Mỹ - Trung: Cuộc chiến thế kỷ (I)

Ian Bremmer

Hai cường quốc lớn của thế giới đang ngày càng trở nên thù địch nhau một cách đáng lo ngại. Liệu điều này có tệ hơn cuộc Chiến tranh Lạnh hay không? Tuần Việt Nam xin giới thiệu một cái nhìn của tác giả Ian Bremmer đăng trên tạp chí Prospect của Anh số ra tháng 3/2010.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) tháng Giêng vừa qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có một bài phát biểu không gây ấn tượng. Ông chỉ ca ngợi sự ổn định cũng như các tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc. Nhưng cùng lúc, sự kiện này đã được những người thân cận với ông Lý thể hiện một cách hoành tráng: một nhóm khoảng 75 quan chức cấp dưới của ông đã chúc tụng, hoan hô một cách thực sự thích thú. Cảnh này khiến tôi nghĩ tới câu châm ngôn nổi tiếng của ông Đặng Tiểu Bình rằng nước ông "phải luôn tỏ ra nhún nhường và không bao giờ nên huênh hoang". Tôi tự hỏi, liệu có cần kín đáo thế không? Phải chăng Trung Quốc tin là đã đến thời của họ?

Đó cũng là thông điệp mà nhiều người rút ra sau các màn ph

ô trương hào nhoáng của Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng trò chơi thay đổi thực sự là kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái toàn cầu, và khả năng vực dậy ngoạn mục của Trung Quốc đã tạo ra một thay đổi lớn trong quan hệ giữa hai nước có tầm quan trọng nhất thế giới này. Các quan chức Trung Quốc cho rằng khả năng phục hồi của nước họ trước sự suy thoái của Mỹ đã xác nhận một mô hình phát triển của Trung Quốc - mô hình bác bỏ các thị trường tự do kiểu Mỹ và ủng hộ một hệ thống "tư bản nhà nước". Một mối quan hệ mới đây thôi còn chủ yếu dựa trên lợi ích giờ đã phải thích nghi với các quan điểm ngày càng khác nhau của hai bên về chủ nghĩa tư bản và một sự thay đổi lớn trong cán cân lòng tin.

Danh sách những người nổi cáu trong quan hệ Mỹ - Trung đang ngày càng dài. Google dọa sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc vì bị kiểm duyệt và các vụ tấn công trên mạng. Washington và Bắc Kinh đang hục hặc về chương trình hạt nhân của Iran. Các nghị sĩ Mỹ lại một lần nữa lên án việc Trung Quốc không muốn định giá đồng nhân dân tệ cao hơn và không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty nước ngoài. Đó là chưa nói tới các cuộc tranh cãi thương mại liên quan đến lốp xe và ống thép. Nhưng các vấn đề này chỉ là những triệu chứng của một căn bệnh đang tiến triển nhanh hơn các nhà quan sát nhận thấy.

clip_image001

Tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc vào thói quen tiêu dùng của người Mỹ?

Một cách công khai, giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng cường quốc Mỹ là không thể thiếu đối với cả sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng như sự sống còn về chính trị của đảng. Nhưng không ai công nhận rằng tiếp cận với nguồn vốn hay bí quyết thương mại của Mỹ cũng rất quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của quá trình phát triển của Trung Quốc, hay thừa nhận rằng tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc vào thói quen tiêu dùng của người Mỹ.

Trung Quốc đang thực hiện một quá trình kinh tế kiểu "cắt đứt". Sự sụp đổ tài chính của phương Tây đã đẩy hàng triệu công nhân Trung Quốc ra đường hồi đầu năm 2009, vì các nhà máy, phân xưởng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu của họ phải đóng cửa. Trong hơn 18 tháng qua, Bắc Kinh đã chứng kiến việc phụ thuộc vào các thị trường phương Tây có thể gây nguy cơ cao đến mức nào cho người dân trong nước. Giải pháp là chuyển đổi mô hình kinh tế sang hướng dựa hơn vào nền tảng tiêu dùng đang lớn mạnh trong nước. Tuy nhiên, kế hoạch này phải được thực hiện một cách cẩn trọng nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ của ngành công nghiệp.

Trong khi đó, chính sách tách khỏi phương Tây về mặt chính trị của Trung Quốc cũng đang "nở rộ". Chúng ta thấy rõ điều này tại Hội nghị về biến đổi khí hậu hồi tháng 12/2009 ở Copenhagen (Đan Mạch), khi Trung Quốc phản đối các mục tiêu giảm khí thải mà phương Tây đề nghị. Chúng ta càng thấy rõ điều này trong phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc trước tuyên bố của Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hồi tháng Hai vừa qua và cuộc tiếp Đạt lai Lạt ma của Tổng thống Barack Obama vài ngày sau đó. Chúng ta sẽ còn thấy sự phản đối công khai hơn của Trung Quốc chống lại cái mà Bắc Kinh gọi là "sự can thiệp vào công việc nội bộ" đối với Washington trong nhiều tháng tới.

Đúng là vẫn có sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, chủ yếu trong các quan hệ thương mại. Nhưng cuộc xung đột đang nảy mầm này dù theo cách nào cũng nguy hiểm hơn một cuộc Chiến tranh Lạnh. Giới hoạch định chính sách kinh tế ở Moscow ít tác động tới sức mạnh và mức sống của phương Tây. Nhưng toàn cầu hóa có nghĩa là không giống như chuyện bức tường Berlin, chẳng có gì cách ly Trung Quốc hay Mỹ khỏi những rối loạn ở bên trong của nước kia.

Sự kình địch có thể tác động tới cuộc sống của chính nước mình, vượt ra ngoài khả năng giải quyết của chính phủ. Các nghị sĩ Mỹ nên đảm bảo rằng cường quốc Mỹ vẫn là không thể thiếu đối với sự nổi lên của Trung Quốc. Đối diện với cử tri vào tháng 12 tới, các chính trị gia Mỹ sẽ muốn đổ lỗi những nỗi khổ của nước họ cho một ai khác. Sự bảo thủ về văn hóa của cánh hữu và các nhà bảo vệ người lao động của cánh tả sẽ nói với cử tri rằng vấn đề của họ xuất phát từ Trung Quốc. Thậm chí các số liệu thực sự đang bắt đầu làm dấy lên lo ngại, khi nhà kinh tế học Paul Krugman cảnh báo hồi tháng 3/2010 rằng chính sách kinh tế của Trung Quốc "đang làm tổn hại nghiêm trọng tới phần còn lại của thế giới".

Chẳng bao lâu nữa, nhiều người Mỹ sẽ được hỏi làm thế nào một đất nước với tỷ lệ thất nghiệp 10% có thể thuyết phục được một đất nước có mức tăng trưởng 10% rằng họ phải tôn trọng các quy định thương mại và đóng một vai trò có trách nhiệm trên quy mô toàn cầu. Và sự quyết đoán mới đây của Bắc Kinh đã càng làm tăng thêm sự bất an ở Mỹ. Trong một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện năm 2009, 44% người Mỹ gọi Trung Quốc là "cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới". Chỉ 27% chọn Mỹ. Dù có lý hay không, đây cũng là một sự thay đổi lớn trong thái độ của người Mỹ nếu so sánh với năm 2008, năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất ở Mỹ, khi đa số cử tri không biết hoặc không quan tâm tới việc ứng cử viên nào ủng hộ Trung Quốc.

***

Mọi chuyện đã xảy ra thế nào? Trong 30 năm qua, sự nổi lên của Trung Quốc và sức mạnh của Mỹ mang tính bổ sung cho nhau. Cuối những năm 1970, giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu gắn bó hơn với chủ nghĩa tư bản và thận trọng mở cửa cho thương mại và đầu tư từ nước ngoài. Những quan chức ít cứng rắn hơn ở Washington và Bắc Kinh đã hy vọng rằng một mối quan hệ sẽ được xây dựng, nhưng tranh cãi về vụ Thiên An Môn năm 1989 đã khiến các kế hoạch của họ bị hoãn lại.

Sau khi các chính phủ tham gia Hiệp ước Vácsava sụp đổ cuối năm đó và Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, phe cứng rắn ở Trung Quốc đã quyết định ngừng thử nghiệm tư bản. Nhưng vào năm 1992, Đặng Tiểu Bình, khi đó 88 tuổi, đã thổi một sức sống mới vào cải cách thị trường. Người kế nhiệm ông là Giang Trạch Dân đã gạt bỏ mọi cảnh giác trước tự do hóa, hợp pháp hóa hoàn toàn cho chủ nghĩa tư bản và thúc đẩy các cuộc cải cách đầu những năm 1990.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu đã dạy cho giới lãnh đạo Trung Quốc rằng để duy trì quyền lực, họ phải đạt được thành công ở chính chỗ mà các nước xã hội chủ nghĩa khác đã thất bại, bằng cách giúp nâng cao mức sống của người dân. Xây dựng nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc biến đất nước thành một nhà xuất khẩu hàng đầu - kế hoạch đòi hỏi phải tiếp cận với người tiêu dùng ở Mỹ, EU và Nhật Bản - vốn là ba đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là mở cửa nền kinh tế ở mức cao hơn cho thương mại và đầu tư từ bên ngoài - việc này trên thực tế đã "gắn kết" tăng trưởng của Trung Quốc với tăng trưởng của phương Tây.

Các công ty của Mỹ đã vui vẻ giúp đỡ. Wal-Mart đã trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới bởi nhà sáng lập Công ty này, Sam Walton, nhận ra các tiềm năng trong lực lượng lao động giá rẻ ở Trung Quốc. Trong nhiều năm sau đó, một lượng lớn công ty Mỹ đã bắt đầu dồn vốn sinh lời lớn vào việc buôn bán với giới trung lưu có tiềm năng khổng lồ ở Trung Quốc. Ngược lại, các công ty của Trung Quốc đang tìm cách gia tăng chuỗi giá trị đã tận dụng cách quảng cáo, quản lý cũng như các công nghệ tân tiến và kỹ thuật marketing của các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Quan hệ Bắc Kinh với Mỹ đã bước đến một thời khắc quan trọng vào tháng 1/1993, khi Bill Clinton vào Nhà Trắng. Là một ứng cử viên, ông Clinton đã tố cáo giới lãnh đạo Trung Quốc là "những tên đồ tể" và hứa chấm dứt "quốc gia được lợi nhiều nhất" từ quy chế thương mại mà Trung Quốc được hưởng từ năm 1980.

Trở thành Tổng thống, ông Clinton đã tỏ ra thận trọng hơn và theo đuổi một chính sách "cam kết mang tính xây dựng". Người tiêu dùng Mỹ được lợi từ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, giúp kiềm chế lạm phát trong những năm 1990. Trước khi rời nhiệm sở, ông Clinton đã ký ban hành đạo luật "bình thường hóa vĩnh viễn quan hệ thương mại" giữa hai nước. Và từ đó, quan hệ song phương Mỹ - Trung trở nên quá lớn đến nỗi không thể sụp đổ.

Khi đó, Bắc Kinh có lý do chính đáng để quý trọng sức mạnh Mỹ và sự sẵn lòng của Washington trong việc sử dụng sức mạnh này. Quan hệ thương mại và đầu tư đang phát triển với những quốc gia mới nổi còn bấp bênh nhưng nhiều tiềm năng tại châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á và Mỹ Latinh đã đặt Trung Quốc trước những nguy cơ mà họ có ít kinh nghiệm xử trí. Sự sẵn lòng của Mỹ đóng vai trò sen đầm quốc tế đã giúp mở và duy trì các tuyến đường thương mại chính trên bộ cũng như trên biển cho các công ty của Trung Quốc. Khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng ở Mỹ đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tạo thêm hàng triệu công ăn việc làm. Washington đã tỏ rõ quan điểm tôn trọng các khu vực nhạy cảm của Trung Quốc như Đài Loan, Tây Tạng và Quảng trường Thiên An Môn.

Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong nhiều năm sau đó, sự phá hủy sáng tạo (cái mới giết cái cũ) diễn ra cùng với nhiều thập kỷ tăng trưởng hai con số đã tạo ra nhiều vấn đề lớn bên trong Trung Quốc: sự phân bố không đồng đều tài sản xã hội giữa các thành phố duyên hải và phần còn lại của đất nước, sự hủy hoại môi trường nghiêm trọng và rối loạn xã hội.

Để đảm bảo đà đi lên "hài hòa" hơn, một thế hệ lãnh đạo mới do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo dẫn đầu đã trực tiếp ra tay quản lý tăng trưởng. Chính phủ vốn dựa vào trụ cột là các công ty nhà nước để đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên, giờ đã bắt đầu sử dụng các công ty tư nhân để làm chủ một số lĩnh vực: Yingli và Suntech đã chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp thiên năng; BYD chế ngự lĩnh vực sản xuất xe hơi và pin. Bắc Kinh dựa cả vào các công ty nhà nước và tư nhân để quản lý tăng trưởng và phân phối lợi nhuận của đất nước. Và các quỹ đầu tư quốc gia, thành lập từ nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của nước này - Ngân hàng Nhân dân trung ương Trung Quốc nắm giữ lượng ngoại tệ trị giá 2.399 nghìn tỷ USD tính đến tháng 12/2009 - đã được sử dụng cho các dòng đầu tư trực tiếp khổng lồ.

Quốc Thái dịch

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-05-08-my-trung-cuoc-chien-the-ky-i-

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn