TKV lãng phí mỗi năm 5.000 tỷ đồng?

TS Nguyễn Thành Sơn

Mấy chữ TKV có lẽ đã quá nhàm tai đối với những ai còn mặn mòi với sự phát triển bền vững của đất nước. Tổng công ty nhà nước này đã làm tốn không biết bao nhiêu trí lực của các nhà khoa học, bút mực của giới báo chí, tuy nhiên họ vẫn “yên ổn” và vẫn “bình chân như vại”. Theo những người tận mắt chứng kiến, suốt thời gian hoành hành ở Quảng Ninh, gọi là khai thác than lậu mà ngày nào cũng xe tải, cần cẩu, xe múc than rùng rùng kéo hàng đoàn tiền hô hậu ủng giữa ban ngày ban mặt. Ý kiến mới nhất của TS Nguyễn Thành Sơn cho thấy hẳn phải có một quyền lực ghê gớm nào đó thao túng đằng sau TKV – một tập đoàn với những lãnh đạo bất tài vô tướng, phá gia chi tử.
Ấy thế mà các đại dự án Bauxite Tây Nguyên vẫn cứ lẳng lặng tiến hành cũng với đội ngũ những người lãnh đạo bất tài vô tướng và tham lam vô đáy ấy!
Liệu đất nước sẽ đi đến đâu?
Bauxite Việt Nam
Ngày 5-1-2010, ông Nguyễn Thành Sơn, GĐ Cty Năng lượng Sông Hồng (thành viên TKV) có văn bản nói về thực trạng quản lý kỹ thuật cơ bản của ngành gây lãng phí, mỗi năm có thể tới 5.000 tỷ đồng. Xin gửi tới bạn đọc một bài viết nhiều kỳ của TS Nguyễn Thành Sơn.

Bài 1: Chạy theo sản lượng = phá sản
Trước đây, những nhận định của tôi (về việc kể từ sau khi được thành lập, TKV đã buông lỏng quản lý kỹ thuật cơ bản) có thể chỉ là định tính.
Gần đây, tôi có liên hệ với Trưởng ban Kỹ thuật Công nghệ mỏ TKV để “xin” những chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu nhưng chưa được (hình như TKV vẫn không muốn minh bạch vấn đề không nên che giấu này).
Tuy nhiên, với những số liệu chính thức hiện có, tôi cũng xin nêu ra để chứng minh một số nhận định ban đầu.
Cho đến nay, tôi vẫn tin rằng, nếu TKV vẫn tiếp tục quản lý kỹ thuật ngành than như trong 15 năm qua theo tư duy trước đây thì ngành than VN sẽ sớm bị đổ bể và nền kinh tế sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn. Biết mà không nói thì tôi có tội, vì tôi là cán bộ kỹ thuật.
Tôi không phản đối việc TKV đang “đấu” với nhà nước để tăng giá bán than cho điện. Nhưng, tôi nghĩ, trước hết, TKV cần tăng cường khâu quản lý kỹ thuật cơ bản để hạ giá thành và các chi phí sản xuất than đang ngày càng tăng lên.
TKV vẫn giải trình với các cơ quan chức năng của nhà nước việc phải tăng giá bán than là do điều kiện tự nhiên phải “xuống sâu, đi xa” (hệ số bốc đất tăng, cung độ vận tải tăng), nhưng chúng ta lại “quên” những yếu tố chủ quan (những tổn thất rất lớn do buông lỏng quản lý kỹ thuật cơ bản).

Ngành than cho rằng, đào sâu, cung đường vận chuyển xa đang đẩy chi phí khai thác than lên cao - Ảnh: Minh Duy
Nếu cứ tiếp tục chạy theo sản lượng như hiện nay, nhưng vẫn buông lỏng công tác quản lý kỹ thuật cơ bản, ngành than sẽ sớm bị phá sản. Không phải cứ bốc nhiều đất, đào nhiều lò là tốt, trong khi chất lượng than khai thác và tình trạng kỹ thuật của các mỏ ngày càng xuống cấp.
Giá thành than bình quân toàn ngành hiện đã lên tới hơn 800.000đồng/tấn là một con số cần xem xét và có thể giảm được (ít nhất là 15% – tương đương với hơn 5.000 tỷ đồng/năm, xấp xỉ bằng số nộp ngân sách của các mỏ) nếu chúng ta quản lý tốt công tác kỹ thuật cơ bản như tôi sẽ đưa ra trong các ví dụ trình bầy dưới đây dựa trên những số liệu pháp lý của TKV.
Lợi dụng cơ giới hóa để tiêu tiền chùa
Năm 2009 cho thấy, lĩnh vực khai thác than hầm lò đã bị một số người lợi dụng chiêu bài “cơ giới hóa” khai thác than để tiêu tiền của TKV.
Chỉ 2 dự án về cơ giới hóa khấu than lò chợ bằng giàn chống KDT-1 (“Kiển Đắc Tuấn”) và VINAALTA đã tốn tới hơn 15 triệu đô la – đắt chưa từng có trong lịch sử ngành than thế giới, nhưng mang lại hiệu quả thấp chưa từng thấy trong lịch sử ngành than VN.
Trong cả năm 2009, KDT-1 chỉ khấu được 55 nghìn tấn và VINAALTA chỉ khấu được 160 nghìn tấn ở mỏ Vàng Danh (còn ít hơn cả lò chợ thủ công).
Tôi không tin TKV đã giàu đến mức có thể “phóng tay” trong việc chi tiền vào hai dự án cơ giới hóa ấu trĩ này (năm 2010, TKV còn tiếp tục “trợ giá” cho dự án cơ giới hóa này).
Chúng ta cần cơ giới hóa, nhưng không phải theo kiểu “tiêu tiền chùa” như vậy.
TKV sẽ đưa vào hạch toán trong giá thành than năm 2009 hơn 257.331m lò chuẩn bị sản xuất đào mới. Trong đó, có tới 47.135m lò đào trong đá với tiết diện bình quân lên tới 10,45 m2; và 210.196m lò đào trong than với tiết diện bình quân 7,79m2. Như vậy, lò chuẩn bị sản xuất phải đào trong đá chiếm hơn 23% về khối lượng (nếu tính về giá trị, sẽ chiếm hơn 50%).
Ai cũng biết lò đào trong đá đắt hơn nhiều lần lò đào trong than. Nhưng, hầu hết các mỏ hầm lò (trừ TCty Đông Bắc và Cty than Nam Mẫu) đều có số lượng lò chuẩn bị sản xuất phải đào trong đá còn cao hơn lò xây dựng cơ bản (XDCB) phải đào trong đá. Điều này là vô lý và không thể chấp nhận được về kỹ thuật và kinh tế.
Trong tổng số hơn 257km đường lò chuẩn bị sản xuất nói trên có tới 184km lò được chống bằng sắt. Nếu là lò XDCB chống sắt còn có thể chấp nhận được, nhưng lò chuẩn bị sản xuất (có thời gian phục vụ chỉ dưới 1 năm) được chống bằng sắt mà tỷ lệ thu hồi vì sắt để sử dụng lại chỉ có 34% thì rõ ràng gây lãng phí rất đáng kể (bình quân chi phí không dưới 5 triệu đồng/m).
Chúng ta cần phải xem lại công nghệ một cách toàn diện: kỹ thuật đào chống lò, hộ chiếu chống lò, vị trí đặt đường lò? kỹ thuật thu hồi? v.v.
TKV cũng sẽ đưa vào hạch toán trong giá thành năm 2009 tới 72.908m lò chống xén, trong đó có tới hơn 54.350m lò chống sắt. Số mét lò phải chống xén (sửa chữa lại) gần bằng 30% số mét lò đào mới, trong đó lại chủ yếu là những lò chống bằng sắt cũng là điều không thể chấp nhận được.
Đào và chống lò là kỹ thuật sơ đẳng nhất của nghề mỏ. Tỷ lệ lò đào trong đá đã rất cao, tỷ lệ lò chống sắt rất cao (giá thành than đã phải chịu chi phí cao hơn nhiều lần), nhưng tỷ lệ lò phải chống xén (sửa chữa lại) cũng cao (giá thành than lại bị đội lên một lần nữa).
Điều này cũng cho thấy: hoặc là có sự gian lận hoặc là do việc quản lý kỹ thuật cơ bản trong đào-chống lò còn kém.
Trong công nghệ khai thác than hầm lò, và thực tế trước đây (khi ngành than trực thuộc bộ và tôi đã được giao trực tiếp chuyên quản các mỏ hầm lò ở Vụ Kế hoạch), số mét lò chuẩn bị sản xuất phải đào trong đá chỉ chiếm tối đa 10%, và số mét lò chống sắt phải chống xén chỉ dưới 5%.
Đây là hai “lỗ hổng” rất lớn về cả kinh tế và kỹ thuật cơ bản cần được khắc phục. Có lẽ trên thế giới không đâu “chơi sang” như ngành than VN.
Còn nữa
NTS

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=190777&ChannelID=2

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn