Người nghệ sĩ với biểu tượng Việt Nam

Vũ Quang Việt

Đã đến lúc ta cần kêu gọi sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ như nhà tạo dáng Cát Tường trong thời hiện đại, làm sao lấy lại được cái vẻ đẹp đơn sơ, thanh thoát, duyên dáng của ngày xưa, không chỉ phản ánh ở cái thích của cá nhân người nghệ sĩ, mà cần tạo sự yêu thích giữa đông đảo quần chúng, đóng góp vào việc nâng tầm thẩm mỹ của người Việt nói chung.

Những gì gọi là dân tộc đang chết dần, chết mòn?

Rất nhiều người trong chúng ta nói đến bản tính, bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Với những khẩu hiệu "bảo vệ văn hóa dân tộc" từ thời chống Pháp, chống Mỹ, thời mà nhiều người còn chịu ảnh hưởng của văn hóa vùng quê, văn hóa miệt vườn, nên cái gọi là văn hóa dân tộc dễ được liên tưởng với điệu hò, bài hát dân ca, tiếng ca vọng cổ, hát bội, hát cải lương.

Và tất nhiên nhiều người lúc đó cũng dễ dị ứng với những điệu hát tây, có thể kể cả điệu hát tây xây dựng trên ngũ cung Việt. Phạm Quỳnh, một trí thức hàng đầu Việt Nam, vẫn nhớ về cái đẹp trong nụ cười phụ nữ răng đen hạt na hơn là răng trắng trong hồi ký về những ngày ở Pháp của ông.

Thế rồi không ít người Việt lại dần quen thuộc với những cái mới, điệu ca của Văn Cao, Trịnh Công Sơn v.v. không còn thấy chúng là nhạc tây lời ta, và rồi coi chúng một cách tự nhiên là nhạc Việt Nam, thậm chí nhạc dân tộc mà không thấy ai lên tiếng phản đối. Bây giờ thì dường như những điệu ca ấy cũng có vẻ lỗi thời, dần nhường chỗ cho những cái khác. Như vậy thời nào cũng vậy, những cái gì đã được gọi là dân tộc thì dường như chết dần, chết mòn.

Có bao nhiêu người còn hát và nghe hát ả đào, kể cả làn điệu quan họ, trừ những nơi và vào dịp đặc biệt nào đó? Tuồng, cải lương cũng chết dần. Và lúc nào đó, những cái gọi là văn hóa dân tộc ấy may ra còn có thể sống trong viện bảo tàng, viện nghiên cứu, làm đồ cổ. Những người say mê chúng có thể chỉ còn là những "nhà khảo cổ". Và đấy là còn may, nếu như có người có ý thức muốn giữ gìn chúng để người đời sau thưởng lãm hoặc tìm hiểu một quá trình phát triển của một dân tộc.

clip_image001

Áo dài của phụ nữ miền Bắc.

Trước tiên, người viết bài này xin nói đến hai chữ dân tộc. Đây là vấn đề cần chú ý vì Việt Nam không chỉ có một dân tộc Kinh, mà còn nhiều dân tộc khác như dân tộc Chàm, Tày, Xêđăng, Mường, Thái,...; họ cũng là dân Việt. Dân tộc tính không chỉ thuộc về dân tộc Kinh; nó phải là cái bản tính và bản sắc mà mọi dân tộc ở Việt Nam chia sẻ.  Để cho dễ thì hãy chỉ nói đến dân tộc tính người Kinh ở đây, dân tộc đa số của  người Việt.

Chữ bản sắc có nguồn gốc Hán tự. Tự điển Thiều Chửu và tự điển tiếng Hán đều giải thích giống nhau. Bản là gốc, là cội rễ. Sắc là bóng, là hình. Như vậy bản sắc là cái hình, bóng, hay hiện tượng phản chiếu cái cội rễ. Tính là cái lẽ chân chính con người được phú cho khi sinh ra. Tính như vậy gần với nghĩa của bản. Con người có tính, có bản, có bản tính hay không là câu hỏi mà mỗi tôn giáo có một câu trả lời khác nhau. Còn đối với triết gia và nhà khoa học câu hỏi đó luôn nằm trong dạng tìm hiểu.

Nếu chỉ hiểu theo nguyên nghĩa, thì cái gì làm nên đặc trưng, mà có người có thể gọi là bản sắc, cũng chỉ là hình và bóng. Dù là bản tính không thay đổi thì bản sắc tức là hình và bóng chúng cũng thay đổi theo không gian và thời gian mà bản tính đó xuất hiện. Nói thế vừa là chấp nhận tạm hoãn việc trả lời câu hỏi chưa thể trả lời đúng mức được về bản tính dân tộc, dù chỉ là dân tộc Kinh, vừa là chấp nhận một sự thật không thể chối cãi là bản sắc không nhất thiết bất biến theo thời gian và không gian, thì điều này không dễ nhận diện, nếu như quả thực chúng hiện hữu.

Bản sắc của một thời chính là cái mà đông đảo dân tộc ấy chấp nhận, thấy quen thuộc như không khí, thậm chí có khả năng tác dụng đến những gì sâu thẳm nhất trong tình cảm của từng con người thuộc dân tộc ấy, và tạo ra sự đồng cảm.

Bản sắc dân tộc- từ nhỏ nhất đến lớn nhất

Đi xa hơn điều lý luận dựa trên sự quan sát ở trên, ta dễ dàng có thể gạt bỏ hẳn cái gọi là bản tính, cái chưa chứng minh được, mà chỉ tập trung vào cái gọi là bản sắc, như nó là nó, chứ không hẳn là hình bóng của cái gì sâu xa hơn ở tầng dưới.  Bản sắc là cái mà chính một dân tộc đã sáng tạo ra, chấp nhận, chia sẻ và từ đó kết nối họ với nhau, đưa đến đồng cảm giữa cộng đồng, cũng như tình cảm sâu sắc của từng cá nhân.

Nói thế thì bản sắc chính là cái mà một dân tộc tự nó sáng tạo ra, có thể là vô thức và có thể tự ý thức. Nhưng chính khi được sáng tạo và phát huy từ tầng ý thức, bản sắc mới có thể đạt được đỉnh cao của nghệ thuật, của cái đẹp, là những điều làm dân tộc đó hãnh diện và những cái đặc trung mà dân tộc khác nhận ra. Những đặc trưng này có thể đi từ những cái nhỏ nhặt nhất cho đến những cái lớn lao hơn.

Chính sự sáng tạo của nhà thiết kế mẫu Cát Tường hay Le Mur vào năm 1930 đã làm thay đổi chiếc áo dài phụ nữ, tạo ra sự duyên dáng, đồng thời phô ra nét cong của cơ thể phụ nữ. Tự Lực Văn Đoàn đã tạo nên phong trào phổ biến chiếc áo dài hiện đại này.

Công của Tự Lực Văn Đoàn tất nhiên không chỉ nhằm vào chiếc áo dài mà là tạo cả một phong trào hiện đại hóa về nhiều mặt, đặc biệt trong lãnh vực văn chương, thoát khỏi lối văn biền ngẫu, lối thơ đỉển cố, giấu đi cái tôi lãng mạn của quá khứ. Tuy nhiên người ta lại quá chú trọng về mặt văn chương của Tự Lực Văn Đoàn mà quên đi công tạo mốt của Cát Tường. Chiếc áo dài ấy cho đến ngày nay không những còn rất hợp thời, tức là được đông đảo người Việt Nam ưa thích, mà nó lại tạo ra cái ấn tượng khó phai mờ về Việt Nam đối với cả người Việt lẫn người nước ngoài.

Chiếc áo dài Cát Tường duyên dáng, gợi ra sức hấp dẫn của thân thể phụ nữ, nhưng với màu sắc êm dịu, tế nhị, nên cũng đem lại sự dịu dàng, thanh thoát. Có thể nói chưa có cái hình tượng nào đẹp hơn và ấn tượng hơn chiếc áo dài hiện đại. Sự hình thành đó chính là từ đầu óc sáng tạo của người nghệ sĩ, tìm cái có sẵn, nhưng nâng nó lên tầng cao hơn, và có thể phải nói chính cái bản sắc ấy, dường như không còn chính là nó trước kia nữa.

clip_image002clip_image002[1]Tính chất của chiếc áo dài Cát Tường chưa mất đi, nhưng có vẻ cũng từ rất lâu rồi nó đang phát triển một cách mất phương hướng, ít nhất bắt đầu từ chị em bà Lệ Xuân - Lệ Chi, chiếc áo dài thay vì được làm sang hóa, nó đang trở thành lòe loẹt, với mầu sắc chói chang, vẽ đủ loại hình, từ chim phượng đến hoa lá cành, và dưới bàn tay thiết kế của một số người nó đang trở thành dị hợm, dễ lầm lẫn với áo dài của người Ấn độ, Pakistan.

clip_image003

Cần nâng tầm thẩm mỹ của người Việt

Nói đến cái hay như của chiếc áo dài thì cũng phải nói đến cái dở đang phô trương khắp nơi, nhất là trong các hội hè và ngày càng trở nên lòe loẹt, kiểu tuồng chèo, mãi võ Sơn Đông của Trung Quốc. Tình trạng mãi võ Sơn Đông, Trung Quốc hóa đang xảy ra với các loại phục chế chùa chiền miếu đình hiện nay.

Ở chỗ nào cũng thấy mầu đỏ, mầu vàng, mầu xanh lòe loẹt, chóe mắt. Có lẽ cần phải nhờ đến các nghệ sĩ tìm về những mầu sắc hài hòa, êm dịu, đơn giản, nhưng lại sâu kín của văn hóa Việt Nam trước khi bị "Hán hóa". Thời nhà Lý, nhà Trần người ta yêu những bình lọ mầu nâu, hoặc vàng mầu đất. Thời Chu Đậu người ta chuộng cái nét thanh tao mầu xanh vẽ trên nền trắng.

clip_image002[2]clip_image002[3]Thời Lý  Trần, thế kỷ thứ 12 -14

clip_image002[4]clip_image002[5]Không chỉ thời Lý  Trần, mà cả gốm Chu Đậu thời nhà Mạc, người giàu bên Nhật cũng yêu chuộng cái đơn đẹp đơn giản, mộc mạc của gốm sứ Việt Nam, ngược lại với gốm sứ Trung Quốc thường chuộng cái cầu kỳ, tỷ mỷ, hoàn hảo.

Chùa chiền, đình làng cũng không sơn vàng, đỏ chói lọi của người Trung Quốc mà là dùng màu chủ đạo như màu gụ, màu đỏ nâu, màu cánh gián. Kiến trúc, khắc vẽ cũng chuộng cái đẹp mộc mạc chứ không chuộng cái đẹp cầu kỳ.

Làm gì để tìm lại những màu đích thực của Việt Nam. Phải chăng đấy là nhu cầu cần đến bàn tay sáng tạo lại, hiện đại hóa của người nghệ sĩ hiện nay?

Quả là đã đến lúc ta cần kêu gọi sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ như nhà tạo dáng Cát Tường trong thời hiện đại, làm sao lấy lại được cái vẻ đẹp đơn sơ, thanh thoát, duyên dáng của ngày xưa, không chỉ phản ánh ở cái thích của cá nhân người nghệ sĩ, mà cần tạo sự yêu thích giữa đông đảo quần chúng, đóng góp vào việc nâng tầm thẩm mỹ của người Việt nói chung.  Và nó phải được thể hiện ở những điều, những việc hết sức thực tế, cụ thể, chứ không phải là khẩu hiệu nói chung.

Cứ hãy lấy một vài thí dụ. Người ta có thể nhận ngay ra một tiệm ăn của người Nhật, với cái đèn lồng, với tấm cheo nhỏ rủ có vài chữ Nhật, với panô gỗ phết giấy bổi, với bàn ghế rất đơn giản, và những bộ bát đĩa cũng rất Nhật. Tiệm Thái Lan cũng thế, ta nhìn thấy ngay ra họ, với mái chùa cong, vũ nữ và cả hình vẽ kiểu Thái. Tất nhiên ta nhìn thấy ngay tiệm ăn Trung Quốc vì mầu đỏ vàng chóe của nó.

Ở đây, tôi không có ý chê bai vì ta cũng có thể tìm thấy những tiệm ăn Trung Quốc sử dụng những mầu nguyên chất này theo cách của họ, và cũng tạo được sự sang trọng đặc biệt Trung Quốc. Nhưng gần như không tìm được cái gì Việt Nam trong tiệm ăn Việt Nam. Nhiều khi lại còn lẫm lẫn với tiệm Trung Quốc vì sự bắt chước ham mê mầu đỏ chóe của người Việt hiện nay.

Những nghệ sĩ Nhật, Thái, Trung Quốc, Pháp, và ngay cả Mỹ đã tìm ra cái "hình tượng" tiệm ăn, và cách trang trí của món ăn họ. Nhưng tại sao từ kiến trúc, trang hoàng nội thất, đến bát đĩa, tiệm ăn người Việt Nam vẫn còn là những  gì hoàn toàn chưa định hình? Ngay cả phở là món ăn rất Việt Nam, phải nói đã định hình về cách nấu nướng, nhưng cái bát đựng phở thì vẫn còn là cái gì thiếu định hình, nếu không nói là thường to đùng và kệch cỡm, thậm chí là bát plastic rẻ tiền do Trung Quốc chế tạo.

Mong sao các nghệ sĩ Việt Nam, từ nhà tạo mẫu, kiến trúc, trang trí nội thất, sản xuất đồ gốm, tìm về quá khứ, không chỉ như những người nghiên cứu đồ cổ mà như nghệ sĩ Cát Tường đã hiện đại hóa được chiếc áo dài Việt Nam, biến nó thành một hình tượng đẹp, đơn giản, thanh nhã và duyên dáng được đa số người Việt Nam chấp nhận.

Và ở đó, phải chăng báo chí cũng là phương tiện cổ động sự phát triển của những nghệ sĩ tài năng như thế. Đã đến lúc chúng ta cần phải vinh danh những người như nhà tạo dáng Cát Tường. Ai đã hiện đại hóa cái bản sắc của Việt Nam hơn ông?

VQV

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-03-nguoi-nghe-si-voi-bieu-tuong-viet-nam-

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn