Ý kiến của Giáo sư Đặng Hùng Võ về việc cho thuê rừng

Mặc Lâm

Ông Đặng Hùng Võ là một chính khách từng lên tiếng rất sớm và mạnh mẽ về việc phải dừng ngay mọi dự án bán rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn vì sự an nguy của đất nước. Lần này trả lời phỏng vấn RFA, ông cũng không lảng tránh việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, cho rằng người lãnh đạo không được cạn nghĩ rằng hễ có tài nguyên là tha hồ có quyền mời người ngoài đến khai thác mà không tính toán gì đến bảo vệ an ninh, môi trường, văn hóa của đất nước, cũng không cần biết đến tình hình thế giới đang trong xu thế cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, và nước nào khôn ngoan cũng lo giữ lấy của cải của nước mình. Đó là một cái nhìn có tầm của một con người thẳng thắn.
Tuy vậy, trong giới hạn đề tài của ngày Chủ nhật thư giãn, hơn nữa cũng là để thể hiện tinh thần dân chủ trong đối thoại, BVN xin đưa thêm vào đây bài thơ của một bạn đọc nhan đề Hỏi thêm bác Võ, nhằm để ông và bạn đọc cùng thưởng lãm cho vui, và cũng nhân thể có dịp ngẫm nghĩ về trách nhiệm và bản lĩnh của người quan chức lúc chưa hưu, chắc sẽ có tác động đến không ít các vị quan đầu ngành “mần thinh” đang tại chức (nói cách khác: ngậm miệng ăn tiền) vốn không thiếu gì hiện nay: “Sáng nay đọc báo, nghe đài / Thấy Bác có bài nghe thật là… Hay! / Rằng : “Phải cương quyết dừng ngay / Cần trừng phạt nặng những tay… bán rừng / Dù cho có phải bồi thường / Tiền dân cứ việc nhún nhường xùy ra”… ? / …… Như thế có nghĩa rằng là: / Thiệt đơn, thiệt kép Quốc gia… chịu đòn!  / Giả như  Cụ Đồng Sỹ Nguyên / Không có tiếng nói, lời khuyên Triều đình… / Rằng: Trong cái việc… “Bán rừng” / An nguy đất nước coi chừng ngoại bang / Rừng kia là bạc, là vàng / Cha ông gìn giữ cho ngàn năm sau / Phải đâu con cá mớ rau / Đem ra chợ bán cho Tàu, cho Tây !?… / Xem trong cái chuyện “bán” này / Diễn ra kín đáo từ ngày “Võ sư ”…  / Hãy còn nắm chức quyền to / Tài nguyên Thứ trưởng, Bác lo việc này (?) / Thế mà cho đến hôm nay / Bác mới lên tiếng thì “gay” mất rồi !?  / Bà con “thấp cổ…” chúng tôi  / Ngồi bệt chẳng biết thế thời ra sao / Bây giờ biết xử thế nào / Hay là lại nói tầm phào… cho vui !?… / Rất mong được Bác phản hồi / Qua “ trannhuong.com” để chúng tôi tỏ tường!” (DL, 11-3-2010).
Bauxite Việt Nam
Mặc Lâm, phóng viên RFA

Giáo sư Tiến Sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường. Photo courtesy of vfej.vn
Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định đình chỉ những hợp đồng cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn của các tỉnh và rà soát lại những hợp đồng đã ký đối với những khu rừng được phép khai thác.
Mặc Lâm phỏng vấn GS TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, để biết thêm ý kiến của một chuyên gia về vấn đề này.
Cần rà soát lại
Mặc Lâm: Cảm ơn Giáo sư về thời gian ông dành cho chúng tôi ngày hôm nay. Thưa Giáo sư, trước quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho ngưng lại những hợp đồng rừng đầu nguồn đã được dư luận chú ý rất là nhiều thì đầu tiên Giáo sư có ý kiến như thế nào về việc này, thưa ông?
Đầu tiên chúng ta phải xem xét về vấn đề quốc phòng an ninh, vấn đề an ninh quốc gia, sau đấy chúng ta xem xét tới vấn đề môi trường, vấn đề phòng hộ. GS Đặng Hùng Võ
GS Đặng Hùng Võ: Trước hết tôi cho rằng đây là quyết định rất đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ đối với việc xử lý những cái sai trong việc thực hiện cho thuê rừng đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở các địa phương. Kiến nghị của tôi cũng đã có nói đến việc này. Và tôi cho rằng đây là một việc mà chúng ta phải ngưng lại để rà soát, kiểm tra lại, nhất là xem xét so với các quy hoạch, với những ý tưởng quy hoạch.
Đầu tiên chúng ta phải xem xét về vấn đề quốc phòng an ninh, vấn đề an ninh quốc gia, sau đấy chúng ta xem xét tới vấn đề môi trường, vấn đề phòng hộ, chính xác là những cánh rừng mà nó có tác động đến vấn đề môi trường về mặt phòng chống thiên tai có liên quan tới những di tích lịch sử văn hóa… tất cả những cái đó chúng ta phải xem xét hết, để đình sản xuất thực sự, tạo được bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, và không cần phải lo lắng bất kỳ một điểm gì khác nữa, hoàn toàn chỉ là để sản xuất và chỉ là để phát triển kinh tế.
Mặc Lâm: Thưa ông, chúng tôi cũng nhận thấy ông cho rằng câu chuyện xử lý này cần những biện pháp mang tính nguyên tắc hơn là dựa trên cơ sở pháp luật và quy hoạch, ông có thể giải thích rõ hơn về điểm này không, thưa Giáo sư?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi nói mang tính nguyên tắc với cái ý như thế này. Nhiều khi ở Việt Nam trong pháp luật cũng như trong quy hoạch có khi cũng chưa đề cập hết được tất cả mọi việc. Tôi nói thí dụ như hiện nay quy hoạch rừng của chúng ta, của Việt Nam, thì có lẽ cũng nhấn mạnh tới rừng phòng hộ với ý nghĩa là các rừng mà có tác động về phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường là chính.

Rừng Việt Nam chụp từ trên cao. Photo courtesy of vfej.vn
Thế còn rừng đặc dụng thì cũng chỉ thiên về vấn đề gọi là bảo tồn đa dạng sinh học, rồi bảo tồn nguồn gien, rồi bảo vệ những rừng nguyên sinh là những rừng mà có mức độ phong phú, và cũng có đề cập đến yếu tố quốc phòng an ninh, nhưng nhiều tỉnh nhiều khi xem xét thì chúng ta có cảm giác là hiện nay mục tiêu kinh tế có thể được đặt lên trên, thì tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh lại cái tính nguyên tắc, ở chỗ cái đầu tiên là vấn đề an ninh quốc gia, chúng ta phải đưa lên đầu tiên, sau đó rồi mới đến những yếu tố về môi trường, về xã hội, đảm bảo tính bền vững, rồi thứ ba mới đến mục tiêu kinh tế.
Nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta đặt mục tiêu kinh tế xuống hàng thứ yếu, nhưng yếu tố an ninh và yếu tố bền vững nó lại là nền tảng và để cho kinh tế phát triển được mạnh mẽ, thành ra là tôi vẫn muốn là cái cách thức mà nó tạo ra nguyên tắc đó thì mọi việc quy hoạch nó mới đúng được ý nguyện của tất cả mọi người cũng như là để đảm bảo cái phát triển kinh tế bền vững. Không còn an ninh, không còn một cái đất nước độc lập thì cái xây dựng lâu đài kinh tế đó được xây dựng như là trên không trung, mà nếu mất sự bền vững thì coi như cái lâu đài kinh tế đó được xây dựng trên cát.
Về tài nguyên thiên nhiên nói chung thì cái việc khai thác đấy là cần một cái quy hoạch rất là chi tiết, rất là kỹ lưỡng.
GS Đặng Hùng Võ
Cho nên nếu chúng ta đảm bảo được cả vấn đề độc lập chủ quyền của đất nước, đảm bảo cả vấn đề bền vững về mặt phát triển thì chúng ta sẽ có được lâu đài kinh tế nó nguy nga hơn là những cái mà chúng ta nhiều khi chỉ đặt một cách rất là mơ hồ về chuyện phát triển kinh tế mà không đựa trên những nền tảng vững chắc thì chắc chắn là cái phát triển đó nó sẽ không có hiệu quả và không đạt được cái mục tiêu lâu dài.
Phải hoạch định lâu dài
Mặc Lâm: Giáo sư cũng là một nhà địa chất học và ông cũng đã từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, ông có nhận xét thế nào về những mỏ bauxite trên Tây Nguyên mà đã được dư luận quan tâm, phản hồi, và không đồng tình với việc khai thác bauxite này, thưa ông?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi thì tôi chỉ cho rằng là thế này, tức là về tài nguyên thiên nhiên nói chung thì cái việc khai thác đấy là cần một cái quy hoạch rất là chi tiết, rất là kỹ lưỡng, và tính đến những giai đoạn có thể 20 năm tới, 50 năm tới, 100 năm tới, thậm chí vài trăm năm tới.

Rừng Kỳ Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Photo courtesy of vinhuni.vn
Bởi vì trên thực tế chúng ta thấy rất nhiều nước lớn phát triển mạnh, các cường quốc kinh tế, thì hiện nay người ta áp dụng một chủ trương là đóng cửa việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nước, và tận dụng việc mua tài nguyên thiên nhiên của các nước nghèo, thì tôi cho rằng nó cũng đã thể hiện ý tưởng rất rõ là cái khả năng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên ở tất cả các nước là điều sẽ xảy ra, cũng như trên toàn hành tinh sẽ xảy ra.
Vậy thì cái vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên như thế nào, theo tiến trình nào, theo lộ trình nào, theo kế hoạch nào, và theo phương thức nào, thì chắc chắn là một vấn đề mà chúng ta phải xem xét rất kỹ lưỡng. Tôi cho rằng ở Việt Nam cũng cần thiết phải xem xét vấn đề này rất kỹ lưỡng thì lúc đó chúng ta sẽ có một cái rất thảnh thơi trong việc cư xử với tài nguyên thiên nhiên
Mặc Lâm: Như từ đầu đó thì Giáo sư cho rằng phải quan tâm tới vấn đề quốc phòng trước khi nghĩ tới vấn đề kinh tế hay là khai thác tài nguyên, nhưng mà đối với nhiều vị tướng lãnh, trong đó có cả Tướng Võ Nguyên Giáp, đã rất là quan tâm về vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng tới quốc phòng của Việt Nam. Theo ý kiến của ông thì vấn đề này có thực sự nghiêm trọng như vậy hay không?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng nếu mà trước mắt thì chưa đến mức thật sự nghiêm trọng, nhưng mà tính đến chuyện lâu dài thì đấy cũng là một vấn đề cần thiết. Tôi vẫn nói rằng trong cái quy hoạch thì yếu tố an ninh quốc gia, yếu tố quốc phòng là yếu tố đảm bảo cho một nhà nước hoàn toàn độc lập, thì đấy là yếu tố mà chúng ta cần phải xem xét đầu tiên, sau đó rồi mới đến yếu tố bền vững về mặt môi trường, về mặt xã hội, và tiếp tục là yếu tố kinh tế, thì như vậy là quan đìểm của tôi cững đã khá rõ ràng. Chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng những việc này để làm sao cho nó thỏa đáng mọi mục tiêu, để Việt Nam có một nền kinh tế phát triển mà trên nguyên tắc phải là một nước độc lập và tạo được cái bền vững về mặt môi trường và về mặt xã hội.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn GSTS Đặng Hùng Võ đã cho phép chúng tôi làm cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Nguồn: RFA, 2010-03-11

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn