Hai Bộ trưởng cùng bênh vực đường sắt cao tốc

Lê Nhung
Thừa nhận đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án cực kỳ lớn, chiếm tới một nửa GDP, nhưng cả Bộ trưởng Giao thông - Vận tải lẫn Bộ trưởng Tài chính đều khẳng định có thể hiệu quả kinh tế đơn thuần không cao "nhưng hiệu quả xã hội tốt".

"Cũng như một gia đình xây nhà, nếu không đủ thì phải đi vay, sau đó làm ăn, tiết kiệm trả nợ thì cũng rất bình thường".

Hay thật, Ông Vũ Văn Nình tư duy giống hệt ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - người từng ví von một cách "rất đáng yêu": “Một gia đình có con gái lấy chồng cần quét vôi nhà cửa, Hà Nội dịp kỷ niệm 1000 năm cũng cần có sự thay đổi cho đẹp, sáng sủa hơn. Lãng phí về kinh tế song được về đối ngoại”!?. Điệp khúc đi vay kiểu “con bạc khát nước của kẻ nghèo mạt mà cũng muốn đua đòi mấy anh giàu nứt đố đổ vách xài đồ sang.

Nhưng không đâu. Chính cái khoản “tính bề lót đó luồn đây” để vay cho được nguồn vốn ban đầu này mới là trọng điểm. Các ngài sẽ “cải thiện” ở chỗ đó. Với tài sản của dân (cái tài sản đi vay mà dân sẽ è cổ ra trả đến đời con đời cháu) thì làm công tử Bạc Liêu, nhưng mà với túi của mình thì... sẽ là phú ông đấy.

Đặng Thị

Bên lề hội trường chiều nay (20/5), Bộ trưởng Giao thông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã trả lời báo chí về dự án đường sắt cao tốc và chuyện vay nợ cho các "siêu dự án".
Cùng với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng được báo chí "săn" nhiều nhất trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Lê Nhung
Việt Nam đã hội đủ điều kiện để xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam thời điểm này chưa, thưa ông?

- Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Hệ thống đường sắt hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu, làm mất cân đối nghiêm trọng, tăng áp lực lên hệ thống đường bộ, tạo điều kiện phát triển giao thông cá nhân, gây tác hại nghiêm trọng, ùn tắc và tai nạn giao thông.

Nhiệm vụ đặt ra là đầu tư hệ thống đường sắt để vận chuyển được khối lượng lớn, vận tải đường dài, đảm bảo chia bớt áp lực lên các phương thức khác.

Chính phủ đề xuất phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đảm bảo tốc độ chạy tàu là 80km/h vận tải hàng hóa và 120km/h vận tải hành khách, đồng thời xây mới tuyến đường sắt cao tốc với tốc độ 350km/h.

Ta sẽ dùng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất thế giới hiện nay, áp dụng thành công ở nhiều nước.

Đây là dịp phân bố lại cơ cấu vận tải trên cả nước, đồng thời kết nối nhanh nhất hai trung tâm kinh tế lớn, qua đó sẽ góp phần hình thành trục đô thị dọc tuyến Bắc - Nam.

Với công nghệ hiện đại này, dân tiết kiệm được thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, giảm áp lực vận tải cá nhân trên đường bộ, giải quyết ùn tắc giao thông, kết nối với giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy.

Chắc chắn sẽ giảm được tỷ lệ tai nạn chết người, góp phần phát triển giao lưu kinh tế các vùng miền cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Phùng Quốc Hiển (phải): "Đây là dự án đón đầu". Ảnh: Lê Anh Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Đây là dự án đón đầu, có tầm nhìn xa. Năm 2030, khi dự án đi vào hoạt động, thu nhập người dân sẽ khác, có thể là 3.000 USD/người chứ không phải 1.000 USD như bây giờ. Vì thế, nếu tính giá vé đường sắt cao tốc, phải tính bằng thu nhập lúc đó. Tính thế nào cũng vẫn rẻ hơn vé máy bay.

Nhưng một số nước mở rộng khổ đường để tăng lượng vận tải. Tại sao không chọn phương án này?

- Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Trong 4 phương án đưa ra, có phương án mở rộng đường.

Nhưng hãy hình dung với khổ đường sắt 1m hiện nay, nếu mở ra 1m435 nghĩa là phải dừng hết hoạt động tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại. Việc giải phóng mặt bằng cũng rất tốn kém.

Chủ đầu tư mới tính toán ở dạng báo cáo đầu tư, nhưng theo ông tính khả thi của dự án này đến đâu?

- Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Báo cáo đã phân tích hiệu quả kinh tế xã hội và kinh tế tài chính. Có thể nói, hiệu quả kinh tế đơn thuần không cao, nhưng xét hiệu quả kinh tế xã hội và kinh tế tài chính thì có thể lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn. Yếu tố hiệu quả được xét trên tổng thể xã hội.

Trong bối cảnh nợ Chính phủ đang tăng nhanh, chúng ta có nên tiếp tục vay để làm dự án này ngay năm 2012?

- Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Đây mới là báo cáo đầu tư, nên mới đạt được yêu cầu là đưa ra QH để QH quyết định xem có được làm hay không.

Nếu QH quyết định chủ trương đầu tư thì sắp tới phải bàn cụ thể với đối tác, khả năng vay vốn, thời gian vay, điều kiện vay.

Đối tác cũng đang chờ xem QH có thông qua không và hiệu quả sơ bộ của báo cáo đầu tư thế nào, khi đó họ mới bàn cụ thể phương án hợp tác.

Tất nhiên đây là một dự án cực kỳ lớn, chiếm tới 50% GDP của đất nước, trải dài cho đến năm 2025, mỗi năm huy động hơn 4 tỷ USD. 10 năm đầu khoảng hơn 2 tỷ USD/năm.

Nhưng đầu tư cho GTVT hiện mới chiếm 7% tổng đầu tư của toàn xã hội. Theo kinh nghiệm quốc tế, con số này phải là 15%.

Nếu đưa dự án này vào, thì tổng đầu tư cho ngành giao thông mới lên tới 15% và như vậy vẫn nằm trong giới hạn cho phép, không ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Đây là dự án rất lớn, phải tính hết yếu tố rủi ro. Nếu như nó đạt yêu cầu và chúng ta có thể làm được thì phải làm.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: "Hiệu quả xã hội của dự án là tốt". Ảnh: Lê Nhung
- Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Vay nợ là cần thiết bởi hạ tầng của chúng ta hiện rất bất cập, làm cản trở sự phát triển.

Tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn nhỏ mà chúng ta phải đồng thời giải quyết hai nhiệm vụ là đầu tư phát triển và lo an sinh xã hội. Nguồn vốn cho đầu tư không được nhiều nên phải vay thêm.

Đặt lên bàn tính toán thì hiệu quả kinh tế của dự án này không phải là rất cao, nhưng về lâu dài và tính cả hiệu quả xã hội là tốt.

- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Vay nợ thì phải trả. Không chỉ dự án này mà nhiều tuyến đường chúng ta đã đầu tư, không phải lúc nào cũng thu hồi được vốn ngay.

Ban đầu chúng ta phải chấp nhận dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư nhằm tạo hạ tầng. Dĩ nhiên, phải luôn đặt an toàn tài chính quốc gia lên hàng đầu.

Đây là dự án dài hạn. Trong báo cáo của Chính phủ đã nói rõ sẽ huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế. Trong giai đoạn đầu, vốn Nhà nước sẽ được dành ở mức hợp lý để "kích cầu" cho dự án.

Dự án kéo dài 25 năm, xây rất nhiều hầm, cầu cạn, cầu qua sông và qua đường bộ, sẽ phát sinh biến động về tỷ giá, khả năng thu xếp vốn. Cùng với đó là các chi phí về di dân tái định cư, môi trường, có chuyên gia đã tính toán vốn có thể lên tới 100 tỷ USD. Dự án có lường đến tình huống này?

- Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Các tính toán đưa ra như bây giờ tương đối chính xác vì đã dựa vào các thông số kỹ thuật rất cao. Dự phòng có thể đội vốn lên tới khoảng 13% là cao. Còn so với các dự án đầu tư trên thế giới thì dự án này đang ở mức trung bình

Khả năng phát sinh rủi ro không lớn, mà có thể chỉ tăng ở tiền cho di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, ta làm hạ tầng toàn phải đi vay. Dư nợ Chính phủ vì vay cho các dự án lớn đã đến mức đáng lo ngại chưa, khi nào sẽ chạm mức an toàn?

- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Việt Nam không có khoản nợ nào quá hạn cả, đây là sự lành mạnh của nền tài chính.

Cũng như một gia đình xây nhà, nếu không đủ thì phải đi vay, sau đó làm ăn, tiết kiệm trả nợ thì cũng rất bình thường.

Khi nào chạm mức an toàn là do mình lựa chọn thôi. Chính phủ đã lựa chọn giới hạn là 50% GDP, cũng tùy tiềm năng kinh tế mà có nước chọn mức cao hơn. Vấn đề là phải trả được nợ. Vay ít mà không trả được thì vẫn vỡ nợ như thường.

LN ghi
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Hai-Bo-truong-cung-benh-vuc-duong-sat-cao-toc-911315/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn