặn chiều hướng tiến triển của nhận thức khoa học và của dân chủ trong xã hội Việt Nam.
Nếu cho khái niệm think tank nội dung đúng của nó thì có thể kết luận rằng : trước IDS, Việt Nam chưa hề có think tank ; và sau IDS, Việt Nam không thể có think tank khi nào Quyết định 97 còn tồn tại. Tái bản năm 2009, Tư duy kinh tế Việt Nam mở đầu với bài « Nhân đọc cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam » của Trần Phương trong đó người từng làm viện trưởng viện Kinh tế và phó thủ tướng nhận định : « Nếu tiếp tục tìm tòi, tranh luận theo kiểu ấp úng, né tránh, kiêng kỵ như mấy thập kỷ vừa qua thì không biết đến bao giờ chúng ta mới tiếp cận được chân lý. Phải có những nhóm nghiên cứu, những diễn đàn, những câu lạc bộ, những think tank với tinh thần cởi mở, chỉ lấy chân lý làm trọng, không kiêng kỵ, không cho phép bất cứ ai lên giọng dạy đời, chụp mũ » [TDKT, tr. 17-18]. Điều rõ ràng là từ think tank sử dụng ở đây chỉ sự mong đợi, chứ không phải là hiện thực, và càng không thể là một hiện thực của lịch sử Việt Nam gần đây. Ở điểm này, công trình sử học kinh tế thật lý thú của Đặng Phong như để lại cho người đọc cảm nhận về một cái gì đó sai niên đại.

Trần Hải Hạc
Nguồn: http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/think-tank/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn