Cho thuê rừng đầu nguồn, gần biên giới: Phải đình chỉ, giải quyết hậu quả

Mạnh Quân thực hiện

clip_image002Rừng nhiều nơi tiếp tục bị tàn phá. Trong ảnh: Bão gỗ sau trận lụt lớn năm 2009 ở Quảng Nam. Ảnh: Mai Kỳ

Việc giao rừng cho một số dự án đầu tư nước ngoài, đáng tiếc không phải do các cơ quan chức năng nào phát hiện ra mà lại là do một số tướng lĩnh đã nghỉ hưu phát hiện. Hiện Chính phủ cũng đã có giải pháp cho vấn đề này.

Trong việc này có nhiều cái sai mà cũng đã được nhiều chuyên gia phân tích. Nhưng theo quan điểm của tôi, điều đáng nói ở đây, trong quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhận thức của một số Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương chưa cao, thậm chí lệch lạc” - Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội.

Thưa ông Trần Đình Nhã, nếu không có các vị tướng lĩnh về hưu phát hiện và mạng BVN đưa lên để đánh động dư luận rộng rãi, dám chắc Nhà nước không bao giờ phát hiện việc các tỉnh tự tiện cho thuê rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn mà có phát hiện cũng chẳng thể có ý kiến gì. Bởi vấn đề mấu chốt là ở đây mọi nguyên tắc điều hành đất nước hình như đã bị đảo lộn, những gì hệ trọng nhất liên quan mật thiết đến an nguy của Tổ quốc cũng bị đánh đồng với những điều thứ yếu mà cấp nào cũng có thể quyết định và quyết định thế nào cũng xong. Nhận thức và hiểu biết của người chấp chính yếu kém đã đành nhưng phẩm chất suy thoái mới chính là điều đáng lo ngại.

Bauxite Việt Nam

clip_image004

Gieo, ươm cây con để trồng rừng tại Quảng Nam Ảnh: Đoàn Nguyễn

Trước kỳ họp Quốc hội lần này, theo tổng hợp của ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri nhiều tỉnh, thành phố đã kiến nghị Chính phủ xem xét, có giải pháp đối với việc một số địa phương đã giao, cho thuê rừng, đất rừng đầu nguồn, ở gần các khu vực biên giới cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm việc tại các dự án, công trình trong nước.

Phóng viên báo Sài Gòn tiếp thị phỏng vấn ông Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội về những vấn đề này.

Thưa ông, ủy ban Quốc phòng an ninh đã nhận được báo cáo nào từ Chính phủ về chuyện này chưa? Được biết, Ủy ban cũng mới có một báo cáo gửi Chính phủ về nội dung này, xin cho biết cụ thể Ủy ban kiến nghị vấn đề gì với Chính phủ?

Việc giao rừng cho một số dự án đầu tư nước ngoài, đáng tiếc không phải do các cơ quan chức năng nào phát hiện ra mà lại là do một số tướng lĩnh đã nghỉ hưu phát hiện. Hiện Chính phủ cũng đã có giải pháp cho vấn đề này.

Theo như Chính phủ báo cáo, việc cấp đất rừng ở khu vực biên giới cho các dự án đầu tư nước ngoài đã có nhiều nhưng thực hiện còn ít. Bây giờ phải đình chỉ và tìm cách giải quyết hậu quả.

Còn trong văn bản mới đây gửi Chính phủ, chúng tôi chỉ lưu ý một số vấn đề về các dự án trồng rừng và một số dự án thuộc khu vực biên giới. Nhưng đây chỉ mới là báo cáo bước đầu, có một số phát hiện cần báo cáo trước với Quốc hội và Chính phủ, vì hiện nay Ủy ban đang đi giám sát một số vấn đề liên quan giữa kinh tế và quốc phòng ở một số tỉnh, thành phố. Cụ thể thế nào thì không thể tiết lộ.

Theo ông, bài học lớn nhất được rút ra qua việc giao rừng, đất rừng đầu nguồn, ở một số khu vực biên giới là gì ?

Trong việc này có nhiều cái sai mà cũng đã được nhiều chuyên gia phân tích. Nhưng theo quan điểm của tôi, điều đáng nói ở đây, trong quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhận thức của một số Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương chưa cao, thậm chí lệch lạc.

 

Lãnh đạo, quan chức nhiều địa phương tuy có học các lớp bổ túc về quốc phòng, an ninh… nhưng thực sự nhiều người nhận thức chưa cao.

 

Có nhiều nơi chỉ chăm chăm nhìn vào lợi ích kinh tế mà chưa nhìn thấy, quên mất yêu cầu về đảm bảo an ninh, quốc phòng, lợi ích lâu dài của đất nước. Lãnh đạo, quan chức nhiều địa phương tuy có học các lớp bổ túc về quốc phòng, an ninh… nhưng thực sự nhiều người nhận thức chưa cao. Họ chăm chăm lợi ích kinh tế, muốn chứng minh với người dân là trong nhiệm kỳ của tôi làm được bao nhiêu dự án, công trình, gọi vốn đầu tư bao nhiêu, kinh tế tỉnh phát triển thế nào…; nhưng làm gì để tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh của đất nước thì ít nói tới.

Cho nên, theo tôi, từ nay về sau, trong vấn đề đảm bảo quốc phòng, an ninh, phải có sự thống nhất cao từ trung ương đến cơ sở. Những công trình, dự án ở các địa bàn trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp thì phải do cấp trung ương ra quyết định; không nên giao phó, phân cấp hoàn toàn cho chính quyền địa phương.

Trên thực tế, công an tỉnh, ban chỉ huy quân sự tỉnh đôi khi khó thoát khỏi sự chi phối của lãnh đạo chính quyền địa phương. Có thể ông vẫn nói được, nhưng ý kiến của ông không được mạnh mẽ, buộc chính quyền phải nghe theo. Các cơ quan có trách nhiệm như bộ Quốc phòng, bộ Công an phải thường xuyên giám sát, có ý kiến về những chuyện này.

Không chỉ ở các dự án trồng rừng mà ở một số công trình, dự án khác, nếu chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành hay các doanh nghiệp lớn của Nhà nước thiếu ý thức bảo vệ quốc phòng, an ninh thì cũng rất dễ gây ra những hiểm họa đối với an ninh, chủ quyền quốc gia?

Đúng vậy. Trong vấn để sử dụng lao động chẳng hạn, khi làm việc với tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam, chúng tôi có hỏi họ tại sao cái này trong nước, người lao động Việt Nam hoàn toàn làm được, lại phải thuê lao động nước ngoài (Trung Quốc), họ trả lời rất hồn nhiên rằng: người nước ngoài, với mức lương như thế, họ làm tích cực hơn, họ chịu khó, chịu khổ hơn (!).

Theo tôi, quan điểm như thế là chưa chuẩn và phải nhận thức nghiêm túc hơn câu chuyện đó. Không chỉ có các dự án trồng rừng, mà ở các dự án, công trình ven biển, các dự án đầu tư xây dựng cảng biển, việc cấp phép đầu tư cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng phải xem xét hết sức thận trọng.

Mặc dù đã phát hiện ra một số kẽ hở trong công tác quản lý như vấn đề lao động nước ngoài tại các dự án nhưng hiện nay trách nhiệm cũng như giải pháp cho vấn đề này chưa được rõ ràng?

Hiện nay các ngành vẫn còn đang kiểm điểm trách nhiệm của nhau. Cấp phép cho người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc là trách nhiệm của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, còn cho người vào đi du lịch thì lại là bên Bộ Công an. Nên có vẻ (các bộ) còn đang đổ lỗi cho nhau. Còn về giải pháp thì các ngành đã nghiêm túc hơn như xét duyệt các trường hợp người nước ngoài vào lao động tại các công trình, dự án chặt chẽ hơn.

MQ

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn