Cầu dần xây, chờ lún đến...“giập mật”

Sâu Róm

clip_image001[3]

Công trình cầu Giá Rai ở Bạc Liêu không một bóng người vì nhà thầu đã “bỏ của chạy lấy người”. Ảnh: Sâu Róm.

TTC - Trong vòng 10 năm qua, nhiều dự án đầu tư xây mới cầu, đường được triển khai rầm rộ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nơi có những dự án đi qua, khói bụi mù trời nhưng người dân vẫn cắn răng chịu đựng để mong một ngày gần nhất hệ thống cầu, đường ở khu vực này được thông mạch, xe cộ đi lại dễ dàng, nhưng hiện vẫn còn nhiều chiếc cầu “dần xây” và “chờ lún” cho đến... “giập mật”.

Tài xế xe tải, xe khách đường dài hiện nay ngán nhất là lái xe qua 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu để đi về Cà Mau. Đoạn đường này tuy không xa lắm nhưng mất quá nhiều thời gian để chờ đèn đỏ ở các cầu “dần xây” - thuộc dự án 16 cầu do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 3-2007, dự kiến hoàn thành tháng 3-2010, nhưng đến nay có nhiều cầu đang tạm ngưng thi công, làm dang dở dự án, khiến người dân bất bình.

Theo thông tin mà Róm tôi có được, dự án 16 cầu có 2 đơn vị trúng thầu là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) và Tổng công ty xây dựng quốc gia Trung Quốc (CSCEC). Trong đó, 7 cầu của Cienco 4 là Phụng Hiệp (Hậu Giang), Khánh Hưng (Sóc Trăng), Xả Bảo, Cái Dầy, Dần Xây, Xóm Lung, Láng Tròn (Bạc Liêu) khởi công tháng 3-2008.

Theo kế hoạch, 7 cầu này hoàn thành vào tháng 3-2010, nhưng Ban Quản lý các dự án 2 (Ban 2 - Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết thời gian hoàn thành có thể kéo dài đến cuối năm nay, vì địa phương giao mặt bằng chậm, nên một số cầu chỉ mới thi công được mấy cái trụ. Đối với nhà thầu CSCEC, ngoài 3 cầu: Đầu Sấu, Cái Răng (TP Cần Thơ) và Nàng Mau (Hậu Giang), CSCEC còn khởi công xây dựng 6 cầu vào tháng 3-2007: là Kinh Xáng, Nhu Gia, Phú Lộc (Sóc Trăng), Nọc Nạng, Giá Rai, Hộ Phòng (Bạc Liêu).

Hiện nay trên công trường cầu Đầu Sấu, Cái Răng, Nàng Mau không khí thi công khá tất bật, thì công trường xây dựng 6 cầu còn lại trên địa bàn Sóc Trăng và Bạc Liêu đang tĩnh lặng, có nơi không thấy bóng dáng công nhân nào, vì nhà thầu đã... “bỏ của chạy lấy người”. Chính vì có nhiều cầu ngừng thi công, nên hệ thống cầu tạm bằng thép tiếp tục trở thành cầu chính, oằn mình gánh hàng chục ngàn lượt xe qua lại mỗi ngày, nên thường xuyên xảy ra cảnh kẹt xe làm khổ người dân.

Còn ở Cà Mau, tuyến đường nhựa rộng thênh thang đi từ TP Cà Mau về cụm Khí điện đạm Cà Mau có nhiều cầu đưa vào sử dụng khá lâu, nhưng hiện nay hai bên đầu cầu luôn có chữ “CẦU CHỜ LÚN”. Anh bạn của Róm tôi từ Hà Nội vào, khi đi tham quan ngắm cảnh trên tuyến đường này đã hỏi rằng ở vùng này có địa danh “Chờ Lún” hay không mà có quá nhiều cầu được treo bảng “CẦU CHỜ LÚN”.

“Chờ lún” hết năm con Trâu sang năm con Cọp mà vẫn chưa hết lún, bởi lẽ hiện nay khu vực sàn giảm tải nối với nhịp chính của cầu đã xảy ra tình trạng “gãy khớp” chênh lệch nhau từ 5 - 10cm. Các tài xế xe khách cho biết: đang chạy êm ru trên đường láng nhựa, bỗng giảm tốc độ đột ngột khi đến “CẦU CHỜ LÚN” làm cho nhiều người bị chúi nhủi ra phía trước. Chưa kịp lấy lại bình tĩnh thì cơ thể tiếp tục “nhảy dựng” lên khi xe leo lên cầu.

Không dựng bảng “Chờ lún” vì đã đưa vào sử dụng 2 - 3 năm nay, nhưng một số cầu trên Quốc lộ 1A, đoạn từ Sóc Trăng đến Cần Thơ, cũng có nhiều cầu “nhảy dựng”. Cụ thể là cầu Cái Đôi ở thị xã Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Đây là cầu một nhịp được đưa vào sử dụng khá sớm trong dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn Cần Thơ - Cà Mau và cũng là cầu có độ “nhảy dựng” lớn nhất trên tuyến đường này, vì cả hai bên đường vào cầu đều bị lún khoảng 1 tấc so với đoạn sàn giảm tải nối liền với nhịp chính. Để đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng công nhân sửa chữa đường bộ của Khu Quản lý đường bộ 7 phải thường xuyên dùng bê-tông nhựa nguội với khối lượng khá lớn để “vuốt” lại điểm bị “gãy khớp”, nhưng hiện nay đường vào cầu Cái Đôi vẫn tiếp tục lún làm cho mặt đường không được êm thuận.

Qua khỏi địa phận tỉnh Hậu Giang, cầu Ba Rinh ở xã Đại Hải (Kế Sách, Sóc Trăng) cũng đã được đưa vào sử dụng thay thế chiếc cầu già nua trước đây. Tuy nhiên, mỗi khi qua cầu Ba Rinh, mọi người đều có cảm giác như xe vấp phải ổ gà vì đường vào cầu cũng bị lún tương tự cầu Cái Đôi, làm cho người và xe cùng “nhảy dựng”. “Nhảy dựng” một đôi lần thì không sao, nhưng với cánh tài xế xe khách ngày nào cũng chạy trên tuyến đường này thì “nhảy dựng” nhiều lần dễ dẫn đến... “giập mật”, nên các bác tài đặt tên cho những chiếc cầu này là “cầu giập mật”.

SR

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn