Tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng và Việt Nam cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Chúng tôi xin gộp lại hai nguồn tin có tính chất liên hoàn do cùng một người tổng hợp và trên cùng một trang mạng thông tin, một tin đem đến cho bạn đọc sự lo lắng và một tin khác giúp chúng ta ít nhiều cảm giác yên lòng. Tất nhiên, lời giải đáp chính xác nhất vẫn là thực tiễn chứ không thể nào suy đoán, mà thực tiễn thì đang là một câu hỏi ở phía trước chúng ta với rất nhiều hiện tượng ngó như mâu thuẫn. Cho nên vấn đề vẫn là phải chờ đợi. Hay nếu tích cực hơn thì các cấp thẩm quyền phải cấp cho dân chúng những thông tin đủ để dân chúng hiểu rõ tình thực và đồng tình với phương cách đối phó của Nhà nước. Mọi sự làm thinh, coi như dân không có quyền biết đều là biểu hiện của phi dân chủ.

Bauxite Việt Nam


Trang web Nhân dânHoàn cầu thời báo của Trung Quốc ngày 29/4/2010 đã chính thức post lên những nhận định gay gắt về tình hình tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, chủ yếu là Việt Nam.

Cộng với những bài viết hồi gần đây trên các trang mạng Trung Quốc đồng loạt lên án, mạt sát Việt Nam bằng thứ ngôn ngữ kích động thù hận đang dấy một làn sóng lo ngại cho một viễn ảnh đen tối trên khu vực Biển Đông. Mặc Lâm tổng hợp ý kiến của các giới chức có quan tâm đến vấn đề này trong bài viết sau đây.

Câu chuyện về tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian gần đây đang tiến vào một ngã rẽ quan trọng mà những người quan tâm theo dõi cho rằng ngày càng tiến gần hơn đến mức nguy hiểm có thể dẫn tới những động thái khởi động cuộc chiến nếu Việt Nam không đủ sức kềm chế.


TQ sẽ tấn công VN?



Trong vài ngày qua, nhiều trang mạng Trung Quốc đã loan tải các bài viết chống Việt Nam đăng tải trên các cơ quan chính thức của Chính phủ Trung Quốc khiến sức nóng của Biển Đông hơn lúc nào hết hừng hực hơn lên. Bài báo có đoạn viết:

Lâu nay sự khoan dung và nhân nhượng một cách lịch sự của chúng ta trên vấn đề Biển Đông không đổi lại sự tôn trọng cần phải có, ngược lại một số nước đã coi nhân từ là mềm yếu điên cuồng cướp đoạt ngày càng nghiêm trọng hơn tài nguyên dầu khí và nghề cá của ta, nhiều lần tiến hành bắt giữ và giam cầm ngư dân ta đang tác nghiệp hợp pháp, thậm chí làm tổn hại về người.

Vì thế, phải gia tăng sức mạnh chấp pháp hải dương tại vùng Biển Đông, xua đuổi và bắt giữ kịp thời những thuyền cá tác nghiệp phi pháp tại vùng biển của ta, đồng thời căn cứ vào luật pháp có liên quan của Trung Quốc tiến hành xử lý, và cũng phải tiến hành hành động chống bắt giữ, chống xua đuổi, nhằm bảo đảm an ninh cho ngư thuyền tác nghiệp nước ta.

Cách đặt vấn đề một chiều của bài viết gợi ý rằng Trung Quốc đã đủ mạnh để nói tiếng nói của kẻ bề trên và những luận cứ họ áp đặt có thể được coi là dọn đường cho những hoạt động kế tiếp khó thể coi là hòa hiếu.

Nhà ngoại giao lão thành Dương Danh Dy, người đã bỏ công dịch những bài viết trong các web site chính thức của Chính phủ Trung Quốc cho biết ý kiến của ông:

“Đáng lẽ trong bài dịch này tôi còn có lời mở đầu hay hơn nhưng vì họ ngại quá nên họ cắt đi. Đây là cái động thái trong rất nhiều động thái mà tôi biết. Trong bài này cùng với những sự kiện đang diễn ra nơi biển Đông tôi thấy là đúng. Có khả năng nó sẽ mãnh liệt hơn nhưng cũng có khả năng chỉ là việc dọa dẫm chính phủ Việt Nam”.

Dọa dẫm hay chuẩn bị dư luận cho một cuộc tấn công từ Trung Quốc đều là câu hỏi mà Việt Nam cần phải đặt trên bàn làm việc của giới chức ngoại giao lẫn quốc phòng cao cấp nhất. Giáo sư Phạm Quang Minh, Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định theo kinh nghiệm của ông về các mối tương quan giữa các nước, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam:

“Tôi cho rằng trên nguyên tắc thì đúng là Việt Nam và Trung Quốc phải xác định với nhau là quan hệ hai bên cần phải ưu tiên tôn trọng chủ quyền bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ. Không sử dụng vũ lực hay là đe dọa sử dụng vũ lực thì đấy là những nguyên tắc mà tôi cho rằng quan trọng nhất trong quan hệ song phương và đa phương giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như với các nước khác trong khu vực.

Việt nam cần phải làm gì? Tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn phải tiếp tục khẳng định chủ quyền Việt Nam ở khu vực này, đấy là điều thứ nhất. Điều thứ hai Việt Nam cần phải cùng với các nước trong khu vực đặc biệt là các nước ASEAN, vì là thành viên của ASEAN rồi thì phải có một tiếng nói chung quan hệ trong khu vực đối với các nước ngoài khu vực như Trung Quốc để đảm bảo trong khu vực này có sự hòa bình, ổn định. Và điểm thứ ba tôi nghĩ rằng Việt Nam cần có thông tin một cách rộng rãi đối với các tầng lớp nhân dân của mình đặc biệt là các tỉnh vùng ven biển cần phải biết tình trạng hôm nay để các cấp địa phương cũng như là người dân biết được hiện trạng vấn đề. Thực tế cho thấy rằng những thông tin đó trong một thời gian dài đã không được chuyển tải, trao đổi rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân cũng như các lãnh đạo ở địa phương thành ra có sự hiểu lầm”.

Việt Nam cần làm gì?



Nguyên tắc ứng xử quốc tế này nếu bị Trung Quốc phá vỡ thì việc gì sẽ xảy ra? Nhà ngoại giao Dương Danh Dy cho rằng:

“Ta nhún nhường, ta tôn trọng Trung Quốc nhưng có giới hạn chứ không phải chúng ta hoàn toàn chịu khuất phục. Ngay như thời cụ Trần Hưng Đạo, cụ viết Hịch tướng sỹ đấy, sứ thần nó sang nó còn chửi mắng triều đình. Các cụ dằn cho đến lúc không chịu được mới trói gô cổ chúng nó lại!”

Tiếp theo sau các bài viết trên các trang web được coi là chính thức, hằng hà sa số các bài viết khác có giọng điệu bài xích Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều hơn. Một trong những đoạn mà chúng tôi cho là nhẹ nhất được trích dẫn sau đây:

“Khoan dung thái quá với Việt Nam là hủy diệt chính mình. Dùng vũ lực tấn công Việt Nam cần tàn nhẫn, cần phá hủy triệt để các cơ sở quân sự của Việt Nam, tất nhiên bao gồm cả cơ sở hạ tầng dân sự. Đối với một nước vô liêm sỉ như vậy, chúng ta không cần xem xét những gì là đạo đức và vô đạo đức, chỉ cần phù hợp với lợi ích quốc gia đó chính là cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhân dân Trung Quốc cũng sẽ ủng hộ đến cùng”.

Trước những thù hằn này Việt Nam vẫn tỏ ra nhún nhường trên mặt trận ngoại giao. Người dân đã nhiều lần đặt câu hỏi về sự nhún nhường quá đáng này, cụ thể mỗi lần Trung Quốc bắt ngư dân Việt Nam, tịch thu tàu cá, bắt trả tiền chuộc mới thả người thì Bộ Ngoại Giao hình như chỉ sử dụng cùng một văn bản được soạn trước dành cho mọi trường hợp. Phải chăng cách phản ứng tiêu cực này càng làm cho Trung Quốc ngày một lấn sâu hơn vào cung cách ứng xử nước lớn này?

Giáo Sư Nguyễn Minh Thuyết, đương kim đại biểu Quốc hội cho biết Bộ Ngoại Giao vẫn thường xuyên điều trần trước quốc hội về biển đảo và chủ quyền cùng nhiều vấn đề có liên quan. Tuy nhiên báo chí không được biết vì các buổi điều trần này đều không tiết lộ ra bên ngoài. GS Thuyết nói:

“Thật ra gần đây Bộ Ngoại giao đã ra điều trần trước Quốc hội cũng đã hai ba lần rồi, nhưng thường thì những phiên điều trần ấy là kín chỉ trong Quốc hội nghe thôi, các nhà báo không tham dự. Trong những phiên đó trình bày về biên giới trên bộ. Các việc cụ thể về thác Bản Giốc, đàm phán như thế nào, lịch sử ra làm sao... chúng tôi có đề nghị bộ Ngoại giao báo cáo về vần đề biển đảo”.

Về vấn đề ngư dân Việt Nam bị bắt, bị đòi tiền chuộc GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết:

“Ngư dân mình bị bắt thì gần đây mình cũng lên tiếng rất là mạnh mẽ, về phía Trung Quốc cũng trả dân của mình để đòi tiền chuộc. Việc mình nói có chuyện là đánh đập đồng bào thì mình cũng đã yêu cầu Trung Quốc điều tra. Ở đây cũng có một phần nữa là mình phải tuyên truyền cho người dân họ biết rõ hơn những tọa độ trên biển để từ đó khi đồng bào mình đi thì có tọa độ chính xác để không lạc vào những vùng đang tranh chấp”.

Ông Dương Danh Dy, nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc chia sẻ những cảm nhận của ông về vai trò của Quốc hội, ông nói:

“Tôi xin nói thật không phải là tất cả người Việt đều không biết hết đâu. thế nhưng với lòng yêu nước của mình mà mình thấy chưa cần phải nói. Đến lúc nào đó sẽ nói để có lợi hơn. Trách nhiệm của một công dân Việt Nam thì như thế thôi. Không phải các anh trong Quốc hội các anh ấy không biết nhưng còn nhiều vấn đề tế nhị mà mình không biết được. Có thể người ta quan niệm chưa cần thiết phải làm như vậy. Mang tư duy tự do dân chủ phương Tây mà vào Việt Nam thì rất nhiều vấn đề không lý giải được đâu”.

Theo thông lệ của nhiều nước, Bộ Ngoại giao phải điều trần công khai trước Quốc hội để báo chí biết việc gì đã và đang xảy ra trong quan hệ quốc tế. Quốc hội không đủ nguồn lực như báo chí để có thể tiến hành các cuộc điều tra độc lập len lỏi vào tận các ngóc ngách tối tăm của các thế lực đen tối. Chỉ có báo chí mới có thể vạch trần các âm mưu chia chác quyền lợi đất nước của một tập đoàn hay một nhóm ưu đãi nào đó nhằm đưa ra trước ánh sáng quốc dân.

Mặc dù Việt Nam có những hệ thống quản lý rất khác biệt với phương Tây, nhưng ngay cả nhìn dưới nhãn quan của một công dân bình thường cũng khó thể chấp nhận cách giải thích của nhà cầm quyền hiện nay khi cho rằng hai nước vẫn đang sống trong tinh thần hòa hiếu. Tàu Ngư Chính vẫn hiện diện trên Biển Đông trong phạm vi chủ quyền đất nước là một bằng chứng cho thấy cách dẫn dắt dư luận thiếu thông tin chính xác là một sai lầm lớn của chính sách hiện nay.

Trong bài tới chúng tôi sẽ trình bày những góc nhìn khác nhằm tìm ra cách đối phó hữu hiệu đối với những bài báo manh động xuất hiện ngày một nhiều tại Trung Quốc hiện nay.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinh-tri/Vietnam-needs-to-prepare-the-public-opinion-before-the-south-china-sea-war-becomes-reality-part1-mlam-05162010164135.html

Việt Nam cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Mặc Lâm, RFA

Một chiếc thuỷ phi cơ DHC-6 Việt Nam mới mua của Canada để tuần trên biển. AFP photo / Aris Messinis

Lần đầu tiên, phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam được phép tố cáo Trung Quốc một cách mạnh mẽ việc nước này cấm đánh bắt cá trên vùng biển tranh chấp, đang lật qua một chương mới trong quan hệ hai nước.

Mặc Lâm tổng hợp ý kiến của các giới chức có quan tâm đến vấn đề nhằm tìm hiểu động cơ nào Việt Nam đã tỏ ra cứng rắn hơn trong cách đối xử với Trung Quốc như vậy.

Chiến thuật vết dầu loang của TQ

Những áp lực ngày một lớn của Trung Quốc đang làm cho người dân Việt Nam lo âu về chủ quyền đất nước đang tiến dần đến chỗ khó giữ yên dưới tham vọng bành trướng của nước láng giềng phương Bắc. Ngư dân Việt Nam không còn cơ hội hành nghề một cách an toàn để kiếm sống khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá bất kể công pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ của các nước trong vùng đang có tranh chấp.

Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali.

Trích bản tin TP HCM

Trung Quốc ngang nhiên chiếm đoạt từng phần lãnh hải qua chiến thuật vết dầu loang, cứ cho tàu Ngư Chính có mặt trên các vùng biển tranh chấp lâu dần sẽ trở thành sân nhà của mình.

Ông Ngô Tráng, Giám đốc Cục Quản lý Nghề cá ở Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng Tàu Ngư chính 301 và 302 sẽ lãnh trách nhiệm tuần tra trên vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa mà Việt Nam gọi là Trường Sa từ ngày 1 tháng 4.

Việt Nam không đủ phương tiện khí tài để chống lại âm mưu này, do đó Trung Quốc ngày càng lấn sân và tỏ ra coi thường tiếng nói ngoại giao của một nước mà trong thâm tâm họ cho rằng không đáng bận tâm bàn cãi. Được đàng chân lân đàng đầu, tàu Ngư Chính tiến xa hơn ở các lãnh hải khác với cùng chiến thuật đã áp dụng với Việt Nam.

Tuy nhiên khi đụng vào Malaysia thì tàu Ngư chính đã không còn cơ hội giễu võ dương oai như đối với ngư dân Việt Nam. Pháo hạm Maylaysia đã rượt đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của họ và hình ảnh này đã làm cho nhiều nước trong khu vực phải suy nghĩ lại phương án đối phó mà họ từng theo đuổi trong nhiều năm qua, trong đó không thể không kể đến Việt Nam.

10 giờ sáng ngày 29 tháng 4 đến 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4, tàu Ngư chính của Trung Quốc đã bị tàu Malaysia bám theo sát trong khoảng thời gian 17 tiếng đồng hồ, và cùng lúc phi cơ chiến đấu của Malaysia đã xuất hiện bay lượn liên tục khoảng 15 phút bên trên hai chiếc tàu này, sau đó tàu Ngư Chính của Trung Quốc phải bỏ chạy.

Đã có sự thay đổi

Vùng biển đông nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền. AFP photo



Trong một bài bình luận trên đài phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, người ta nghe Việt Nam gọi đích danh Trung Quốc không thua gì hải tặc Somali, khi ngang nhiên bắt người đòi tiền chuộc cộng với việc ngang nhiên cấm đánh bắt cá trong vùng biển đang tranh chấp. Bản tin có đoạn như sau:

“Năm 2009 đã có 33 tàu và 433 ngư dân, từ đầu năm 2010 đến nay 3 tàu và hơn 40 ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc, thậm chí tịch thu tàu, ngư cụ, sản phẩm đánh bắt được trên tàu. Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali.

Với lệnh cấm bắt cá mà Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vừa mới ban hành là một hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với các quan hệ hữu nghị vốn rất tốt đẹp giữa Việt Nam-Trung Quốc, gây nguy hại đến tính mạng tài sản của ngư dân Việt Nam”.

Tình trạng nghiêm cấm nói động tới Trung Quốc sau bao nhiêu năm có khuynh hướng đổi chiều. Cơ quan truyền thông nhà nước mặc nhiên nhìn nhận sự đàn áp trắng trợn của Trung Quốc phải chăng mở ra một trang sách mới sau kinh nghiệm đối đầu của Malaysia?

Nếu nhìn lại vấn đề biển Đông trong thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước Việt Nam đã làm được không ít việc. Thứ nhất từ chỗ im lặng bây giờ đã công khai lên tiếng.

Ô. Dương Danh Dy

Nhà ngoại giao kỳ cựu với Trung Quốc là ông Dương Danh Dy chia sẻ những điều mà ông cho rằng nhà nước đã làm được, ông nói:

“Nếu nhìn lại vấn đề biển Đông trong thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước Việt Nam đã làm được không ít việc. Thứ nhất từ chỗ im lặng bây giờ công khai đã lên tiếng. Từ chỗ phiếm chỉ nay đã chỉ đích danh như thế là tiến bộ và còn những việc tôi tin rằng Đảng và nhà nước Việt Nam không hề có ý định giấu giếm nhân dân trong vấn đề này.

Thí dụ, ngày 26 tháng Tư tôi và TS Nguyễn Nhã vừa nói chuỵện với hơn 300 sinh viên Trường đại học Ngoại thương về vấn đề này. Anh Nguyễn Nhã trình bày tất cả 12 hiện trạng lịch sử. Tôi trình bày quan hệ Việt Nam - Trung Quốc như thế nào. Anh em nghe rất thoải mái tự do và sau đó anh em đặt rất nhiều câu hỏi”.

Dự án nhiều chục tỷ đô la dành cho phát triển biển đảo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký cộng với việc vài tháng trước Hà Nội đặt mua 6 tàu ngầm Kilo, 12 chiến đấu cơ Sukhoi SU 30 MK2 của Nga và mới nhất là mua của Canada 6 thủy phi cơ Otter DHC-6 dành để tuần tiễu trên biển, cùng lúc thương lượng với Israel để mua một hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn còn được gọi là EXTRA tất cả những trang bị trên được giới quan sát quốc tế lượng giá là một động thái đánh tiếng với Trung Quốc rằng Việt Nam đang dọn đường cho một tình huống xấu nhất nếu việc ứng xử Biển Đông không được các bên tuân thủ.

Nên dựa vào ASEAN

Tàu Ngư chính Trung Quốc tuần tiễu vùng biển Đông năm 2009. AFP Photo

Khi được hỏi rằng các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, và Thái Lan đã cùng với Mỹ thành lập nhóm “Karat” như một liên minh quân sự bảo vệ cho nhau một cách hữu hiệu trước những đe dọa có thể xảy ra từ Trung Quốc. Liệu Việt Nam có nên tham gia “Karat” như một thành viên hay không? Giáo sư Phạm Quang Minh - Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:

“Theo tôi thấy thì Việt Nam vẫn đang thực hiện những cam kết của mình đối với ASEAN. Một trong những điểm quan trọng là xây dựng an ninh trong cộng đồng ASEAN. Làm gì thì làm Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã. Chứ tham gia vào một tổ chức khác hay các nhóm khác mà nó đi ra ngoài chủ trương chung của các nước ASEAN thì tôi cho rằng thời gian hiện tại Việt Nam chưa tính đến và cũng chưa cần thiết”.

Về phía người dân, GS. Nguyễn Minh Thuyết, đương kim Đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều điều cần phải bàn tới:

Làm gì thì làm Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã. Chứ tham gia vào một tổ chức mà nó đi ra ngoài chủ trướng chung của các nước ASEAN thì tôi cho rằng thời gian hiện tại chưa cần thiết.

GS. Phạm Quang Minh

“Nhân dân mình rất là quan tâm đến vấn đề này. Thật ra các tầng lớp nhân dân đã có những thái độ thông qua nhận thức trong đó có cả những kiến nghị với Quốc hội, với cơ quan nhà nước. Còn việc mình cư xử như thế nào trong chuyện này đưa ra công luận đến mức nào thì tôi nghĩ phải có sự tính toán khôn khéo về mặt ngoại giao. Kinh nghiệm của ông cha ta trong vấn đề ngoại giao phải có sự mềm giẻo nhất định”.

Đâu đó có bài viết phân tích nếu xảy ra chiến tranh thì Việt Nam sẽ đủ khả năng để đối phó vì những trang bị mà Trung Quốc hiện có chưa đủ sức để tiến hành một cuộc chiến tranh quy ước với Việt Nam. Nhận xét này không chính xác trước sự thật hiển nhiên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Dư luận vẫn cho rằng Việt Nam có trang bị vũ khí hiện đại tới đâu thì cũng cần tranh thủ sức mạnh của nhân dân. Đây là vốn quý tiềm ẩn từ bao ngàn năm của lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếng nói đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân có lẽ là vũ khí mạnh mẽ nhất mà Việt Nam có thể trưng dụng trong chiến lược đối đầu với ngoại bang như từ xưa tới nay vẫn thế.

Lịch sử đã chứng minh điều này và lịch sử sẽ lập lại.

ML

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-needs-to-prepare-the-public-opinion-before-the-South-China-Sea-war-becomes-reality-Mlam-05172010115903.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn