Tư liệu: Công tác rà phá thủy lôi chống chiến dịch phong tỏa của đế quốc Mỹ (1967-1973) của cục Vận tải đường biển (tiền thân của cục Hàng hải Việt Nam)

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh

Đầu tháng 4-2010, BVN đăng bài viết “Giáo sư Bộ trưởng Tạ Quang Bửu ra đi, để lại một khoảng trống trong giáo dục đào tạo” của GS Nguyễn Xuân Hãn (http://www.boxitvn.net/bai/2359). Bài này do GS Hãn gửi tới, nhưng vốn đã được đăng trên mạng vietsciences.free.fr. Sau khi bài được đăng lên một vài ngày, ngày 3-4-2010, người điều hành trang mạng, GS Nguyễn Huệ Chi, nhận được lá thư của Kỹ sư Đỗ Thái Bình gửi trực tiếp cho mình, tỏ ý không đồng tình với những nhận định sau đây của tác giả bài viết: “Thời kỳ này, Giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn tham gia giải quyết những vấn đề gay cấn nhất trong khoa học kỹ thuật quân sự. Mùa hè năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh thả thủy lôi trên sông biển và phong tỏa cảng Hải Phòng. Ông đã trực tiếp chỉ đạo một tổ nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài phá thủy lôi (mật danh GK1) để chống lại thủy lôi chiến lược MK 52 của Mỹ, khí tài phá bom từ trường (mật danh GK2) do Tiến sĩ Vũ Đình Cự làm tổ trưởng”.

Theo ông Đỗ Thái Bình thì “Việc phá thủy lôi có thể nói hoàn toàn là công sức của anh em đường biển và hải quân, một vài người cố gắn Giáo sư Bửu vào, có lẽ là có một số ý đồ. Xin xem bài viết của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh [gửi kèm theo đây], người trực tiếp tham gia các sự kiện và các báo cáo của hải quân:

1/ Kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh - Kỹ sư điện, nguyên Tổng giám đốc Bảo đảm hàng hải, hiện sống tại Sài gòn http://binhbien.multiply.com/journal/item/69/69;

2/ Tạp chí Tia sáng đã tổ chức một buổi hội thảo về vấn đề này. Tại hội
thảo, Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng đây là một vụ án khoa học kinh
khủng, còn Giáo sư Hồ Ngọc Đại lên tiếng, kết án kẻ lợi dụng khoa học
là một con người cực hèn hạ
http://binhbien.multiply.com/journal/item/61/61

Là một trang mạng có uy tín với giới trí thức, mong Giáo sư quan tâm tới vấn đề này, để cho các anh em hải quân và đường biển có chỗ nói lại cho rõ
đầu đuôi vụ việc. Tư liệu về việc này khá đầy đủ
”.

Nhận được thư và bài, GS Nguyễn Huệ Chi đã chuyển ngay cho GS Nguyễn Xuân Hãn là tác giả bài báo về GS Tạ Quang Bửu để hỏi ý kiến. Cùng ngày hôm đó, trong thư trả lời, GS Hãn tỏ ra rất cởi mở: “Xin cảm ơn các anh đã chuyển ý kiến phản hồi bài báo về GS Tạ Quang Bửu của tôi... Tôi xin nói lại một số điều về bài viết này để các anh rõ:

1. Bài tôi viết là bài có tính chất tổng hợp thông tin, có nghĩa là thông tin của nhiều người khác qua mạng Chính phủ (tin phá bom từ trường chính là từ mạng này) http://www.moet.gov.vn

2. Riêng tôi chỉ có một số nhận định về mảng GD – ĐT của GS Bửu

3. Năm 1971-1972 , tôi làm việc ở Vụ Quản lý học sinh, đôi khi được

giúp Bác Bửu một số việc, giữa Bác Bửu và GS Vũ Đình Cự.

GS Vũ Đình Cự thời gian đó được giao phụ trách nhiệm vụ này [rà phá om từ trường].

Đóng góp của nhiều người khác nữa chắc cần viết cụ thể hơn. Nếu viết thật cụ thể thì càng tốt để cho thế hệ hiện nay hiểu được thế hệ cha anh.

4. Về mặt khoa học, việc phá bom mìn có thể là mới với nước ta lúc đó,

nhưng xin khẳng định không mới đối với thế giới. Vào những năm đầu

Chiến tranh thế giới thứ II, người Nga cũng có nhiều kinh nghiệm về vấn

đề này. Song cũng xin nói, với giá trị thực tiễn của việc phá vỡ phong tỏa

bom mìn cua Mỹ lúc đó, đây là một THÀNH TỰU LỚN và có ý nghĩa nhiều mặt. Xét về mặt lịch sử, việc phá vỡ bao vây của Mỹ vẫn là công lao lớn đáng ghi vào sử sách – Thực tế sử sách cũng đã ghi như vậy.

Mong các Anh đường biển và Hải quân viết thêm nhiều bài về đợt phá

bom mìn này...

Bài viết (tổng hợp) của tôi có gửi cho các con Bác Tạ Quang Bửu xem

Trước khi đăng.

Bài viết này tôi không hề có ý đồ xấu xa gì, ngoài việc tưởng nhớ

GS Tạ Quang Bửu (đã mất hơn hai mươi năm) là một trí thức lớn,

Một lòng vì nước vì dân, cho đến phút cuối cùng. Và là thế hệ trí thức

theo Bác Hồ ở Pháp về nước, không phải cuộc đời lúc nào cũng bằng phẳng”.

Nhận được lá thư trên, BVN đã có ý định đăng lại bài viết của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh tường thuật đầu đuôi công tác rà phá thủy lôi của Hoa Kỳ rải xuống các cửa biển miền Bắc trong thời gian từ 1967-1973 để bạn đọc tham khảo, nhằm góp phần làm sáng tỏ những mắc mớ còn tồn đọng quanh vấn đề này, nhưng nhiều chuyện thời sự khẩn trương lôi cuốn đã khiến người điều hành trang mạng quên bẵng đi.

Nay, BVN lại nhận được lá thư mới nhất của ông Đỗ Thái Bình gửi ngày 2-5-2010, vẫn với thái độ bức xúc và niềm mong muốn được làm rõ sự thật thông qua việc đăng bài ông Nguyễn Ngọc Linh. Vì vậy, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc bài viết dưới đây, không ngoài ý định ban đầu như đã nói. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ, trong tình hình tranh chấp biển đảo ở Biển Đông vô cùng nóng bỏng hiện nay, có những kẻ thù giấu mặt đã ngang nhiên ném cả ngư lôi vào cửa biển của chúng ta để đe dọa, việc biểu dương công lao của cả một thế hệ trí thức từng đóng góp xứng đáng vào cuộc chiến đấu can trường và thắng lợi chống lại trận địa bom từ trường trên biển của Hoa Kỳ những năm 60-70 thế kỷ trước là điều cần kíp phải làm, song sẽ còn cần kíp nhiều lần hơn nếu thế hệ đã được tôi rèn trong thực tiễn ấy bỏ thời gian và tâm huyết truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ hôm nay, nhằm chuẩn bị tích cực cho một chiến dịch đại phá mọi mưu ma chước quỷ của một kẻ thù mới vô cùng nham hiểm, đang ra sức hoành hành trên lãnh hải của chúng ta.

Bauxite Việt Nam

Ngày 26/02/1967 Mỹ thả những quả thuỷ lôi đầu tiên mở đầu cho chiến dịch phong tỏa Sông biển miền Bắc.

Đó là những quả thủy lôi MK-50, MK-52 và MK-42.

Việc Mỹ phong toả bằng thủy lôi đã cản trở rất lớn đến nhiệm vụ trọng tâm của Cục Vận tải đường biển (VTĐB) là vận tải, bốc xếp, bảo đảm an toàn giao thông trên biển, phục vụ công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc và chi viện miền Nam

Với phương châm: “Tự cứu mình trước khi người khác cứu”, Cục VTĐB đã vừa buộc phải, vừa tự nguyện tham gia vào cuộc chiến chống phong tỏa với mọi tiềm năng có trong tay cùng với vũ khí sắc bén là “Đường lối chiến tranh nhân dân” của Đảng.

Lĩnh vực bom mìn là một lĩnh vực xa lạ và mới mẻ với Cục VTĐB nên Cục đã hợp tác chặt chẽ với Hải quân và được Hải quân khai tâm bằng cách truyền đạt những bài học về thủy lôi và bom từ trường.

Cục VTĐB đã tổ chức chống phong tỏa với một phương thức có thể gọi là khép kín:

- Tổ chức quan sát thủy lôi để xác định các bãi thủy lôi, giúp cho việc vòng tránh và rà phá hiệu quả, nhanh chóng.

- Tổ chức nghiên cứu tính năng, tác dụng và nguyên lý hoạt động của các loại bom, mìn, trên cơ sở đó tìm ra cách rà phá nhanh với những gì có sẵn trong tay, mặt khác nghiên cứu, thiết kế chế tạo các thiết bị rà phá đạt hiệu quả cao.

- Thành lập các đội rà phá thủy lôi (Ty Đảm bảo hàng hải, Cảng Hải Phòng, Cảng Bến Thủy), rà phá ngay bằng các dụng cụ thô sơ, sau bằng các khí tài, học tập và phối hợp cùng các đơn vị bạn tháo gỡ thủy lôi phục vụ cho nghiên cứu.

Điểm qua một chút về những ngày đầu đáng ghi nhớ của sự hợp tác HQ-Cục VTĐB:

- Ngày 18/04/1967 thành lập nhóm nghiên cứu hỗn hợp HQ - Cục VTĐB

- Ngày 22/04/1967 thông qua thiết kế thiết bị phá lôi đầu tiên mang mật danh

PĐ-76-1 - Ngày 23/05/1967 hoàn thành thi công PĐ-67-1

-Ngày 19/06/1967 đưa PĐ-67-1 đi rà phá ở khu 4 không kết quả do còn nhiều nhược điểm.

Sau một thời gian (khoảng 4 tháng), các đồng chí Hải quân rút, không còn nhóm nghiên cứu hỗn hợp mà chỉ còn lại nhóm nghiên cứu của Cục VTĐB. Nhóm vẫn tích cực nghiên cứu theo hướng đi của mình, tập trung mọi cố gắng để có một

thiết bị gọn nhẹ, phát tín hiệu xa và tự động hóa việc phát tín hiệu

Tháng 10/1967 Cục VTĐB cho ra đời PĐ-67-3, đưa thử nghiệm ở khu vực Hải Phòng nhưng không làm nổ được MK-42 nào.

Không nản chí và tin tưởng vào thiết bị, ngày 17/02/1968 tổ nghiên cứu đưa PĐ-67-3 đi rà phá ở Nam Hà (cửa Lạch Giang). PĐ-67-3 đã làm nổ ngay lần ra quân đầu tiên ở đây 2 quả thủy lôi MK-42. Đây là 2 quả thủy lôi MK-42 phá được bằng khí tài đầu tiên của Cục VTĐB.

PĐ-67-3 sau đó còn làm nổ nhiều thủy lôi. Tháng 4 1968 Bộ GTVT yêu cầu sản xuất 40 bộ PĐ-67-3 để cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài ngành bởi tính ưu việt của PĐ-67-3 là hiệu quả, gọn nhẹ (có thể đặt trên một thuyền gỗ nhỏ), dễ sử

dụng. Gần 15 đơn vị được cung cấp PĐ-67-3. Lúc này PĐ-67-3 được biết với tên chung là PĐ-67.

Có thể nói PĐ-67 là khí tài chủ lực của các lực lượng rà phá thời kỳ 1967-1968. Trên các luồng, bến phà… đều có mặt PĐ-67. Đội phá lôi của Cục VTĐB phải tổ chức một bộ phận chuyên đi hướng dẫn các đơn vị bạn sử dụng PĐ-67.

Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng được thể hiện rõ nét.

Cuối năm 1968 Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Các Kỹ sư của Cục VTĐB lại trở về với nhiệm vụ thường xuyên của mình.

Thời kỳ 1967-1968, bằng nỗ lực bản thân và với sự trợ giúp của các đơn vị bạn, chúng tôi đã hiểu biết khá đủ về vũ khí địch để rà phá và tháo gỡ chúng. Một số đ/c trong tổ nghiên cứu vẫn dành thời gian để nghiên cứu thêm về cách làm thế nào để có những thiết bị rà phá hiệu quả hơn vì mọi người đều nhận thức Mỹ chưa từ bỏ âm mưu phong tỏa trở lại.

Muốn làm nổ chắc chắn thủy lôi, phải tạo được tín hiệu giả, giống như tín hiệu của con tàu khi di chuyển lại gần thủy lôi – Chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu trường vật lý do con tàu sinh ra khi di chuyển trên biển (chủ yếu là từ trường do con tàu sinh ra)

Tổng kết lại các phương tiện bị trúng thủy lôi thời kỳ 67-68 và thời kỳ đầu 1972, chúng tôi thấy tàu thường bị đánh trúng vào khoang có nhiều sắt thép.

Mỹ thả thủy lôi để đánh tàu nên chúng dùng các tín hiệu vật lý do con tàu sinh ra để làm tín hiệu gây nổ của thủy lôi. Nhóm nghiên cứu đi sâu vào nghiên cứu trường vật lý do con tàu sinh ra khi di chuyển trên biển.

Từ đây phương hướng của thời kỳ này là thiết kế các con tàu rà phá phát các tín hiệu giả y như tín hiệu của con tàu sinh ra khi tiến đến gần quả thủy lôi. Tín hiệu phải đủ mạnh để phát được xa, đảm bảo cho người và phương tiện được an toàn khi thủy lôi nổ.

Con người là vốn quý nhất nên chúng tôi cố gắng làm các phương tiện phát được các tín hiệu giả này càng xa càng tốt. Điều này là rất cần thiết vì phải tính đến cả những trường hợp thủy lôi không nằm ở vị trí thuận lợi, sẽ gây nổ gần vì tiếp thu tín hiệu khó hơn.

Chúng tôi xin điểm lại một số mốc quan trọng của thời kỳ này:

* 08/7/1972 Đường Biển đã đề ra phương án sản xuất ĐB-72-1.

* 10/1972 : 3 bộ ĐB-72-1 được sản xuất xong và được lắp xuống 3 tàu tham gia rà phá. Các tín hiệu phát ra giống hệt tín hiệu con tàu đi trên biển. Các tàu này đã phá nổ 67 quả thủy lôi.

* Cũng trong thời gian này Đường Biển cũng lắp 6 bộ T480 do Trung Quốc chế tạo và được Hải quân chuyển giao. Các bộ T480 này phải bấm nút bằng tay và đếm để bấm nút nên người điều khiển bị căng thẳng. Chúng tôi đã cải tiến thành bộ phát từ tự động. Các tàu này đã phá nổ 105 quả thủy lôi.

* Chúng tôi cũng lại cải tiến các cuộn PĐ-67-3 của thời kỳ 67-68, ghép nhiều bộ lại thành bộ mới để đối phó với việc Mỹ giảm độ nhạy của thủy lôi. Thiết bị được lắp xuống 4 tàu và đã phá nổ 125 quả thủy lôi.

* 07/08/1972 chúng tôi đã đề xuất phương án sản xuất ĐB-72-3

* 24/08/1972 chúng tôi lập tờ trình xin kinh phí sản xuất ĐB-72-3.

* 01/09/1972 Bộ Giao thông Vận tải duyệt kinh phí.

* 13/09/1972 Cục Vận tải đường biển cho lệnh thi công:

- Ty Đảm bảo hàng hải làm chủ đầu tư

- Cảng Hải Phòng thi công.

Đầu tháng 11/1972 tàu này tham gia rà phá và đã phá nổ 161 quả thủy lôi.

ĐB-72-3 là niềm tự hào của Cục VTĐB vì là phương tiện do chúng tôi tự lực

thiết kế và chế tạo. ĐB-72-3 có thể nói là phương tiện rà phá được nhiều thủy lôi nhất của thời kỳ 72-73.

* Sau khi sản xuất thành công ĐB-72-3, Cục VTĐB chủ trương sản xuất 1 thiết bị tương tự.

Lúc này không còn máy phát điện 1 chiều cỡ lớn nên phải chuyển sang dùng máy phát điện xoay chiều 3 pha – Dây bọc cao su loại tốt cũng không còn nên chúng tôi buộc phải có những thay đổi sau:

- Vẫn dùng tàu tăng kít làm phương tiện nhưng phải đặt khung quấn dây vào trong con tàu .

- Dùng chỉnh lưu để có dòng điện 1 chiều.

Chúng tôi ký hợp đồng kinh tế với Đại học Bách khoa để chế tạo bộ chỉnh lưu này vì ĐHBK có nhiều khả năng tìm ra các điốt lớn (5A)

* 09/12/1972 Trình phương án chế tạo ĐB-72-4

* 02/1973 : hoàn thành việc chế tạo ĐB-72-4 nhưng vì ở cuối giai đoạn phong tỏa nên không phá được quả thủy lôi nào.

Trong chiến dịch chống phong tỏa Cục VTĐB đã nhận được sự giúp đỡ

của Hải quân, Viện Kỹ thuật quân sự, Công binh và của cả ĐHBK.

Đại học BK đề nghị được tham gia nghiên cứu về thủy lôi và bom từ trường và được Đ/c Lê Văn Kỳ, Cục trưởng Cục VTĐB lúc đó đồng ý vì thêm một đơn vị hiểu biết về vũ khí địch thì chỉ có lợi cho sự nghiệp chống Mỹ.

Ngày 05/07/1972 Nhóm ĐHBK bắt đầu xuống Hải Phòng tìm hiểu về thủy lôi tại trụ sở của tổ phá lôi Ty ĐBHH phố Hồ Xuân Hương.

ĐHBK gặp may mắn vì đội phá lôi Ty ĐBHH vừa tháo gỡ được 1 MK-52 ngày 28/06/1972 và được giữ lại để nghiên cứu.

Cục VTĐB với kinh nghiệm thiết kế, chế tạo, rà phá, tháo gỡ và hiểu biết về thủy lôi cả một thời gian dài từ 1967-1968 nên đã truyền đạt cho ĐHBK về nguyên lý hoạt động của MK-52 còn rõ ràng, và chi tiết hơn những gì mà trước đây HQ đã truyền đạt cho Cục VTĐB từ năm 1967. Tôi tin khi viết điều này không làm các đ/c Hải quân phật ý mà trái lại, các đ/c còn thấy tự hào vì những đồng đội mình hướng dẫn khởi đầu năm xưa đã trưởng thành vượt bậc. Các đ/c ĐHBK cũng thấy vui mừng vì thấy trong nhóm nghiên cứu của Cục VTĐB có nhiều đ/c tốt nghiệp các khóa 3, 4, 5, 6 của Trường ĐHBK, đã làm được nhiều việc có ích, đã đào sâu suy nghĩ để tìm hiểu vũ khí địch tuy không có điều kiện để nghiên cứu cơ bản như những đ/c ỏ trường nhưng lại có nhiều kinh nghiệm thực tế để nắm được tính năng, tác dụng của vũ khí địch do hàng ngày cọ xát với chúng, phá nổ và tháo gỡ chúng.

Ngay Mỹ, tuy là người thiết kế nhưng khi ta đã phanh phui ra được thì về cơ bản ta cũng hiểu nguyên lý hoạt động của thủy lôi gần như họ nhưng họ thua ta về hiểu biết hoạt động thực tế vũ khí của họ sau khi đã thả chúng xuống luồng lạch của ta. Điều này đã được chứng minh vì họ rất lúng túng khi phải rà quét chính thủy lôi của họ.

Từ 05/07/1972 đến cuối 10/1972 các đ/c trong nhóm ĐHBK đã có 2 đợt nghiên cứu về MK-52 và lần thứ 2 là lần nghiên cứu tại hầm của Bộ GTVT tại Hà Nội từ 11/10/1972 đến cuối 10/1972.

Đ/c Thái Phong và một số đ/c khác đã lên Hà Nội để hỗ trợ các đ/c tiếp tục nghiên cứu và đ/c Thái Phong đã có 1 buổi báo cáo tỷ mỉ với các đ/c Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, nhóm ĐHBK… về tính năng hoạt động của MK-52, kinh nghiệm rà phá và tháo gỡ an toàn.

Sau đợt làm việc từ đầu tháng 10/1972 tại hầm Bộ GTVT, các đ/c của Ty ĐBHH về lại Hải phòng nghỉ thì ngay sau đó các đ/c ở ĐHBK đã tổ chức được các buổi báo cáo với các đ/c lãnh đạo Đảng và Nhà nước như các đ/c Lê Duẩn, Trường Chinh, Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu…

Chúng tôi không được mời dự .

Sau đợt nghiên cứu, ĐHBK có gửi cho Bộ GTVT các báo cáo và Bộ sau đó có chuyển cho chúng tôi nhưng chúng tôi chỉ tham khảo vì những gì cần thiết để chế tạo khí tài rà phá chúng tôi đều đã biết do tích lũy trong thời gian dài từ 1967-1972. Các đ/c ở ĐHBK đã giúp chúng tôi đo đạc và kiểm tra dạng xung của các thiết bị do chúng tôi tự lực sản xuất.

Cần nhắc lại một chút về các mốc thời gian đã trình bày ở trên:

- 05/07/1972: Các đ/c ĐHBK bắt đầu tìm hiểu về MK-52

- 08/07/1972: Nhóm nghiên cứu Đường biển có tờ trình phương án sản xuất ĐB-72-1.

- 15/07/1972: Cục VTĐB duyệt cho sản xuất ĐB-72-1.

- 07/08/1972: Nhóm nghiên cứu Đường biển có tờ trình phương án sản xuất ĐB-72-3.

- 24/08/1972: Cục VTĐB lập tờ trình xin kinh phí sản xuất ĐB-72-3

- 01/09/1972: Bộ GTVT duyệt kinh phí.

- 13/09/1972: Cục VTĐB cho lệnh thi công:

- Ty ĐBHH làm chủ đầu tư

- Cảng Hải Phòng thi công.

- 11/10/1972 đến cuối 10/72: ĐHBK tiếp tục nghiên cứu MK-52 lần 2 tại Bộ GTVT.

- 11/10/1972: Ký hợp đồng kinh tế để ĐHBK chế tạo bộ chỉnh lưu dùng cho ĐB-72-04

Sau đợt tham gia chống phong tỏa, Cục VTĐB lại trở về với nhiệm vụ trọng tâm của mình là : VẬN TẢI- BỐC XẾP- ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN BIỂN- PHỤC VỤ CÔNG CUỘC XÂY DỰNG XHCN Ở MIỀN BẮC VÀ CHI VIỆN MIÈN NAM.

NNL

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn