Triệu phú "ở trại ra"

Khải Minh

Đọc bài viết này của nhà báo Khải Minh, thấy kính trọng cả người viết lẫn nhân vật vô cùng lương thiện trong câu chuyện.

Bỗng liên tưởng đến những nghệ sĩ lớn đua nhau đi làm biết bao nhiêu bộ phim tào lao tiêu bạc tỉ, phim làm xong dễ bị coi là phim cởi truồng hoặc nếu thấy mặc quần áo thì lại dễ bị coi là đồ Tàu quá đi!

Một lần nữa, xin ngả mũ chào anh Tuấn và anh Khải Minh (không chào các nghệ sĩ lớn đâu, đừng phấp phỏng chờ).

Phạm Toàn

TT - Ngay khi rời cổng trại giam, nơi Tuấn tìm đến không phải là ngôi nhà với người vợ mỏi mắt chờ chồng mà là một trang trại...

clip_image001

Cùng với nhông, heo, bò, Tuấn còn có những vườn cây bạt ngàn với tham vọng xây dựng trang trại thành một điểm du lịch sinh thái –

Ảnh: Khải Minh

Năm 2002, có bằng Cử nhân tin học (Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM), Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1977) trở thành niềm kỳ vọng của cha mẹ ở vùng quê nghèo Tam Hiệp (Núi Thành, Quảng Nam). Xóm làng đều vui khi hay tin Tuấn xin được việc làm có lương cao tại TP.HCM. Nhưng được mấy tháng mọi người lại ngỡ ngàng khi thấy Tuấn xách vali về quê.

Đang phất, lại vào tù

"Đời người khó tránh khỏi những lỗi lầm, quan trọng là biết vượt qua "

(Nguyễn Thanh Tuấn, chủ trang trại)

Tuấn bỏ việc ở TP.HCM vì phát hiện công ty mình đầu quân làm ăn khuất tất, gây thiệt hại cho khách hàng nên xách gói về quê. Tuấn nghĩ ở quê vẫn có thể làm giàu một cách chính đáng.

Sẵn dịp cha mẹ bị thu hồi đất đai có ít tiền đền bù, Tuấn xin xây chuồng nuôi heo, bò... Tuấn lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi và không ngờ anh chàng Cử nhân này mát tay. Đến năm 2006 Tuấn có đàn heo 160 con, đàn bò hàng chục con, ếch hàng ngàn con.

Từ vài chục triệu đồng cha mẹ cho mượn và vay một ít từ ngân hàng khởi nghiệp ban đầu, Tuấn xây dựng nên trang trại 600 triệu đồng. Ngày ngày xe tải vào mua heo, bò, ếch nườm nượp. Trong tỉnh, ngoài tỉnh tổ chức đoàn đến tham quan liên tục. Cha mẹ, bà con từ chỗ thất vọng trở nên hãnh diện.

Nhưng đùng một cái, Tuấn xách vali từ biệt mọi người để đi làm... bị cáo cho một phiên tòa liên quan đến công ty Tuấn làm việc khi mới ra trường và chịu thụ án 3 năm tù giam. Lúc đó Tuấn cưới vợ mới được 14 ngày. Mặc dù Tuấn đã bỏ việc ở công ty, đã bồi thường thiệt hại nhưng vì có dính vào việc khuất tất nên “đã làm phải chịu”.

Ở trại giam, Tuấn vẫn nung nấu khao khát sau này ra tù sẽ vẫn theo nghiệp chăn nuôi. Một hôm, Tuấn nghe cán bộ trại bàn tán về con nhông (có nơi gọi là dông) mà ở Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) nhiều người nuôi, có thị trường rất lớn. Tuấn chú ý nhưng không dám hỏi, cũng chẳng có sách vở nói về con vật này.

Một lần đi lao động, Tuấn bắt được mấy con nhông tự nhiên. Tuấn xin phép đưa về trại nuôi. Quan sát tập tính của nó, Tuấn thấy cũng dễ nuôi. Tuấn nôn nao chờ ngày ra trại.

Nhờ thành khẩn, tự giác khắc phục hậu quả, ý thức cải tạo tốt, Tuấn được đặc xá giảm mức án xuống còn 2 năm. Tháng1-2009, Tuấn đại diện cho phạm nhân được đặc xá của khu trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) phát biểu cảm tưởng ra trại. Rời cổng nhà giam, các bạn tù tíu tít đón xe về quê, Tuấn thì “bay” ngay đến Hàm Thuận Bắc - “cái nôi” của nghề nuôi nhông ở miền Nam - mà không kịp về nhà thăm vợ.

Triệu phú bò sát

Tuấn về nhà thấy trang trại ngày xưa mình gầy dựng giờ hoang tàn mà rớt nước mắt. Khi Tuấn vào trại giam, gia đình sụp đổ, vợ hoang mang, không ai ngó ngàng khiến heo mất, bò chết đói, ếch chết khô. Cơ ngơi 600 triệu đồng của hai năm trước giờ chỉ còn một con bò. Tuấn bán bò lấy tiền sửa lại chuồng heo và nuôi 100 con nhông đầu tiên mang về từ Hàm Thuận Bắc.

Tuấn và những con nhông ở trang trại của mình - Ảnh: Khải Minh

Tuấn không rập khuôn “công nghệ” nuôi ở Bình Thuận mà có những cải tiến rất sáng tạo. Thứ nhất là tạo mái che (chuồng) nhờ thế Tuấn có thể nuôi quanh năm (Hàm Thuận Bắc chỉ nuôi mùa nắng). Thứ hai, Tuấn có cách ấp trứng nhông nhân tạo bằng thùng xốp và đèn điện. Ở Hàm Thuận Bắc cho ấp trứng tự nhiên, tỉ lệ trứng nở 50%, tỉ lệ sống 40% do con mới nở bị các con lớn tranh mồi giết chết. Còn ấp nhân tạo như Tuấn tỉ lệ trứng nở và tỉ lệ sống đều trên 85%.

Tuấn chỉ mua giống của Hàm Thuận Bắc hai lần vào đầu năm 2009 sau đó tự túc con giống hoàn toàn. Hơn thế nữa Tuấn còn là người cung cấp nhông giống lớn nhất miền Trung với trên 14.000 con bán ra năm vừa rồi, bán con giống và bao tiêu luôn sản phẩm. Cả trăm nông dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đà Nẵng, Thanh Hóa... làm ăn với Tuấn, trong đó có một số là bạn tù của Tuấn thời ở trại.

Chỉ sáu tháng năm 2009 - kể từ lúc ra trại - Tuấn lãi ròng trên 200 triệu đồng. Con nhông giúp Tuấn lấy lại những gì đã mất trong hai năm đi tù, Tuấn trả được nợ ngân hàng, sửa sang lại trang trại, nuôi thêm kỳ đà, rắn, trồng hàng ngàn cây ăn quả, rau sạch và quan trọng hơn là lấy lại uy tín của mình. Tuấn chọn nhông làm đề tài nghiên cứu khoa học và xúc tiến thủ tục bảo hộ thương hiệu nhông Quảng Nam. Tham vọng của Tuấn trong những năm đến là xuất khẩu thịt nhông.

Trang trại của Tuấn đã hồi sinh, với diện tích được mở rộng đến 16.000m2, chuồng trại xây ngang dọc. Cơ ngơi lúc này trị giá trên 2 tỉ đồng. Khách hàng tấp nập vào ra. Những đoàn tham quan lại tìm về. Nói về những ngày đã qua và sắp tới, Tuấn cho biết sẽ rất vững vàng trong cuộc sống và đặc biệt cảm ơn người vợ trẻ thủy chung của mình, người đã vững vàng trước cuộc sống và những điều thị phi khi chồng phải mặc áo tù, người giúp Tuấn vượt qua những ngày sóng gió để trở lại với đời.

KM

Nguồn: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/376697/Trieu-phu-o-trai-ra.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn