Những dự án kỳ vĩ: Tầm nhìn quá xa làm ta lóa mắt

Trần Huy Ánh

"Ngân sách hiện nay không còn tích lũy. Những năm trước còn dự trữ một ít nhưng vài ba năm nay phải đi vay cho đầu tư xây dựng cơ bản. Làm điện hạt nhân, xây đường cao tốc đều phải vay, quy hoạch Hà Nội cũng đi vay" - Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn.

Chuyện ở xa

Có một bạn trẻ Việt kiều tại Nauy biết chúng tôi sắp "qua bển" đã ngỏ ý nhờ mua giúp bộ bát đĩa sứ. Chẳng nề hà, trong mỗi va li quần áo thêm chục cái bát đĩa nhỏ to, kể ra thì cũng hơi nặng. Sang tới nơi, mới biết ở đó đồ sứ bán bày la liệt ở các siêu thị. Hóa ra nhận làm cửu vạn hơn vạn cây số là để giúp bạn tiết kiệm vài trăm USD.

Nauy là quốc gia có GDP cao nhất nhì thế giới (gần 50.000 USD/người). Chỉ tính riêng quỹ  Dầu mỏ đã gần 200 tỷ USD (gấp 2 lần tổng GDP của VN) - Cả nước họ trưng cầu dân ý và thống nhất coi đó là tiền để dành cho tương lai, không được đưa vào tiêu dùng trong nước. Cuộc sống cả xã hội  rất đầy đủ nhưng của cải phân phối chi li. Cảnh ông chủ công ty vừa ăn trưa vừa ngồi họp, nhân viên làm việc tất bật, trẻ con nhặt cả bao tải vỏ chai nhựa để đưa vào máy ép nhận lại 1 curon/1 chai là bình thường. Cảm động nhất là có thanh niên mù ngày nào cũng gặp cần mẫn kéo Arcoordeon trên cầu và hôm nào cũng thấy bà cụ già chống nạng khó nhọc leo đến tận nơi tự tay bỏ giỏ vài đồng. Anh bạn Việt kiều lương khá cao, quy ra tiền Việt  gần trăm triệu đồng nhưng nhà cửa, đồ đạc, ô tô mua trả góp. Mới lấy vợ, con nhỏ, các khoản thuế... chi tiêu chặt chẽ từng xu.

Chuyện ở gần

Tháng 4/2008, nghe tin bà con Tây Hà Nội bán đất xây nhà, mua xe ầm ầm cũng thấy lo lo vì  thu nhập bình quân dẫu không nghèo, so với Nauy ta mới chỉ bằng 2%. Tháng 5/2010 lại rộ lên đợt mua bán đất rầm rĩ. Có nơi đền bù dự án đô thị cho 300 hộ nông dân lên tới 800 tỷ VNĐ... Không rõ là con số thống kê giàu nghèo liệu có đáng tin.

clip_image002

Dân giàu nước giàu thì còn gì vui hơn, nhưng nếu chưa giàu thì chuyện lập Quy hoạch giao thông cần cân nhắc nên dùng loại hình giao thông nào cho phù hợp. Ảnh minh họa: buckup

Trong bối cảnh thu Ngân sách TP khoảng 4 tỷ USD (72.000 tỷ VND) Quy hoạch Hà Nội đang được soạn thảo với dự kiến chỉ riêng khung kỹ thuật  hạ tầng trong 20 năm tới cần 30 tỷ USD, nếu đầu tư đô thị còn lớn hơn nhiều lần. Hàng ngày nghe tin lễ hội nơi nơi, xe hơi hàng khủng mới nhập, có người đã tậu máy bay riêng, hoa hậu toàn cầu tụ họp, đô thị hàng triệu mét sàn khởi công với khung cảnh hoa nở cây xanh thảm cỏ. Ở vùng quê người dân có tiền tỷ xây nhà mua một lúc mấy xe máy... Vậy thì dân ta giàu hay nghèo, nước ta đã giàu có chưa?

Dân giàu nước giàu thì còn gì vui hơn, nhưng nếu chưa giàu thì chuyện lập Quy hoạch giao thông cần cân nhắc nên dùng loại hình giao thông nào cho phù hợp và con đường nào nên làm trước để hỗ trợ sản xuất thay vì để trơn bánh ô tô chạy đến các căn hộ chia lô xây trên đất ruộng.

Ví dụ như mạng đường từ trung tâm TP Hà Nội  ra phía Tây để nối các đô thị có 1/5 dân số,  không cần nhiều trục giao thông lớn, chỉ đường Láng Hòa Lạc là đủ: Tổ chức tuyến xe buýt nhanh (RBT) thay vì làm đường sắt trên cao hay metro: vừa tốn tiền đầu tư và giá vé sẽ rất cao - không hợp với đa số người sử dụng giao thông công cộng còn nghèo.

Loại bỏ toàn bộ các trục đường Bắc Nam. Tây Thăng Long hay Đỗ Xá Quan Sơn: các con đường này xuyên qua Hành lang Xanh để nối các đô thị kinh doanh BĐS, tạo nguy cơ phá nát Hành lang Xanh. Chỉ cần nâng cấp đường sẵn có trên mái đê sông Đáy, sông Tích: vừa củng cố thủy lợi vừa an toàn do nền cao tránh được trũng ngập. Các đường vượt qua Hành lang Xanh cần đưa lên cao để đảm bảo thoát nước và triệt thoát đô thị bám đường  tự phát. Tăng cường vận tải thủy và đường sắt thường vận tải hàng hóa, chở khách rẻ tiền sẽ giảm 50-70% chi phí đầu tư giao thông ở phía Tây TP.

Giao thông nội đô với 8 tuyến chỉ cần ưu tiên 2 tuyến chính với đường sắt trên cao hay xe buýt nhanh -RBT,  nối Trung tâm TP với sân bay Nội Bài và đường sắt trên cao  Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến 1). Các tuyến Metro chỉ nên đầu tư sau khi cân đối được nguồn tài chính từ khai thác các trung tâm thương mại ngầm, bãi đỗ xe ngầm với các ga ngầm. Mặt khác cần kết hợp  thoát nước hay các trục đường cáp, tuynel kỹ thuật. Kết hợp đường trên cao với không gian phía dưới làm gara hay các dịch vụ sẽ huy động vốn xã hội. Khả năng giảm 50-70%  chi phí đầu tư giao thông nội đô TP.

Thông một con lộ mở cơ hội cho 6 tỉnh thành:

Các cụ xưa đã nói "lộ thông thì tài thông". Để tăng tính cạnh tranh thì phải hạ giá thành, chi phí vận chuyển phải thấp. Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thấp nhất tất yếu là đường biển. Biểu đồ dưới đây cho thấy 2 cảng biển quan trọng và Cảng Hải Phòng chiếm tỷ trọng vận chuyển không kém cảng Sài Gòn là bao nhiêu. Cảng Hải Phòng ngày càng có vị trí quan trọng khi Thủ tướng cho phép nghiên cứu dự án sân bay quốc tế: tương lai phát triển kinh tế Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng gắn bó chặt chẽ với cảng Hải Phòng.

Thế kỷ XIX , đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng  bằng đường thuỷ đi hết 7-8 ngày , đầu thế kỷ XX đường sắt đi hết 1 ngày sau đó giảm dần còn 4 giờ, đầu thế kỷ XXI đường bộ hết 2-2,5 giờ, đường sắt vẫn vậy và ngày càng tụt hậu. Mỗi ngày có hàng trăm ô tô chở container rầm rập trên đường trong khi lèo tèo vài chuyến tầu hỏa vắng khách. Nhiều diễn đàn tranh luận nên mở rộng đường sắt từ 1m lên 1,45m và tốt nhất là những toa tàu sang trọng lao trên đường cao tốc như những viên đạn với giá hàng tỷ USD.

Vốn ngành đường sắt đã hào phóng chi hàng triệu USD cho mỗi đầu tàu Diesel cực mạnh từ lâu rồi, nay chỉ cần vài trăm triệu USD nâng cấp hơn 100 km đường sắt, làm mới hệ thống tín hiệu, lập hành lang bảo vệ tuyến. Quan trọng nhất là ga chuyển đổi 2 đầu từ đường sắt sang đường bộ để chuyển container đến kho bãi các chủ hàng nhỏ lẻ. Thế là hàng trăm khu công nghiệp, nhà máy, khu đô thị bám đường QL 5,3,18... hạ thấp giá thành vận chuyển hàng hóa, tài lộc sẽ thi nhau tới, ngành đường sắt đường bộ cũng theo đà mà khấm khá theo. Các ông chủ sản xuất cứ bám theo hành lang này đảm bảo hàng trăm năm vượng thế làm ăn. Điều đó góp phần giảm áp lực giao thông trung tâm và Tây Hà Nội khoảng 60-80%.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.570 km, tốc độ 300 km/h. Tổng mức đầu tư 55 tỷ USD, bình quân là 35,6 triệu USD /km.Giai đoạn 2020 đưa vào vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TPHCM. Giai đoạn đến 2030 xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Đây thực sự thể hiện tầm nhìn rất xa của các nhà chiến lược giao thông. Chỉ e là tầm nhìn quá xa nên bỏ quên  những lợi ích vặt vãnh ngay trước mắt, nên nhân đây giới thiệu vài so sánh tham khảo. Nhất là các tổ chức tài chính quốc tế khuyến cáo: tỷ trọng đầu tư an toàn cho hạ tầng GT/GDP vào khoảng 7% là an toàn (Trung Quốc và Thái Lan 7-8%). Việt Nam  năm 2000-2006 đầu tư hạ tầng GT là 8,4-10,7% . Nếu có các dự án lớn, tỷ trọng sẽ tăng vọt.

THA

* Tài liệu tham khảo trên internet do Hanoidata ST&BT

Nguồn:  http://tuanvietnam.net/2010-05-19-nhung-du-an-ky-vi-tam-nhin-qua-xa-lam-ta-loa-mat

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn