Nhận xét dự án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”

GS TS Nguyễn Trường Tiến
Là một trong những phản biện chính do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đặt hàng, bài viết của GS TS Nguyễn Trường Tiến có tính chất lớp lang hệ thống, có cả phần tóm tắt mục lục của bản dự án Quy hoạch và một đôi lời phân trần về những hạn chế chủ quan và khách quan đã khiến người góp ý chưa thật thỏa mãn với mình ở cuối phần kết luận. Chúng tôi xin phép lược bỏ các phần ấy để bạn đọc tập trung vào những nội dung chính mà tác giả đặt ra như những lời chất vấn cụ thể, nhằm lật đi lật lại cho vấn đề thêm sáng tỏ, hoặc đôi khi lật ngược vấn đề; mặt khác bổ sung những gợi ý phong phú về môi trường địa - văn hóa, địa - tâm linh của một Thủ đô có đến ngàn năm tuổi để giúp người quy hoạch có cái nhìn nhiều chiều hơn, sâu thẳm hơn, cũng như không nhất thiết giới hạn ở tầm nhìn 2050 mà có thể vượt lên, nắm bắt được những chiều hướng phát triển xa hơn.


Bauxite Việt Nam


MỘT SỐ NHẬN XÉT CHUNG


  • Hà Nội có diện tích 3.324,92 Km2. Dân số 6,5 triệu người, là một trong 17 thủ đô lớn nhất của thế giới, Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, vì vậy việc lập quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội là cần thiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và sự phát triển ổn định bền vững. Các phạm vi nghiên cứu bao gồm 15 tỉnh và thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên là các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là địa bàn quan trọng nhất cả nước. Nôi văn hiến, văn minh, của Tổ tiên người Việt, của lúa nước, Thần Trống Đồng, Thần Kim Quy, Thần Chữ Việt Cổ, Tứ Bất Tử, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, với hàng ngàn di tích và là cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Vì vậy việc lập quy hoạch chung vùng Thủ đô Hà Nội có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là tôn vinh các giá trị văn hóa của Lạc Hồng Siêu Việt. Khai thác các giá trị văn hóa của Tổ tiên để dựng nước và giữ nước như lời dạy của Bác Hồ.
  • Tương lai phát triển của Hà Nội
  • Thành phố xanh: Phát triển bền vững về môi trường
  • Thành phố Văn hiến: Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển
  • Thành phố Văn minh – hiện đại: Phát triển bền vững trên nền tảng trí thức
Người nhận xét đồng ý với các tác giả về tầm nhìn, tương lai phát triển, quan điểm, mục tiêu chính. Xin bổ xung thêm hai nội dung:
  • Bảo vệ an ninh, quốc phòng, độc lập, tự do dân chủ và chủ quyền đất nước theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
  • Khai thác các giá trị văn hóa, giá trị tâm linh, phong thủy, đạo đức, giá trị vô hình… để dựng nước và giữ nước
Các tác giả có thể có các nghiên cứu dự báo về phát triển của Hà Nội trong 50 năm tới: Không gian, dân số, nhà ở, giao thông, năng lượng, môi trường, nước, sử dụng đất… Nên dựa vào quá khứ, đứng vững ở hiện tại và hướng tới tương lai để có tầm nhìn vượt qua con số 2050.

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ CÁC CƠ SỞ LẬP QUY HOẠCH


  • Các số liệu về hiện trạng Thủ đô Hà Nội là rất quý. Các tác giả đã tập hợp được khá đầy đủ các số liệu toàn diện để làm cơ sở lập quy hoạch. Đã chỉ ra 10 vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch Hà Nội
  • Những vấn đề sau nên được quan tâm:
  • Điểm nào là trung tâm (là cột mốc số 0, là rốn của Hà Nội?)
  • Phong thủy Hà Nội là gì? Vì sao chọn Hà Nội là Thủ đô?
  • Các trục tâm linh của Hà Nội nằm ở đâu?
  • Các cửa ngõ vào Hà Nội ở đâu?
  • Đâu là tứ trấn của Hà Nội?
  • Các công trình văn hóa như đình, đền, miếu, chùa, nhà thờ, phủ… cần được liên kết như thế nào?
  • Làm thế nào để nối các giá trị văn hóa tâm linh của vùng Thủ đô?
  • Tại sao toàn thành phố chỉ có 9 nghĩa trang tập trung với tổng diện tích là 116.6ha, chiếm tỷ lệ 3,85% diện tích đất nghĩa trang toàn thành phố? (2 853 ha). Tại sao có nhiều đô thị dương lại quá ít đô thị âm?
  • Hàng năm người Hà Nội tế trời đất ở đâu? Đàn Nam Giao của 1000 năm Thăng Long nằm ở đâu? Có cần Đàn Nam Giao của Thủ đô Hà Nội như Tổ tiên đã làm không?
  • Chúng ta đã có các tiêu chí phân loại các đô thị trên địa bàn cả nước. Nên phân tích rõ Hà nội, 5 đô thị vệ tinh ở tình hình hiện nay đạt ở mức nào, năm 2030, 2050 sẽ đạt được những tiêu chí, tiêu chuẩn gì?
  • Có phải cách đây 1000 năm khi chọn Thăng Long để dời đô, Cụ Lý Công Uẩn đã dựa vào tâm linh, phong thủy, sự mách bảo của Tổ Tiên, Đức Thánh Tản, Tứ Bất Tử, Thần Kim Quy, Thần Trống Đồng, Phật Tổ và các giá trị văn hóa vô hình của Lạc Hồng không? Những ai đã giúp Vua Lý Công Uẩn quy hoạch Thành Thăng Long, Hoàng Thành, Đàn Nam Giao, Chùa, Đình, Đền, Miếu…? Có phải Hồ Tây là nơi Rồng bay lên và Sông Tô Lịch là hình dáng còn lại của Cụ hay không?
  • Từ lúc nào chúng ta có tứ trấn là Voi Phục, Chùa Kim Liên, Đền Trấn Võ, Đền Bạch Mã?
  • Có phải Hoàng Thành Thăng Long tọa vào Bắc (Hồ Tây) và hướng vào Nam theo đường Lê Duẩn, Giải Phóng, Phủ Lý, Ninh Bình là Tiền đường mênh mông của Thành không? Tâm của Hoàng Thành ở đâu? Cột cờ có ý nghĩa gì?
  • Có phải các dãy núi Ba Vì (Đức Tản Viên) kéo dài đến Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa là hữu Bạch Hổ của Thánh Thần Việt Nam và của Hà Nội hay không?
  • Có phải Núi Tam Đảo và các dãy núi vùng Đông Bắc với các địa danh Côn Sơn, Kiếp Bạc, Yên Tử, Hạ Long là Tả Thanh Long của Phật giáo Việt Nam và của Hà Nội hay không?
  • Tại sao tại các vùng biên giới phía Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc có nhiều đền, miếu, đình của Tổ Tiên?
  • Vì sao dòng Sông Hồng chảy vào Việt Nam theo chiều Tây Bắc – Đông Nam? Vì sao có gió Đông Nam - Tây Bắc? Vì sao hướng các chùa thường theo thường quay theo các hướng trên? Vì sao hướng của Thánh Thần thường chọn Đông Tây? Vì sao có gió Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam? Vì sao Núi Ba Vì và Núi Tam Đảo được Bác Hồ đặc biệt quan tâm? Vì sao vĩ tuyến 21 đi qua Núi Tản và Phủ Tây Hồ? Thời và vận của Việt Nam là gì? Số nào là số của người Việt?
  • Vì sao lại có Bát quái trên Sông Tô Lịch, sát cửa Thành phía Tây, đối diện với Miếu Đôi gần đường Hoàng Quốc Việt? Hà nội còn bao nhiêu bát quái chặn các long mạch của đất trời, Thánh thần, Tổ Tiên?
  • Ô Đông Mác, Ngã tư Vọng, Ngã tư Sở, Cầu Giấy, Ô quan Chưởng có ý nghĩa gì với Hà Nội?
  • Thị xã Sơn Tây, thị xã Hà Đông, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Hoài đức, Ứng Hòa… có liên quan gì đến 108 Vua Hùng, Hai Bà Trưng?
  • Vì sao kinh thành Huế chọn hướng Tâm Linh là tọa Tây Bắc hướng Đông Nam? Vì sao Vua Gia Long khi đặt mộ là hướng Đông Nam – Tây Bắc?
  • KTS Nguyễn An là người Quy hoạch Thủ đô Bắc Kinh, Thiên An Môn, chọn hướng Bắc Nam. Các kinh đô Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật) cũng chọn hướng tương tự.
  • Quy hoạch Thủ đô các nước Phương Tây như Pháp, Mỹ, Anh, Thụy Điển… đều đặc biệt coi trọng phong thủy. Nhiều đô thị lớn của thế giới được quy hoạch với tầm nhìn hàng trăm năm. Trung tâm hành chính mới vủa Malaisia, nghĩa trang của Malaisia đều được quy hoạch với các hiểu biết sâu sắc về phong thủy và các giá trị Tâm Linh rất cao.
MỘI SỐ NHẬN XÉT CỤ THỂ

Điểm nổi bật của dự án là đã quan tâm khá toàn diện đến các diện tích xanh, vành đai xanh. Đã nêu bật các đô thị vệ tinh, các định hướng và phát triển nông thôn, giao thông, hạ tầng, kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, công nghiệp, dịch vụ, làng nghề. Các tác giả đã đề cập đến các vấn đề về cấp nước, thoát nước, vai trò của các hồ, sông, suối và quy hoạch Sông Hồng. Đặc biệt các tác giả đã lựa chọn trục Thăng Long (trục Tâm Linh) Ba Vì – Ba Đình và Đài Độc Lập. Tuy nhiên việc lựa chọn trục Tâm Linh và vị trí đặt Đài Độc Lập chưa có luận chứng và lý giải hợp lý. Ai là tác giả của đề xuất trên, vì sao lại lựa chọn cần được giải thích rõ.

Sông và Hồ là do Thiên tạo, là Long mạch dương, là mắt rồng của Đất Mẹ. Cần có các giải pháp khai thông các dòng sông, các lòng hồ và tránh kè lòng hồ bằng bê tông như đã làm. Hà Nội còn quá ít hồ, Hồ là mắt của Mẹ, Sông là công ơn của Mẹ. Dự án cần đặc biệt nhấn mạnh nội dung này. Thăng Long xưa có 150 hồ nước, được bao quanh bởi các dòng sông. Đây là những yếu tố của phong thủy để sinh ra nhân tài cho đất nước. Vì sao 600 năm nay, Hà Nội không có nhân tài được sinh ra trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này? (Có phải vì các Bát Quái trên sông Tô Lịch, Bưởi, Voi Phục, Bách thảo, chùa Dâu và Ba Vì không? Có phải Cụ Thần Kim Quy bị chặt đầu và chân trái không?) Nên khai thác sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích và nghiên cứu khả năng đấu nối với sông Hồng như xưa.

Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh… nên có các đường vành đai 5, vành đai 6, vành đai 7, vành đai 8, vành đai 9. Lấy hồ Hoàn Kiếm là trung tâm, có bán kính trung bình là 50, 60, 70, 80, 90 km. Các đường vành đai trên cho phép nối các đô thị, tỉnh lỵ vệ tinh, các địa chỉ văn hóa tâm linh … với tầm nhìn 100 năm, 500 năm. Không nên chỉ kể đến các đô thị vệ tinh với bán kinh khoảng 20km đến 30km như nêu trong dự án. Các vành đai trên là để bảo vệ an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế của vùng Thủ đô. Nên quy hoạch hệ thống đường hướng tâm vào hồ Hoàn Kiếm, và cột mốc số 0 của Thủ đô.

Không nên di dời khu trung tâm hành chính lên Mỹ Đình và Ba Vì. Nên coi trọng việc phục hồi lại Hoàng Thành Thăng Long, Tứ trấn, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn, Phủ Tây Hồ. Trung tâm hành chính, chính trị của quốc gia nên được mở rộng trên cơ sở của tâm điểm Hoàng Thành và nằm trong các điểm linh thiêng nói trên. Xin học bài học của Tổ Tiên, các đời vua Hồ Quý Ly, Quang Trung, Gia Long. Đất Ba Vì là mảnh đất linh thiêng của Thánh Thần, là đô thị Âm, không thích hợp cho quy hoạch Trung tâm Hành chính quốc gia.

Quy hoạch giao thông, định hướng phát triển giao thông, giải pháp cho giao thông đô thị và vùng lân cận có ý nghĩa vô cùng quyết định cho sự phát triển. Nên khai thác không gian ngầm, công trình ngầm, đường ngầm. Nên định hướng và dự báo các phương tiện giao thông chủ yếu: công cộng, cá nhân, xe ô tô, xe máy, xe đạp, đi bộ…

Định hướng phát triển nông thôn cần được đặc biệt quan tâm. Các mô hình làng văn hiến Việt Nam nên được xây dựng. Lo cái Ăn cho dân tộc là chuyện của muôn đời, chỉ có người nông dân làm được. Nên phục hồi các làng nghề truyền thống, nên xây dựng các công viên nghĩa trang. Nên quan tâm đến việc phục hồi Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc. Các cụ dạy trên đời có 3 việc phải lo là “Lo ăn cho dân, lo tang cho người chết, lo tế lễ Tổ Tiên”.

Ngôn ngữ của quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội nên dùng các đường thẳng, đường cong của âm dương, ngũ hành, dịch lý. Nên dùng các hình tượng hoa sen, Trống Đồng, Thần Kim Quy, nhà sàn…

Hà Nội cần có các điểm nhấn, điểm du lịch hấp dẫn. Nên có các làng truyền thống với ngôi nhà sàn, ngôi nhà vườn, nhà chung cư, nhà siêu cao tầng, Tháp truyền hình 450m ven Hồ Tây (dự án đã được lập từ 1997, đã được đưa vào văn kiện đại hội Đảng, ở phía Tây Hồ Tây, nối núi Ba Vì, Hồ Tây và Thành Cổ Loa).

Nên mở rộng, nâng cấp, cải tạo các công trình văn hóa cổ, kiến trúc cổ, khu 36 phố phường, khu phố đi bộ… Xây dựng hệ thống giao thông đô thị, công trình ngầm, không gian ngầm, đường hầm hợp lý và thông minh.

Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội nên chú ý đến các điều kiện về địa chất công trình, địa chất thủy văn, địa kỹ thuật, cao độ, địa hình… Nên có sự tham gia của các Kỹ sư.

Quy hoạch chung vùng Hà nội như trình bày trong dự án là chưa đối xứng, chưa tròn như hoa sen, như trống đồng khi chọn Hồ Hoàn Kiếm là TÂM. Phía Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Nam của Hà nội nên được quan tâm phát triển hơn. Phải có nhiều cầu qua sông Hồng, kể cả cầu ngầm vượt sông… Vùng Cổ Loa, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… cần được lưu ý và có các mạng lưới giao thông tương xứng. Cần nối Tả Thanh Long với Hữu Bạch Hổ như Tổ tiên đã sắp đặt, tạo thành vành đai của Thánh, Thần với Phật và Tổ tiên.

Nên có những lý giải về việc Thành Cổ Loa chưa được phục hồi lại, bị xâm phạm. Vì sao Đông Anh và Gia Lâm kém phát triển từ hàng trăm năm nay?

Ngã ba các dòng sông là nơi tụ khí thiêng của trời đất, địa linh, nhân kiệt. Nên hết sức quan tâm đến ngã ba sông Hồng, sông Đuống ( Đông Hội, Đông Anh, Cổ Loa), nguồn nước ngầm ở gần thành Cổ Loa là có chất lượng rất cao và khá dồi dào. Ngã ba sông Thiên Phù, sông Tô Lịch và Tây Hồ Tây ( Xuân La, Xuân Đỉnh), chùa Bái Ân, các đền, miếu, đình, chùa ven Hồ Tây, Đền thờ Thần Trống Đồng ở Thụy Khuê… là khu đất rất quý. Nơi đây đã từng quy hoạch để xây dựng tháp truyền hình 450 m. Nên được khai thác để đào tạo nhân tài cho nước Nam. Nên có một quy hoạch tổng thể cho Hồ Tây, nơi nhận khí linh thiêng từ Tây Bắc, tỏa xuống Đông Nam, gắn bó với những truyền thuyết hào hùng và đẫm nước mắt của dân tộc. Nơi danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn thị Lộ gặp nhau. Nơi Thái sư Lê Văn Thịnh gặp nạn. Hồ Tây là hồ linh thiêng của cả quốc gia, là điểm tựa của thành Hà Nội từ thời Lý Công Uẩn.

Hồ Hoàn kiếm với truyền thuyết của Thần Kim Quy (đại diện cho sĩ phu Bắc Hà, cho trí thức Việt nam), là tâm và rốn của Hà nội. Đền Ngọc Sơn là Câu lạc bộ văn hóa của sĩ phu Bắc Hà, trụ sở báo Nhân dân là trường học nổi tiếng khi Vua Gia Long chuyển Quốc Tử Giám và Văn Miếu vào Huế. Quanh Hồ Hoàn Kiếm là các chùa, đình, đền, miếu, gắn với 36 phố phường là các khu vực cần được bảo tồn, cải tạo, tôn vinh như lõi của Hà Nội. Cân thiết và mạnh dạn quy hoạch lại Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, khu phố cũ… trả lại cho Hồ Hoàn kiếm những gì vốn có.

Nên phục hồi lai khu vực Hoàng thành Thăng Long, để có một Thăng Long trong lòng Hà nội.

Nên tìm kiếm tứ trấn mới cho Hà Nội khi đã mở rộng từ 2008

Nên chú ý địa danh phố Xốm, làng Vân Nội, đền thờ Tổ dòng tộc họ Nguyễn, dòng sông Hát của Hai Bà Trưng và các địa danh, chùa, đình, đền miếu nổi tiếng của vùng đất trên.

Nên chú ý đến các ngôi mộ cổ trải dài từ Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Đông, Ba La, Vân Đình, Chương Mỹ, Mỹ Đức… Vì sống là gửi, thác là về. Tổ tiên người Việt sống vì mồ, vì mả, không phải vì cả bát cơm, mồ yên mả đẹp, lá rụng về cội. Nếu không trả nợ lịch sử, không bảo vệ mồ mả tổ tiên, có cách gì chúng ta phát triển bền vững?

Nên tìm cách khai thông các long mạch, làm sạch các bát quái, các yểm bùa, chấn trạch để nước và khí trong lành được lưu thông, nhân tài mới xuất hiện, đạo đức được phục hưng, con cháu về với Tổ Tiên, Thánh, Thần, Phật… danh nho võ tướng, kẻ sĩ, người tử tế… nhân, lễ, nghĩa, trí tín, trung, hiếu….

Chúng ta cần quan tâm đến các thách thức đối với đất nước, dân tộc về độc lập, tự do, chủ quyền, tụt hậu, không ổn định, không bền vững, mất cân bằng, không theo quy luật, biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nước… Quy hoach chung cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề trên



KẾT LUẬN

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là một công việc quan trọng, cấp bách và có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là được thực hiện vào năm 2010, năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Dự án quy hoạch được thực hiện trong thời gian kỷ lục là trong hơn 1 năm, với sự đóng góp của các chuyên gia quy hoạch của Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam. Tập thể các liên danh và các Viên Quy hoạch của Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội đã dành nhiều công sức để có một sản phẩm quy hoạch có tầm nhìn 40 năm.

Theo lời dự báo cách đây gần 500 năm của Cụ Trạng Trình thì 34 năm nữa, vào năm 2044:

“Việt Nam sẽ thái bình

Mười phương tìm tới

Con cháu lại về với Tổ Tông”

Quy hoạch Hà Nội hôm nay để Việt Nam thái bình muôn thuở, để bạn bè từ mười phương tìm tới, để con cháu lại về với Tổ Tông là mục tiêu tối thượng. Vì vậy trong quy hoạch nên đặc biệt chú ý khai thác và kết hợp:
  • Các giá trị văn hóa của Tổ Tiên với văn minh nhân loại. Học tập các kinh nghiệm quy hoạch tốt nhất của văn hóa Đông Phương và văn minh Phương Tây.
  • Các giá trị vô hình và hữu hình, cân bằng Âm Dương để phát triển ổn định, bền vững, hợp theo quy luật của Ngũ Hành, của Dịch Lý.
  • Cần đặc biệt chú ý áp dụng khoa học phong thủy và Văn hóa tâm linh trong việc định hướng phát triển. Chú ý đến TÂM, HƯỚNG, TỌA, LONG MẠCH, HUYỆT…
  • Nên đặc biệt quan tâm đến việc phát huy các giá trị văn hóa vĩnh hằng, các di sản văn hóa của dân tộc và hiểu các lời dạy của cha ông.
  • An ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, an toàn, sức khỏe cộng đồng, giáo dục đào tạo, nông thôn, nghĩa trang, làng nghề truyền thống, du lịch, chống thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu, lương thực, nước, năng lượng tái tạo … phải được phát triển và kết hợp hài hòa.
  • Nước và năng lượng đều là phong thủy, đều là thách thức của bài toán tương lai. Nên có các giải pháp thật tích cực với các định hướng cụ thể hơn. Khai thác các hồ, sông ngòi, đào thêm hồ, sông, nối các sông với nhau bao quanh Hà Nội để khai thông các bế tắc và phát triển bền vững có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
  • Nên xây dựng các đường vành đai, các công viên nghĩa trang, các đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giáo dục, trạm dừng chân… dọc theo các đường vành đai. Bán kính của đường vành đai là khoảng 40 – 90km, tâm là Hồ Hoàn Kiếm.
  • Không nên quy hoạch trung tâm hành chính quốc gia tại Mỹ Đình và Ba Vì. Nên mở rộng trung tâm hành chính quốc gia hiện hữu. Gắn với Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Chùa Một Cột, các cửa ô của thành Thăng Long. Lựa chọn sai địa điểm của trung tâm hành chính sẽ mang lại hậu quả khó lường.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là một việc rất khó, quan trọng với vận mệnh nước nhà và vô cùng phức tạp. Cần có nhiều đóng góp của nhiều học giả, nhà khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đầu tư, thương mại. Đặc biệt là các chuyên gia về khoa học phong thủy thật sự, văn hóa tâm linh tài năng và có tâm, các nhà lịch sử, địa lý, môi trường, năng lượng, nước, đất, khí…

GS.TS. Nguyễn Trường Tiến

Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn AA

Viện sỹ Viện Hàn lâm kỹ thuật và công nghệ Đông Nam Á

Tel : 0903405769

Email : tien.nguyentruong@gmail.com

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn