Phá Hoàng thành Thăng Long làm đường giao thông (I)

Khánh Linh (thực hiện)

Đường Hoàng Hoa Thám là một con đường giao thông được xây dựng trên một đoạn Hoàng thành Thăng Long xưa... Nguyên nhân căn bản là cho đến nay Thủ đô Hà Nội vẫn chưa xây dựng được một qui hoạch khảo cổ học...

Việc làm đường giao thông ở một đoạn đường Hoàng Hoa Thám đang gây ra những dư luận xã hội khá bức xúc, với nghi vấn đó là di tích Hoàng thành Thăng Long. Để sáng tỏ vấn đề này, mới đây, Tuần Việt Nam đã phỏng vấn GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Tôi khẳng định đây là một đoạn Hoàng thành Thăng Long

Gần đây, một số nhà khoa học đã lên tiếng về đoạn đường Hoàng Hoa Thám khá dài (gần ngã cắt với phố Văn Cao) đang bị đào bới, hình như để làm cầu vượt, và cho rằng đó là di tích Hoàng thành Thăng Long. GS có ý kiến gì về vấn đề này?

GS Phan Huy Lê: Tôi có theo dõi việc này và đã gần đây có nhận được thư của các cụ lão thành cách mạng, cán bộ và nhân dân phường Thụy Khuê (50 người ký tên) gửi cho cá nhân tôi và Hội Khoa học lịch sử VN "báo động" về việc này, khẩn thiết đề nghị cần bảo tồn di tích thành Thăng Long mà nhân dân địa phương quen gọi là "đường thành".

Ngày 29/4/2010, tôi cùng PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo Cổ học, và một số chuyên gia khảo cổ học, sử học, đã đến tận nơi để điều tra, xem xét thực trạng.

clip_image001

Bản đồ thành Đông Kinh thời Lê Sơ, so sánh với bản đồ Hà Nội ngày nay,

đoạn màu tím chấm đã bị phá hủy

Trước hết tôi khẳng định đường Hoàng Hoa Thám là một con đường giao thông được xây dựng trên một đoạn Hoàng thành Thăng Long xưa.

Chỉ cần xem lại bản đồ thành Đông Kinh (tên gọi thành Thăng Long thời Lê sơ) trong tập Bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1490 mà hiện nay còn lưu giữ nhiều bản vẽ lại thời cuối Lê đầu Nguyễn, đem đối chiếu với bản đồ Hà Nội hiện nay thì có thể xác định đoạn đường Hoàng Hoa Thám.

Theo bản đồ Hồng Đức thì đoạn Hoàng thành phía Bắc giáp sông Tô Lịch, có hai lớp thành. Lớp thành ngoài giáp bờ sông Tô là một vấn đề mà các nhà khoa học còn có ý kiến khác nhau. Có người cho đó là thành Đại La, có người cho đó là đoạn Hoàng thành do vua Tương Dực mở rộng năm Bính Tý (1516).

Còn lớp thành phía trong thì rõ ràng là đoạn Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ và có thể xác định chính là đường Hoàng Hoa Thám hiện nay, từ vườn hoa Bách Thảo đến Bưởi (màu tím liền).

Đoạn bị cắt thẳng theo đường Liễu Giai (màu trắng), qua vết cắt và các di vật, cho thấy phía trên là cát, đất bồi, lớp dưới cùng đã xuất hiện một số di vật thời Nguyễn và Lê, đúng như nhận xét của PGS khảo cổ học Trịnh Sinh.

Nếu tiến hành khai quật theo phương pháp khảo cổ học cho đến hết chân thành, đến lớp sinh thổ thì sẽ cung cấp nhiều cứ liệu có giá trị khoa học cao để góp phần nghiên cứu lịch sử bồi trúc của đoạn thành này, mối quan hệ giữa thành thời Lê sơ với thời Lý, Trần trước đó.

Cho đến nay, giới khoa học còn bàn cãi về phạm vi của Hoàng thành thời Lý, Trần có mở rộng về phía tây như Hoàng thành thời Lê sơ không.

Cũng theo bản đồ Hồng Đức, Hoàng thành thời Lê tiếp tục chạy theo bờ phía Đông của sông Tô Lịch cho đến Cầu Giấy rồi chuyển sang hướng Đông theo đường La Thành, rồi lại chuyển hướng Đông Bắc, theo phố Giảng Võ đến khoảng Kim Mã trên phố Nguyễn Thái Học.

Trên bản đồ Hồng Đức, trên đoạn Hoàng thành phía Nam có ghi cửa Bảo Khánh. Địa danh Bảo Khánh còn được lưu giữ qua tên thôn Bảo Khánh, cổng đình Bảo Khánh thuộc trại Giảng Võ, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận thời Nguyễn mà dấu tích vẫn còn ở gần cổng đình Giảng Võ hiện nay.

Khu vực hình gần tam giác giữa phố Kim Mã, đường La Thành và phố Giảng Võ, tức khu Giảng Võ hiện nay, do Lê Thánh Tông mở rộng Hoàng thành năm 1490. Đoạn Hoàng thành từ Bưởi đến Cầu Giấy và từ Cầu Giấy theo đường La Thành đến phố Giảng Võ trùng với La thành và di tích còn khá rõ. Còn đoạn phố Giảng Võ thì di tích vẫn còn, nhất là đoạn đường phố cao cho đến gần phố Cát Linh.

Còn phần Hoàng thành phía Đông, gồm các đoạn Hoàng thành phía Bắc, phía Đông và phía Nam thể hiện bằng đường màu tím chấm chấm thì đã hoàn toàn bị san bằng và các nhà khoa học phải xác định một cách tương đối dựa trên bản đồ cổ kết hợp với nhiều tư liệu khác và một số di tích đền chùa liên quan.

clip_image002

Di tích thời Trần dưới nền Đoan Môn

Phần Hoàng thành phía Đông đã hoàn toàn bị san bằng

Vậy là dù vô tình hay hữu ý, chúng ta cũng đã phá hủy một phần không nhỏ của Hoàng thành Thăng Long xưa. Giờ thì đoạn đường Hoàng Hoa Thám chỗ cắt với phố Văn Cao cũng đang "chịu chung số phận"?

GS Phan Huy Lê: Thành Thăng Long từ thời Lý đã gồm ba vòng thành: vòng ngoài cùng gọi là thành Đại La hay La thành, vòng thành giữa từ thời Lê gọi là Hoàng thành và vòng thành trong cùng thời Lý gọi là Cấm thành hay Cấm trung, thời Lê gọi là Cấm thành hay Cung thành. Cấm thành đã hoàn toàn bị san bằng khi nhà Nguyễn xây dựng tòa thành mới làm trị sở Bắc Thành theo kiểu Vauban mà từ năm 1831 gọi là thành Hà Nội. Qua thời gian, La thành và Hoàng thành Thăng Long chỉ còn lại một số đoạn. Trước hết tôi nói về di tích Hoàng thành Thăng Long.

Nói đến di sản Thăng Long-Hà Nội, chúng ta đã xác định đúng là gồm di sản vật thể và phi vật thể. Về di sản vật thể, những di tích còn lại trên mặt đất không còn bao nhiêu và chúng ta thường quan tâm nặng về các di tích đền, chùa, đình, miếu, quán nghĩa là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng. Những di tích này đều trải qua nhiều lần trùng tu và những yếu tố gốc còn giữ lại được phần lớn là từ thời Lê Trung hưng, hầu hết là thời Nguyễn. Dù niên đại của di tích còn lại không sớm lắm nhưng rất quý và cần được bảo tồn nghiêm ngặt, nhất là khi trùng tu phải đặc biệt coi trọng việc giữ gìn các yếu tố gốc như qui định của Luật di sản văn hóa.

Một số di tích kiến trúc cung đình còn lại trên mặt đất rất ít như nền điện Kính Thiên, Đoan Môn... Di tích cổ xưa nhất của thành Thăng Long được bảo tồn trong lòng đất mà thỉnh thoảng được phát hiện ngẫu nhiên qua việc đào móng xây nhà, đào giếng...và đặc biệt qua các cuộc thám sát và khai quật khảo cổ học. Những hố đào thám sát nền Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc... và tiêu biểu nhất là việc phát lộ khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long ở 18 Hoàng Diệu với diện tích khai quật 19.000 m2, cho thấy trong lòng đất kinh thành Thăng Long, nhất là trong những khu vực quan trọng như Cấm thành, Hoàng thành, còn lưu giữ một kho tàng di tích và di vật phong phú, vô cùng quý giá.

clip_image003

Khu di tích 18 Hoàng Diệu

Coi di tích chỉ là đường giao thông nội đô (!)

Với những đoạn thành đã sử dụng làm đường giao thông, hình như chúng ta chỉ ứng xử như vô vàn những con đường giao thông khác?

GS Phan Huy Lê

Đúng là còn một số đoạn di tích Hoàng thành và La thành Thăng Long thì rất tiếc là gần như bị lãng quên và bị xâm hại.

Trước đây, trong khu Kim Liên, trên giải đất giữa phố Đào Duy Anh và đền Kim Liên có một đoạn La thành của "đường đê La thành" bị cắt ra, còn khá nguyên vẹn. GS Trần Quốc Vương và tôi đã đề nghị bảo tồn, nhưng chẳng được ngành văn hóa quan tâm và nay đã bị san bằng để xây dựng hai tòa nhà cao tầng. Một đoạn đường Hoàng Hoa Thám bị đào gần đây cũng vì người ta coi đây chỉ là đường giao thông nội thành.

Nguyên nhân căn bản là cho đến nay Thủ đô Hà Nội vẫn chưa xây dựng được một qui hoạch khảo cổ học, trên đó chỉ rõ những di tích trên mặt đất cần được bảo tồn, kể cả những di tích đã được xếp hạng và những di tích chưa được nghiên cứu, chưa lập hồ sơ và xếp hạng. Cả những khu vực có khả năng có những di tích trong lòng đất cần quan tâm khi lập qui hoạch xây dựng hay cần thám sát, khai quật khảo cổ học trước khi xây dựng công trình mới.

(Còn nữa)

Nguồn: Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-05-pha-hoang-thanh-thang-long-lam-duong-giao-thong-i-

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn