Chi hàng chục tỷ cho một số báo đưa tin Đại lễ

Ong Mi
Đại lễ 1000 năm Thăng Long không chỉ là một dịp cho nhân dân Hà Nội và cả nước ôn lại lịch sử và tự hào về truyền thống của dân tộc. Đây còn là một cơ hội làm ăn. Bên cạnh việc vung tiền vô tội vạ để làm những chuyện như lát lại vỉa hè Hồ Gươm, “tân trang” lại Tháp nước Hàng Đậu, chính quyền Thành phố Hà Nội chi hàng chục tỷ, gọi là “hỗ trợ”, cho các cơ quan dính dáng đến chuyện đưa tin Đại lễ. Nói “dính dáng”, là vì trong đó có những cơ quan không phải là báo chí!
Nhưng dẫu có là báo chí đi nữa, tiền thuế của dân đâu có dễ chia chác như thế! Người ta ngạc nhiên vì hành động này của Hà Nội một, thì phải sửng sốt vì tên tuổi của các cơ quan ngửa tay nhận tiền mười. Toàn là những cơ quan thông tấn hàng đầu của chế độ: Nhân dân (7,2 tỷ), Quân đội nhân dân (4,9 tỷ), Thông tấn xã Việt Nam (5,4 tỷ), tạp chí Thi đua – khen thưởng (535 triệu). Toàn là những cơ quan cấp cao của Đảng và Chính phủ: Ban Tuyên giáo Trung ương (4,5 tỷ), Văn phòng Chính phủ (4 tỷ).

Trong 1000 năm lịch sử Thăng Long, đây là một vụ làm ăn chưa từng có. Các cơ quan có trách nhiệm như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần phải vào cuộc. Chỉ như thế, mới chứng minh được đây chỉ là chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh”, cho dẫu phải cay đắng nhận rằng ấy là con sâu cỡ bự!

Nói thêm: Trang mạng http://bee.net.vn/ đã gỡ bài này xuống, nhưng đường link vẫn còn ghi rõ http://bee.net.vn/channel/1983/201005/Chi-hang-chuc-ty-cho-mot-so-bao-dua-tin-Dai-le-1753895/ như tấm ảnh sau đây chứng minh.

Anh Hoàng
- Thành phố Hà Nội đã quyết định duyệt mức hỗ trợ kinh phí Chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục, quảng bá hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với tổng số tiền hơn 26,5 tỷ đồng.



Tổng số tiền hỗ trợ tuyên truyền là 26,5 tỷ đồng. (Ảnh vtc)

Số tiền này sẽ dành cho các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương.

Cụ thể, Hà Nội hỗ trợ báo Nhân dân 7,2 tỷ đồng; báo Quân đội nhân dân hơn 4,9 tỷ đồng; Thông tấn xã Việt Nam 5,4 tỷ đồng; Ban Tuyên giáo Trung ương hơn 4,5 tỷ đồng; Văn phòng Chính phủ 4 tỷ đồng và tạp chí Thi đua – Khen thưởng 535 triệu đồng.

Trong khuôn khổ Chương trình phối hợp tuyên truyền này, một số đề án đã được hoạch định như: Đề án xây dựng website 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của báo điện tử VietNam Plus với sự tham gia của các chuyên gia tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha; Đề án tuyên truyền kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long của báo Le Courrier du Vietnam với khoảng 400 tin, bài dịch sang tiếng Pháp…

Một chương trình âm thanh tên gọi “Hà Nội 1.000 năm” cũng được triển khai từ tháng 10/2009 – 10/2010 với số lượng bản tin 390 số, thời lượng 10 – 15 phút/số bằng tiếng Việt và tiếng Anh.Sở Ngoại vụ Hà Nội cũng vừa lên kế hoạch tổ chức mời báo chí nước ngoài đưa tin, viết bài về Hà Nội trước dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.


Tờ trình của Sở Ngoại vụ về việc này cùng dự thảo kế hoạch vừa được Văn phòng UBND TP Hà Nội gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy xem xét, cho ý kiến với mong muốn nhận được “câu trả lời” trước 15/5.

OM

1000 Năm Thăng Long – Lợi ích cho nhiều bên?

Khánh An, phóng viên RFA

Chuyện hàng nghìn tỷ đồng đổ vào các công trình chuẩn bị cho đại lễ “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” đã tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau cả trong lẫn ngoài nước.
Các nghệ nhân đổ đồng nung chảy cho ra đời chiếc trống đầu tiên trong 100 trống đồng mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Photo courtesy of dddn.com.vn
Lãng phí và thiếu thiết thực
Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng đây là một dự án đại lãng phí, không mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội tương xứng với số tiền bỏ ra. Một số khác lại cho rằng, “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” là một hợp đồng mang lại lợi ích cho nhiều bên.
Trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Vneconomy về việc có nhiều ý kiến cho rằng các công trình chuẩn bị cho đại lễ “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” là lãng phí và thiếu thiết thực, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định “Hà Nội hoàn toàn không lãng phí tiền của vào các hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.
Để minh xác cho lời nói của mình, ông Bí thư Thành ủy giải thích cặn kẽ từng loại hình hoạt động. Chẳng hạn, những hoạt động mang tính phi vật thể như vận động nhân dân thu dọn rác đường phố và cả “rác” trên trời, theo ông, “nếu diễn ra từ tốn, âm thầm thì sẽ không ai thấy được nên phải làm thành phong trào sâu rộng khắp thành phố”.
Một vụ tiêu tiền vô tội vạ. Có những đoạn đường mà mỗi một mét vuông tự nhiên bây giờ cạy gạch lên lát lại, tốn không biết bao nhiêu tỉ tỉ đồng.
Nhà giáo Phạm Toàn

Còn 34 công trình mà thành phố đã duyệt thì đều là “vật thể”, chứ không phải là “lễ tân”, nói nôm na, “tiền đã quy ra thành thóc” cả đấy thôi. Riêng những món quà tặng trị giá hàng chục tỷ đồng thì chỉ là “tình cảm của cả nước đối với Hà Nội”, không thể nào tính vào những khoản chi phí cho Đại lễ được.
Nhiều người ví, những chuyện xung quanh Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng giống như chuyện nghìn lẻ một đêm, nói mãi không hết. Hàng loạt công trình tiền tỷ được đưa ra, rồi bỏ, rồi hối hả triển khai, rồi giải quyết hậu quả. Nói theo kiểu nhà giáo Phạm Toàn, một trong những sáng lập viên của website Bauxite Việt Nam, là “một vụ tiêu tiền vô tội vạ. Có những đoạn đường mà mỗi một mét vuông tự nhiên bây giờ cạy gạch lên lát lại, tốn không biết bao nhiêu tỉ tỉ đồng. Bây giờ lại đương bàn nhau đưa Thủ đô lên Ba Vì”.
Tuy nhiên, cũng như nhiều công trình khác, ý tưởng “dời đô” thời hiện đại cũng vấp phải không ít ý kiến phản bác vì mức độ tốn kém nhưng thiếu thực tế của nó. GS TS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, trả lời trên báo điện tử VnMedia rằng, ý tưởng chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc – chân núi Ba Vì, ngoài những tốn kém, xáo trộn, lãng phí, còn là một hành động thiếu coi trọng Chiếu dời đô của Hoàng đế Lý Công Uẩn, không phù hợp với nghìn năm lịch sử của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội.
Thư viện Hà Nội là công trình duy nhất đã hoàn thành để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Photo courtesy of thuvienhanoi.org.vn

Có thể ví Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội giống như một sân khấu. Có tiết mục hoành tráng nhưng không mấy ý nghĩa, có tiết mục có nội dung nhưng lại gặp những diễn viên tệ, có tiết mục chưa kịp trình diễn đã phải hủy bỏ, dù đã bỏ nhiều tiền của đầu tư.
Dự án xây dựng khu lưu giữ 1000 hiện vật “gửi tới mai sau” được nói là đã phê duyệt từ năm 2008, nhưng đùng một cái, đến phút cuối, tức vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Bí thư Thành ủy Hà Nội tổ chức họp giao ban và tuyên bố “Đây là một ý tưởng không có tính khả thi và tôi chính thức nói với báo chí là Hà Nội sẽ không thực hiện việc này”. Ông thêm vào, ý tưởng trên chưa được cấp nào phê duyệt nhưng đã vội vàng công bố.
Nhiều chuyện cười ra nước mắt
Có thể thấy, những bất bình xung quanh việc tổ chức và chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long xuất hiện không những trên các trang báo, mà cả trên các blog và mạng xã hội. Facebook xuất hiện hàng loạt hội như “Hội những người ghét lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vì quá lãng phí”, “Hội phản đối những quyết định thiếu i-ốt nhân dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, “Nghìn trò lố nhân dịp 1000 năm Thăng Long”…
Mà cái điều nguy hiểm mà em sợ là bây giờ thành phố đang sạch sẽ mà bỏ một đợt nhiều tháng dài như thế, đến lúc nó lại bẩn thỉu thì làm lại sẽ rất mất công.
Hiền, sinh viên Hà Nội

Còn trang blog Lê Diễn Đức ví tiến trình sơn sửa nhà cửa, chỉnh trang đô thị chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long – Hà Nội khiến người ta “có cảm tưởng một cô gái quê mùa ghẻ lở, bệnh hoạn vừa ra thành phố lớn, chưa kịp điều trị, học hành về văn hóa ứng xử, cách ăn, lời nói thì đã tức thời phải mặc áo dài cô dâu để lên xe hoa kiếm một đấng chồng, nếu không sẽ đánh mất cơ hội” và “Thực chất, đây là dịp rất hợp lý để những người có đặc quyền lấy tiền của dân, tung ra một ít, nhưng bỏ vào tư túi một đống”.
Những hào nhoáng bên ngoài của những ngày lễ Tết không đủ để che lấp những nhếch nhác mỗi ngày. Hiền, một sinh viên tại Hà Nội nhận xét: “Đợt trước Tết thì thành phố cũng trang hoàng đẹp đẽ, sạch sẽ, còn bây giờ thì đâu cũng vào đấy rồi chị. Em nghĩ là đã mất công đổi rồi thì nên giữ từ giờ cho đến mùng 10/10 luôn.
Tết, ở bờ hồ làm hoa rất đẹp, ngay cả khách du lịch cũng rất thích, thấy thành phố sạch sẽ, trang hoàng. Đến hết đợt hoa rồi thôi, bỏ luôn, thấy rất là phí! Mà cái điều nguy hiểm mà em sợ là bây giờ thành phố đang sạch sẽ mà bỏ một đợt nhiều tháng dài như thế, đến lúc nó lại bẩn thỉu thì làm lại sẽ rất mất công”.
Không dưới một lần, các lãnh đạo của thành phố Hà Nội khẳng định “dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội không chỉ là mít tinh, lễ hội mà cùng với đó phải là phát triển kinh tế - xã hội”, “chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.





Một công trình tu sửa chuẩn bị cho Đại lễ Thăng Long. AFP photo

Thế nhưng, trong tổng kết quý đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội đã tăng đến 4,72% so với tháng cuối năm 2009. Số lượng khách quốc tế giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cho dù năm 2010 được chọn là Năm du lịch quốc gia tại Hà Nội.
Là người dân mỗi ngày chứng kiến những hoạt động chuẩn bị cho dịp đại lễ, nhà giáo Phạm Toàn bức xúc: “Tôi mà là Tổng thống thì tôi bắt đem hết tiền đấy ra xây trường học và chữa lại bệnh viện. Bệnh viện bây giờ 1 giường nằm 3 người mà lại đi tiêu hàng nghìn tỉ vào cái phim Lý Công Uẩn để rồi không ai xem cả. Phim chiếu xong thì thấy toàn như là người Trung Quốc.
Thế thì làm gì? Mà tất cả mọi người đều biết cái đó là không nên mà người ta cứ làm, bởi vì sự dối trá đã vào máu thịt rồi. Mà thế này, cái sự dối trá ấy lại cộng thêm với quyền lợi. Quyền lợi là người thì được tiền, người được danh, người được chức, người được tiếng, được nọ được kia. Thế thì cái gì mất? Dân tộc mất, tiền mất, rồi trẻ con, nhà trường vẫn chật. Đáng nhẽ tiền ấy có thể đem làm việc lớn được”.
Giới blogger chuyền tai nhau dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chính là con át chủ bài của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong cuộc chạy đua với các đối thủ khác nhắm đến một chiếc ghế cao hơn.
Blogger DongHuyen hài hước ví von những công trình giống như kiểu đào đường “đào lên, lấp xuống” rằng “các quan ta “hiệp đồng tác chiến” kiểu “xa luân chiến” để “cả làng cùng vui””. Riêng nhà giáo Phạm Toàn, ông chỉ thảng thốt kêu lên: “Đau, đau lắm cơ!”
Nguồn: RFA, 13-5-2010

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn