Ai chịu trách nhiệm trước việc quặng mỏ nước ta ngày đêm kìn kìn chạy sang bên kia biên giới?

Ngăn chặn chảy máu khoáng sản thì hoàn toàn thờ ơ nhưng bàn bạc về những dự án trời ơi đất hỡi để tiêu tiền của dân, đẩy cả nước vào tình trạng kiệt quệ đến cùng thì nói năng thật hùng hồn. Đang diễn ra cái gì đây trên một dải đất có 86 triệu con người sinh sống mà từ kẻ đứng tít trên đỉnh cao cũng như người men sát đáy vực chẳng một ai nhìn vượt khỏi sống mũi – chỉ biết kiếm miếng bỏ mồm hoặc ních vào chặt túi? Như thế mà một bộ máy không có ai từ chức mất chức thì mới lạ! Cứ thử cách đi một vài ông quan đầu tỉnh xem nào. Có lo sốt vó lên mà chặn ngay lập tức các con đường thồ quặng sang cho anh láng giềng đang đứng bên kia sốt sắng giơ tay ra vẫy hay không? Cai quản đất nước như thế mà không biết đỏ mặt ư?

Bauxite Việt Nam

“Bức tử” lòng đất: Quặng ngày đêm chảy sang Trung Quốc

Cao Bắc

clip_image001[3]5 giờ chiều, quặng đã bắt đầu được chuyển qua biên giới. Ảnh: Cao Bắc

Những người già của xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) cũng không nhớ chính xác từ bao giờ người ta bắt đầu đào quặng sắt đem bán sang Trung Quốc. Chỉ biết rằng đã từ lâu, lâu lắm rồi, từ những năm 80 của thế kỷ trước người ta đã rầm rộ kéo nhau đi đào quặng. Từ đó đến nay, hàng ngày hàng giờ, quặng âm thầm chảy, chảy mãi về bên kia biên giới.

Nấm mồ 300 nhân mạng

Đường vào Tri Phương xuyên qua những cánh rừng mới tái sinh, cỏ cây lúp xúp, xuyên qua những thung lũng, bãi đất canh tác bỏ hoang lâu ngày. Đi ngang qua Bãi Sập – nấm mồ khủng khiếp chôn hơn 300 người đào quặng năm 1992 – cảm giác ớn lạnh trùm lấy chúng tôi. Người dân Cao Bằng khi nhắc đến thảm họa sập mỏ Kép Ky (xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng. Mùa hè năm đó, việc khai thác quặng nơi này diễn ra tự do. Hàng nghìn người từ khắp các tỉnh tập trung về đây đào quặng. Họ dựng hàng trăm lều lán dưới chân đồi.

 

Chính vì kiếm tiền quá dễ dàng nên học sinh ở xã Tri Phương gần như không muốn học, tất cả chăm chăm vào quặng. Học sinh THCS cứ cuối tuần lại theo người lớn đi làm quặng lấy tiền ăn quà, mua quần áo, điện thoại di động. Đứa bé thì đi nhặt, đi mót quặng, đứa lớn thì đào hầm. Những năm gần đây, Tri Phương gần như không có học sinh cấp III vì chỉ cần học hết THCS là các em bỏ học đi đào quặng kiếm tiền.

 

Một đêm mưa to gió lớn, cả một mảng đồi lớn ập xuống khu lán trại, tất cả đều không còn. Gần nửa tháng trời tỉnh huy động quân đội, công an, dân quân và người dân địa phương đi đào bới nhưng cũng chỉ tìm được hơn 100 xác người. Có người ước tính vụ sập làm chết hơn 300 người, có người lại khẳng định khu lán trại rộng lớn như vậy phải có đến 500 người. Bãi quặng tự do không ai quản lý nên không ai biết chính xác con số đó là bao nhiêu.

Sau thảm họa khủng khiếp, suốt một thời gian dài không ai dám lại gần bãi sập đào quặng. Thế nhưng gần đây, xung quanh bãi sập bắt đầu xuất hiện những kẻ "điếc không sợ súng" mon men đào quặng. Không ai biết liệu thảm họa năm 1992 có lặp lại?

Dọc theo con đường vào xã, hai bên là những bãi khai thác quặng, nhìn xa như những chiếc tổ mối khổng lồ chi chít những hố, đất đỏ đùn ra miệng hố, theo dòng nước chảy xuống chân đồi đỏ quạch như những dòng máu của núi rừng. Lại gần ngó xuống một miệng hố đã bỏ hoang, chúng tôi giật mình lạnh toát sống lưng, hố sâu hun hút không thấy đáy. Miệng hố, đất có thể sụt xuống bất cứ lúc nào. Chỉ một cái sẩy chân, người ta có thể mất mạng ngay lập tức.

Nhìn xa, bãi quặng như đã bỏ hoang, lại gần, nhìn kỹ mới thấy dưới những bụi cây lớn, dưới những hốc đá, khe đồi, chỗ nào cũng có lán trại của người khai thác quặng. Họ phủ lá cây lên mái, ngụy trang cực khéo.

Một thầy giáo công tác ở xã Tri Phương cho biết, đã 7 năm từ ngày anh nhận công tác tại xã, chuyện khai thác vận chuyển quặng trái phép chưa bao giờ dừng lại. Hiện nay có hàng nghìn người khai thác quặng trái phép. Mỗi đêm có hàng trăm con la, con ngựa chuyển quặng, mỗi con vận chuyển trung bình 2 tạ quặng. Ước tính mỗi đêm hàng trăm tấn quặng bị chảy sang Trung Quốc. Mỗi khi chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa, ngăn chặn thì những người đào quặng tạm dừng hoạt động, được mấy hôm họ làm tiếp tục. Huyện không đủ lực lượng để duy trì chiến dịch giải tỏa nên việc ngăn chặn hầu như không có hiệu quả. Những người đi đào quặng thường là dân tứ xứ. Đông nhất là Thái Nguyên, Bắc Kạn và một số ở các huyện, các xã khác. Còn người dân Tri Phương chủ yếu là đi buôn quặng. Buổi chiều, họ mang xe máy đến các điểm tập kết và thu mua của người đào, chở về nhà đợi đêm xuống thì chở ra gần biên giới tập kết. Sau đó dùng lừa, ngựa thồ qua đường mòn sang biên giới tập kết tại bãi quặng của người Trung Quốc. Xe máy dùng vận chuyển toàn xe Trung Quốc không có biển số. Giá mỗi chiếc xe thế này chừng 2-3 triệu đồng. Khi xe máy bị công an chặn, họ bỏ cả xe chạy, hôm sau đi mua cái mới. Nhiều người mua cả xe tải, xe công nông, xe U-oát để buôn quặng. Mỗi ngày, một người buôn quặng có thể kiếm được vài trăm nghìn, thậm chí có thể kiếm tiền triệu mà không tốn bao nhiêu công sức.

Rời Tri Phương về thị trấn Trà Lĩnh, chúng tôi nghỉ chân uống nước tại chợ xã Quang Trung, bà chủ quán nước kể về một người đàn ông có tên là Hồ, dân tộc Tày vừa xây một căn nhà 3 tầng to nhất chợ xong đã mua liền 2 chiếc ô tô. Chiếc xe tải gần 400 triệu để chở quặng, buôn quặng sang biên giới và chiếc xe con gần 1 tỉ đồng để đi chơi. Người ta giàu có như thế vì buôn quặng thì chắc chắn rằng việc đào quặng trái phép, buôn quặng sang biên giới sẽ còn tiếp diễn dài dài chừng nào tỉnh Cao Bằng chưa có một giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa.

Đường đi của quặng

Cách trung tâm xã Tri Phương chừng 2 km, giữa núi rừng hoang vắng có một bãi đất bằng phẳng chừng 1.000m2 người ta dùng làm chợ quặng. Nói là chợ nhưng thực ra chỉ có duy nhất một căn nhà (đúng hơn là căn lều) xây bằng gạch ba vanh rộng chừng 20m2. Nơi này nguyên là bãi tập kết xe cộ của một doanh nghiệp khai thác quặng. Từ khi doanh nghiệp rút đi, người dân biến nó thành một chợ tự phát. Chợ đông nhất vào buổi chiều khi đoàn người đào quặng gánh sản phẩm đào được từ trên núi xuống. Họ gặp nhau hớn hở, nói cười líu ríu rồi hối hả cân quặng, tính tiền đếm soàn soạt rồi hò nhau ném bao quặng lên ô tô, buộc lên xe máy và phóng vèo đi. Tất cả chuyến mua bán diễn ra chưa đầy 5 phút. Con đường đất bụi tung mù mịt bởi những chiếc xe chở quặng phóng ào ạt.

Bám sát theo sau một xe máy chở quặng, chúng tôi đến gần trụ sở UBND xã Tri Phương. Lúc này là hơn 3 giờ chiều, cửa ủy ban xã mở, cán bộ làm việc bình thường, xe chở quặng vẫn đi qua lại bình thường trước cổng ủy ban xã. Xe chạy chừng 3 km rồi dừng lại trước cổng một ngôi nhà cấp 4 xây bằng gạch ba vanh. Phía trước nhà, một chiếc xe Minsk cũ nát, tháo mất bánh trước dựng đó. Có vẻ như chiếc xe đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh thồ quặng của mình. Cạnh đó là mấy chiếc xe cũ nát không biển số. Hơn chục chiếc bao tải cáu bẩn rách nát lòi cả những cục quặng đen sì ra ngoài vứt lổng chổng đầu hồi nhà. Người điều khiển xe là thanh niên dáng người thấp nhỏ, áo quần lấm lem bùn đất, không rõ da trắng hay đen vì bụi đất quặng bám đầy mặt. Cậu thanh niên nhanh chóng cởi dây chun buộc, lẳng mấy bao quặng xuống sân rồi rồ máy quay lại phía chợ quặng. Chừng 30 phút sau, chiếc xe lại oằn mình cõng thêm 4 bao tải quặng về nhà. Cơn mưa chiều rải rác cũng không đủ sức ngăn những chiếc xe chở quặng lầm lũi cõng quặng từ bãi thu mua về nhà.

5 giờ chiều, con đường nhỏ dẫn ra cột mốc 757 bắt đầu lác đác người dắt ngựa thồ quặng qua biên giới. 8 giờ tối, từng đoàn xe máy ì ạch chở quặng đến tập trung tại một địa điểm gần đường, thuộc xóm Nà Dốc, cách khu nhà của Tổ biên phòng vài trăm mét. Hàng trăm con lừa (dân địa phương gọi là lồ), ngựa và chủ của chúng đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến hành trình. Những bao tải quặng xếp hàng loạt ven đường. Ánh đèn pin, đèn xe máy loang loáng. Tiếng bước chân người, chân ngựa lộp cộp trên đường. Đoàn người đông, nhưng không ồn ào, ai nấy lặng lẽ và nhanh chóng thực hiện công việc của mình. Quặng được đặt lên những chiếc giá hàng gắn trên lưng lừa, ngựa, chằng buộc bằng dây chun rồi rồi hối hả tiến về phía  trước. Ngựa, lừa đi trước, người nối gót theo sau. Có hai con đường vận chuyển quặng sang biên giới. Một đường qua xóm Koỏng Kẹo, rộng rãi, trải bê tông, ô tô có thể chở quặng đi được, nhưng lại đi qua trước cửa khu nhà của bộ đội biên phòng. Chỉ thỉnh thoảng khi bộ đội không ở nhà hoặc lơ là không để ý, người ta mới dám chuyển quặng qua đường này. Một đường khác nhỏ hơn, gập ghềnh toàn đá hộc đi qua xóm Đông Căm (xóm di dân ra biên giới) đi khoảng nửa km là sang đến đất Trung Quốc.

Đêm tối mù mịt, mưa lất phất, đoàn người ngựa âm thầm hối hả tiến về phía trước. Kẻ xuôi người ngược chen chúc trên con đường ngoằn ngoèo lúc thì men theo sườn núi, đá hộc trồ ra đường, lúc xuyên qua đám rẫy ngô ướt rượt. Đường lầy lội trơn trượt chỉ rộng chừng 30 cm nhưng đoàn người, ngựa vẫn bình thản đi lại. Dường như tất cả đã quá quen thuộc với con đường đêm nào cũng đi lại mấy lượt. Vượt qua cột mốc 757 vài trăm mét, bóng tối loãng ra bởi những ánh đèn điện hắt ra từ một khu nhà cấp 4 xây bằng gạch ba vanh nằm chênh chếch dưới chân núi, gần bãi ngô. Đoàn lừa, ngựa dừng trước sân nhà, người ta dỡ quặng, đưa vào kho và trả tiền Trung Quốc cho các phu chở quặng. Tiền công cho phu quặng giá 20 tệ/tạ (khoảng 50 nghìn đồng). Mỗi chuyến, một con lừa, ngựa thồ được 2 tạ. Mỗi phu quặng có từ 2 - 4 con lừa, ngựa tính ra mỗi chuyến cũng kiếm được 200 - 400 nghìn đồng một chuyến. Mỗi đêm tùy số lượng quặng nhiều hoặc ít mà phu quặng có thể kiếm từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng. Đoàn người ngựa cứ thế túc tắc vận chuyển đến khoảng 3 giờ sáng. Như thế, hành trình của quặng bắt đầu từ chiều và kết thúc vào 3 giờ sáng. 

C. B.

Nguồn: Báo Thanh Niên

“Bức tử” lòng đất: Quặng sắt trôi theo đầu nậu


Minh Sang

clip_image002[3]

Quặng sắt được người dân tập kết trong vườn - Ảnh: Minh Sang

Trong vai một người thu mua quặng tới từ vùng đất H. Yên Thế, Bắc Giang, PV Thanh niên đã tìm tới nhà ông H., một trưởng xóm ở xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Từ đây, một thực trạng đáng báo động về nạn “chảy máu” tài nguyên được khám phá.

“Tìm tôi có việc gì không?”, ông trưởng xóm hỏi khi rót nước pha trà mời khách. “Bác chẳng biết tỏng đi rồi. Em tận bên Bắc Giang mà sang đây tìm gặp bác thì còn có chuyện gì ngoài chuyện đó nữa”, tôi đáp. “Mua quặng sắt chứ gì. Dạo này làm căng lắm. Mình thì không làm. Nhưng máu thì vẫn làm được mà. Để mình gọi bọn thằng T., cháu mình nó làm cho”, vừa nói ông trưởng xóm vừa rút điện thoại gọi cháu, nói bằng tiếng Sán Dìu.

La liệt những bao tải...

Một lúc sau cháu trai tên T. của ông H. xuất hiện. T. nhìn chằm chằm vào tôi rồi tuôn ra một tràng: “Trước có chạy quặng nhưng giờ công an làm căng lắm nên bỏ thôi. Cả cái xóm này cũng chẳng còn ai buôn bán quặng gì nữa”. Dứt lời T. lập tức quay qua nói chuyện cùng chú bằng tiếng Sán Dìu. Không biết nội dung câu chuyện họ nói những gì, nhưng qua vẻ mặt căng thẳng của T., qua những cái tên như N., B... tôi biết T. đang không bằng lòng với ông chú mình.

Rời khỏi nhà ông trưởng xóm, tôi hỏi đường tới nhà người có tên N. Trên đường dẫn vào khu vực nhà N., nằm khuất sau mấy cái lò gạch là la liệt những bao tải toàn quặng viên to cỡ chén ăn cơm. Chưa hết, đi sâu vào mãi phía trong, từng bãi quặng vỉa không hề kẹp đá, quặng mồ côi (loại quặng tốt nhất, có hàm lượng sắt lên tới 70% sắt) đánh đống to như chiếc giường đôi... lần lượt hiện ra trước mắt tôi.

Không rào trước đón sau, N. chỉ hỏi độc câu: “Thế trả được bao nhiêu, ở trong xóm đã có người trả quặng tôi giá 400.000 đồng/m3. Nhưng tôi không bán”. Sau khi biết tôi chấp nhận cân gần chục khối quặng (mỗi khối quặng nặng tương đương 2,5 tấn) trong vườn nhà N. với giá 700.000 đồng/m3 và còn thuê N. làm chân rết thu mua lại toàn bộ lượng quặng mà người dân trong xóm kiếm được, thì câu chuyện giữa tôi và người đàn ông dân tộc Sán Dìu này đã cởi mở hơn rất nhiều.

 

Quặng lậu sau khi được thu mua tại nhiều khu vực như thị trấn Trại Cau, Kim Cương, Cây Thị, Hợp Tiến, xã Nam Hòa... thuộc địa bàn H. Đồng Hỷ (Thái Nguyên) sẽ an toàn vượt chốt kiểm tra liên ngành Hợp Tiến để sang đất Bắc Giang. Tại đây, các đầu nậu cho quân tiến hành phân loại, đóng bao, rồi vận chuyển ngược lên Lạng Sơn bằng ô tô. Tại một điểm tập kết ở khu vực giáp biên giới Trung Quốc, quặng sắt lại được chia nhỏ ra trước khi thuê người vác vượt biên giới bán cho các đầu nậu đã trực sẵn bên kia.

 

Ông N. khuyên tôi nên qua “bắt tay” cùng T. để dễ bề khai thác quặng. Ông N. cũng tiết lộ số quặng được tập kết trong vườn của nhiều người dân ở đây từ 2 nguồn, một là sang khai thác trộm ở mỏ sắt Trại Cau, hai là đào tại chính vườn nhà. Theo lời ông N., việc khai thác quặng ở mỏ Kim Cương là rất dễ, chỉ cần dùng xẻng, cuốc, xà beng bới xuống chừng một gang tay là cả một vỉa quặng đã lộ ra. Cá biệt có những hòn quặng to cỡ một gian nhà. Muốn khai thác được chỉ có cách là dùng đèn khò nung đỏ rồi dội nước lạnh đột ngột, như thế quặng sẽ nứt ra thành từng phiến nhỏ thì mới vận chuyển nổi.

Qua mặt “chốt quặng”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau một thời gian dài để xảy ra tình trạng khai thác, mua bán quặng trái phép, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành lập nhiều chốt kiểm tra liên ngành. Trong số các chốt này, chốt Hợp Tiến nằm trên địa bàn xã Hợp Tiến, H. Đồng Hỷ được coi như một điểm nóng. Thông thường mỗi ca làm việc tại chốt này có tới 5 nhân viên liên ngành ứng trực.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày thâm nhập và khảo sát bên vùng đất Bắc Giang, chúng tôi nhận thấy chỉ cách chốt Hợp Tiến không xa - về phía đất Bắc Giang, xuất hiện nhiều điểm thu mua quặng lậu, và tất nhiên số quặng sắt này đều có nguồn gốc từ vùng đất Đồng Hỷ. Một câu hỏi đặt ra, các chốt liên ngành làm việc ngày đêm thì liệu có cách gì để tuồn được một lượng lớn quặng lậu? Câu trả lời chỉ đến khi chúng tôi gặp được Tứ - một tay chuyên đánh quặng lậu qua đất Bắc Giang nhưng nay đã giải nghệ và Tứ giới thiệu một đầu nậu chuyên đánh quặng khác tên là C. (nhà đều ở xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến). Lý do Tứ từ bỏ nghề chở quặng lậu là vì bị chính cái xe “cõng” ngót 4 tấn quặng khi đổ đã đè, làm gãy chân Tứ.

Lần này tôi sắm vai một đứa cháu đi móc nối tuồn quặng qua chốt bán lấy tiền nuôi chú đi viện để tới gặp C. Gặp tôi, C. cười ruồi: “Gớm quá. Cánh bên ấy có quặng thì cũng cho bên này hưởng tí vỉa với chứ. Chắc lại định đào tận vườn, bán tận ngọn chứ gì. Nhưng dạo này chốt chặt quá, quặng không ra được khỏi vườn nên mới tìm tới đám bên này đúng không. Thôi thế này cho nhanh, anh sẽ cho xe tới tận cổng nhà để cân quặng. Mỗi tấn quặng tốt anh trả cho các chú 300.000 đồng. Đồng ý thì tối mai anh cho quân sang bốc”.

Khi tôi hỏi đi đường nào thì C. không ngần ngại tiết lộ, đó là con đường mòn nằm sát cạnh đường tàu hỏa ở tận trong núi. Con đường này nằm song song nhưng cách 1 km với tuyến đường nhựa liên tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang mà lực lượng liên ngành cắm chốt Hợp Tiến. Thời gian mà đội quận chở quặng lậu hoạt động là từ 11 giờ đêm hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau.

“Ngày trước chạy đường nhựa, bằng thì còn có thể dùng xe Minsk. Giờ đi đường nhỏ lại gồ ghề lắm đá hộc, hay cua gấp mà như thế dùng Minsk rất hay bị ngã”, C. lý giải cho việc đội quân chở lậu thuê cho C. lên tới 20 người mà người nào người ấy đều dùng xe Wave làm phương tiện chạy quặng đêm. C. cho biết, thông thường mỗi chuyến một chiếc Wave tải 3 bao quặng, mỗi bao nặng chừng 1,5 tạ và một đêm, tính trung bình mỗi đầu xe của C. cũng chuyển được 4 - 5 tấn.

Trả lời Thanh niên, ông Mạc Đăng Niên, Giám đốc mỏ sắt Trại Cau, cho biết, các điểm mỏ như Kim Cương, khu vực thị trấn Trại Cau cùng các xã Nam Hòa, Cây Thị, Hợp Tiến đều có trữ lượng quặng lớn. Riêng điểm mỏ Kim Cương trữ lượng quặng sắt ước tính lên tới trên 9 vạn tấn. Hiện tại mỏ cùng liên ngành thành lập nhiều chốt để ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển quặng trái phép. Chỉ tính trong hai tháng đầu ra quân đã thu giữ tới 50 tấn quặng. Tuy nhiên theo ông Niên, tại các điểm như Kim Cương, Trại Cau trữ lượng quặng nổi nhiều, như thế để kiểm soát được việc người dân đào bới ngay trong đất nhà họ thì rất khó...

MS

Nguồn: Báo Thanh Niên

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn