Phỏng vấn nhà báo Trần Ðông Ðức

Vũ Quí Hạo Nhiên

Ông Trần Ðông Ðức là người ở miền Ðông Hoa Kỳ, hiện là một ký giả tự do với hàng trăm bài phóng sự, bài viết đăng trên trang BBC Việt ngữ. Mới đây, ông loan báo trên Internet những thông tin ông đọc được trên trang BBC tiếng Trung, nhất là khi trang này loan các tin liên quan đến sự bất đồng về chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo ông Trần Đông Đức, lời lẽ và giọng điệu của BBC tiếng Trung cho thấy những lời tuyên bố về chủ quyền biển đảo của nhà nước Việt Nam lâu nay đã không được Ban tiếng Trung đài BBC đánh giá cao. Lý do có nhiều. Trước hết, có thể bắt nguồn từ khâu nhân sự của bộ phận thông tấn BBC – nếu đây là những người Anh gốc Hoa thì về mặt tâm lý họ ngả về lập trường Bắc Kinh là điều dễ hiểu, và tất nhiên người Việt Nam phải chủ động và kiên trì lên tiếng với họ như đã lên tiếng với Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ. Nhưng cũng có thể có một lý do thuộc về phía những người đang giữ trọng trách thay mặt đất nước Việt Nam, bằng mọi hình thức phải khẳng định chắc nịch chủ quyền biển đảo của nước ta trước thế giới. Một khi họ chỉ biết lặng im không có cách gì đáp trả những hành vi lấn cướp trên biển, ngoài việc đưa ra những lời tuyên bố lấy lệ, giống như một đoạn băng rè phát đi phát lại nhiều lần, trong khi đó thì ra sức cấm đoán, lùng bắt và bỏ tù nhân dân trong nước biểu tình, đấu tranh, nói to lên cái quyền thiêng liêng ấy của cả dân tộc, thì đến người trong nước cũng còn hồ nghi chứ nói gì một hãng thông tấn nước ngoài.
Bởi thế, đã đến lúc các cơ quan công quyền nước ta hãy gắng vượt qua cái bóng của chính mình, nghiêm túc nhìn lại những chủ trương hành động mà mình đem thi thố trong mấy năm nay, xem xem có phản ánh một mặc cảm tự ti nào hay không. Nếu không vượt qua được cái điều gọi bằng tự trấn an theo cách dối lòng đó để “mở chiếc nút cổ chai” lâu nay thắt nghẹt lòng dân thì e rằng sẽ là quá muộn.
Bauxite Việt Nam
Đảo Bạch Long Vĩ
Bài của BBC tiếng Trung được đăng sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết ra thăm đảo Bạch Long Vĩ và khẳng định “Bạch Long Vĩ là tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và là hòn đảo tiền tiêu có ý nghĩa quan trọng cả về an ninh quốc phòng lẫn kinh tế – xã hội… Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.
VQHN: Xin anh cho biết tóm tắt, trang tin BBC tiếng Trung viết gì về lời tuyên bố của CT Nguyễn Minh Triết tại đảo Bạch Long Vĩ?
Trần Ðông Ðức: Vâng! Ðúng là BBC tiếng Trung đưa tin ông Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết thị sát một hòn đảo ở “Nam Hải”, tức là Biển Ðông, tuyên bố bảo vệ chủ quyền. Tựa đề của bài báo là như thế này:
Nguyễn Minh Triết thị sát Nam Hải đảo dự tuyên xưng hãn vệ ‘chủ quyền’”.
Hai chữ “chủ quyền” trong tiếng Trung Quốc thì họ bỏ trong ngoặc kép!

Bản tin này căn cứ theo hãng thông tấn Ðức cho nên khi dịch lời ông Nguyễn Minh Triết qua tiếng Trung Quốc thì là theo cách gọi của họ tức là Nam Hải. Nhưng thực ra, ông ta đứng trên một hòn đảo trong Vịnh Bắc Bộ, đảo Bạch Long Vĩ tuyên bố là không cho phép một ai xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải, và các hòn đảo, không nhượng bộ bất cứ ai một tấc đất. Ðại khái là như thế.
VQHN: Anh nói trang BBC tiếng Trung để dấu ngoặc kép chung quanh hai chữ “chủ quyền” Vậy bên trong bài, trang BBC tiếng Trung có nói gì về quan điểm của họ về chủ quyền các đảo ở vịnh Bắc Bộ?
Trần Ðông Ðức: Ðúng thế! ở đoạn dưới BBC nói thẳng ra – lần này không có ngoặc kép ngoặc đơn gì cả về đảo Bạch Long Vĩ trong Vịnh Bắc Bộ. Ðoạn văn ghi như sau: “Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này”.
Vì thế theo tôi thấy BBC tiếng Trung Quốc đã có hẳn quan điểm về chủ quyền Bạch Long Vĩ. Mong là có nhiều người sẽ đặt câu hỏi đây là quan điểm chính thống của BBC hay chỉ là Ban tiếng Hoa. Vấn đề này xét ra cũng rất lớn không khác gì vụ National Geographic phụ chú bản đồ quần đảo Hoàng Sa đâu.
VQHN: Ðảo Bạch Long Vĩ, xin mở ngoặc ở đây, là một hòn đảo nằm gần như ngay giữa bờ biển Việt Nam và đảo Hải Nam. Vậy theo anh, đảo Bạch Long Vĩ có tầm quan trọng thế nào?
Trần Ðông Ðức: Thì có lẽ là rất quan trọng vì đảo này nằm ngay giữa Vịnh Bắc Bộ cho nên có vị trị chiến lược về quốc phòng này nọ. Nếu không đánh nhau thì cũng là một dải đất đáng giá án ngữ giữa biển khơi. Nhưng quan trọng hơn là giá trị kinh tế. Trong chu vi 75 hải lý không có dải đất nào trồi lên thành đảo cho nên cá tôm tập trung quanh đảo rất nhiều, hải phận quanh Bạch Long Vĩ là một ngư trường lớn trong Vịnh Bắc Bộ.
VQHN: Nếu Trung Quốc chỉ công nhận đảo Bạch Long Vĩ là do Việt Nam quản lý, thì anh có nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đòi lại không?
Trần Ðông Ðức: Thưa anh, tôi không rõ hết chi tiết thương lượng hai bên Việt Trung trong cuộc đàm phán về Vịnh Bắc Bộ như thế nào, đang tìm hiểu thêm sau khi đọc bài báo này. Những khái niệm này có phần quanh co về từ ngữ và không rõ phía Việt Nam có nhận thức như phía Trung Quốc chăng!!!
Quan chức Trung Quốc tránh đề cập đến chủ quyền của hòn đảo này khi bị hỏi. Trả lời với báo chí vào ngày 3 tháng 8, 2004, đoàn đàm phán Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố với báo chí là khi phân chia Vịnh Bắc Bộ, không đề cập đến chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ mà thừa nhận thực tế quản lý của Việt Nam.
Sau đó tôi tôi tìm kiếm khắp nơi từ Baidu qua Google, phía những người mang chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đều có những luận điệu như thế. Họ bảo là Trung Quốc chỉ chuyển giao cho Việt Nam hải đảo, thừa nhận quyền quản hạt mà không chuyển giao hải phận. Ðiều này, đã thừa nhận và ký kết trong văn bản phân chia Vịnh Bắc Bộ của hai nước. Vì lý do này mà ngư thuyền Trung Quốc được đánh cá cách bờ Bạch Long Vĩ 15 hải lý.
Tuy vậy, nhiều người Trung Quốc vẫn còn lên mạng khóc lóc rằng sự mất mát này là quá lớn. Về mặt khách quan, đảo Bạch Long Vĩ được chia cách thẳng như thời Thanh Pháp, hay cách cong như thời hiện nay, đảo đều thuộc về hải vực của Việt Nam. Theo công ước quốc tế về hải dương hiện nay, nếu Việt Nam có chủ quyền trên hòn đảo này thì cách phân chia hải phận chuyên thuộc kinh tế – đặc khu kinh tế – tự động được phình ra theo quy định chứ không phải phải bị ép chỉ còn 3 hải lý khu chuyên thuộc kinh tế.
Có lẽ Trung Quốc không đòi lại được nhưng họ vẫn nắm đầu cán và coi đây như là sự lệ thuộc về mặt lịch sử. Ðảo Bạch Long Vĩ hiện nay dù giữa biển khơi nhưng Trung Quốc được đến đánh cá rất gần bờ biển Việt Nam. Coi như đây là một tiền lệ rất là xấu. Theo đó, hải phận Bạch Long Vĩ không được phình ra theo quy ước hiện đại về đường biển, về hải dương, rõ ràng là một thiệt thòi lớn cho Việt Nam.
VQHN: Các bài khác của BBC tiếng Trung mà anh đọc được có nói gì về ngư dân Việt Nam đánh cá ở vùng quần đảo Trường Sa Hoàng Sa?
Trần Ðông Ðức: Ngoài BBC nêu lập trường của Trung Quốc về vụ ông Nguyễn Minh Triết, tờ Minh báo ở Hồng Kông cũng nêu lặp lại ý này cho rằng Trung Quốc sở dĩ phải dùng tàu Ngư Chính hộ vệ ngư dân vì Việt Nam thường không tôn trọng việc ngư dân Trung Quốc được đánh cá cách bờ đảo 15 hải lý. Ý kiến này thì có phần hồ đồ hơn là BBC.
Và họ cũng khoe rằng nhờ vậy mà sản lượng đồ biển khai thác từ Nam Sa, tức là Trường Sa từ 4 tấn lên đến 500 ngàn tấn. Ða số đồ biển này đưa vào thị trường Hong Kong.
VQHN: Gần đây có hiện tượng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao là bà Nguyễn Phương Nga lên tiếng phản đối TQ mang thêm tàu tuần tra tới vùng Trường Sa. Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết thì lên tiếng khẳng định chủ quyền ở đảo Bạch Long Vĩ. Theo nhận xét của anh, anh có thấy đây là những thay đổi quan trọng không hay chỉ là hình thức?
Trần Ðông Ðức: lẽ là hình thức nhưng cũng rất quan trọng. Bên Trung Quốc gọi đây là phương pháp “tuyên thị chủ quyền” cứ công khai đòi hỏi chủ quyền luôn miệng như thế mặc dù không có thống quyền (quyền cai trị) để người đời không quên và càng về lâu về dài là ngôn chứng lịch sử quan trọng cho thế hệ mai sau. Tôi cũng nghĩ chuyện Bạch Long Vĩ là một trong những chiêu bài đó, người Việt cần phải đề phòng và phản ứng kịp thời.
VQHN: Xin cám ơn anh Trần Ðông Ðức.
Nguồn: http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.athbv-ivrg.pbz/nofbyhgraz/nazivrjre.nfc=3fn=3d111184&m=3d157

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn