Lo ngại của các nước láng giềng bắt nguồn từ ngộ nhận đối với sự trỗi dậy của TQ

Duy Ái | Washington


Lời bình 1:
“Một cơ quan nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc cho biết rằng môi trường an ninh của quốc gia đông dân nhất thế giới này đã không được cải thiện, mặc dù kinh tế của họ tiếp tục phát triển một cách tốt đẹp. Các chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng cho rằng sự hiểu lầm của các nước nhỏ ở xung quanh đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc làm cho các nước này ngày càng lo âu nhiều hơn. Các nhận định vừa kể nằm trong bản phúc trình công bố tại Bắc Kinh mồng 6 tháng Tư, một ngày sau khi Chính phủ Việt Nam lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cử hai tàu ngư chính đi tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền” – Duy Ái.

BVN xin cải chính một điều nho nhỏ: không phải các quốc gia Đông Nam Á hiểu lầm Trung quốc đâu, họ sợ Trung Quốc thật sự đấy. Họ không ghét người dân Trung Quốc – dân nước nào mà chả có mặt hay mặt dở và hay hay dở đều rất đáng yêu ở sự hồn nhiên của nó, nhưng mấy ngài đang ngự trị trong Trung Nam Hải với tham vọng bành trướng bao giờ cũng lộ liễu, với cách hành xử vừa đe nẹt vừa dỗ dành ngọt hơn mía lùi thì phải nói, họ ghét như đào đất đổ đi. Nỗi sợ lớn nhất của họ là sợ các vị cầm quyền nước họ ăn phải bả của cái thứ “mật ngọt chết ruồi” ấy mà chính họ ít hay nhiều đã nhãn tiền chứng thấy. Cho nên, các nhà khoa học xã hội Trung Quốc cứ tha hồ tô son vẽ phấn cho nền chính trị Trung Quốc, hoặc làm tham mưu cho nhà nước Trung Quốc “chỉnh trang” lại bộ mặt nước mình đi. Các ngài có biết truyện truyền kỳ Trung quốc có nhân vật hồ ly hay không? Dù có biến thành gái đẹp nõn nà đi nữa, cuối cùng khi “nàng” ngoảnh lại đằng sau, cái đuôi vẫn lù lù lộ ra thì ai mà không hoảng.

Có thể nói trong phương châm “chung sống hài hòa” của ngài Hồ Cẩm Đào có cả một cái đuôi hồ ly ẩn hiện lấp ló mà những ai không tinh, hoặc lóa mắt vì đồng tiền hào phóng thì sẽ bị nó quấn cho đến chết sặc.

Bauxite Việt Nam
Lời bình 2:
Đọc bài 'Lo ngại của các nước láng giềng bắt nguồn từ ngộ nhận đối với sự trỗi dậy của TQ', tôi xiết bao THƯƠNG CẢM và ÂN HẬN. Thương vì một nước hiền lành như Trung Quốc, mới thấy các nước nhỏ lo lắng và đề phòng thôi mà nước lớn này đã cảm thấy mình không được an ninh rồi ( thì còn lòng dạ nào đi xâm lấn nước khác), thế mà bị mang tiếng xấu là kẻ chuyên bành trướng, hơn oan Thị Kính! Tôi hối hận cho mình và cho hàng triệu con người trên hành tinh đã trót nghi ngờ một thiện chí, đã coi “16 chữ vàng” là nanh vuốt bọc nhung của mụ phù thủy trong truyện cổ tích chuyên ăn thịt trẻ con. Thật oan cho người ta quá đỗi. Nhưng ta lại thấy ĐƯỢC AN ỦI, ở chỗ, đâu chỉ một phía Trung Quốc bị ta hiểu lầm, mà ngược lại ta cũng bị Trung Quốc hiểu lầm. Với “cuốn sách xanh” của Lý Hướng Dương, phía Việt Nam đã bị các đồng chí Trung Quốc nghĩ rằng, chúng ta là một cộng đồng đui mù và mất trí nhớ, nghe tiếng trống hội 1.000 năm Thăng Long rộn rã tình hữu nghị là chìm ngay vào giấc ngủ thôi miên, quên béng cái 1.000 năm lịch sử đau thương từng cứa vào da thịt giống nòi.

Cùng bị hiểu lầm nên dễ hiểu nhau.

Vậy đề nghị BVN đăng bài này lên để cùng nhau chia sẻ 3 sự THƯƠNG CẢM, ÂN HẬN và ĐƯỢC AN ỦI đó.

Hà Sĩ Phu
Hình: AP Cờ Trung Quốc tại biển Đông

Bản phúc trình của Trung Quốc, có tên Sách bìa xanh về Á Châu Thái Bình Dương 2010 (Asia-Pacific 2010 Blue Book), đã được Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố tại Bắc Kinh hôm mồng 6 tháng Tư vừa qua. Các chuyên gia của cơ quan nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc này cảnh báo rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến cho các nước xung quanh cảm thấy lo âu nhiều hơn và đang ra sức tìm cách đề phòng. Họ cũng cảnh báo rằng sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc thế giới trong vùng Á Châu Thái Bình Dương đang trên đà gia tăng và môi trường an ninh của Trung Quốc đã không được cải thiện mặc dù nền kinh tế vẫn không ngừng phát triển một cách tốt đẹp.


Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Lý Hướng Dương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á Châu Thái Bình Dương của Viện Khoa học Xã hội và là người chủ biên bản phúc trình này, nói rằng thành quả xuất chúng của Trung Quốc trong việc ứng phó với vụ suy thoái kinh tế toàn cầu đã tạo ra điều mà ông gọi là “mất cân bằng tâm lý” của nhiều nước trên thế giới. Ông cho biết rằng hiện tượng mất cân bằng này đặc biệt tỏ lộ một cách rõ ràng ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên và các quốc gia Đông Nam Á; và điều đó đã làm gia tăng tính chất nghiêm trọng của những vấn đề lịch sử còn tồn đọng.

Sách bìa xanh của Trung Quốc được công bố một ngày sau khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối Bắc Kinh về điều mà họ cho là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói rằng “việc Trung Quốc cử hai tàu ngư chính đi tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”. Bà Nga cũng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay điều mà bà gọi là “gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Trong khi đó, tin tức báo chí Trung Quốc hồi đầu tuần này cho biết hai chiếc tàu ngư chính 331 và 202 của Cục Ngư chính Đông Hải, vốn là tàu do tàu chiến sửa lại mà thành, lần đầu tiên đã đến hoạt động trong vùng biển cực Nam của Trường Sa – quần đảo mà Trung Quốc gọi là Nam Sa và đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia quốc phòng cho biết vụ tranh chấp chủ quyền này cộng với thái độ mà họ gọi là cứng rắn hay ngạo mạn của Trung Quốc trên trường ngoại giao trong vài năm gần đây đã khiến các nước Đông Nam Á cảm thấy lo ngại và không ngớt ra sức nâng cao khả năng quốc phòng. Các số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế ở Stockholm cho thấy số vũ khí nhập khẩu của Indonesia, Singapore và Malaysia từ năm 2005 đến 2009 so với 5 năm trước đó đã tăng với tỉ lệ lần lượt là 84%, 146% và 722%. Về phần Việt Nam, là nước mà nhiều người cho rằng có nhiều rủi ro bị Trung Quốc tấn công nhất, giới hữu trách cũng đã dành riêng những ngân khoản lớn để mua sắm trang thiết bị quân sự và tăng cường các mối liên hệ quốc phòng với nhiều nước khác, kể cả Hoa Kỳ.

Trong năm 2009 Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới, và theo dự báo của hầu hết các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc sẽ qua mặt Nhật Bản trong năm nay để giành vị thế của quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới. Những thành quả kinh tế đạt được trong hơn 20 năm sau ngày ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu áp dụng chính sách cải cách theo đường hướng thị trường cũng khiến cho chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc không ngớt lên cao. Mới đây, một sĩ quan cao cấp của Trung Quốc nói rằng Trung Quốc cần nhanh chóng hành động để giành lấy vị trí quán quân thế giới về quân sự. Trong cuốn sách xuất bản hồi tháng 3 có nhan đề Trung Quốc mộng, Đại tá Lưu Minh Phúc của Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng nếu Trung Quốc không cố gắng để giành vị thế cường quốc số một thế giới trong thế kỷ XXI thì Trung Quốc sẽ bị tụt hậu và bị gạt ra ngoài rìa.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói rằng “sự ngộ nhận” đối với đường lối ngoại giao cơ bản “không xưng bá” của Trung Quốc, được thúc đẩy bởi một số nước có ác ý, đã khiến cho các nước nhỏ ở xung quanh ngày càng cảm thấy nghi ngại và lo âu nhiều hơn trước sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Các chuyên gia này cho rằng tình trạng vừa kể khiến cho Trung Quốc lâm vào một tình huống bất lợi về an ninh.

Giáo sư Lý Hướng Dương của Trung tâm Á Châu Thái Bình Dương của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng cho rằng đề nghị thường được gọi là G-2, với nội dung chính là Hoa Kỳ với Trung Quốc cùng nhau lãnh đạo thế giới, là một ý tưởng thiếu cơ sở thực tế. Ông cho rằng trong giai đoạn hiện nay Trung Quốc không có đủ năng lực để cùng với Hoa Kỳ chia sẻ gánh nặng như vậy mà Hoa Kỳ cũng không hề có ý định chia sẻ quyền lãnh đạo với Trung Quốc hay để cho Trung Quốc tham gia việc ấn định những qui tắc hoạt động trên trường quốc tế. Ông Lý Hướng Dương cho rằng với vị thế là siêu cường duy nhất của thế giới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ngăn chặn sự xuất hiện của một nước thách thức địa vị bá chủ của mình.

Giáo sư Lý Hướng Dương cũng cho rằng bên cạnh vấn đề là sức mạnh tổng thể còn kém xa Hoa Kỳ rất nhiều, Trung Quốc còn phải đối mặt với một thực tế là không có nhiều đồng minh và bạn bè trên khắp thế giới như Hoa Kỳ. Ông đề nghị giới hữu trách thông qua việc tăng cường ảnh hưởng dựa vào quyền lực mềm nhằm ứng phó với sự kiện là một số quốc gia đang xướng xuất việc tranh thủ cho Hoa Kỳ trở lại vùng Đông Nam Á để cân bằng hoặc đối trọng với Trung Quốc. Người đứng đầu Trung tâm Á Châu Thái Bình Dương của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng cho rằng trước tình hình hiện nay Trung Quốc nên có một sự nhận thức tỉnh táo về sức mạnh của mình và ứng phó với sự chỉ trích của quốc tế với một thái độ bình tĩnh và hòa nhã.

Sách bìa xanh về Á Châu Thái Bình Dương năm 2010 của Trung Quốc đề nghị 6 phương hướng hành động để ứng phó với tình hình an ninh ở các nước xung quanh, bao gồm việc phát triển thực lực, ổn định quan hệ với Hoa Kỳ, phát triển công tác ngoại giao hòa hiếu với các nước trong khu vực, gia tăng ảnh hưởng ở các nước láng giềng, tăng cường công tác xây dựng quyền lực mềm, và cải thiện hình ảnh của Trung Quốc tại các nước vùng Á Châu Thái Bình Dương.

DA

Nguồn: http://www1.voanews.com/vietnamese/news/world/China-Neighbors-Worries-Caused-By-Misunderstandings-About-Its-Rising-04-13-10-90779789.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn