Động đất và hiểm họa từ các đập thủy điện

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế


Một nạn nhân động đất tại Trung Quốc
ngày 14/4/2010. (Ảnh: Xinhua)
Trận động đất mạnh đến 7,1 độ Richter ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc sáng 14.4.2010 đã làm cho hơn 10.000 người chết và bị thương, thiệt hại vật chất ước tính lên đến hàng tỷ USD. Xin chia sẻ với những mất mát, đau thương của người dân Thanh Hải – Tây Tạng.

Cách đây 2 năm (12.5.2008 – cũng là ngày mà nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt), trận động đất mạnh 8 độ Richter ở Tứ Xuyên làm chết đến 80.000 người... Câu hỏi đặt ra là các đập thủy điện có liên quan gì đến động đất hay không và, nếu các đập đó bị động đất tác động làm nứt vỡ hay bị phá hủy thì hậu quả sẽ ra sao?

Sau trận động đất Tứ Xuyên, trả lời hãng thông tấn AP, ông Fan Xiao, Kỹ sư trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản tỉnh Tứ Xuyên cho hay rằng, đập thủy điện Zipingpu – cách tâm chấn 5,5km, với chiều cao 156m, sức nặng của lượng nước chứa trong đập là 325 triệu tấn thì rõ ràng “sự tồn tại của nó (Zipingpu) có thể đã làm thay đổi cường độ và thời gian động đất” (Dẫn theo TT&VH, 5.2.2009).

Trong thực tế, hồi năm 1967, nhiều nhà khoa học đã khẳng định khá chắc chắn rằng trận động đất 6,4 độ Richter ở gần Koyna, Ấn Độ làm chết 180 người là do một hồ chứa nước nhân tạo gây ra.

Ở đây cần lưu ý một thông số rất đáng kể: Chỉ trong hai năm, đã có 2 trận động đất mạnh, gây nhiều tổn thất trên hai tỉnh có nhiều đập thủy điện nhất của Trung Quốc (!)? Đặc biệt, cũng cần nhấn mạnh thêm là 325 triệu tấn nước của đập Zipingpu so với hàng tỷ tấn của đập Tiểu Loan cao tới 299m, đập Nuozhadu cao 245m chỉ là một con số rất khiêm tốn. Đó là chưa nói gần một chục đập thủy điện lớn nữa trên thượng nguồn của hai con sông Mê Công (Trung Quốc gọi là Lan Thương) và Trường Giang cũng đều nằm trên ba tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải, Vân Nam.

Việc tác động của các đập thủy điện ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến động đất là điều các khoa học gia còn tranh cãi lâu dài nhưng ít nhất, tác hại như “giọt nước làm tràn ly” của chúng là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, vẫn đề nguy hiểm nhất chưa phải là ở chỗ đó mà là câu hỏi: Nếu động đất phá hủy một hay nhiều đập thủy điện khổng lồ đó, hậu quả sẽ ra sao?

Theo bài viết Trung Quốc đang treo 4 tỷ quả bom nguyên tử trên thượng nguồn sông Mê Công (http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/3/files/2010/04/) thì 40 tỷ m3 nước trong các đập đặt trên độ cao 1.000m so với mực nước biển nếu bị phá vỡ, sức công phá của nó tương đương với 4 tỷ quả bom nguyên tử loại đã được thả xuống Hiroshima(!) Nguy hiểm hơn nữa là sông Lan Thương chảy trên đất Trung Quốc có những đoạn lòng máng dài hàng km, với vách núi cao hàng trăm mét – sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền, phá hủy mọi con đập trên đường đi của nó, tạo nên những cột sóng thần cao hàng chục mét. Nói một cách khác, nếu thảm họa đó xảy ra thì không chỉ là nạn diệt chủng mà là sự xóa sạch mọi dấu vết của văn minh hiện đại suốt vùng hạ lưu sông Mê Công với cái chết thảm khốc của hàng triệu người.

Rõ ràng, nguy cơ các đập nước bị phá vỡ như đã nêu ở trên đã không còn là chuyện lo xa hay thậm chí như có người cho rằng là lo bò trắng răng nữa. 23 tháng xảy ra hai trận động đất có cường độ mạnh trên một vùng đất có nhiều đập thủy điện khổng lồ là một thực tế phải nhận chân một cách đầy đủ và các quốc gia liên quan phải thành lập những ủy ban điều tra, nghiên cứu chi tiết, cụ thể về các mối nguy cơ đó. Trước mắt, Ủy ban Sông Mê Công (RMC) phải có những biện pháp quyết liệt hơn với Trung Quốc đối với các dự án triển khai nhiều hơn nữa các đập thủy điện nằm trên khu vực thượng nguồn. Những nguy hại về biến đổi sinh thái, ảnh hưởng đến giao thông, nạn hạn hán bất thường, đời sống của hàng chục triệu người dân dọc sông vẫn chưa là gì nếu tính đến việc 4 tỷ quả bom nguyên tử có thể nổ bất kỳ lúc nào (!)

Một khi nguy cơ là có thật thì việc đề ra các giải pháp, kế hoạch ứng cứu trong trường hợp xấu nhất là điều phải được trù liệu. Nói rằng buộc Trung Quốc thay đổi hay tạm dừng các dự án của họ gần như là điều ảo tưởng. Vậy thì, giải pháp tốt nhất là đấu tranh để làm giảm bớt những thiệt hại đó gây ra như đấu tranh để giảm mức chứa của các đập nước, đòi hỏi Trung Quốc phải có trách nhiệm trong cuộc nghiên cứu toàn diện về mối liên hệ “nhân quả” giữa thủy điện và động đất. Mặt khác, kinh nghiệm cho thấy rằng chỉ có nhóm 5 nước ASEAN có sông Mê Công chảy qua đấu tranh với Trung Quốc thì sẽ không hiệu quả. Cần phải tập hợp được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế - kể cả sức ép từ phía Liên Hợp Quốc.

Sự phát triển khá thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua là đáng để ghi nhận. Thế nhưng, nền văn minh hiện đại có quan hệ chặt chẽ - sống còn trong những tương tác đa diện, đa phụ thuộc; không cho phép bất kỳ quốc gia nào vì lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng hay gây phương hại nghiêm trọng đến lợi ích, cuộc sống của người dân ở các quốc gia khác!

Huế, 16.4.2010.

HVT



HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập



Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn