Chỉ 148 ĐB đồng tình với tờ trình Chính phủ về ĐSCT

clip_image002

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: TTXVN

Chỉ có 148 đại biểu đồng ý hoàn toàn với phương án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Đây là kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện từ ngày 14/6.

Phiếu lấy ý kiến đưa ra các phương án. Một là: Tán thành xây đường sắt cao tốc như tờ trình của Chính phủ. Hai là: Quốc hội chưa thông qua Nghị quyết tại kỳ họp lần này, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án để thông qua vào kỳ họp sau. Ba là ý kiến khác.

Tính đến 15h ngày 15/6, kết quả kiểm phiếu như sau: trong tổng số 488 phiếu phát ra, có 474 phiếu được gửi lại. 192/474 đại biểu không đồng ý ra nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án này; 271 vị đồng ý ra nghị quyết,  trong đó có 148 vị đồng ý theo tờ trình của Chính phủ.

Từ kết quả này, dự thảo nghị quyết của Quốc hội cũng đã được gửi lấy ý kiến đại biểu. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ rà soát quy hoạch hạ tầng giao thông tổng thể trong cả nước bao gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không phù hợp yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài, trong đó có quy hoạch hệ thống giao thông Bắc – Nam.

Lập quy hoạch chi tiết, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn điều kiện đảm bảo tính khả thi của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư 1 trong 2 tuyến: Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang.
Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn. Từ kết quả đầu tư tuyến được chọn sẽ có khai thác, đánh giá đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên mới báo cáo Quốc hội xem xét triển khai xây dựng các bước tiếp theo.

Theo chương trình của kỳ họp thứ 7, tại phiên họp cuối cùng vào chiều 19/6, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội cuối tuần qua, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định "không thể không làm đường sắt cao tốc".

Nội dung Phiếu lấy ý kiến Đại biểu Quốc hội

Câu 1: Việc Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM:

-  Theo phương án Chính phủ trình: Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp lần này, làm căn cứ để Chính phủ triển khai các bước tiếp theo.

-  Phương  án khác: Quốc hội chưa thông qua  Nghị quyết tại kỳ họp lần này, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án để thông qua vào kỳ họp sau.

-  Ý kiến khác:

Câu 2: Nếu Quốc hội đồng ý ra Nghị quyết tại kỳ họp về dự án này, thì nội dung Nghị quyết sẽ thể hiện theo các hướng sau đây:

- Phương án 1: Tán thành xây đường sắt cao tốc như tờ trình của Chính phủ.  Sau đó nghiên cứu lập dự án đầu tư toàn tuyến Hà Nội - TP.HCM. Đầu tư trước hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, bắt đầu khởi công từ năm 2014, đưa vào sử dụng năm 2025. Thông qua toàn tuyến vào năm 2035.

- Phương án 2: Tán thành chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc nhưng lùi thời gian khởi công xây dựng và lựa chọn 1 lộ trình phù hợp. Theo đó:

- Giao Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn về các điều kiện đảm bảo tính khả thi của dự án.

- Đồng thời trên cơ sở đó lập dự án đầu tư (dự án khả thi) một trong hai đoạn tuyến, hoặc Hà Nội - Vinh hoặc TP.HCM - Nha Trang để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương xây một trong hai tuyến và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020.

- Tiến hành đánh giá tổng kết việc đầu tư khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo  QH xem xét triển khai các bước tiếp theo.

- Ý kiến khác:

 

(Theo Vneconomy)

Nguồn: Beenet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn