Lãnh đạo Việt Nam tập trung vào Trung Quốc và biến đổi khí hậu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tại Washington

John Aloysius Farrell
Cho dù mới đầu tháng 2 năm nay, trong buổi tiếp Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Hàn Khải Đức, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định “Việt Nam quyết tâm thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc”, thì trên thực tế Trung Quốc không hề giảm bớt mức độ ngang ngược: bắt bớ ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc, đưa tàu ngư chính tuần tra vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí mới đây nhất, diễn tập hiệp đồng quy mô lớn trên Biển Đông với 20 tàu chiến các loại thuộc 3 hạm đội hải quân Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Cái lưỡi bò của Trung Quốc đe dọa Việt Nam đã đành, mà cả Mỹ, cho nên Thượng nghị sĩ John F. Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, mới nhận định đây là cơ hội để Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác với nhau bởi vì “Chúng ta có cùng lợi ích”.

Như thế, Trung Quốc càng ngang ngược càng đẩy Việt Nam về phía Hoa Kỳ và các nước có khả năng hợp tác để ngăn tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Vì thế, gần đây người ta thấy Việt Nam mua sắm vũ khí Nga, xúc tiến việc mua vũ khí Mỹ, Pháp, …; mặt khác, cố gắng tranh thủ khối ASEAN về vấn đề Biển Đông. Nói như nhà báo John Aloysius Farrell, “mỗi bên nhìn thấy trong mối quan hệ, một đối trọng tiềm năng đối với sức mạnh Trung Quốc.”

Bài báo sau đây chỉ cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt “quan ngại của Việt Nam về Trung Quốc lên bàn” khi thảo luận với Thượng nghị sĩ John F. Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện; người ta không rõ Nhà nước Việt Nam có chính thức thảo luận về vấn đề này với cấp cao hơn trong chính quyền Mỹ hay không. Trong tình hình giới bảo thủ vẫn còn có sức mạnh không thể coi thường, Nhà nước Việt Nam khó có thể có những bước tiến nhanh, mạnh và quả quyết về phía Hoa Kỳ tuy quả thật đúng như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Hormats xác quyết: “Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn, và mang tính xây dựng hơn thế này”.

Ngay ở góc độ kinh tế, vấn đề cũng không đơn giản. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có những phát triển vượt bậc: từ 2 tỷ đô la/năm cách đây 10 năm, đến hiện nay là 16 tỷ đô la/năm. Đấy là con số ấn tượng. Nhưng hãy nhớ rằng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc năm ngoái là 21,35 tỷ đô la (và năm nay dự báo khoảng 25 tỷ đô la – http://vneconomy.vn/20100331021843800P0C10/thuong-mai-viet-trung-huong-toi-kim-ngach-25-ty-usd.htm) trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chưa đầy 5 tỷ đô la. Theo một quan chức có trách nhiệm, tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc chỉ có thể khắc phục trong thời hạn 15-20 năm nữa (http://vneconomy.vn/20100416125924153P0C10/nhap-sieu-tu-trung-quoc-chua-the-giai-quyet-trong-mot-som-mot-chieu.htm).

Cho nên, đã rõ xu hướng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng quy mô đến đâu, tốc độ như thế nào, thì phải chờ. “Hoa đến kỳ, thì hoa phải nở”…

Bauxite Việt Nam
WASHINGTON – Nhận lời mời của Tổng thống Barack Obama để thảo luận về vấn đề an ninh hạt nhân với các nhà lãnh đạo đến từ 46 quốc gia khác, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, đã đến Washington tuần này. Nhưng vấn đề an toàn hạt nhân chỉ là một phần trong chương trình nghị sự của ông.


Việt Nam sắp tới kỷ niệm 35 năm ngày Sài Gòn sụp đổ và 15 năm nối lại quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, hai kẻ cựu thù bây giờ xem nhau như đối tác chiến lược và kinh tế. Và mỗi bên nhìn thấy trong mối quan hệ, một đối trọng tiềm năng đối với sức mạnh Trung Quốc.

Ông Dũng nói với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ một cách sôi nổi về việc Việt Nam tăng trưởng kinh tế – 7,2% hàng năm trong thập kỷ qua – và ghi nhận sự quan tâm của Tổng thống Obama về an toàn hạt nhân tại hội nghị thượng đỉnh. Ông đã gặp Phó Tổng thống Joseph Biden và Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton và đã đưa vào lịch trình các cuộc đàm phán song phương với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản và New Zealand.

Thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng từ $2 tỷ đô la lên $16 tỉ đô la/ năm trong 10 năm qua, và hiện tại hai quốc gia đang trong quá trình đàm phán một hiệp ước tự do mậu dịch trong khu vực.

“Hoa Kỳ cam kết tăng cường hợp tác với Việt Nam như là một trụ cột quan trọng về sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực này”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Robert Hormats nói với người Việt Nam trong bài phát biểu tại Hà Nội hôm thứ hai.

Ông Hormats nói: “Mục tiêu của chúng tôi là đóng một vai trò tái hoạt động mạnh mẽ ở châu Á. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn, và mang tính xây dựng hơn thế này”.

Trong một cuộc họp với Thượng nghị sĩ John F. Kerry (thuộc đảng Dân chủ, bang Massachusetts) hôm thứ tư, ông Dũng đặt hai mối quan ngại của Việt Nam về Trung Quốc lên bàn.

Thủ tướng đã đến ngay sau buổi trưa và dành nhiều thời gian của 45 phút tiếp theo với ông Kerry, người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Hai người nói về thương mại, môi trường, đàn áp chính trị ở Myanmar và làm thế nào để củng cố Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), mà Việt Nam hiện đang giữ chức Chủ tịch trong năm nay. Họ cũng nói về Trung Quốc.

Trung Quốc đã làm cho Hoa Kỳ và Việt Nam khó chịu về việc đòi chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển thuộc Biển Đông. Ông Kerry, người đã nhìn thấy cơ hội để hai nước hợp tác với nhau về vấn đề Trung Quốc đòi chủ quyền, nói rằng ông Dũng “bày tỏ mối quan tâm” về vấn đề này. “Chúng tôi sẽ theo dõi vấn đề đó kỹ hơn”, Thượng nghị sĩ hứa. “Nó đi vào trọng tâm về sự tự do đi lại trong khu vực đó. … Chúng ta có cùng lợi ích”.

Ông Kerry và ông Dũng cũng thảo luận về tình trạng ấm lên toàn cầu, về khu vực khác mà lợi ích của Trung Quốc và Việt Nam trái ngược nhau. Công nghiệp hóa phát triển nhanh của Trung Quốc dựa vào các nhà máy điện đốt than và các nhiên liệu hóa thạch khác, điều đó góp phần tăng thêm mối đe dọa về biến đổi khí hậu.

Việt Nam, một quốc gia nằm ở vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ mực nước biển dâng cao do khí hậu ấm lên, đặc biệt là những đồng lúa ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, được xem như dựa lúa trong khu vực, đã bị nước mặn tràn ngập. Và những con đập của Trung Quốc ở thượng lưu Mekong, hút nước từ sông, gây thêm các vấn đề cho vùng hạ lưu.

Việt Nam “bị đe dọa rất nhiều” và “họ cảm thấy bị đe dọa” do sự ấm lên toàn cầu, ông Kerry nói. Ông lưu ý, các nước khác ở châu Á và châu Phi dường như quan tâm hơn những cảnh báo về biến đổi khí hậu khi nó đến từ một đất nước đang phát triển như Việt Nam, hơn là từ một quốc gia đã phát triển như Hoa Kỳ.

“Đó là bí mật về sự tiến bộ của chúng ta như thế nào”, ông Kerry, một lãnh đạo lập pháp về biến đổi khí hậu tại Thượng viện, nói.

Các mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ không thể tưởng tượng cách đây 15 năm, khi chính quyền Clinton mở quan hệ ngoại giao.

Hiện vẫn còn những điểm rắc rối trong mối quan hệ. Tại Hà Nội tuần này, ông Hormats thúc giục Việt Nam tiếp tục gia tăng tiến độ về việc bảo đảm quyền con người, tự do báo chí và tự do internet, và hướng tới một nền kinh tế mở cửa, kinh tế thị trường. Đặc biệt, ông phản đối các đề xuất của Việt Nam về việc kiểm soát giá cả trong cuộc chiến chống lạm phát.

Ông Hormats nói: “Họ đã cố gắng kiểm soát giá cả, nhưng không thực hiện được – và đã gây ra hệ lụy kéo dài trong nhiều năm và rất khó tháo gỡ. Hãy nhìn vào kinh nghiệm của các nước khác trước khi các ông đi vào con đường đó”.

Chính phủ Obama thừa nhận rằng, Hoa Kỳ bận rộn với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, Iraq và Afghanistan, khu vực Đông Nam Á xem như đã bị bỏ quên. Tuy nhiên, “Hoa Kỳ trở lại”, bà Hillary Clinton đã hứa năm ngoái. Bà dự kiến đến thăm Việt Nam trong năm nay.

Người dịch: Ngọc Thu

Nguồn: Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN. Nguyên văn: http://www.globalpost.com/dispatch/vietnam/100416/vietnam-foreign-policy-nguyen-tan-dung

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn