Bi hài tàu cao tốc của nước Nga và của Việt Nam (nếu có)!

Lê Diễn Đức

image Số phận của dự án “Tàu cao tốc” sẽ được Quốc hội Việt Nam quyết định trong tuần này.

Dự án “Tàu cao tốc” từ hơn một tháng nay đã trở thành đề tài nóng trên báo chí trong và ngoài nước. Dự án được dư luận phân tích kỹ lưỡng, gây tranh cãi và có thể ví như nghiên cứu, xem xét lâm sàng của con bệnh phức tạp và khó chữa.

Nếu xem Quốc hội Việt Nam là tập thể các Bác sĩ, thì rõ ràng họ đã được trao bộ hồ sơ bệnh án đầy đủ, với những kết luận xác đáng, không những từ những người am hiểu, có trách nhiệm trong ngành, mà còn từ cả các tầng lớp xã hội khác, đi đầu là giới trí thức Việt Nam và sau đó là một số đại biểu Quốc hội có tâm huyết.

Do vậy, sau vụ thua cuộc bẽ bàng trước dự án “Bauxite Tây Nguyên” cách đây một năm, lựa chọn liệu pháp điều trị nào cho dự án “Tàu cao tốc” sẽ là cơ hội để Quốc hội “rì-xẹt” (reset) lại căn cước của mình. Rằng, Quốc hội đại diện cho tiếng nói của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, đứng về phía lẽ phải, sáng suốt vì lợi ích phát triển lâu dài và bền vững của đất nước, hay chỉ là một định chế “hàng mã”, chỉ được sử dụng vào việc hợp thức hóa các quyết định của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, thậm chí của một người trong Bộ Chính trị. Trong trường hợp này là, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Câu chuyện nóng bên nước Nga

Sự trùng lặp hoàn toàn ngẫu nhiên. Trong tuần qua, báo chí nước ngoài nói về đường tàu cao tốc của nước Nga, cùng với các sự cố “hậu tàu cao tốc” không tiên liệu trước, vừa hài hước và bực dọc.

Nước Nga đang nuôi tham vọng trở thành một trong những đầu tàu của kinh tế thế giới, không chỉ với vai trò của nhà cung cấp nguyên liệu, mà còn cả công nghệ mới. Kế hoạch này đã được Tổng thống Nga Medvedev đưa ra cách đây hai tuần, trong đó có tính đến xây dựng thung lũng điện tử tại thành phố nhỏ Skolkovo nằm ngoài Moskva, như một trung tâm sáng chế và đầu tư, theo mô hình của Hoa Kỳ.

Con đường tiến tới đích của nước Nga có vẻ còn lắm gập gềnh, khúc khuỷu. Ít nhất dăm năm nữa mới có thể phán xét “giấc mơ Nga” có thực tế hay không.

Trước mắt, biểu tượng của nước Nga hiện đại hôm nay là con tàu cao tốc “Sapsan” nối Moskva với cố đô Saint Petersburg. Con tàu làm xích gần hai thành phố nhưng kéo dài thêm khoảng cách giữa người Nga giàu và nghèo.

Tàu cao tốc “Sapsan” (Сапсан) được gọi âu yếm bằng “Ptichka” (Птичка), tên một loài chim ưng Nga, bay nhanh nhất trên thế giới, đạt vận tốc 322 km/giờ. “Ptichka” cũng là tên không chính thức đặt cho con tàu vũ trụ thứ hai trong số năm tàu vũ trụ do Nga sản xuất trong chương trình “Buran”.

Con chim đường sắt, tác phẩm của tập đoàn Siemens (Đức) có khả năng bay nhanh hơn, tới 350 km/giờ, nhưng trên đất Nga cần cẩn trọng phòng ngừa những bất ngờ vô duyên, nên chỉ giới hạn tối đa 250 km/giờ.

“Sapsan” yên lặng, sạch sẽ, được trang bị hệ thống điều hòa không khí nên lúc nào cũng mát mẻ, dễ chịu. “Sapsan” chạy nhanh hơn máy bay, từ Moskva tới S. Petersburg mất 3 giờ 45 phút. Đúng ra máy bay bay nhanh hơn, nhưng từ trung tâm Moskva ra sân bay người ta phải mất thêm 1 giờ và 1 giờ nữa từ sân bay Petersburg Pulkov vào thành phố, chưa kể các thủ tục biên phòng và kiểm tra hành lý lôi thôi. Đi “Sapsan” chỉ mất nửa thời gian so với tàu tốc hành đêm đậm đà truyền thống Xô-viết mang tên “Krasnaya Striela” (Mũi tên Đỏ), nối thành phố anh hùng này với thành phố anh hùng kia.

Nhưng “Sapsan” hơi (bị) đắt, ít nhất về mặt lý thuyết thì không (hệt như biện luận về thu nhập của các đại biểu Quốc hội Việt Nam ủng hộ dự án “tàu cao tốc”). Vé tàu rẻ nhất giá 2.165 Rúp (khoảng 70 USD), nhưng rất khó tới tay người dân bình thường! Nhà ga chào vé 6.000 Rúp, tức cao hơn ít nhất gấp đôi vé máy bay! Người Nga giàu có chẳng xem số tiền này là cái gì. “Sapsan” tiện nghi, giữ nhiệt độ trên tàu 21-22 độ C, đưa họ đi êm ái, từ thủ đô tuyệt đẹp này đến một thành phố cũng tuyệt đẹp khác. Còn với người Nga nghèo, 70 đôla thực sự lớn lao, họ cân nhắc rất kỹ trước khi chịu mất nó.

Dân lao động Nga sống dọc đường tàu chứng kiến “Sapsan” và các tàu tốc hành khác chạy qua 16 lần mỗi ngày, nên rất khó chịu. Nhưng không chỉ vì lý do ghen tức cái bọn dư tiền lắm bạc, cho phép mình bỏ ra từng ấy, trong khi ở các tỉnh, tiền vé bằng cả tháng lương.

Họ căm ghét “Sapsan” bởi vì cũng trên chính đường ray này, những con tàu bình dân hàng ngày đã chở họ đi làm ở Moskva và S. Petersburg. Giờ đây đa số các chuyến tàu này bị bãi bỏ. Phần còn lại phải chờ cho đến khi “Sapsan” chạy qua. Vì thế, trước đây tàu sớm từ Tver (Тверь) đến Moskva mất một giờ rưỡi, nay 3 giờ.

“Sapsan” làm tê liệt cuộc sống của 1.800 cư dân làng Chubryanovska, ngoại ô Tver – sáng, chiều có bốn lượt “Sapsan”. Do đó, vào giờ cao điểm không một chiếc tàu nào dừng lại. Cứ mỗi sáng, mỗi chiều, trong một tiếng rưỡi đồng hồ, đường tàu duy nhất chạy ngang bị đóng, cắt Chubryanovska thành hai mảnh. Kẹt công chuyện, muốn vượt qua đường ray, coi như giỡn mặt tử thần. Với vận tốc 250 km/giờ, độ dài mà “Sapsan” cần để hãm và dừng lại là 1.650 mét.

Bị “chơi”, bị ép quá sẽ dẫn tới nổi khùng và phản kháng là đặc tính của người nghèo, chịu thua thiệt trong xã hội. Ít nhất “Sapsan” đã hơn 40 lần bị ném đá, vỏ chai, đồ dơ dáy, thậm chí bị bắn đạn vào toa. 20 lần dân chúng đã thành công “đánh” trúng mục tiêu cửa sổ! Dọc theo đường ray của thành phố Tver có 70 công an và từng đó nữa cận vệ canh chừng ngày đêm! Không giúp gì được. Tình hình không lạc quan hơn tý nào. Cuộc săn đuổi tàu cao tốc đang tiếp diễn!…

Con kiến và con voi

Nga là cường quốc nguyên tử, có trình độ kỹ thuật quân sự và khoa học vũ trụ đứng hàng đầu thế giới. Nga là nhà vô địch cung cấp dầu mỏ và khí đốt. Nước Nga đã cống hiến cho nhân loại nhiều nhà bác học vĩ đại, nhiều thi sĩ, nhạc sĩ lừng danh và những cây cổ thụ trong di sản văn học thế giới. Nước Nga thuộc châu Âu, đương nhiên có mặt bằng dân trí và nếp sống văn hóa (cùng chỉ số IQ) ăn đứt Việt Nam. Khỏi bàn cãi!

Theo bảng xếp hạng của International Monetary Fund (IMF – Quỹ Tiền tệ Quốc tế), năm 2009[1] GDP của Nga đứng vị trí 12 với 1.229 tỷ đô la. Dân số của Nga năm 2010[2] đứng thứ 9 thế giới, có gần 142 triệu người. Diện tích nước Nga đứng đầu thế giới với 17.075.400 km².

Việt Nam là “tiểu cường quốc” (?) khu vực vì “đã đánh thắng ba đế quốc to”: Pháp, Nhật, Mỹ (lời ông Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, không có sự giúp đỡ kinh tế chí tình và viện trợ quân sự hiệu quả của khối xã hội chủ nghĩa anh em, đứng đầu là Liên Xô, mà Nga là quốc gia kế thừa, Việt Nam không thể làm nên chiến thắng.

Thật đáng tiếc, ngoài các cơ sở dịch vụ tân thời, lòe loẹt mọc như lên nấm thời mở cửa; khách sạn, nhà hàng sang trọng, các khu ăn chơi, giải trí, sân gôn thượng hạng nhan nhản từ Bắc tới Nam; cộng thêm một ít đường cao tốc đã đưa vào sử dụng – thì, sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ của “tiểu cường quốc” Việt Nam hầu như chẳng có gì khả dĩ để so tài cùng thiên hạ. Vài mặt hàng kim khí, máy móc, điện tử lằng nhằng “Made in Vietnam” là sản phẩm gia công, lắp ráp của các ông chủ đầu tư tư bản nước ngoài. “Người Việt xã hội chủ nghĩa” chưa tạo ra được bất kỳ thương hiệu sáng sủa nào trên thị trường thương mại toàn cầu. Trong khi đó, thương hiệu chính trị “Đảng Cộng sản Việt Nam – Hồ Chí Minh quang vinh” giăng đầy phố ngõ.

So với Nga, diện tích (331.150 km²) của Việt Nam như con kiến đặt bên con voi. GDP (cũng theo IMF) năm 2009 của Việt Nam ở vị trí 57, với 92,429 tỷ đô la, chưa tới 8% GDP của Nga. Về tài nguyên, giữa Việt Nam và Nga, na ná anh bần nông đứng cạnh đại địa chủ. Có nghĩa là sau khi có đường sắt cao tốc (“giấc mơ Việt Nam” của ông Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức khác), với lòng ưu ái tối đa ta cứ cho là thế giới bình yên, không khủng hoảng kinh tế, cũng chẳng chiến tranh, khủng bố gì cả, và với phép mầu, Việt Nam tăng trưởng mỗi năm 10% nhịp nhàng như “liền Anh”, “liền Chị” vùng Quan họ Bắc Ninh ca múa, thì đến năm 2030, GDP Việt Nam hơn 600 tỷ đô la, có nghĩa là sau 20 năm nữa mới bằng phân nửa của Nga hiện giờ!

Chỉ còn một món ngoại lệ. Việt Nam có thể an ủi đuổi kịp đàn anh Nga đang bị giảm dân số mạnh. Nhưng với điều kiện người Việt đẻ nhanh, đẻ mắn và dịch vụ nạo thai phải đưa vào hệ thống quản lý văn minh hơn, không bát nháo như hiện nay. Năm 2009 Việt Nam đứng hạng 13 thế giới[3] xấp xỉ 86 triệu người. Cứ như giả thiết, vào năm 2030 hai nước có cơ hội tương đương nhau ở mức, chẳng hạn 100-130 triệu người!

Lời kết

Những gì đang diễn ra tại nước Nga với con chim sắt “Sapsan” làm tôi bật cười khi nghĩ đến viễn cảnh tàu cao tốc Việt Nam (nếu có). Nhưng bức tranh Việt Nam có khả năng sẽ đượm màu sắc bi hài hơn, vì Việt Nam thua kém mọi phương diện trong so sánh với Nga.

Không kể những vụ ném đá kinh hoàng từ đám trẻ chăn trâu hư đốn của Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa…, được báo giới trong nước ghi “sổ đen”, đội quân “dân oan” Việt Nam bị tước đoạt đất đai bất công dọc hơn một ngàn ba trăm cây số đường tàu cao tốc, chắc chắn sẽ đông đảo hơn 1.800 cư dân làng Chubryanovska, ngoại ô thành phố Tver của nước Nga!

(Bài sử dụng một số thông tin từ bài viết của Waclaw Radzinowicz, phóng viên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza tại Moskva ngày 10/06/2010).

Nguồn: talawas, 16-6-2010

[1] http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_%28nominal%29

[2] http://pl.wikipedia.org/wiki/Rosja

[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn