Về việc đón cựu chiến binh và Đại sứ Trung Quốc thăm chiến trường biên giới

Phạm Viết Đào

BVN đăng dưới đây hai bài xung quanh tin nóng về việc UBND tỉnh Lạng Sơn vừa chỉ thị cho Sở Lao động, Sở Thương binh Xã hội tỉnh mình phối hợp với huyện Hữu Lũng đón tiếp đoàn cựu chiến binh Trung Quốc đi cùng Đại sứ Trung Quốc sang thăm lại chiến trường biên giới và dâng hương tưởng niệm những người Trung Quốc chết trận mà UBND tỉnh này gọi là “liệt sĩ”. Tưởng không cần bình luận gì nhiều thì ai ai cũng đã nhìn thấu lòng dạ các vị đóng vai trò “chăn dân” hôm nay và cả trình độ chính trị, đạo đức, học vấn của họ đang ở trong tình trạng “chới với” đến mức nào, thông qua những chủ trương mà lâu nay họ thực hiện một cách có vẻ như không cần đếm xỉa đến dư luận: nào cho bán tháo tài nguyên tuồn sang bên kia biên giới, nào cho thuê các khu đất để người Trung Quốc xây sân golf, mở chợ Tàu, nào cho thuê rừng đầu nguồn trong 50 năm và còn ngang nhiên trả lời công luận một cách vô trách nhiệm rằng sau 50 năm nữa ai làm người ấy lo, bây giờ lo làm gì cho mệt, cho đến cái việc cho tổ chức những lễ dâng hương linh đình kèm theo các loại công văn mang ngôn từ không chuẩn kiểu này.
Để bạn đọc nhìn nhận sâu hơn những điều khái quát ở trên, chúng tôi xin đăng mấy nhận định của nhà văn Phạm viết Đào, coi như Lời đề dẫn cho bản tin mà RFA vừa đưa.
Bauxite Việt Nam
Phạm Viết Đào

Bộ đội Việt Nam bị lính Trung Quốc bắt, tuy nhỏ con nhưng rắn rỏi, hiên ngang
Chủ Blog Phamvietdaonv nhận được một số thư của các bạn ở một tỉnh biên giới phía Bắc, gửi kèm bản sao chụp công văn chỉ đạo số 218 đề ngày 26/3/2010 do một ông Chủ tịch tỉnh ký, trong đó có đoạn sau đây:
“1. Nhất trí chương trình mời và đón tiếp đoàn đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đại biểu cựu chiến binh Trung Quốc vào dự lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc tại huyện H. theo đề nghị của Sở Ngoại vụ;
2. Giao Sở Ngoại vụ làm đầu mối liên hệ mời, chịu trách nhiệm về công tác lễ tân trong việc đón tiếp đại biểu Trung Quốc và dự lễ dâng hương;
3. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND huyện H. và các cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất tổ chức lễ dâng hương và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định…”

Các bạn đề nghị Chủ Blog cho biết ý kiến về nội dung công văn này? Xin trình bày ý kiến của chủ Blog như sau.
1/ Đọc nội dung công văn số 218, thấy nội dung không khác việc chỉ đạo thực hiện đón tiếp các đoàn cựu chiến binh Việt Nam, thân nhân gia đình các liệt sĩ Việt Nam trở lại thăm chiến trường xưa của các địa phương có chiến tranh xảy ra?
2/ Việc công văn gọi các binh lính Trung Quốc đã bị bắn chết khi tiến đánh Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979-1985 liệt sĩ là không chuẩn xác; đúng ra phải gọi họ là binh lính chết trận trên đất Việt Nam. Bởi khi đã công nhận là liệt sĩ thì phải được cấp bằng Tổ quốc ghi công?
3/ Việc quyết định để Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham gia vào buổi đón tiếp là hơi thừa và xa xỉ về hiếu lễ; lại còn lo cơ sở vật chất cho buổi tưởng niệm mới khổ… Hay Sở này tham gia để cấp phát một số chế độ, chính sách nào đấy cho các cựu chiến binh và các “liệt sĩ” Trung Quốc để mời họ sang “dạy” cho “một bài học” nữa chăng?!
Dư luận đang đặt dấu hỏi: thân nhân gia đình các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, khi lên thăm có được cùng một lúc 2 sở và 1 huyện đón tiếp và tổ chức trọng thị như vậy không?
Còn nhớ năm 1996, khi tôi lên Hà Giang, vào Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Đồn biên phòng Thanh Thủy nhờ hướng dẫn chỉ nơi em tôi là liệt sĩ Phạm Hữu Tạo chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến 1984, tôi đã được tiếp và chỉ đường như một khách qua đường đến để hỏi thông tin, mặc dù tôi có đầy đủ giấy giới thiệu và giấy công tác.

Một góc nghĩa trang liệt sĩ tại Hà Giang trong cuộc chiến tranh biên giới 1984-1985- Ảnh: Phạm Viết Đào
Do cách đặt vấn đề, cách chỉ đạo chung chung của công văn trên nên lễ đón tiếp và tưởng niệm này rất dễ gây phản cảm và ảnh hưởng quan hệ chính trị ngoại giao hai nước, ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của các cựu chiến binh Việt Nam…
Do vậy, Blog Phamvietdaonv có đôi lời góp ý với lãnh đạo tỉnh nọ như sau. Việc chính quyền một số tỉnh biên giới phía Bắc cho phép Đại sứ quán Trung Quốc và cựu chiến binh của họ đến thăm chiến trường xưa, làm các thủ tục tưởng niệm mang tính chất tâm linh hoặc đưa đón hài cốt, vong hồn của các binh lính của họ chết trên đất Việt Nam giai đoạn 1979-1985 về Trung Quốc là có thể chấp nhận được vì lý do nhân đạo, hữu nghị.
Chúng ta đã chấp nhận cho Chính phủ Pháp, Chính phủ Mỹ sang đưa hài cốt binh lính của họ về, đối với binh lính Trung Quốc, nếu tỉnh biên giới phía Bắc nào được phía Đại sứ quan Trung Quốc yêu cầu thì nên chấp nhận.
Nhớ khi xưa thái độ của vua Quang Trung hết sức kiên quyết khi quân Mãn Thanh xâm phạm bờ cõi nước ta thông qua lời hịch: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”, “Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”…
Thế nhưng, khi đã đánh bại 29 vạn quân Thanh trên đất Thăng long thì chính Quang Trung lại đứng ra tổ chức ma chay tế lễ cho tướng sĩ Mãn Thanh chết trận với những lời lẽ vô cùng thống thiết đã đi vào sử sách:

Bộ đội Việt Nam hy sinh anh dũng
Nay ta: Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi,
Bảo lập đàn bên sông cúng tế.
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc,
Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô.
Hồn các người không vơ vẩn trời Nam,
Hãy lên đường mà quay về nơi hương chỉ.
Nay kính ngưỡng ta đây là chủ chan chứa lòng thành,
Mong sao đáp lại đạo trời dạt dào lẽ sống…

Theo chúng tôi trong nội dung công văn do ông Chủ tịch ký kể trên có điều bất ổn sau đây:
Để tỏ rõ tinh thần nhân đạo, hữu nghị, hiếu hòa với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, khi cho phép cựu chiến binh và Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức tang lễ trên đất nước ta đối với binh lính của họ chết trận, không thể gọi là hy sinh, phía chủ nhà không được cho phép tổ chức các thủ tục sau đây:
- Không được treo cờ Việt Nam và tất nhiên cả cờ Trung Quốc khi tổ chức tang lễ, tưởng niệm;
- Không được cho phép dàn tiêu binh kể cả là tiêu binh Trung Quốc như khi làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ;
- Phía Việt Nam có thể mang hương tới thắp nhưng không vái, có thể cung cấp nước uống, cơm cúng, gà, xôi trong lễ tưởng niệm nhưng không được mang hoa, rượu, thuốc lá, cau, trầu… đến viếng. Còn phía Trung Quốc nếu mang hoa đến thì phải định lượng hạn chế…
- Không tổ chức đọc điếu văn kể cả phía Trung Quốc và phía Việt Nam; có thể có lời tưởng niệm của Đại sứ quán Trung Quốc trong khuôn khổ ý tứ hai bên thỏa thuận chứ không để bạn muốn phát kiểu gì thì phát…
Bởi tầm, thế và lực của chúng ta hiện nay không thể sánh với Quang Trung năm xưa, vừa có quân đội dũng mãnh trong tay, để có thể có được những lời văn tế vừa bày tỏ được sự hiếu hòa, vừa chất chứa gang thép ở bên trong…
Đó là mấy ý kiến chúng tôi góp ý với lãnh đạo các tỉnh biên giới phía Bắc nơi có sự việc này diễn ra.
Bởi trong quá khứ đã xảy ra những chuyện đáng tiếc. Còn nhớ cách đây gần chục năm, người viết đã được xem một bộ phim tài liệu do Hãng phim tài liệu-khoa học TW xây dựng về sự kiện: viên phi công Mỹ trong bức ảnh O du kích nhỏ giương cao súng sang Việt Nam về Hà Tĩnh gặp lại o du kích năm xưa. Bộ phim làm xong, người viết bài này đã phải viết những lời bình sau đây về sự non nớt về chính trị của các nhà làm phim trên báo Nhân dân: “Xem phim, người xem không thể không phản cảm khi thấy viên phi công Mỹ về Hà Tĩnh giống như cảnh mô tả trong bài hát Bộ đội về làng của Lê Yên. Viên phi công Mỹ về làm tưng bừng xóm nhỏ; Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau; Còn mẹ nghèo thì bin rịn áo nâu, choáng khi gặp viên phi công to tợn, nghênh ngang từ bên Mỹ sang chơi mà không “lênh khênh bước cúi đầu” như cái năm đến ném bom bị bắn rơi và bị bắt…”
Dư luận đang chăm chú theo dõi việc tổ chức cuộc đón tiếp này!
P.V.Đ
Nguồn: http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fqnayhna.bet/abqr/4580#comment-11309

Lạng Sơn chuẩn bị làm lễ tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc?

Mặc Lâm, phóng viên RFA

(Ban lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trong lần hội nghị với phía Trung Quốc về vấn đề biên giới hồi năm 2009 tại tỉnh Lạng Sơn. Photo courtesy of langson.gov.vn)
(Ban lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trong lần hội nghị với phía Trung Quốc  về vấn đề biên giới hồi năm 2009 tại tỉnh Lạng Sơn. Photo courtesy of  langson.gov.vn)  UBND tỉnh Lạng Sơn vừa đưa lên trang web của mình yêu cầu huyện Hữu Lũng chuẩn bị đón tiếp đoàn Đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Trung Quốc nhân “Tiết Thanh minh”.
Người ta còn nhớ cổng thông tin điện tử của Chính phủ trước đây từng copy một tin của báo Trung Quốc nói về việc tập trận của hải quân nước này để đăng nguyên văn trên báo điện tử của chính phủ Việt Nam. Việc làm bất chấp hậu quả này đã khiến ông Đào Duy Quát phải mất ghế [thật ra ông Quát chỉ bị phạt 30 triệu đồng – BVN] và cả ban bệ tờ báo chịu nhiều trách cứ của dư luận trong và ngoài nước.
Không riêng cổng thông tin của Chính phủ bất cẩn mà nhiều trang web khác của các cơ quan chính quyền cũng không tránh được cách đăng tin, trích nguồn hay tệ hơn là đăng những thông báo có thể gây phẫn nộ cho người đọc vì sự bất cẩn lẫn thiếu kiến thức về thông tin đó.

Uất ức, giận dữ


(Hình chụp trang web của UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu huyện Hữu Lũng chuẩn bị đón tiếp đoàn Đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc nhân “Tiết Thanh minh”. Hình RFA chụp từ website)
(Hình chụp trang web của UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu huyện Hữu Lũng chuẩn bị đón tiếp đoàn Đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc nhân “Tiết Thanh minh”. Hình RFA chụp từ website) Tình hình biển Đông ngày một nóng dần lên khiến người dân trong và ngoài nước  hết sức chú tâm theo dõi các diễn biến liên tiếp quanh vụ chìm tàu, bắt cóc tàu đòi tiền chuộc do Trung Quốc gây ra mấy ngày nay đang khiến lòng dân sôi sục hơn các mối bất bình với gã khổng lồ phương Bắc.
Sự việc chưa kịp giải quyết thì mới đây nhất, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cho đăng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh một thông báo ngắn ngủi nhưng có sức công phá lòng dân một cách ghê gớm, nguyên văn của thông báo này như sau:
Kính gửi:
Các Sở:   Ngoại vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội;
Uỷ ban nhân dân huyện Hữu Lũng.
Sau khi xem xét Tờ trình số 21/TTr-SNgV ngày 22 tháng 3 năm 2010 của Sở Ngoại vụ về việc mời Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc nhân “Tiết Thanh minh”, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn có ý kiến như sau:
1. Nhất trí chương trình mời và đón tiếp Đoàn đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đại biểu cựu binh Trung Quốc vào dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc tại huyện Hữu Lũng theo đề xuất của Sở Ngoại vụ.
2. Giao Sở Ngoại vụ làm đầu mối liên hệ mời, chịu trách nhiệm về công tác Lễ tân trong việc đón tiếp đại biểu Trung Quốc vào dự Lễ dâng hương;
3. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hữu Lũng và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất tổ chức Lễ dâng hương và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo để các Sở, ngành, đơn vị liên quan biết và  thực hiện.
Trên đây là công văn của UBND tỉnh Lạng Sơn xuất hiện trên trang web điện tử của tỉnh.
Lời lẽ trong công văn chỉ thông báo một sự kiện nhưng kéo theo phía sau nó hằng chuỗi các sự việc có liên quan.
Có thể ngay lập tức, hầu hết người Việt sẽ cảm thấy nhục nhã, uất ức xen lẫn giận dữ. Câu hỏi mà người Việt đặt ra là các Liệt sĩ Trung Quốc này có công gì với Việt Nam và đáng được thành kính làm lễ tưởng niệm dâng hương như thế?
Thử đặt vấn đề rằng trong thời gian chiến tranh, những công nhân làm đường của Trung Quốc từng xuất hiện tại khu vực Lạng Sơn bị máy bay Mỹ đánh bom thì sao? Họ có phải là liệt sĩ như cách gọi của UBND tỉnh Lạng hay không, và nếu có ai đó cho rằng máu xương của họ đã đổ ra thì phải tưởng niệm như những người Việt Nam khác, vậy thì trong hoàn cảnh hiện nay, việc tưởng niệm họ có làm cho người dân tại Quãng Ngãi vừa có người chết vì tàu Trung Quốc an lòng hay không?

Trung Quốc mua chuộc?


(Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009. Photo courtesy of forumlyson.)
(Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009. Photo courtesy of forumlyson.) Cách làm việc của UBND tỉnh Lạng Sơn khiến người dân có quyền nghĩ rằng cả Ủy Ban này đã bị Trung Quốc mua chuộc. Mua chuộc lớn nữa là khác vì với trình độ của một Chủ tịch cấp tỉnh không thể không nhận biết được vấn đề một cách khái quát để đến nỗi đưa tay đặt bút ký vào một văn bản gây phẫn nộ cho người dân tại tỉnh nhà của ông ta như thế.
Người dân tỉnh Lạng Sơn có quyền đặt câu hỏi rằng không biết trong thời gian chiến tranh biên giới những người đang làm việc trong UBND tỉnh hiện nay đang công tác tại đâu? Tại Liên xô, Đông Đức hay một nước cộng sản nào khác, để đến nỗi họ quên bẵng máu xương người dân cùng chiến sĩ bộ đội Việt Nam đã đổ ra dưới gót chân của quân Trung Quốc? Trong số những cán bộ cao cấp của UBND tỉnh Lạng Sơn có ai có thân nhân bị quân Trung Quốc hiếp dâm, chặt ngang người, quăng người sống xuống giếng cạn rồi lấp đất lên chôn sống họ hay không?
Những người dân có thân nhân bị chết trong chiến tranh biên giới có quyền hỏi rằng: Có ai trong số cán bộ cao cấp của UBND tỉnh Lạng Sơn thấy đau lòng khi nhìn những tấm hình cón sót lại của thời chiến tranh biên giới ghi rõ ràng cảnh tang thương đổ nát sau khi quân Trung Quốc rút đi hay không?
Và còn nhiều câu hỏi tương tự như thế đang diễn ra trong lòng người dân khi biết đựơc trang web của UBND tỉnh lại đăng công khai những yêu cầu đối với huyện Hữu Lũng rất khó hiểu này.

(Thành phố Lạng Sơn. Photo courtesy of vietbalo.vn)
Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai được xem bị tàn phá nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Ngày 17 tháng 2 hàng năm đáng lẽ phải là ngày giỗ tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trên toàn quốc để ghi nhớ lại nỗi phẫn hận của dân tộc trước cuộc chiến mà Trung Quốc phát động, thử hỏi Việt Nam có làm lễ giỗ long trọng cho họ như cách UBND tỉnh Lạng Sơn sắp sửa làm cho liệt sĩ Trung Quốc hay không?
Một nhà ngoại giao kỳ cựu với Trung Quốc chắc phải biết rõ cách hành xử quen thuộc của họ đối với Việt Nam như thế nào. Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh khi nghe tin này đã lên tiếng cho rằng:
Có thể UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng lỗi do thư ký đánh máy không ghi rõ là tưởng niệm liệt sĩ trong thời gian nào, lúc ấy câu chất vấn lại hướng về một hướng khác: những nén hương mà Ủy Ban này gọi là “dâng” cho những người Trung Quốc có làm cho oan hồn của những người Việt Nam đã chết đi ngay tại Lạng Sơn nổi giận hay không? Nếu trả lời được câu hỏi này thì UBND tỉnh Lạng Sơn xem như đang làm một việc phải đạo với cả hai đàng, tình đồng chí với Trung Quốc và tình nghĩa đồng đội, đồng bào với chính đất nước của mình.
Còn nếu chưa trả lời được thì người dân vẫn còn nghi ngờ tính chân thật của cả UBND tỉnh Lạng Sơn trong vụ này.
Dư luận lo ngại rằng Tiết Thanh Minh là ngày tảo mộ theo truyền thống Trung Quốc đã lan vào Việt Nam và bị đồng hóa sau đó. Liệu việc tảo mộ các liệt sĩ Trung Quốc hôm nay sẽ còn kéo dài bao lâu nữa và có bị đồng hóa bởi các quan chức Việt Nam sau này hay không?
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Lang-Son-prepares-to-commemorate-the-Chinese-martyrs-Wrong-typing-or-defy-the-public-opinion-MLam-04012010200903.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn