Kẻ thủ ác trong bóng tối (Hai bài viết về kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc)

Sự bối rối trước sự cố ngưng hoạt động của các trang tìm kiếm của Google ở TQ vào Thứ Ba vừa rồi soi sáng một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của bộ máy kiểm duyệt Internet của chính phủ TQ: nó được cố tình thiết kế để mờ ám.

Loretta Chao - Jason Dean - Clifford Coonan

Hoàng Hưng lược dịch
Xưa nay trong lịch sử, chống lại xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật của loài người bao giờ cũng là những lực lượng đại diện cho những tên bạo chúa hắc ám hoặc những tôn giáo chỉ muốn huyễn hoặc con người trong đủ loại tín điều ngu muội. Chủ nghĩa CS Tàu với cái bề ngoài đang dương vây múa vuốt thực chất là đang lo sợ 1 tỷ 3 dân Tàu thức tỉnh, tiếp cận được ánh sáng của văn minh. Đó là một thứ tôn giáo đã đẩy nhân dân Trung Quốc xuống vực thẳm trong thế kỷ XX, bản thân chứa đầy mâu thuẫn và hoàn hoàn không có khả năng chính danh như một thể chế phát triển hợp với quy luật. Vì không thể đường đường chính danh nên đành phải núp trong bóng tối để đánh lén. Kẻ cầm quyền mà sa đọa đến mức ấy thì đáng khinh chứ không đáng sợ, và dù có ra sức tích lũy tiền của đến mấy, liệu có thể tồn tại được bao lâu? Khôi hài hơn là những ai không biết nhìn xa trông rộng, chỉ lo cắm cúi bắt chước các trò ranh ma này tưởng đâu là đắc sách – hành vi như thế có khác nào “tránh đường quang đâm quàng bụi rậm”!
Bauxite Việt Nam

Bài 1: Kiểm duyệt Trung Quốc nảy nở trong bóng tối


Loretta ChaoJason Dean, The Wall Street Journal 1/4/2010
Sự bối rối trước sự cố ngưng hoạt động của các trang tìm kiếm của Google ở TQ vào Thứ Ba vừa rồi soi sáng một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của bộ máy kiểm duyệt Internet của chính phủ TQ: nó được cố tình thiết kế để mờ ám.
Hôm Thứ Tư, việc truy cập các địa chỉ có vẻ trở lại bình thường – chỉ một số thuật ngữ bị chặn chứ không phải tất cả (như hôm Thứ Ba). Các quan chức chính quyền không chịu bình luận khi được hỏi nguồn gốc sự cố trên, khiến cho tình thế và tương lai của Google ở TQ vẫn là bí hiểm đối với người sử dụng.
TQ vận hành một trong những hệ thống thanh lọc Internet mở rộng và tinh vi nhất thế giới. Hệ thống này, hỗn danh là Hỏa Trường Thành (Great Firewall), chặn việc truy cập vào một diện rộng nội dung từ nước ngoài, từ những phê phán các lãnh tụ TQ đến thông tin về những sự kiện lịch sử nhạy cảm.
Nhìn chung TQ không cho người dân của nó biết khi nào thì nó can thiệp vào việc truy cập mạng, không giống một số nước như Ả Rập Saudi đưa ra thông điệp cảnh báo rõ ràng khi người sử dụng bị từ chối vào những trang bị cấm.
Thay vào đó, bộ lọc của TQ làm người sử dụng thấy giống như một lỗi kỹ thuật đã khiến họ không vào được mạng.

Isaac Mao, Giám đốc Quỹ Trí óc xã hội, một nhóm nghiên cứu Internet và phương tiện truyền thông mới ở Thượng Hải, nói sách lược của Chính phủ làm cho người sử dụng “nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề của server một số trang, không phải vấn đề Hỏa Trường Thành”.
Cách làm này có lợi cho nhà cầm quyền, vì người dân có vẻ như dễ rộng lượng hay thậm chí ủng hộ kiểm duyệt vì “họ không có khái niệm rõ ràng về tiêu chí”. Tính không lường được cũng làm cho hệ thống khó bị chống lại.
Đó là lý do làm cho Thứ Ba vừa qua Google ngơ ngác không hiểu vì sao các trang tìm kiếm của nó không sử dụng được ở TQ trong gần 12 tiếng… Tuyên bố đầu tiên của Google chỉ xuất hiện hơn 7 giờ sau khi những người sử dụng khắp TQ báo cáo họ không thể thực hiện những tìm kiếm trên các trang Google’s Hongkong, Google.com.hk, và cả trang chủ toàn cầu Google.com.
Trong tuyên bố này, Google tự phê bình rằng, vì lý do gì nó không giải thích, công ty đã bắt đầu thêm những ký tự “gs_rfai” vào các địa chỉ web của mọi trang kết quả tìm kiếm (mỗi động tác tìm kiếm qua Google đều cho một địa chỉ web duy nhất được mã hóa để cho các kết quả đúng). Vì dòng chữ này chứa những chữ đầu của Radio Free Asia (đài Á châu Tự do) một tổ chức mà chính phủ TQ không ưa, nên đã phát động Hỏa Trường Thành chặn truy cập vào tất cả các trang kết quả của Google.
Bốn giờ sau, Google lại đưa ra tuyên bố nói cụm chữ “rfa” thực ra đã được thêm vào các địa chỉ kết quả từ một tuần trước, cho nên “điều xảy ra hôm nay… phải là một kết quả của sự thay đổi trong Hỏa Trường Thành”.
Đến hôm Thứ Tư, Google ra một tuyên bố ngắn rằng nó “sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, nhưng vào lúc này vấn đề dường như đã được giải quyết”.
Vẫn chưa rõ việc gì đã xảy ra. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin có trách nhiệm giám sát Internet, cũng như các cơ quan khác, từ chối bình luận.
Nhiều người sử dụng Google ở TQ bối rối một phần vì tiêu chí của việc chặn đôi khi không thể lường trước.
Thí dụ, tìm từ tiếng Trung của “carrot” (hulobo = hồ la bặc) có thể đưa đến thông báo “error” và không truy cập được vào Google, có vẻ vì một trong 3 ký tự của từ này giống với ký tự “Hu” là họ của Chủ tịch Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), hay từ “warm” (wen = ôn) cũng phát động bộ lọc vì nó chứa ký tự “wen” phạm húy Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Bài 2: Tôi đã trở thành mục tiêu tấn công của TQ trong cuộc chiến không gian ảo như thế nào?


Clifford Coonan, phóng viên báo The Independent tại Bắc Kinh, báo The Independent 1/4/2010
Tuần này, khi log vào tài khoản Yahoo email của mình, tôi nhận được thông điệp: “Chúng tôi đã phát hiện một vấn đề với tài khoản của bạn”. Các điều tra của tôi cho thấy đó là một phần trong chiến dịch tin tặc được phối hợp chặt chẽ và tinh vi chống lại các nhà báo, các Giáo sư đại học và nhà hoạt động nhân quyền ở TQ hay có liên quan đến TQ ở khắp nơi trên thế giới.
Các cuộc tấn công dường như chỉ tập chú vào tài khoản Yahoo email. Và không chỉ ở TQ, mà khoảng 12 nhà báo và nhà phân tích ở những nơi khác như Washington D.C., Đài Bắc… cũng bị tấn công, tất cả đều là những người liên quan đến việc tường trình hay phân tích tình hình TQ theo cách nào đó. Một phóng viên cũng nhận được thông điệp giống như tôi, và mất gần hết một ngày mới giải quyết được vấn đề. Một nhà báo khác cũng có chuyện tương tự vào 2 tháng trước, lúc đó người ta không biết vì sao, đến nay thì thấy có vẻ đó là một phần của chiến dịch tương tự. Một phóng viên Mỹ, đang định ra một cuốn sách về Tây Tạng, đã mất tài khoản Yahoo trong suốt 3 tuần lễ.
Sự nghi ngờ của tôi càng tăng khi tôi cố vào lại tài khoản email và nhận được thông điệp thứ hai trên trang Yahoo có chữ “Unites States” (viết sai chính tả, viết đúng phải là United States – ND). Sai chính tả là dấu hiệu kinh điển của những email bất lương hay những cố gắng cài đặt phần mềm độc hại (malware) vào máy tính (Y như trường hợp email giả danh đồng chí Phạm Toàn khiêm tốn! Đúng là con không giống cha thì chẳng lẽ giống… ông hàng xóm!  – ND); thường đây là cách duy nhất bạn có thể nhận biết mình là mục tiêu của mưu đồ bất lương.
Một nhà phân tích nói Yahoo bảo anh rằng có ai đó đã tìm cách chặn thông tin đăng ký của anh, và tài khoản của anh bị đóng băng cho đến khi nào người ta có thể giải quyết được vấn đề. Các cuộc tấn công cho thấy độ tinh ma ngày càng cao của bọn tin tặc và khó khăn của các công ty mạng trong việc bảo vệ các tài khoản.
Bắc Kinh chối mọi liên quan với tin tặc đánh vào tài khoản email của các nhà hoạt dộng nhân quyền. Tuy nhiên, một báo cáo vào tuần này của hãng an ninh máy tính Symantec nêu tên Shaoxing, một thành phố sản xuất rượu vang ở tỉnh Zhejiang (Triết Giang?), là thủ đô phần mềm độc hại của thế giới.
Báo cáo thám sát MessageLabs của Symantec vào tháng 3 năm 2010 nói gần 30% các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại đến từ TQ, với 21.3% từ Shaoxing. Kế đó là Đài Bắc 16.5%, rồi London 14.8%.
Năm 2004 Yahoo đã cung cấp dữ liệu email riêng tư cho chính quyền TQ, dẫn đến việc nhà báo Shi Tao bị bỏ tù 10 năm. Yahoo sau đó đã đối lại bằng việc lập một quỹ nhân quyền cung cấp trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân của kiểm duyệt. Công ty này tuyên bố lên án các cuộc tấn công Internet, bất kể nguồn gốc hay mục đích, nhưng không nêu đích danh ai.
HH

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn