'TP HCM thành biển nước do sai lầm trong quy hoạch'

Kiên Cường

Biến đổi khí hậu diễn ra không phải một sớm một chiều, nước biển dâng là câu chuyện dự báo cho tương lai. Những yếu tố gây ngập tại TP HCM được nhiều chuyên gia cho rằng đang được tạo ra bởi con người, bởi tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa, quy hoạch thiếu tầm".

Lâu nay các vị lãnh đạo chuyên môn và hành chính luôn lớn tiếng đổ thừa là tình trạng "nóng toàn cầu" (global warming) nên TP HCM (và Hà Nội) mới ngập càng ngày càng nặng như thế. Nhưng thực ra cho đến nay, trong giới khoa học quốc tế còn đang cãi nhau chán chê, và chưa ai hiểu global warming là cái gì đâu. Ấy thế mà, các vị lãnh đạo nhà ta đã nhanh nhẩu chớp lấy, coi như là cái "phao cứu mạng" để đổ vấy, lấp liếm trách nhiệm và sự dốt nát của mình vì nỗi không tìm được "lọ mắm tôm" nào khác!

Hóa ra các nhà quy hoạch vĩ đại của chúng ta đang làm "Yết Kiêu thời nay" và tự đục lấy thuyền của mình!

Nguyên Đình

clip_image001

Sau mỗi năm TP HCM lại ngập nặng hơn. Ảnh: Kiên Cường.

Thay vì phát triển về vùng cao phía Đông - Đông Bắc thì TP HCM lại chọn hướng ngược lại; các khu đô thị phía Nam Nhà Bè mọc lên tại các khu vực vùng trũng trước đây là hồ chứa nước khiến Sài Gòn ngày càng ngập nặng.

Nhận định này của nhiều chuyên gia về quy hoạch tại cuộc họp bàn về các giải pháp chống ngập trên địa bàn thành phố, diễn ra sáng nay, được không ít đại biểu gật gù hưởng ứng.

TP HCM nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn nên được gọi là "đô thị ngập triều", do chịu ảnh hưởng của triều cường. Vùng đất thấp chiếm 61% diện tích với gần 7.900 km hệ thống kênh rạch chằng chịt là hệ thống thoát nước. Hướng thoát lũ chính của thành phố là từ Bắc - Tây Bắc - Đông Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam.

"Càng mở rộng đô thị hiện đại ở vùng Nam Sài Gòn, Bình Chánh, quận 7, Nhà Bè, tức là đang ngăn đường thoát nước của thành phố", Giáo sư Lê Huy Bá nói.

Thực tế cho thấy, hiện nay khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở Nam Sài Gòn tọa lạc ngay trên khu vực vùng trũng - nơi trước đây từng là những hồ tự nhiên chứa nước của thành phố. Thêm nữa, toàn bộ khu Nhà Bè, quận 7 - cửa thoát nước chính của Sài Gòn cũng đang bị đô thị hóa mạnh mẽ, mà hệ quả của nó là tình trạng san lấp kênh rạch vô tội vạ.

Cụ thể, TP HCM có gần 700 tuyến sông, kênh rạch, trong đó nhiều tuyến là đường thoát nước quan trọng. Nhưng trong khoảng 14 năm (từ 1990 đến 2004) đã có chừng 47 kênh rạch lớn nhỏ với tổng diện tích hơn 16 ha đã hoàn toàn bị san lấp. Hai quận 8 và 6 đang trong tình trạng ngập nặng vì quá trình đô thị hóa ở Nam Sài Gòn.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều đại biểu đã chỉ ra sai lầm trong quy hoạch của TP HCM. "Bài học kinh nghiệm ngay từ giai đoạn 1954-1975, các chuyên gia và nhà khoa học đã yêu cầu thành phố nên tập trung hướng phát triển về vùng cao là Đông - Đông Bắc, giới hạn phát triển về phía Nam - Nhà Bè - Cần Giờ vì vùng đất này yếu, trũng", ông Bạch Anh Tuấn thuộc Đại học Tôn Đức Thắng nói.

Tương tự, vì sao thành phố lại phát triển đô thị ở vùng đất thấp hơn, là câu hỏi được nguyên Viện trưởng Khí tượng thủy văn Phan Văn Hoạch đặt ra cho TP HCM.

Biến đổi khí hậu diễn ra không phải một sớm một chiều, nước biển dâng là câu chuyện dự báo cho tương lai. Những yếu tố gây ngập tại TP HCM được nhiều chuyên gia cho rằng đang được tạo ra bởi con người, bởi tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa, quy hoạch thiếu tầm. Hậu quả là mỗi năm ngập lại càng nghiêm trọng. Thống kê cho thấy hiện toàn thành phố có 163 điểm ngập, phân bố đều ở cả 24 quận huyện.

Trước tình trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh những dự án chống ngập đang triển khai, thành phố phải đưa ra các giải pháp cấp bách hơn nữa. "Cấm tuyệt đối việc san lấp kênh rạch. Đối với các vùng trũng nên xây dựng hồ điều hòa dạng chìm chứa lượng nước chưa kịp tiêu thoát", ông Bá góp ý.

Các chuyên gia cũng đề xuất hạn chế tối đa quá trình đô thị hóa nhà cao tầng ở vùng Đông Nam thành phố; đưa ra cốt nền xây dựng phù hợp có tính toán đến tương lai trong 15 năm nữa. Ông Tuấn đề nghị giải pháp đơn giản là nhà, đường, đô thị phải có các mảng xanh hoặc những nơi nước mưa có thể thấm xuống được. Nhờ đó giữ lại được lượng nước đáng kể.

"Nếu không có sự chuyển biến ngay thì nhiều năm, thậm chí vài chục năm nữa chúng ta vẫn cứ ngồi đây để tiếp tục bàn về chống ngập", ông Hoạch nói.

Các dự án chống ngập đang triển khai tại TP HCM:

- Quy hoạch tổng thể về tiêu thoát nước TP HCM đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2001. Dự án nhằm cải tạo, xây dựng hệ thống nước mưa kết hợp cải tạo kênh rạch hồ chứa hiện có, cải tạo, nâng cao khả năng tiêu thoát nước của kênh rạch.

- Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè nạo vét mở rộng kênh kết hợp xây dựng bờ kè, xử lý nước thải trước khi đổ ra kênh. Dự án nâng cấp đô thị thành phố lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm giải quyết ô nhiễm, thoát nước của kênh này.

- Dự án cải thiện môi trường khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, rạch Hàng Bàng nhằm cải thiện điều kiện thoát nước khu vực này. Dự án quy hoạch chống ngập úng cho thành phố được Chính phủ phê duyệt tháng 10/2008, thực hiện các giải pháp cơ bản vấn đề ngập do triều, lũ lớn, mưa to bằng cách xây dựng hệ thống đê bao và cống kiểm soát mực nước.

Nguồn: Vnexpress

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn