Cái thiếu nhất của lãnh đạo ngành văn hóa Hà Nội chính là... văn hóa!



Hà Văn Thịnh

http://www.khachsanexpress.com/imagedb/news/183/18303/them1ctkyniem1000namtl.jpg

Xin mở ngoặc rằng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch có rất nhiều ban ngành. Bài viết này chỉ xin đề cập đến những cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm trong ngành văn hóa.

Thủ đô của một nước mà hàng chục tuần qua, báo chí cứ phải liên tục than phiền, kêu cứu về những sai phạm văn hóa thì quả thật người dân cả nước chẳng biết đằng nào mà lần. Nào là chuyện quảng cáo búa xua, chuyện tô vẽ, sơn quết “mới” cho các công trình kiến trúc cổ, chuyện Hoàng thành Thăng Long bị ủi để làm đường, chuyện liên kết với Sở Giáo dục – Đào tạo để dạy cho học sinh Hà Nội sao cho sau vài tháng các em bỗng nhiên trở thành “thanh lịch”…


Tại sao tư duy của những người trong ngành văn hóa mà lại thiếu hẳn tính văn hóa? Từ “văn hóa”, trong tiếng La tinh cổ là cultura, gốc cult có nghĩa là “sùng bái” (theo Nguyễn Hưng Quốc). Hiểu nôm na, văn hóa theo nghĩa đen khởi thủy có nghĩa là sùng bái, tôn vinh (giá trị) của lối sống, phương thức sống. Trong rất nhiều định nghĩa về văn hóa, theo tôi, định nghĩa sau đây của UNESCO là “đạt” nhất: Văn hóa là hệ thống tổng thể những giá trị biểu trưng quy định cách ứng xử, thái độ giao tiếp của một cộng đồng và làm cho cộng đồng đó có đặc thù riêng.

Từ tất cả những điều trên, tôi suy ra những người có trách nhiệm của ngành văn hóa Hà Nội có thể chẳng hề quan tâm đến văn hóa. Chẳng hạn phá Hoàng thành chán chê rồi mới kiến nghị tạm dừng để khảo cổ là cái lý làm sao? Chẳng lẽ bao nhiêu tinh hoa của ngành khảo cổ không thể là nơi để lãnh đạo tham vấn ý kiến trước khi đồng ý sao? Chỉ đến khi báo chí la hét rầm trời mới đủng đỉnh kiến nghị thì đó đích thực là cách làm của những kẻ thiếu hiểu biết, nếu không muốn dùng từ nặng hơn là dốt nát.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng nhà "có con gái lấy chồng cần quét vôi nhà cửa” (quết mới đúng!) [http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/04/3BA1B3AE/]. Vị nói ra câu này không hiểu thế nào là đồ cổ. Cách đây mấy năm, Việt Nam có đem hàng ngàn món đồ cổ trục vớt được từ tàu đắm ở Bình Thuận sang nhờ hãng Christie’s bán đấu giá. Hãng đó yêu cầu các vỏ ốc, vỏ sò bám trên những bình sứ, đĩa bát sứ phải để nguyên trạng, vì có như thế mới là đồ cổ. Còn nếu xóa đi những vết tích cổ thì sẽ bị nghi là đồ giả, chẳng ai thèm quan tâm nữa. Liệu các nhà “văn hóa học” của Sở Văn hóa Hà Nội (tôi xin bỏ bớt mấy chữ sau như đã nói ở trên) có biết điều này không? Áo mới cho căn nhà mình đang ở không có nghĩa đồng nghĩa với cái “áo mới” kệch cỡm, nhiêu khê, tức tưởi của những tháp nước, chùa chiền… Cái đẹp và cái quý của những di tích cổ là sự rêu phong, là cái vẻ ngoài cũ mốc của di tích chứ không phải là phấn son tô trét. Nếu cứ “tư duy” như lãnh đạo văn hóa Hà Nội thì người Ý đã bỏ tiền ra để xây lại một nửa Đấu trường Colisée đổ nát rồi! Tại sao người ta không làm mới, không “hoàn thiện” nó? Chẳng lẽ làm văn hóa mà không biết những điều sơ đẳng vậy sao?

Chữ cult (sùng bái) trong trường hợp này có lẽ thực chất là: Lãnh đạo ngành văn hóa Hà Nội sùng bái chia chác, sùng bái ăn theo, sùng bái cách làm vẽ chân cho rắn, sùng bái sự thiển cận và tăm tối của loại trưởng giả học làm sang…
http://khudothimoi.com/images/tintuc/509/gia-nha-dat-khu-pho-co-ha-noi-dat-khung-khiep.jpg Phố cổ được "trang điểm" (Nguồn: khudothimoi.com)
Các vị cứ kiếm cớ – bất kỳ cớ nào, miễn là moi được tiền dân, của nước; các vị có đồng lõa nên tha hồ tự tung, tự tác. Các vị ấy không hiểu rằng đất nước ta có bao nhiêu năm chiến tranh nên di tích cổ còn lại ít lắm, phải bảo tồn từng ly từng tý! Bôi son trát phấn cho một bà già, một ông lão như ai đó đã nói mà không thấy xấu hổ sao? Muốn “làm” văn hóa, ít nhất phải có cái vốn văn hóa tối thiểu. Nếu không đủ, không biết thì phải hỏi chuyên gia, chứ không có cái kiểu chẳng thèm dựa cột, cứ ngứa đâu gãi đấy một cách thiếu văn hóa. Tôi sẵn sàng tranh luận với bất kỳ vị lãnh đạo văn hóa Hà Nội nào về đề tài này.

HVT

Huế, 12.5.2010

HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn