Việt Nam ngày nay: Chủ nghĩa tư bản, du lịch và công nghệ đã kéo đất nước này ra khỏi quá khứ

William B. Ketter

CNHI News Service
Ghi chú của biên tập viên: ông William B. Ketter là phó chủ tịch phụ trách tin tức cho Community Newspaper Holdings Inc.[CHNI], có trụ sở tại Birmingham, tiểu bang Alibama, Hoa Kỳ, và sở hữu 89 tờ nhật báo gồm tờ Cumberland Times-News. Đoạn trích dưới đây là từ những ghi chép ông đã lưu lại trong một chuyến du ngoạn vào tháng Bảy khi ông đi dọc Đường mòn Hồ Chí Minh trên một chiếc xe máy.
Ba phần viết về Việt nam này là dựa vào những cảm tưởng mang tính cá nhân của William Ketter, phó chủ tịch phụ trách tin tức của CNHI, trong một chuyến du ngoạn hai tuần gần đây tới đất nước đã đóng một vai trò to lớn trong sự thay đổi đối với nền chính trị, các mối quan hệ đối ngoại và văn hóa của Mỹ suốt những năm 1960 và 1970.
Chuyến du ngoạn bao gồm một chặng đường vất vả bằng xe máy cùng với năm người Mỹ khác trong 8 ngày trên những đoạn đường còn sót lại của con Đường mòn Hồ Chí Minh khét tiếng. Cả nhóm đã vượt qua 850 dặm, từ những dãy núi ở phía bắc Việt Nam tới căn cứ quân sự của Mỹ trước đây tại Đà nẵng và Bãi biển Trung Hoa, trên bờ biển Nam Trung Quốc.
Đây là chuyến du ngoạn thứ hai tới Việt Nam của Ketter. Chuyến viếng thăm thứ nhất xảy ra năm 1995, khi ông dẫn một nhóm các viên tập viên người Mỹ trong một nhiệm vụ tìm hiểu thực tế.

Phần 1 – Việt Nam: Mảnh đất của chủ nghĩa tư bản cộng sản

Khi những đạo quân của Hồ Chí Minh băng băng tiến vào Sài Gòn 33 năm trước để thiết lập nên một nước Việt Nam tái thống nhất, những kẻ xâm chiếm cộng sản đã thực hiện một toan tính sai lầm đáng chê trách: chiến thắng bằng quân sự sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn cho dân tộc đã kiệt quệ vì chiến tranh.
Thay vào đó, các điều kiện kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn, tình trạng đói kém lan rộng khắp cả nước, và sự hy sinh cả một dân tộc đã trở nên thứ mẫu số chung cho thấy một thời kỳ hậu chiến dài lâu và đen tối cho cả miền bắc và miền nam.
“Chúng tôi đã phải vật lộn suốt những năm dài vô cùng đói khổ sau khi người Mỹ ra đi,” đó là những ký ức của Nguyễn Ngọc, con trai một sĩ quan quân đội Bắc Việt Nam. “Chính quyền đã phải phân phát định mức lương thực thực phẩm. Một bát gạo đã phải ăn trong một tuần; cả tháng mới có vài miếng thịt tẻo teo. Anh phải thịt một con gà làm sao không gây tiếng kêu để anh không phải chia xẻ nó cho những người hàng xóm.”
Chắc chắn đó không phải là giấc mơ xã hội chủ nghĩa mà “Bác Hồ” đã nói tới trước khi qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim vào năm 1969 và điều mà những môn đệ của ông thay ông thực hiện với sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền đối với hoạt động kinh doanh và buôn bán nhờ vào chiến thắng trong cuộc chiến.
Thị trường tự do đang vận hành và phổ biến tại Nam Việt Nam trong sự hiện diện của người Pháp và người Mỹ, phải trả giá cho một cuộc rút lui vội vã, đã bị tiêu diệt bởi tín điều cộng sản mình-vì-mọi-người và mọi-người-vì-mình. Đầu tư kinh doanh cá nhân và tập thể bị tàn lụi.
Điều đó kéo dài cho tới những năm 1990. Đó là khi Việt Nam hoàn toàn đi theo mô hình tư bản chủ nghĩa mở cửa thị trường của Trung Quốc trong khi vẫn bấu víu vào một hệ thống chính trị cộng sản khắc nghiệt. Nỗi tuyệt vọng đã chuyển thành liều lĩnh. Thậm chí những người Việt Nam từng chạy trốn khỏi đất nước mình – được biết đến với cái tên Việt Kiều – đã được mời gọi trở về quê hương. Và họ đã đầu tư – với một mức 7 tỉ đô la mỗi năm, theo như các số liệu của chính phủ.
Ngày nay, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới, song một kỳ nghỉ hai tuần vừa qua tại đó, bao gồm tám ngày trên một chiếc xe máy xuôi theo những dấu vết còn lại của con Đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng, đã cung cấp những bằng chứng về một quốc gia có đôi mắt tinh tường quan tâm tới việc mở cánh cửa của mình ra với thế giới.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ giàu được như người Mỹ các bạn,” Ngọc nói. “Thế nhưng chúng tôi giờ đây đang có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi có thể sở hữu bất động sản, khởi sự chuyện kinh doanh, kiếm được nhiều tiền. Chúng tôi có lúa gạo, cà phê, chè, cao su và dầu lửa” – những mặt hàng xuất khẩu quan trọng góp phần khích lệ những cải cách trên thị trường tự do, để rồi lần lượt, xuất hiện những tờ nhật báo, tạp chí và chương trình truyền hình tiếng Anh. Tất nhiên, chẳng ai được hưởng nền tự do báo chí như chúng ta biết. Tuy vậy, báo chí đã tường thuật những tội ác, tham nhũng và tình hình thiên tai. Và Báo chí đã không có vẻ tô vẽ cho những khó khăn về kinh tế của đất nước.
“Sự thật là những người cộng sản đang có sự kiểm soát tối đa đối với báo chí,” Ngọc nhận xét. “Thế nhưng không có mấy quan tâm từ những người cộng sản hay tại Việt Nam trong việc ngăn chặn tin tức về những gì mà mọi người biết thông qua Internet.”
Ngọc, người vừa đóng vai trò hướng dẫn viên vừa là người phiên dịch cho chuyến du hành bằng xe máy, là một ví dụ về một Việt Nam mới, xếp hạng nhì chỉ sau Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế tại Á châu kể từ năm 2002.
Ở tuổi 34, anh không có ký ức riêng về cuộc chiến tranh đã cướp đi 3 triệu sinh mạng binh lính và dân thường Việt Nam cũng như gần 60.000 quân nhân Mỹ chiến đấu trên nửa phần phía nam Việt Nam. Tốt nghiệp đại học và nói trôi chảy tiếng Pháp và tiếng Anh, anh đọc và nghe tin tức bằng cả ba thứ tiếng, cùng vợ và đưa ton gái ba tuổi sống trong một ngôi nhà khiêm nhường ở Hà Nội. Anh được xem như một người thông thạo về du lịch, làm việc trong vai trò một cố vấn cho các công ty du lịch và là chủ nhân đáng tự hào của một công ty mới khởi sự (Vietnamontrails.com) chuyên về các chuyến du lịch bằng xe gắn máy theo yêu cầu của khách hàng.
Ngọc yêu đất nước Việt Nam, tôn kính ông Hồ Chí Minh như George Washington của nước mình, thích cưỡi trên một chiếc xe gắn máy và say sưa nói về vẻ đẹp trong khung cảnh miền bắc quê hương mình. Tuy nhiên, anh không phải là một đảng viên Đảng Cộng sản.
Hai phần ba trong số 85 triệu người Việt Nam ở đây giống như Ngọc, đều sinh ra sau cuộc chiến của Mỹ chấm dứt năm 1973. Họ được nhắc nhở về cuộc xung đột đẫm máu bởi những người lớn tuổi, từ các tượng đài và nhà bảo tàng – tất cả đều quảng bá cho chiến thắng đối với “chủ nghĩa đề quốc Mỹ.” Thế nhưng cuộc chiến không lôi cuốn tinh thần Việt Nam theo cái cách mà nó đè nặng lên tâm trí người Mỹ.
Hơn nữa, các nhà lãnh đạo cộng sản của đất nước này không còn khăng khăng điều khiển và kiểm soát cuộc sống hàng ngày của người dân nữa. Dân chúng được khuyến khích đưa ra những sáng kiến và vươn lên phía trước. Ngọc ước lượng hiện chỉ có khoảng 3 triệu đảng viên cộng sản có thẻ đảng viên.
“Bạn tham gia đảng cộng sản nếu như bạn muốn có một sự nghiệp chính trị hoặc muốn tham gia vào chính quyền,” Ngọc nói. “Ngoài ra, chẳng cần phải tham gia. Ở mức độ cả nước chúng tôi cảm thấy thoái mái với sự sắp đặt này. Tất cả chúng tôi đều muốn một Việt Nam thịnh vượng.”

Phần 2 – Việt Nam: Ràng buộc với quá khứ, tìm tới tương lai


Việt Nam là một quốc gia được ban cho những miền đất phì nhiêu, những vùng biển tuyệt đẹp và một tinh thần chăm chỉ làm việc trong dân chúng. Tuy nhiên thu nhập trung bình chưa tới 500 đô la mỗi người một năm, và gần một phần ba dân số sống trong tình trạng nghèo khổ.
Thật khủng khiếp khi những số liệu thống kê đó có thể cho thấy có những tiến bộ lớn lao từ thời kỳ đen tối của đất nước trong và sau Cuộc chiến tranh Việt Nam và trước khi chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản thị trường cạnh tranh tự do vào những năm 1990.
Giờ đây, thậm chí người Việt Nam bình thường cũng có vẻ lạc quan về tương lai kinh tế của mình, chỉ ra mục tiêu đã đạt được của đất nước trong việc làm cho Internet có mặt ở khắp nơi, trong đó có cả các làng bản miền núi xa xôi.
“Chúng tôi đang trên con đường hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn,” đó là tâm sự của Nguyễn Ngọc, một doanh nhân 34 tuổi mạnh bạo ở Hà Nội mới đây đã mở dịch vụ du lịch bằng xe gắn máy. “Ngày mai sẽ to đẹp hơn hôm qua.”
Việt Nam bước một bước dài hướng tới mục tiêu đó khi đất nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hai năm trước, mở đường vào các thị trường nước ngoài nhiều hơn và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
Hoa Kỳ, nước từng từ chối giao thương với Việt Nam trong gần 20 năm sau chiến tranh, đã ký một thỏa thuận thương mại song phương với cựu thì của mình vào năm 2001, và giờ đây đang dẫn đầu thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, tiếp theo là Liên hiệp châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Trên mặt trận trong nước, một lực lượng lao động có kỹ năng với giá nhân công rẻ cạnh tranh với Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ trong các lĩnh vực sản xuất hàng điện tử và may mặc. Hãng Canon mới đây đã khai trương một nhà máy sản xuất máy in phun lớn ở ngoại thành Hà Nội. Sony, Intel, Samsung và các hãng điện tử khác cũng đang lạc quan và hy vọng vào mảnh đất của con rồng châu Á này. Ngành may mặc và đóng giầy cũng đang chuyển động. Hãng Nike sản xuất ra hơn 80 triệu đôi giày tại Việt Nam mỗi năm.
Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp, với hơn 70 phần trăm dân số sống nhờ vào canh tác và tại các làng quê, và phần lớn trong nền kinh tế gắn bó với số phận của cây lúa, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu và hạt điều.
Đất nước này cũng còn để lại một mối mâu thuẫn giữa phương pháp canh tác từ thế kỷ 19 và kỹ nghệ của thế kỷ 21 – được chứng kiến trong suốt chuyến du ngoạn dài 850 dặm bằng xe máy từ những ngọn núi cao 10.300 foot ở phía bắc Hà Nội, thủ đô nước này, cho tới Hội An, một cộng đồng dân cư sống ven bờ biển đầy quyến rũ ở phía tây nam.
Trên đất nước này, những con trâu nước cày bừa trên ruộng lúa, và những người đàn bà dưới những chiếc mũ hình chóp phải cúi gập mình hàng giờ để thu hoạch mùa màng cho kịp thời vụ. Trên đường trở về nhà, họ đeo những bó củi sau lưng hoặc gánh rau quả trên hai đầu của một thanh tre để về chuẩn bị cho bữa cơm tối trong căn nhà có một hay hai phòng.
Song thật kinh ngạc khi tới những làng bản xa xôi phía bắc như Phù Yên, Mai Châu, Tân Kỳ – những nơi mà nhóm xe máy của chúng tôi gồm sáu người Mỹ đã ở lại qua đêm – những quán cà phê Internet phục vụ du khách và người địa phương, gồm cả những thanh thiếu niên chơi các trò Bubble Shooter, Raider X và các trò chơi trực tuyến phổ biến khác. Điện thoại di động là thứ bình thường tại cả nông thôn và thành thị.
“Thật là lạ, phải không?” đó là nhận xét của Hoàng Ngọc Minh, một hướng dẫn viên du lịch 26 tuổi từ người Hà Nội. “Chúng ta đang ở trên một đất nước của những điều khác biệt. Internet có ở khắp nơi. Cho nên có rất nhiều lối sống truyền thống không còn nữa.”
Đào Quang Bình, một kinh tế gia và là nhà báo làm cho tờ Vietnam Economic Times, đã nhận xét về đất nước này theo cách dưới đây trong một cuộc phỏng vấn tại Khách sạn Quốc tế sang trọng ở Hà Nội:
“Đất đai là tài sản của toàn dân Việt Nam và khi sử dụng cho nông nghiệp thì không bị đánh thuế hay thuê lại,” ông giải thích. “Khi chúng tôi chuyển đổi ngày càng mạnh sang một nền kinh tế thị trường, sự hiện đại hóa sẽ được thực hiện một cách tự nhiên tại những vùng nông thôn cùng với thành phố. Những kỹ thuật mới và hiệu quả hơn sẽ được đem ra áp dụng.”
Ông Bình cho là Việt Nam đang giữ vững bước phát triển nhanh chóng của mình. Ông đã đầu tư vào một số xuất bản phẩm viết về lối sống có ý nghĩa, và có những kế hoạch khởi sự một tạp chí về xe hơi cùng lúc cuốn Great Wheel tại nước này được xác định là giành cho xe máy.
Xe hơi sẽ tất yếu thay cho phương tiện vận tải hai bánh trong khi dân chúng có được đời sống sung túc trong một Việt Nam mới, ông Bình nói. Khi điều đó xảy ra, họ sẽ cần đến một nguồn tham khảo đáng tin cậy để xác định loại xe hơi nào cần mua và làm cách nào để bảo quản được chúng, đó là những gì mà ông trông đợi cuốn tạp chí của mình sẽ cung cấp.
“Không thể nhầm lẫn được,” ông khẳng định.
Tuy nhiên, với hiện tại, đang có hơn 20 triệu chiếc xe máy, mô tô và scooter tại Việt Nam, và chưa tới 750.000 xe hơi và xe tải. Kết cục là một biển xe máy liên tục bấm còi rống lên trong thành phố.
Thoát ra khỏi mớ hỗn mang này thật khốn khó. Luật lệ giao thông không được chấp hành, đèn và các biển báo hiệu dừng hầu như không tồn tại, và việc đi bộ băng qua đường hay lái xe qua những điểm giao cắt tạo nên nguy hiểm cho cuộc sống của bạn. Có hơn 40 cái chết bất hạnh do tai nạn giao thông xảy ra mỗi ngày, làm cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có số người chết trên đường cao nhất thế giới.
Bí quyết để tránh bị thương tật và còn sống sót là “luôn luôn đi tới. Đừng giật lùi hay dừng lại trên đường đi,” theo lời của Margie Mason, một thông tín viên của hãng AP tại Hà Nội.
Lời khuyên tốt khi bạn đang đi bộ băng qua đường hay cưỡi trên một chiếc xe máy.

Phần 3 – Việt Nam: Phát triển mạnh du lịch tới những nơi diễn ra cuộc chiến đẫm máu

Bức ảnh chụp năm 1975 về chiếc trực thăng cuối cùng của Hải quân bốc lên khỏi mái nhà Toà Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, một hàng dài những người Việt Nam xui xẻo bị mắt kẹt bên dưới, đã tạo nên một bức chân dung không thể phai mờ về nỗi tuyệt vọng của con người.
Những người bị rớt lại phía sau là binh lính trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa (ARVN) bại trận, hoặc những người của chính phủ Hoa Kỳ. Họ đoán được những hậu quả khủng khiếp khi rơi vào tay của những kẻ thuộc hạ của ông Hồ Chí Minh đang chiến thắng.
Vẻ đẹp của Việt Nam hiển hiện bằng những ngọn đồi và thung lũng trên vùng cao nguyên. Sương mù bay lên từ mặt đất tương phản với ánh bình minh tạo nên một khung cảnh như trên bức danh thiếp.
Họ đã đoán đúng. Chế độ cộng sản đã xử tử hình những người nào được xem là trung thành với chủ nghĩa quốc gia. Những người khác đã phải chịu bản án giam giữ lâu dài. Song hầu hết đã bị tống vào các trại được gọi là cải tạo để đi theo tín điều xã hội chủ nghĩa, làm những gì người ta bảo làm, lao động liên tục và cực nhọc cho lợi ích chung, và quên đi chuyện cất nhắc lên cao thông qua sáng kiến của bản thân.
May thay, đối với tương lai của Việt Nam, những bài học kinh tế của chủ nghĩa cộng sản đã không được nắm chắc. Và 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã từ bỏ việc kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động kinh doanh mỗi ngày và thay vào đó đã khuyến khích nhận thức về một tinh thần kinh doanh chưa từng thấy kể từ khi có sự hiện diện của người Mỹ.
Chủ nghĩa tư bản thị trường cạnh tranh tự do đã đẻ ra những doanh nghiệp với, giao thương với những kẻ cựu thù, đầu tư tư nhân – và một tham vọng của chính phủ muốn thu hút những đồng ngoại tệ mạnh thông qua việc đấy mạnh du lịch.
Mục tiêu là: đưa những địa điểm xảy ra các cuộc chiến đẫm máu thành nơi nổi tiếng cho du lịch để có thể kiếm được những đồng đô la nước ngoài trong lúc túng bấn nhất.
Những địa điểm như Đường mòn Hồ Chí Minh, một loạt những con đường quanh co nổi tiếng đã cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho các đội quân cộng sản ở miền nam. Từng bị dội bom nặng nề bởi các lực lượng của Mỹ trong suốt cuộc chiến, những nơi đây vẫn được coi như biểu tượng thành công của quốc gia.
Vậy là chính phủ đã cam kết giành hơn 400 triệu đô la để khôi phục các đoạn quan trọng có tính lịch sử của con đường mòn, và mở rộng nó suốt đoạn đường tới Sài Gòn, giờ được gọi là Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án đường cao tốc được cho rằng sẽ giảm bớt tình trạng tắc nghẽn trên Đường số 1 ven bờ biển hẹp, con đường huyết mạch bắc-nam duy nhất nối liền đất nước từng bị chia cắt.
Cưỡi một chiếc xe máy dọc theo con đường mòn đòi hỏi phải tránh né những con trâu nước, bò, dê, chó, vịt, gà và lợn – và phải giữ thăng bằng khi những chiếc xe tải và xe buýt lớn ép bạn ra vệ đường. Bạn cũng cần cảnh giác trước những chiếc mô tô và những khách bộ hành lao ra nhanh như tên bắn từ các con đường khác trong thành phố và ở làng quê.
Tuy vậy, đáng ngạc nhiên là những đoàn xe xây dựng đã biến những lối mòn lấm bùn trong rừng rậm thành một con đường lớn đen bóng mà các du khách có thể vượt qua bằng xe máy, mô tô hay đi bộ.
Những điểm dừng được khuyến cáo bao gồm các khu vực bị phi cơ Mỹ đánh bom, và cũng bị rải Chấn độc Da cam có tác dụng diệt cỏ rất mạnh để làm lộ ra các nguồn tiếp tế và hoạt động của các toán quân. Những ảnh hưởng của chất hoá học cũng vẫn còn thấy rõ khi những tán lá cây dọc theo chân đồi và các khu rừng ngập mặng ở miền bắc trung bộ Việt Nam không phát triển được.
Con đường mòn nguyên sơ đã được mở rộng sang Lào và Cambodia, kéo dài hơn 10.000 dặm. Sự phát triển của những khu rừng nhiệt đới rậm rạp đã khẳng định rõ rệt điều này từ sau chiến tranh. Song các khu vực mang tính chiến lược đã được duy trì như là một sự nhắc nhở tới những người cộng sản sẽ chiến đấu cho một dân tộc không bị chia cắt …

Hiệu đính: Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn