Làm đẹp Thủ đô: Hăng hái + Hiểu biết mới được

Khắc Giang

Người dân ai cũng đánh giá cao sự nhiệt tình, hăng hái trang hoàng Thủ đô nhân ngày đại lễ, vì rằng dù sao mục tiêu cuối cùng (hoặc dự kiến là cuối cùng) cũng chỉ là muốn làm đẹp cho Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Thế nhưng, sự nhiệt tình không thôi là chưa đủ...

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, văn hóa sẽ quyết định sự tồn vong và phát triển về lâu về dài của một dân tộc, khi thứ sức mạnh vô hình này ngày càng chứng minh tính hiệu quả của trong việc tạo ảnh hưởng và gây áp lực đồng hóa. Một dân tộc bị mất nước, dù đến 1000 năm, cũng có thể khôi phục lại được; nhưng một dân tộc bị đồng hóa dù chỉ 10 năm, cũng sẽ mãi mãi biến thành lịch sử.
Sự trường tồn của dân tộc Việt đến tận ngày nay, trải qua biết bao sóng gió của thời cuộc, cũng là nhờ cha ông ta biết giữ gìn và phát triển được cái gốc văn hóa của mình, biết học hỏi những điều hay lẽ phải nhưng cũng quyết không để đánh mất bản sắc dân tộc trước các yếu tố ngoại lai. "giữ gìn bản sắc", nghe thật to tát, vĩ đại; nhưng những việc "nhỏ nhặt" như cách ứng xử với các di sản của cha ông, thái độ với các kho tàng văn hóa của dân tộc, chính là "giữ gìn bản sắc". Chúng ta sẽ giữ gìn được cái gì chăng nếu chúng ta không tôn trọng nó?

Khắc Giang

Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục...

Những ngày này, cả Thủ đô Hà Nội đang rậm rịch tu sửa để chuẩn bị chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ những mặt đường, con phố, bờ hồ, tới những công trình văn hóa lịch sử, con cháu của vua Lý Thái Tổ đang cố gắng hết mình để tỏ tấm lòng thành kính với cha ông.
Một ngày đầu hè nắng chói chang, đi ngang qua bốt Hàng Đậu, và đột nhiên bạn thấy cơ man nào là giàn giáo và lưới xây dựng đang bâu kín lấy khối kiến trúc kiểu Pháp cổ kính, là biểu tượng của Thủ đô từ hơn 100 năm nay.

Những mảng tường gồ gề, nặng màu nâu trầm cũ kỹ của thời gian đang bị gỡ ra từng lớp, thay vào đó là những mảng vữa bê tông mới, được nhà thầu đảm bảo là sẽ giữ nguyên vẻ đẹp của tháp nước. Rồi tất nhiên, vết quét xi măng hiện đại sẽ che phủ luôn cả bức tường cũ bằng đá hộc, vốn được dỡ ra từ thành cổ Hà Nội.

Vài tháng nữa, khi công cuộc tu bổ hơn 4 tỉ đồng hoàn thành, bốt Hàng Đậu chắc sẽ lung linh hơn bởi màu sắc mới và hệ thống chiếu sáng hiện đại, nhưng không ai dám chắc bao nhiêu phần hồn Hà Nội được giữ lại trong tòa tháp bê tông mới đó...

Đi sâu thêm vài bước vào khu vực phố cổ, người ta cũng đang nhộn nhịp tân trang, quét vôi ve lại nhà cửa, theo chỉ thị của chính quyền thành phố. Người có trách nhiệm vẫn một mực tuyên bố sẽ dành 17 tỉ đồng tiền vôi ve để chỉnh trang các căn nhà bị hỏng hóc, hư nát, đảm bảo giữ lại màu thời gian cho các con phố cổ, chứ không có chuyện sơn đồng phục hay làm mới di sản như báo chí đưa tin.

Thế nhưng ai mà dám chắc kết quả cuối cùng sẽ như thế nào khi quyết định làm mới 75 khu phố cổ là "ở trên đưa ra", không có nổi một ban chuyên môn cố vấn, và cũng không một chuyên gia Hà Nội học có tiếng nào được mời hỏi ý kiến. Rồi ngay cả người dân, những người sẽ ăn đời ở kiếp với căn nhà con phố của mình, cũng gần như là bị ép phải chấp nhận để cho tổ ấm của mình bị đè ra mà bôi mà quét, dù chưa mấy hài lòng về màu sắc cũng như phương thức thực hiện.


Như một quy luật bất thành văn, chỉ chăm chăm phát triển kinh tế mà không chú ý đến mặt tinh thần thì đó là một sự phát triển dẫn đến tàn lụi. Ảnh ST

Những người yêu Hà Nội sẽ phải chờ đến tháng 6 để biết kết quả của cuộc chỉnh trang đô thị vội vã này, và dẫu nó có thể làm cho Hà Nội xấu đi hay đẹp lên (may chăng?), điều cần phải xem xét lại là cách làm của những người có trách nhiệm. Đành rằng tu sửa, bảo dưỡng những công trình văn hóa là việc làm cần thiết, mang ý nghĩa thiết thực; tuy nhiên, nên chăng nó được chuẩn bị một cách kỹ càng và khoa học trong một thời gian thích hợp, hơn là hành động một cách vội vàng và có phần tùy tiện như trên.

Người dân ai cũng đánh giá cao sự nhiệt tình, hăng hái trang hoàng Thủ đô nhân ngày đại lễ, vì rằng dù sao mục tiêu cuối cùng (hoặc dự kiến là cuối cùng) cũng chỉ là muốn làm đẹp cho Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Thế nhưng, sự nhiệt tình, hăng hái không thôi là chưa đủ...

"Một tòa thành mới mất cung xưa"

Khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn và lập nên triều đại của nhà Nguyễn, vua Gia Long đã ra lệnh phá thành Thăng Long và xây chồng lên đó một tòa thành mới. Nguyễn Du về thăm cố đô, cảm tiếc về tòa thành cũ mà thốt lên:

Cung điện ngàn năm thành đường cái
Một tòa thành mới mất cung xưa

Câu thơ của người xưa như vận vào đúng hoàn cảnh của chính Hà Nội ngày nay. Mặc cho các nhà sử học và người dân lên tiếng phản đối, kế hoạch xây dựng tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây vẫn diễn ra theo kế hoạch. Và đáng buồn thay, như đã dự đoán, những chiếc máy ủi, máy xúc làm đường tân tiến của thế kỉ XXI đã cắt đứt đoạn thành Đại La - Thăng Long xưa, phá vỡ mạch máu tuần hoàn tồn tại hơn một thiên niên kỷ.

Một đoạn thành bị mất đi ai mà chả tiếc ngẩn ngơ, nhất là với thành lũy cổ được đánh giá là đặc biệt nhất nhì Châu Á này. Điều đáng tiếc hơn là có lẽ chúng ta đã giữ được đoạn thành này nếu những người đứng đằng sau dự án xây dựng kia có một chút tâm đối với di sản để lại của cha ông.
Con đường dân gian quen gọi là đường Thành này vốn đã được nhiều nhà nghiên cứu cho là đoạn Đại La thành cổ bao ngoài Hoàng thành Thăng Long, được Cao Biền cho xây vào năm 866.

Thậm chí chỉ cần bằng mắt thường, ai cũng có thể nhận ra địa thế cao hơn hẳn của con đường này so với khu vực xung quanh, và với vị trí nằm giữa một đồng bằng châu thổ như Hà Nội, dễ dàng đoán được đây là một đoạn đê hoặc lũy cổ. Lời cảnh báo về nguy cơ động chạm đến di tích văn hóa khi xây dựng tuyến đường này đã được người dân, các nhà khoa học, và các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra từ lâu.

Thế mà rốt cuộc việc ai người nấy cứ làm, xây cứ xây, phá cứ phá, đào cứ đào; để đến khi sự việc vỡ lở ra và công luận lên tiếng gay gắt quá thì bên xây dựng mới tuyên bố những câu nhẹ như lông hồng "rất lấy làm tiếc", hay đơn giản là "chúng tôi không biết". Thế là xong ư?

Một số người băn khoăn là không biết với tốc độ xây dựng nhanh chóng như hiện nay, liệu tuyến đường mới này có được treo biển chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hay không?
Điều này thì cũng có thể lắm, vì đã có tiền lệ là một số dự án bỗng dưng được gắn cái mác cao quý này để trám chỗ cho những công trình kỷ niệm to tát nhưng không thể hoàn thành đúng hẹn. Nếu điều đó là sự thực, chắc hẳn vua Lý Thái Tổ cũng khó lòng mà nuốt trôi nổi món quà đặc biệt này của con cháu.

Giàu mà không có văn hóa...

Hai câu chuyện, dẫu ở những thái cực khác nhau, đều là một trong số ít những ví dụ cho thái độ ứng xử vô tâm đối với các di sản văn hóa - lịch sử của dân tộc.
Nhưng đau lòng hơn, nó là ví dụ tiêu biểu cho cách ứng xử của những người đáng lẽ phải là tấm gương cho người dân noi theo. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, thế nên đâu quá ngạc nhiên khi đi dọc đất nước trải dài 3000 cây số thân thương này, thử hỏi có mấy di tích nổi tiếng nào mà không bị xâm phạm: nơi thì bị vẽ bậy bạ, nơi thì bị lấn đất, nơi thì khách đến thăm rình rập để chôm chỉa "một phần lịch sử" làm của riêng,...

Đến ngay cả chốn thờ tự tôn nghiêm của vua Minh Mạng nhà Nguyễn cũng bị người ta trưng dụng làm trường quay phim cho phòng ngủ của nhà Lý, hai triều đại cách nhau tới tận hơn 800 năm! Những người làm văn hóa mà lại hành động một cách thiếu văn hóa, ngu dốt và "hỗn xược" với di sản của cha ông như vậy, liệu sau này họ biết lấy tư cách gì mà đi tuyên truyền văn hóa cho người khác?

Vượt ngưỡng thu nhập 1000USD/người/năm, chúng ta đã thoát khỏi danh sách những nước nghèo. Kinh tế tăng trưởng nhanh và liên tục trong nhiều năm, chúng ta trở thành một "ngôi sao đang lên" của Châu Á. Đời sống người dân ngày một cải thiện, dân Việt Nam thời nay đã biết nhiều hơn tới "hưởng thụ" so với các thế hệ gian lao đi trước. Như thế đã đủ đảm bảo cho tương lai vững bền của đất nước?

Như một quy luật bất thành văn, chỉ chăm chăm phát triển kinh tế mà không chú ý đến mặt tinh thần thì đó là một sự phát triển dẫn đến tàn lụi. Điều này còn đúng hơn trong thời điểm hiện tại, khi toàn cầu hóa đã khiến các nền văn hóa giao thoa mạnh mẽ, chứ không còn bế quan biệt lập với nhau như những thế kỷ trước.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, văn hóa sẽ quyết định sự tồn vong và phát triển về lâu về dài của một dân tộc, khi thứ sức mạnh vô hình này ngày càng chứng minh tính hiệu quả của trong việc tạo ảnh hưởng và gây áp lực đồng hóa. Một dân tộc bị mất nước, dù đến 1000 năm, cũng có thể khôi phục lại được; nhưng một dân tộc bị đồng hóa dù chỉ 10 năm, cũng sẽ mãi mãi biến thành lịch sử.
Sự trường tồn của dân tộc Việt đến tận ngày nay, trải qua biết bao sóng gió của thời cuộc, cũng là nhờ cha ông ta biết giữ gìn và phát triển được cái gốc văn hóa của mình, biết học hỏi những điều hay lẽ phải nhưng cũng quyết không để đánh mất bản sắc dân tộc trước các yếu tố ngoại lai. "giữ gìn bản sắc", nghe thật to tát, vĩ đại; nhưng những việc "nhỏ nhặt" như cách ứng xử với các di sản của cha ông, thái độ với các kho tàng văn hóa của dân tộc, chính là "giữ gìn bản sắc". Chúng ta sẽ giữ gìn được cái gì chăng nếu chúng ta không tôn trọng nó?

"Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ sẽ bắn vào anh bằng đại bác", câu nói nổi tiếng của nhà thơ Nga Gamzatov chưa bao giờ hết tính thời sự. Và khi chúng ta cứ liên tục "dội bom" vào các chứng tích lịch sử như hiện tại, tương lai chúng ta sẽ phải nhận lấy cái gì? Hy vọng những ai có thể trả lời được câu hỏi này sẽ không mất nhiều thời gian để đi "xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên".

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-10-nhiet-tinh-ngu-dot-

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn