Xây dựng Trục Thăng Long giải quyết giao thông và kết nối văn hóa

Những “cô Bích” ở quanh ta

Hai hôm nay, nhân đọc các bài và các lời bình liên quan đến việc tìm kiếm “Tiến sĩ Đỗ Ngọc Bích” có phải là Tiến sĩ hay không mà sao ăn nói ngô nghê lởm khởm, thậm chí không chỉ là sai trái về lịch sử Việt Nam và đội ngũ trí thức Việt Nam, mà còn mang tính hằn thù với dân tộc Việt Nam đến vậy? Tôi buồn rầu thừa nhận rằng đâu đó ở quanh tôi không phải chỉ có một "Cô Bích" mà xem ra còn nhiều "Cô Bích" lắm!

Xin lỗi, là một phụ nữ, tôi thực sự không muốn đưa tên một phụ nữ khác đáng tuổi con tuổi cháu mình ra giễu cợt. Nhưng, chị em phụ nữ ơi, chúng ta là phái yếu, chúng ta được phái mày râu gượng nhẹ nâng niu với lời nhắc "Handle with care - Cẩn thận dễ vỡ". Nhưng nếu chúng ta cứ nhảy chồm chồm lên, cộng thêm với thói "lộng ngôn", thì chính ta sẽ làm ta vỡ tan tành, không ai cứu ta được đâu. Nhớ đấy.

Bây giờ xin trở về "Cô Bích" của ngành tôi là ông Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Kiến trúc Nguyễn Đình Toàn. Ông có bằng Tiến sĩ hẳn hoi, nhưng là Tiến sĩ công trình, sau những năm làm ở Viện thiết kế công nghiệp Hóa chất, rồi TT bảo quản tu bổ di tích TƯ của Bộ Văn hóa... Rồi nhờ mối quan hệ nào đó ông được lên chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng và trở thành một ông trùm đồ án quy hoạch Hà Nội tuy chưa bao giờ học Quy hoạch, và là một đồng tác giả của đồ án Tâm linh có tên Trục Thăng Long dài 32Km đi từ đường Hoàng Quốc Việt đến chân núi Ba Vì và sẽ tiêu hết hàng chục ngàn tỷ đồng, để người Thăng Long vào đến đó rồi, sẽ chui vào núi... Ngủ yên!!!

Sáng ngày mai, 22/4/2010, tại 53 Nguyễn Du, VUSTA, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị bàn tròn chính thức góp ý về Đồ án Quy hoạch Hà Nội với Chính phủ, coi như đó là ý kiến chính thức của giới khoa học Việt Nam với Quy hoạch của PPJ. Vì phòng họp chật hẹp chỉ có chừng 20 người gồm Chủ tịch và Tổng thư ký Hội được dự, nên cả tuần qua không khí rất sôi động nhằm thu thập ý kiến để gửi đến 53 Nguyễn Du. Tôi nhận được những ý kiến, bài viết mà lạnh cả sống lưng.

Tiến sĩ KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc thì trả lời báo chí rằng Trục Thăng Long là cung tên bắn vào trái tim là TTHC quốc gia.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàn thì nói công khai: Mời ông Bộ trưởng Bộ xây dựng đến đây tranh luận với tôi, làm trục Thăng Long đến Ba Vì để đưa Chính phủ vào đó ngồi thì làm thêm một đoạn đường hầm nữa chui vào giữa Ba Vì để ai vào đó thì không ra nữa.

Tiến sĩ Nguyễn Trường Tiến viết bài phản biện nói rằng "Đất Ba Vì là đất linh thiêng của Thần Thánh, đó là ĐÔ THỊ ÂM, không thích hợp cho một TTHC quốc gia".

Tiến sĩ Phạm Gia Minh thì dẫn sách Phong thủy của tác giả Hàn Quốc nói rõ rằng Con Rồng thẳng đơ ra là con Rồng chết, Trục Thăng Long này sẽ dẫn đến chỗ chết.’\

Còn tôi, không thể đùn đẩy lời người khác, tôi viết ý kiến phản biện nói rằng: Đỉnh Ba Vì cao 1226m là nơi Tỏa Linh khí, vùng Phủ Tây Hồ và Tây Hồ Tây cách Ba Vì 26Km, lại có mạch nước thông với sông Hồng là nơi Thụ Linh khí, ở đó đã có dự án Tây Hồ Tây rộng 847 ha đất. Xưa kia đó là Đàn Nam Giao, Nơi thờ cúng, nơi đào tạo nhân tài, nơi tổ chức Hội nghị Diên Hồng, nơi Thủ tướng, Chủ tịch nước tiếp khách... nơi đó hiện Hàn quốc đang đền bù đất để đầu tư Đô thị mới. Nếu đòi lại thì Keystone VN sẽ đền bù số tiền Hàn quốc đã bỏ ra giải phóng mặt bằng. Chỉ nơi đó có hiện tượng Long quyển thủy, nơi đó là Thăng Long, Rồng cuộn nước bay lên, còn chân núi Ba Vì là nơi bế khí, là Ẩn Long!!! Rồng đi trốn ( tôi không nói độc miệng là Rồng Chết). Xin bạn đọc hãy đọc thẳng vào hai bài viết dưới đây tóm tắt ý tưởng hay ho của "Cô Bích" Nguyễn Đình Toàn.

KTS Trần Thanh Vân
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, mục đích số một của việc xây dựng trục Thăng Long là giao thông, tiếp đến là kết nối văn hóa xứ Đoài ở Sơn Tây, Phúc Thọ với văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Trên trục đó, ở chuỗi vành đai 3 và 4 mở rộng 350m, dài 3,5km, sẽ quy hoạch các công trình bảo tàng, đài độc lập, với những câu truyện lịch sử của Thăng Long, xứ Đoài và đây là khu vui chơi giải trí cho người dân Hà Nội. Bên dưới trục Thăng Long này, dự kiến xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, siêu thị, cửa hàng... bảo đảm mật độ xây dựng ít, nhưng là những công trình hiện đại. Công trình này có thể làm ngay từ 2011 đến 2050, vì trục Thăng Long sẽ giải quyết cho vấn đề giao thông phía Tây của Thủ đô và người dân cũng rất trông chờ trục đường này để phát triển giao lưu hàng hóa.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Trong đồ án có đề xuất toàn bộ chuỗi đô thị theo vành đai 4 là các khu đô thị mới, chỉ xây cao tầng với sức chứa khoảng 1,2 triệu người với hạ tầng tốt. Sở dĩ trước kia, người dân không muốn ra vì thành phố có các khu chung cư mới thỏa mãn về điều kiện sinh sống cũng như hạ tầng, cây xanh, vui chơi giải trí ... Đối với các dự án đang nằm giữa đô thị trung tâm và đô thị chuỗi nên triển khai các dự án sinh thái, nhiều cây xanh mặt nước, không xây mật độ cao và chuyển bớt dân cư ở các khu vực này.


Về giải pháp cho nguồn vốn đầu tư, sẽ thực hiện đổi đất lấy hạ tầng. Ví như làm đường vành đai 4 không cần vốn Chính phủ, mà kêu gọi các doanh nghiệp làm đường sau đó đổi cho các khu đất ở các dự án và làm theo quy hoạch, sắp xếp lại và điều chỉnh phù hợp quy hoạch kinh tế - xã hội. Không thể tập trung bệnh viện vào một chỗ, nhà ở vào một chỗ…

Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/main.aspx?MNU=1120&chitiet=22618&style=1

Hà Nội sẽ làm trục đường nối trung tâm với Ba Vì

Hà Nội sẽ làm trục đường nối trung tâm với Ba Vì (ảnh minh họa)

"Trục Thăng Long bắt đầu từ Hoàng Quốc Việt, kéo dài 30 km tới chân núi Ba Vì. Dưới tầng ngầm của trục này sẽ là tàu điện ngầm, siêu thị... để con cháu chúng ta có thể vui chơi giải trí, mua sắm vào cuối tuần", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết về quy hoạch Hà Nội.

- Điểm mới của dự thảo Đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 là xây dựng trục Thăng Long, ý tưởng xây dựng trục này là gì, thưa ông?

- Trục Thăng Long bắt đầu từ Hoàng Quốc Việt, kéo dài 30 km tới chân núi Ba Vì. Mục đích phát triển giao thông là số một. Thứ hai là kết nối văn hóa xứ Đoài ở Sơn Tây, Phúc Thọ với văn hóa Thăng Long ở đô thị trung tâm. Trên trục đó, chuỗi vành đai 3 dài 3,5 km sẽ quy hoạch các công trình bảo tàng, đài Độc Lập, ghi lại những câu chuyện lịch sử của Thăng Long, xứ Đoài, cũng là khu vui chơi giải trí cho người dân. Mật độ xây dựng ở đó rất ít, song tập trung nhiều công trình hiện đại của cả nước.

Dưới tầng ngầm của trục Thăng Long này sẽ là tàu điện ngầm, có siêu thị, cửa hàng... Nay mai con cháu chúng ta có thể vui chơi giải trí, mua sắm vào cuối tuần.

- Vậy khi nào thì trục Thăng Long được xây dựng?

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn.

- Có thể xây dựng ngay từ năm 2011 chứ không thể để đến 2030 mới làm, bởi trục Thăng Long giải quyết tốt giao thông phía Tây thành phố. Có tuyến đường này thì giao lưu công nghiệp hàng hóa sẽ tốt hơn. Các vùng nông thôn này trông chờ trục đường để xóa chênh lệch thu nhập với khu trung tâm.

- Đồ án quy hoạch chung đưa ra mục tiêu giảm tải dân cư trong nội thành Hà Nội, giải pháp cụ thể thế nào, thưa ông?

- Toàn bộ chuỗi đô thị theo vành đai 4 sẽ là các khu đô thị mới, chỉ xây nhà cao tầng để đón người dân nội đô đến sinh sống. Hiện người dân các khu tập thể cũ ở nội thành chưa ra đó bởi thành phố chưa xây dựng được các khu chung cư mới thỏa mãn về hạ tầng, cây xanh, vui chơi giải trí, cơ hội làm việc. Thủ tướng đã chỉ đạo giảm chiều cao, giảm mật độ tại các dự án cải tạo khu tập thể cũ trong nội đô.

Với khu vực giữa đô thị trung tâm và đô thị chuỗi sẽ triển khai các dự án sinh thái, nhiều cây xanh mặt nước, không xây nhà cao tầng ở các khu vực này. Có những đô thị như Washington, Paris, người ta phải đi qua một cánh rừng mới tiếp tục đến đô thị. Còn những đô thị như Tokyo đã xây dựng kín tất cả khu vực lõi.

Hà Nội cần 60 tỷ USD để xây dựng hạ tầng
theo quy hoạch đến năm 2030. ( Ảnh minh họa)

- Theo ý tưởng quy hoạch, trụ sở các bộ ngành trước mắt sẽ đặt ở Mỹ Đình, song sau năm 2030 sẽ di chuyển lên Ba Vì. Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng việc này sẽ gây lãng phí?

- Hiện nhiều bộ ngành đã có dự án chuyển ra Mỹ Đình, chỉ còn 7 bộ ngành chưa có. Đến năm 2030-2050 chúng ta xây dựng trung tâm hành chính tại Ba Vì thì các công trình ở Mỹ Đình lại trở thành văn phòng. Các doanh nghiệp có thể mua lại và chuyển đổi. Không có gì gọi là lãng phí.

- Nguồn vốn hàng chục tỷ USD để đầu tư hạ tầng theo quy hoạch sẽ huy động như thế nào, thưa ông?

- Đầu tư cho hạ tầng ước tính khoảng 60 tỷ USD. Chúng ta sẽ thực hiện đổi đất lấy hạ tầng, như xây dựng vành đai 4 không cần vốn từ ngân sách mà doanh nghiệp làm đường sau đó đổi cho các khu đất và làm theo quy hoạch.

Hà Nội vẫn có nhiều đất, không sợ hết mặc dù triển khai hơn 700 dự án. Vấn đề là các dự án đó phải đưa vào quy hoạch, sắp xếp lại và điều chỉnh phù hợp quy hoạch kinh tế xã hội. Ví dụ không thể tập trung bệnh viện vào một chỗ hay nhà ở vào một chỗ riêng.

- Có ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của quy hoạch, liệu trong 40 năm có hoàn thành được các dự án đúng theo quy hoạch?

- Đó là bài toán của các nhà quản lý, cũng như thiết kế một cái nhà song xây dựng đúng hay không là do chủ nhà. Theo tôi, cần tăng cường biện pháp quản lý, và có quy chế phù hợp có tính thực tiễn. Hiện không thể nói trước chúng ta có xây dựng đúng theo quy hoạch hay không.

Theo VnExpress.vn

Nguồn: http://invest.archi.vn/tin-chuyen-nganh/ha-noi-se-lam-truc-duong-noi-trung-tam-voi-ba-vi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn