Thiếu tư duy biển, người Việt “chậm tiến”

Đoan Trang

Thủ tướng vừa phê duyệt đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” từ nay đến năm 2015. Đề án này là một bước cụ thể hóa chiến lược biển của Việt Nam, đồng thời đánh dấu sự thay đổi lớn về tư duy: Từ “quay lưng ra biển” thành “hướng ra biển”.
Từ lâu người ta đã cho rằng những xứ sở phát triển nhất trong mỗi thời kỳ của lịch sử văn minh nhân loại đều là những quốc gia ven biển, quốc đảo, hay nói cách khác đều là xứ sở của những dân tộc sinh sống gắn bó với biển, có tư duy biển.
Tâm lý ngại biển

Tài nguyên biển chính là nguồn sống quan trọng trong tương lai bên cạnh nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt. Ảnh: HTD
Vậy “tư duy biển” là gì? Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Khu chế xuất Tân Thuận, một chuyên gia về kinh tế biển, từng giải thích rằng những dân tộc có “tư duy biển” có rất nhiều con người dũng cảm, mạo hiểm vươn ra đại dương để khám phá, chinh phục: “Khát vọng và tinh thần vươn lên đó từng bước hình thành một thứ văn hóa, gọi nôm na là văn hóa biển, hay gọi là văn hóa hải dương”.
Việt Nam tuy là một quốc gia có vùng biển hơn 1 triệu km2, rộng gấp ba lần đất liền nhưng chưa bao giờ có văn hóa biển và tư duy của chúng ta thuần túy là “tư duy đất liền”.
Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, nhận định rằng người Việt Nam nói chung sợ biển, nỗi sợ này thể hiện ngay trong rất nhiều ca dao, tục ngữ, truyền thuyết. Bà ví dụ: “Hơn 3.200 km bờ biển và hàng chục ngàn km2 thềm lục địa, hàng trăm đảo, quần đảo lớn nhỏ từ Móng Cái tới Kiên Giang, sao nói về Việt Nam lại chỉ nói về văn minh trồng lúa nước? Người ta cũng nói “xa rừng nhạt biển”, “tấc đất tấc vàng”… với hàm ý đất đai trồng trọt có giá trị cao nhất. “Rừng vàng” đấy nhưng “biển bạc” thôi…”.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng bên cạnh tâm lý sợ hãi biển, người Việt xưa kia với tư tưởng trọng nông còn có phần xem thường biển và ngư dân. Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết ngư dân ngày trước, nhất là những người “không một tấc đất cắm dùi” như cư dân thủy cư luôn luôn bị coi thường. “Ở Quảng Ninh hoặc ở Ninh Thuận, Bình Thuận, dân địa phương gọi người thủy cư là người Hạ. Cư dân vạn chài không được coi là dân gốc, chính cư mà họ bị coi là dân ngụ cư” – ông dẫn chứng.
Quá ỷ vào đất liền
Người Việt ven biển cũng đã đóng thuyền từ sớm nhưng sự khai thác chỉ dừng lại ở đánh cá gần bờ, ven bờ, hay phương thức khai thác “mò cua bắt ốc” như cách nói của Tiến sĩ Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam). Điều ấy do hạn chế về khoa học kỹ thuật, cụ thể là về kỹ nghệ đóng tàu của người Việt. Ngoài ra cũng còn do dân ta khi xưa quá ỷ vào đất liền mà ít nghĩ tới biển; số ngư dân sống gần biển thì không có nhu cầu đóng thuyền lớn, ra khơi xa.
Theo một nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc và Việt Nam, ông Phạm Hoàng Quân, cho đến thời nhà Nguyễn, tuyến đường hàng hải chính vẫn là ven bờ biển nối Việt Nam – Trung Quốc, đi xa lắm cũng chỉ là “sang sứ” tới Trung Quốc. Trong khi đó, những đội thương thuyền ở các vương quốc láng giềng Phù Nam, Champa, xa hơn nữa là các nước Nam Đảo (Indonesia, Malaysia ngày nay) và tàu buôn phương Tây, Nhật Bản đã dập dìu qua lại trên biển Đông. Theo ông Quân, người Việt xưa không có truyền thống đi xa, buôn bán đường dài. “Chỉ có làm cảng chờ người ta mang hàng đến chứ không bao giờ chủ động đóng tàu đưa hàng ra nước ngoài. Nhìn chung, dân Việt mình đối phó với biển một cách thụ động” – ông nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng xét về đặc điểm tâm lý, nhìn chung cư dân nông nghiệp có tính bảo thủ, trì trệ, cầu an, tác phong đủng đỉnh, trong khi cư dân biển cởi mở, dễ tiếp nhận cái mới và nhờ thế năng động trong các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội – khoa học kỹ thuật. Sự phát triển của những quốc gia ven biển bắt đầu từ đó.
Tấc biển cũng là tấc vàng
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đặt câu hỏi: “Bao giờ mới thực sự coi tấc biển cũng là tấc vàng? Bởi tài nguyên biển chính là nguồn sống quan trọng trong tương lai bên cạnh nguồn tài nguyên đất đai đang ngày càng cạn kiệt”.
Có thể nói cho tới những năm đầu thế kỷ XXI, chúng ta mới bắt đầu nhắc nhiều đến biển như một kho vàng trời phú cho Việt Nam bao lâu nay bị bỏ phí. Chiến lược biển đến năm 2020 và mới đây là đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” là biểu hiện của một bước thay đổi về tư duy, hướng tới việc lấy con người làm trung tâm của kinh tế biển, phát triển kinh tế biển, hình thành “văn hóa biển”.
ĐT
Nguồn: http://phapluattp.vn/20100404125537873p0c1013/thieu-tu-duy-bien-nguoi-viet-cham-tien.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn