Quốc hội đang ở đâu…?

Lâm Dinh


Nhiều vấn đề nóng bỏng đang rộ lên trong đời sống thực tế như hàng hóa đột nhiên tăng giá; chết chóc trên biển đe dọa ngư dân miền Trung trở lại qua các vụ tàu cá vừa bị đánh chìm, người chết chưa tìm thấy xác; nhà máy Dung Quất tạm đình hoãn vì 100 lỗi kỹ thuật chưa khắc phục được; nước sông Cửu Long đang có cơ cạn kiệt vì các con đập đầu nguồn của Trung Quốc; liên tiếp các vụ cháy rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ … nhưng trong các vấn đề ấy thì bán rừng và bán đất ven biển cho Trung Quốc là vấn đề sôi sục hơn cả. Gần một tháng nay dư luận đã lên tiếng đồng loạt cảnh báo nguy cơ vô cùng đáng sợ ấy đối với vận mệnh an nguy của đất nước. Tuy nhiên, mấy hôm nay, thông qua các bài phỏng vấn của báo chí thì từ vấn đề này lại lộ diện một vấn đề khác còn đáng báo động hơn, ấy là hiện tượng thờ ơ, vô cảm và tắc trách gần như không thể hiểu nổi của quan chức các cấp trước những trọng trách mà Tổ quốc giao phó cho họ, và chủ trương phân cấp quản lý lỏng lẻo giữa trung ương và địa phương đối với không ít lĩnh vực đưa đến nhiều sơ hở chết người, trong đó có việc mạnh ai nấy cho thuê hoặc bán tài sản công cũng như cho khai thác khoáng sản ở địa phương vô tội vạ, khiến đất nước rơi vào tình trạng cha chung không ai khóc.
Ông Lâm Dinh trong bài viết dưới đây tiếp tục đề cập đến chuyện bán rừng ở khía cạnh xem xét năng lực và tư cách của lớp người gọi là “dân chi phụ mẫu”. Bằng tâm huyết của một công dân yêu nước ông kêu gọi Quốc hội hãy sớm chứng tỏ quyền lực tối cao của mình để làm yên lòng dân. Tuy vậy, chúng tôi muốn đặt một phản đề để tác giả và bạn đọc cùng ngẫm nghĩ: từ trước đến nay Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã có được một quyết định nào thật sự có giá trị ngăn chặn sai lầm xẩy ra do việc cơ quan hành pháp – trung ương hoặc địa phương – ban hành một chính sách cụ thể nào đấy sai lầm?

Bauxite Việt Nam

Quốc Hội
I. Ôi quan trí.
Vấn đề 10 tỉnh biên giới cho các công ty nước ngoài (mà chủ yếu là các công ty Trung Quốc) thuê đất 50 năm để trồng rừng ngày càng lộ rõ sự phức tạp cần được quan tâm đúng mức trước khi trở thành “sự đã rồi của lời hứa Quốc tế” như chuyện khai thác bauxite Tây Nguyên. Tệ hơn nữa là 50 năm sau, người phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Việt Nam lại phải lên tiếng:
- Việt Nam có đầy đủ bằng chứng không thể tranh cãi diện tích đất rừng biên giới mà 50 năm trước đây đã cho các công ty “lạ” thuê là của Việt Nam.
50 năm, một thời gian dài nửa thế kỷ. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cho đến năm 1974 sau khi Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa từ trong tay của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. 1974-2010 chỉ mới là 36 năm mà thôi. Gần hơn nữa là một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc trắng trợn xâm lược và cưỡng chiếm năm 1988. 1988-2010 chỉ có 22 năm mà thôi.
Ôi buồn làm sao. Vì cả hai cái mốc thời gian này còn chưa tới 50 năm? Lẽ nào, lẽ nào lại có những con người vô tâm đến thế? Đem vận mệnh của Tổ quốc mà trao vào tay giặc?

Càng buồn hơn nữa khi nghe những lời “tâm huyết” của những vị “Dân chi phụ mẫu”. Những người vì lợi ích của “cộng đồng cư dân” để rồi đã hết sức “cân nhắc kỹ lưỡng” trước khi hạ bút ký giấy cho phép các công ty “lạ” thuê rừng, thuê đất.
[…….Còn Trưởng ban trinh sát tỉnh đội Lạng Sơn Nguyễn Việt Thắng cũng đã rà soát các dự án mà cơ quan này nắm được trong những năm qua thì cũng không thấy có tên công ty này với nội dung trên…

…“Họ chưa qua một cấp nào của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thẩm định cấp dự án nhất là về rừng dọc biên giới. Tất cả các dự án lớn như thế thì chắc chắn phải báo cáo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Chúng tôi không được báo cáo thì làm sao chúng tôi tham mưu được. Dự án trồng rừng 50 năm có người nước ngoài là ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng rồi”, ông Hàm khẳng định……]
Như vậy thì các công ty “lạ” thuê đất trồng rừng là những “đoàn quân ma” chứ đâu phải là người. Những “đoàn quân ma” này đã đến nhiều lần, ra vào nhiều lần, đã thuê người địa phương mà người đứng đầu cơ quan quân sự của tỉnh Lạng Sơn cùng vị sĩ quan đứng đầu lực lượng trinh sát của cơ quan quân sự tỉnh không biết, không hay thì liệu chính quyền tỉnh Lạng Sơn có thể kiểm soát hay có thể biết các công ty trồng gì, làm gì hay chăng?
Hơn nữa, cơ cấu chính quyền tỉnh thì đặt dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy. Trong Tỉnh ủy bao gồm các Tỉnh ủy viên từ Chủ tịch tỉnh, chỉ huy cơ quan quân sự tỉnh, lãnh đạo công an tỉnh… Theo hiểu biết nông cạn cũng như võ đoán của người viết thì việc cấp giấy phép cho các công ty “lạ” thuê đất ít nhất phải là Giám đốc sở. Còn cao hơn nữa phải do chính tay Chủ tịch tỉnh ký. Vậy thì lẽ nào ông Giám đốc sở nào đó tự ký mà không thông báo cho ai hay? Hay có lý nào chỉ mình ông Chủ tịch tỉnh ký mà không thông qua Tỉnh ủy? Họ (những người này) dám qua mặt Bí thư Tỉnh ủy ư? Một điều không tưởng!
Tuy nhiên, đọc những lời trên đây cũng chưa sốc bằng những lời sau đây của các vị “Dân chi phụ mẫu” khác!
[……Trong quá trình chúng tôi cấp phép, trong cơ quan thẩm định có cơ quan quân đội bộ chỉ huy quân sự tỉnh, biên phòng tỉnh……]
Những lời “trần tình” trên đây đã lệch đường ray với những gì ông Đại Tá Hàm nói. Ôi quan trí!
[……Thưa ông, tại sao ở một số địa phương trong tỉnh, nhà đầu tư chưa được thuê đất nhưng đã tiến hành trồng rừng?
- Ông Nguyễn Văn Bình: Quan điểm của chúng tôi nhà đầu tư khi được cấp phép đầu tư nhà đầu tư phải triển khai dự án, trồng cây thực tế diện tích bao nhiêu sau đó ban dự án tỉnh sẽ xem xét và cho thuê theo Luật đất đai. Không phải anh có chứng nhận đầu tư là sau đó tỉnh cho giấy phép, anh phải triển khai thì chúng tôi mới cho giấy phép….]
Chắc có lẽ ông quan Bình này mải mê với công việc, mải vì dân vì nước nên đã  mang căn bệnh “lẫn” rồi thì phải! Nếu nói như ông quan Bình này thì từ nay các công ty trong nước và công ty nước ngoài cứ ngang nhiên tự tại khai móng, xây dựng công trình, tuyển người trước khi được cấp phép. Người dân từ nay thoải mái xây nhà, bán đất… vì có như vậy chính quyền sở tại mới biết họ làm gì, bán gì để cấp phép! Ôi quan trí!
Nhưng những lời sau đây mới khiến người dân Việt Nam ngất xỉu tại chỗ – nếu người đó là người Việt Nam, còn trái tim Việt Nam cũng như còn biết đọc bốn chữ “Tổ quốc Việt Nam”!
[…..- Vậy việc kiểm soát việc hoạt động của công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng nguyên liệu 50 năm sẽ như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Bình: 50 năm nữa, ai làm thì người đó kiểm soát. Tôi chỉ kiểm soát việc anh đến anh trồng rừng thì anh phải quản lý, dân kiểm soát. Ông trồng rừng ở diện tích này có đúng diện tích ông được giao trồng rừng không.



- Đối với dự án có tính chất nhạy cảm như thế này, trước khi cấp phép đầu tư, cho thuê đất tỉnh Lạng Sơn có nghĩ đến việc phải báo cáo Chính phủ và các cơ quan Trung ương xin ý kiến chỉ đạo không?

- Ông Nguyễn Văn Bình: Dự án nào thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh thì UBND tỉnh cấp. Dự án nào cần xin ý kiến Chính phủ thì mới xin ý kiến…]

50 năm nữa, ai làm người đó kiểm soát! Một câu nói đến tuyệt vời cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vâng. “50 năm nữa, ai làm người đó kiểm soát”. Một câu nói thể hiện gì ngoài một sự hời hợt, vô tâm, quan liêu, và dốt nát. Không thể hiện gì ngoài một tư duy “ăn xổi ở thì, bạ đâu phủi đó”! Đất nước này sẽ ra sao nếu từ quan đến dân đều hành xử, làm việc theo tư duy “50 năm nữa, ai làm người đó kiểm soát” này?! Ôi quan trí!
Một điều khiến người ta giật mình nữa là các “Dân chi phụ mẫu” này trả lời báo chí theo hơi hớm “khai thác bauxite Tây Nguyên”! Vâng, có thể nâng cấp lên thành “Tư duy khai khác Bauxite Tây Nguyên”! Vâng, đó là tư duy xảo trá, lừa lọc, trốn chạy trách nhiệm với những mỹ từ “50/50, lời lỗ khi làm mới biết, dự án 45 năm thì vẫn làm được, khẳng định, đúng quy trình, quản lý tốt, chống động đất 7 độ Richter, dự án cấp nọ, chưa đủ lớn để xin ý kiến, khi cần mới xin…”!
Người xưa có câu “Thượng bất chính hạ tắc loạn”! Quả là không sai tí nào. Chính phủ đã “lách luật” các dự án bauxite thì hôm nay các vị quan tỉnh bất tài vô tướng hành xử vô phương, vô phép, và vô tắc trong các dự án cho thuê đất trồng rừng là điều đương nhiên. Ôi quan trí!
II. Quốc hội đang ở đâu???
- Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất!

Vâng. Không ai có thể phủ nhận điều trên đây vì đây là Hiến pháp quy định. Chỉ có Quốc hội mới có quyền dừng các dự án thuê đất 50 năm nguy hại này. Vì Thủ tướng Chính phủ không có khả năng dừng các dự án hung hiểm này. Đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn noi gương người tiền nhiệm trước đây là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Do vậy, đương kim Thủ tướng đã không kỷ luật ai trong 3 năm đương nhiệm (Dù có những thuộc cấp của ông ta bất tuân thượng lệnh đến 5 lần) và ông ta hy vọng sẽ không kỷ luật ai trong nhiệm kỳ tới nếu ông đắc cử!
Vậy thì Quốc hội đang ở đâu? Vâng, Quốc hội đang ở đâu? Chuyện thuê đất 50 năm nóng bỏng được đưa ra trước bàn dân thiên hạ tính đến nay cũng đã cả tháng rồi. Tuy nhiên, người dân không nghe (hay chưa nghe?) một lời gì từ Quốc hội! Mà Quốc hội im lặng cũng là điều dễ hiểu. Lãnh đạo cấp tỉnh là đại biểu Quốc hội. Lãnh đạo cấp tỉnh cũng là Ủy viên Trung ương Đảng. Lẽ nào các ông Ủy viên Trung ương Đảng dám qua mặt Tổng Bí thư Đảng? Lẽ nào các đại biểu Quốc hội dám qua mặt Chủ tịch Quốc hội?
Hay là, Quốc hội cho rằng vấn đề này không đáng quan tâm? Hay là Quốc hội cho rằng các ý kiến của những bậc lão thành đều là “Các ông ấy già cả rồi. Chúng tôi tôn trọng các ông ấy. Nhưng Đất nước hiện giờ đang đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản…”! Như lời của một “phi công” bây giờ đã hạ cánh an toàn trong vụ khai thác bauxite từng nói! Dù gì đi nữa thì người dân Việt Nam đang mong chờ một lời, dù chỉ một lời từ Quốc hội. Cơ quan Quyền Lực cao nhất đại diện cho Nhân Dân. Và hy vọng rằng lời nói từ Quốc hội mới mẻ hơn, ý nghĩa hơn, thiết thực hơn, hợp lòng dân hơn là câu nói “Các ý kiến đều đồng thuận” mà họ đã từng nghe và thất vọng! Vâng, Quốc hội đang ở đâu?
III. Thay cho lời kết.
Dù chưa biết kết luận của Quốc hội như thế nào. Dù không biết Chính phủ có phải bồi thường cho cho các công ty thuê đất để dừng các dự án hay không. Dù không biết Thủ tướng có xử lý các thuộc cấp của mình hay không. Dù các công ty thuê đất chưa lộ rõ mục đích thuê rừng như thế nào ngoài việc trồng “bạch đàn”. Dù tất cả chỉ là một câu hỏi lớn đang lơ lửng ở phía trước. Chỉ mong rằng việc 10 tỉnh cho các công ty nước ngoài thuê đất trong thời hạn 50 năm không phải là một điều trong “Lời hứa Quốc tế” như vấn đề khai thác bauxite. Vì đã hứa bauxite được, hứa cho thuê đất rừng 50 năm được thì chắc sẽ còn những lời hứa khác nữa.
Ngư dân miền Trung đang đối mặt với hung hiểm từ tàu “lạ” từng ngày, từng giờ. Tính mạng họ như những sợi chỉ treo mành chuông. Khai thác bauxite Tây Nguyên như một quả bom nổ chậm đang lơ lửng trên đầu cả một vùng Đông – Nam Bộ rộng lớn của Tồ quốc. Nay thêm 10 tỉnh biên giới cho thuê đất rừng trong thời hạn 50 và còn thêm những lời hứa chưa biết thì quả là hết sức nguy hiểm cho Đất Nước. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra! Vâng, chúng ta cùng chờ xem!
LD

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
(1) http://vietnamnet.vn/psks/201003/Giat-minh-khi-nghe-thong-tin-cho-nuoc-ngoai-thue-dat-898805/
(2) http://www.vietnamnet.vn/psks/201003/Lang-Son-50-nam-nua-ai-lam-thi-nguoi-do-kiem-soat-899233/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn