Đằng sau sự phủ quyết của Quốc hội Việt Nam về dự án đường sắt cao tốc

Đức Tâm

clip_image001Tàu cao tốc Shinkansen của Nhật tại Tokyo. Nguồn: wikipedia.org

Trong những ngày này, công luận Việt Nam trong và ngoài nước vẫn bàn tán xôn xao về việc lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu bác bỏ chủ trương xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam, một dự án lớn do Chính phủ đệ trình.

Báo chí trong nước dùng những từ ngữ mạnh để nói về sự kiện này như các đại biểu Quốc hội «dũng cảm», đưa một quyết định «chính xác», «quá đúng đắn», «sáng suốt», «hợp lòng dân», v.v. Thế nhưng, giới quan sát, một mặt thừa nhận ý nghĩa quan trọng của cuộc bỏ phiếu ngày 19/6, nhưng mặt khác lại tỏ thái độ thận trọng, không vội coi đây là một bước tiến dân chủ tại Việt Nam.

Theo Giáo sư Ben Kerkvliet, chuyên gia về Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Úc (The Australian National University), quyết định của Quốc hội là bước khởi đầu có ý nghĩa trong sự phát triển thể chế chính trị tại Việt Nam.

Về phần mình, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, được AFP trích dẫn, cũng thừa nhận là rất nhiều người Việt Nam đã phấn khởi về kết quả cuộc bỏ phiếu, nghĩ rằng đó là một trường hợp chưa từng thấy, có thể tạo ra tiền lệ cho hoạt động của Quốc hội trong tương lai. Nhưng là người thấu hiểu cơ cấu quyền lực chính trị, ông nêu ra một điểm quan trọng có thể giải thích được vì sao Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu chống: Đó là vì Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam không ủng hộ dự án đường sắt cao tốc. Do vậy, Quốc hội Việt Nam tự do bỏ phiếu chấp nhận hoặc bác bỏ.

Cho tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn độc quyền lãnh đạo đất nước. Trong số gần 500 đại biểu Quốc hội, hầu hết là đảng viên. Nếu Bộ Chính trị ra nghị quyết phải làm, thì theo điều lệ và kỷ luật của Đảng, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu đồng ý. Vẫn theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, rõ ràng là Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ thái độ thận trọng.

Dự án do Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội nhằm xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, hơn 1.500 km, tàu có tốc độ 300 cây số/giờ, nối liền Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035. Tổng đầu tư cho dự án có thể lên tới 56 tỷ đô la, tương đương 60% tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam năm 2009.

Ông David Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, có trụ sở tại Singapore, cho biết đây không phải là dự án mà tất cả các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều ủng hộ.

Nhận định của chuyên gia Lê Đăng Doanh làm người ta nhớ lại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Bất chấp mọi ý kiến của giới chuyên gia trong và ngoài nước, của các nhà lão thành cách mạng, của cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dự án vẫn được tiến hành.

Năm ngoái, trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp, trước khi Chính phủ báo cáo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Trần Đình Đàn đã nói như đinh đóng cột, xin trích «Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite». Bởi vì, dự án này đã trở thành chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Bộ Chính trị.

Quay trở lại dự án đường sắt cao tốc, chuyên gia David Koh nêu ra một yếu tố khác cho phép báo chí chính thống, công luận trong nước và các đại biểu Quốc hội lên tiếng dễ dàng hơn: đây không phải là một chủ đề cấm kỵ, nhạy cảm về chính trị như vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong mọi trường hợp, mọi người đều công nhận đó là một quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội Việt Nam và theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì người dân nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe tiếng nói của họ. Điều này thực sự gây tác động mạnh về tâm lý.

ĐT

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn