Nghĩ thêm về lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do”

Bùi Minh Quốc

Lời kêu gọi lịch sử ấy của chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên lần đầu tiên vào buổi sáng ngày 17.7.1966 tại thủ đô Hà Nội, làm rung động mãnh liệt mọi trái tim Việt Nam yêu nước, yêu dân chủ tự do.Vì độc lập, vì tự do, biết bao người con của Tổ quốc Việt Nam đã không chút đắn do hiến dâng cả tính mạng suốt mấy cuộc chiến đấu trường kỳ.

Thực ra, ngay từ năm 1942, tư tưởng KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO của Hồ Chí Minh – cũng là lẽ sống của bất cứ con người bình thường nào – đã ghi rõ ràng trong bốn câu thơ này :

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng

Cay đắng chi bằng mất tự do

Mỗi việc mỗi lời không tự chủ

Để cho người dắt tựa trâu bò

(Hồ Chí Minh - Nhật ký trong tù)

Như thế, độc lập, trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ hạn hẹp ở độc lập dân tộc, dầu rằng độc lập luôn luôn là nỗi ám ảnh nghìn đời của dân tộc ta, và vào thời điểm ra đời những câu thơ trên đang là nhiệm vụ bức thiết hàng đầu. Độc lập, ở Hồ Chí Minh còn một tầng nghĩa nữa sâu hơn, đó là vị thế độc lập của mỗi con người, trước hết là cái quyền suy nghĩ độc lập và công khai nói lên tiếng nói độc lập, để không rơi vào cảnh “mỗi việc mỗi lời không tự chủ để cho người dắt tựa trâu bò”.

Tự do cũng vậy. Tự do không chỉ là quyền của mỗi dân tộc trong mối quan hệ với dân tộc khác (lâu nay không ít bài trên báo đài thường có kiểu nói lướt nói tắt “Độc lập Tự do của Tổ quốc” làm cạn nghĩa một lẽ sống phổ quát); tự do trước hết và căn bản là quyền của mỗi con người. Cho nên, ngay sau khi lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chủ tịch liền phải lập tức nhấn mạnh rạch ròi: “Nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”(1). Chắc rằng Hồ Chủ tịch đã thấy trước, nếu không nói rạch ròi như vậy, ắt sẽ khó tránh khỏi tình trạng áp đặt cách hiểu cạn cợt về độc lập để lấn át các quyền tự do căn bản của người dân, trước hết là quyền suy nghĩ độc lập và tự do nói lên tiếng nói độc lập.

Nhưng suy nghĩ độc lập để tìm ra lẽ phải, nói và làm theo lẽ phải là việc tưởng như đương nhiên bình thường bình dị mà thực ra lại hoàn toàn không đơn giản giữa cái thế thái nhân tình vô cùng rắc rối này. Ngay từ 1942  Cụ Hồ đã ghi lại thành thơ sự trải nghiệm ấy: “Vốn biết việc đời không phải dễ/Mà nay càng thấy khó khăn hơn” (Nhật ký trong tù).

Cũng trong năm 1966, có một người cộng sản thấm nhuần tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã dũng cảm làm theo sự suy nghĩ độc lập xuất phát từ thực tiễn của mình: thực hiện khoán trong hợp tác xã nông nghiệp - một việc động trời đụng chạm gay gắt vào các giáo điều phản động phản lại lợi ích của nhân dân đang ngự trị trói buộc nền sản xuất. Người đó là ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Bí thư Kim Ngọc phải trả giá nặng nề cho tư tưởng  “Không có gì quý hơn độc lập tự do” như thế nào mọi người nay đã rõ, nhưng sự hy sinh cao cả của ông đã được đền bù xứng đáng (tuy muộn mằn, phải đợi đến 22 năm) khi “khoán Kim Ngọc” được  những cán bộ chủ chốt kiên trung của đảng bộ Hải Phòng dũng cảm tiếp tục thực hiện tạo cơ sở thực tiễn cho “khoán 100” rồi “khoán 10”, đưa Việt Nam từ chỗ năm nào cũng phải cử người xách túi đi xin viện trợ lương thực chỉ trong một thời gian ngắn đã có thóc gạo dồi dào và tiến lên thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới.

Quyền suy nghĩ độc lập và tự do nói lên suy nghĩ độc lập cùng các quyền căn bản khác của người dân chỉ có thể trở thành hiện thực bình thường bằng một chế độ dân chủ. Cho nên Hồ chủ tịch khẳng định rõ :

Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào ? Đối với MỌI VẤN ĐỀ, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”(2).

Tôi xin nhấn mạnh mấy chữ MỌI VẤN ĐỀ trong câu vừa dẫn trên, nghĩa là dứt khoát không được phép đặt ra các vùng cấm cho việc tự do bày tỏ ý kiến. Hơn nữa, thật đặc biệt sâu sắc và triệt để, Hồ Chủ tịch coi việc tự do bày tỏ ý kiến không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của mọi người. Đã là nghĩa vụ thì những ai không dám tự do bày tỏ ý kiến để góp phần tìm ra chân lý là người đó chưa làm tròn trách nhiệm đối với xã hội và với chính bản thân mình. Và do đó, lẽ tất nhiên, những ai cậy quyền cậy thế mà hạn chế, áp chế việc tự do bày tỏ ý kiến của mọi người là có tội lớn với xã hội, là phản bội tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hồ Chủ tịch còn luôn khẳng định :

“Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân” (3)

“Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng nhân dân đưa cách mạng tiến lên”(4)

(Xin nhấn mạnh mấy chữ “phát huy dân chủ đến cao độ” trong câu vừa dẫn trên để càng thấy tính triệt để trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của người dân: yêu cầu đặt ra không phải chỉ là phát huy dân chủ ở mức bình thường, thậm chí tệ hơn nữa chỉ đối phó bằng kiểu thực hiện dân chủ một cách làng nhàng, hời hợt, hình thức – căn bệnh kinh niên rất phổ biến bấy lâu nay – mà phải là “phát huy dân chủ đến cao độ”).

“Thực hành dân chủ là cái CHÌA KHÓA VẠN NĂNG có thể giải quyết mọi khó khăn”(5).

Và trong di chúc của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh lại hai lần nhấn mạnh DÂN CHỦ:

“Trong Đảng phải thực hành DÂN CHỦ”

“Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập DÂN CHỦ và giầu mạnh”

Đại hội Đảng lần thứ 9 đã đưa DÂN CHỦ thành mục tiêu xây dựng xã hội, coi dân chủ là tiền đề để có công bằng và văn minh, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực – là CHÌA KHÓA VẠN NĂNG, mở ra một nguồn sức mạnh vô cùng lớn để giải quyết mọi khó khăn đưa đất nước phát triển lành mạnh và bền vững, đảm bảo tự do hạnh phúc cho mỗi con người.

Khi mục tiêu dân chủ đã được ghi trong cương lĩnh thì toàn Đảng, từ Tổng bí thư đến đảng viên thường phải coi đó là mệnh lệnh – mệnh lệnh thiêng liêng của Cách mạng, của non sông đất nước – phải chấp hành cho bằng được. Đối với cơ quan lãnh đạo, phải biến mục tiêu đó thành những chính sách cụ thể, những quy định pháp luật đảm bảo cho người dân được hưởng các quyền tự do cơ bản mà dân đã giành được khi vùng lên làm Cách mạng Tháng Tám 1945.

Nhưng, đã 9 năm kể từ đại hội 9, tình trạng mất dân chủ trong Đảng và trên toàn xã hội ngày càng trầm trọng, mà chưa hề có một cuộc kiểm điểm nghiêm túc nào của cơ quan lãnh đạo về việc thực hiện mục tiêu dân chủ đã ghi trong cương lĩnh.

Hồ Chủ tịch từng nói rất cụ thể, rạch ròi dứt khoát: “Dân chủ trước hết là để cho dân được mở miệng”. Vậy mà ngay đến các bức thư của Đại tướng đại công thần Võ Nguyên Giáp bày tỏ ý kiến về các việc quốc gia đại sự cũng không được đăng, mà không một cán bộ lãnh đạo nào dám nhận trách nhiệm về việc này. Nếu nghiêm túc thực hiện lời Hồ Chủ tịch, thì ngay ngày mai tất cả các báo phải đăng các bức thư đó của Võ Đại tướng.

Hồ Chủ tịch đã viết rất rõ từ năm 1948 về nguyên tắc “dân chủ tập trung”, đặt dân chủ lên trước, chỉ có lấy dân chủ làm nền móng thì sự tập trung mới có giá trị, nếu không thì sẽ chỉ là sự tập trung quyền lực vào tay một thiểu số bè phái, cá nhân chủ nghĩa. Đã nhiều năm, trong các văn kiện chỉ thấy ghi ngược nguyên tắc nêu trên thành “tập trung dân chủ”. Phải chăng đây là một dụng ý ngấm ngầm phản bội tư tưởng Hồ Chí Minh cài đặt ngay vào văn kiện của Đảng? Tình hình thực tế đã diễn ra đúng như thế.

Chung quy lại, đã đến lúc sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh phải được thể hiện bằng hành động dứt khoát: chuyển ngay việc NÓI DÂN CHỦ thành việc LÀM DÂN CHỦ.

Dân chủ trong Đảng và dân chủ trên toàn xã hội.

Muốn thế, đảng viên phải làm chủ Đảng và công dân phải làm chủ các hội đoàn mà mình tham gia.

Từng đảng viên, từng công dân phải chủ động nắm lấy và thực hành quyền làm chủ của mình một cách kiên quyết và kiên trì, từng ngày một, từng việc một, từ việc dễ đến việc khó, tiến tới làm chủ thường xuyên, trong mọi việc, từ việc nơi tổ đảng, tổ nông hội, tổ công đoàn dến những việc ở tầm chiến lược quốc gia.

Làm chủ phải là lẽ sống, là nếp sống, là niềm vui sống hàng ngày của mỗi con người, của mọi người.                                         

BMQ

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Chú thích:

(1), (2), (4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H, t4, tr 56, t8, tr216, t9, tr 582, t12, tr 249.

(3) Bài nói với trí trức ở lớp nghiên cứu chính tri, ngày 8.12.1956

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn