Công khai nợ công để dân giám sát

Phạm Dương thực hiện

clip_image001

Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

- Phóng viên: Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng nước ta nên có một bảng điện tử công khai số nợ công như ở New York (Mỹ) để toàn dân biết?

- Ông Trần Du Lịch: Tôi nghĩ rằng không nên làm theo vì nợ quốc gia của VN hoàn toàn khác. Nợ của Mỹ chủ yếu là nợ thông qua tín phiếu, trái phiếu Chính phủ và chúng được giao dịch hàng ngày trên thị trường, biến động hàng giờ. Vì thế Mỹ mới làm bảng điện tử thông báo.

- Có ý kiến như trên là do dư luận đang rất quan tâm tới nợ quốc gia được cho sắp chạm ngưỡng nguy hiểm?

- Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của nhiều người về số nợ công rất lớn của VN. Thật sự nợ quốc gia những năm gần đây tăng nhanh và đã lên mức khá cao. Song ngưỡng 50% GDP mà mọi người cho là nguy hiểm chỉ mang tính áng chừng để quan tâm xem xét kỹ trong quá trình vay nợ chứ không có nghĩa là sắp chạm ngưỡng nguy hiểm.

Để nợ trong tầm kiểm soát, điều quan trọng là phải tính tới chiến lược vay nợ trong nhiều năm. Chính phủ cần vạch rõ nợ từ nay đến năm 2020 là bao nhiêu, trả như thế nào, trả bằng nguồn nào và những cái đó phải minh bạch rõ ràng. Ở cấp quốc gia là Quốc hội (QH) và địa phương là HĐND phải giám sát được. Nếu làm được như vậy thì có thể an tâm vay nợ.

- Ông nói tới giám sát nhưng ngay các đại biểu (ĐB) QH cũng thắc mắc không biết nợ quốc gia là bao nhiêu thì làm sao người dân giám sát được?

- Thực ra hàng năm QH đều yêu cầu Chính phủ báo cáo về vấn đề nợ công nhưng chúng ta chưa tập trung phân tích sâu. Tôi đã đề nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH trong kỳ họp cuối năm phải báo cáo và thảo luận công khai minh bạch về vấn đề nợ công. Qua đó người dân mới có thể nắm được.

- Quan điểm của ông ra sao khi có những công trình xây dựng bằng tiền vay nợ chưa hiệu quả, thậm chí còn lãng phí và thất thoát?

- Tôi cho rằng đây chính là điều mà người dân đang quan tâm, băn khoăn và lo lắng nhất. Nhưng quan điểm của tôi là không đúng chỗ nào thì sửa chỗ đó chứ không nên vì sử dụng đồng tiền vay ở đâu đó không đúng, có tiêu cực, thất thoát mà không dám vay nợ để đầu tư.

- Ông có cho rằng công khai hóa khoản nợ quốc gia sẽ giúp tăng cường ý thức sử dụng hiệu quả và tiết kiệm vốn vay?

- Tôi đồng ý công khai tất cả các khoản nợ của quốc gia và cơ quan giúp cho QH là Ủy ban Tài chính-Ngân sách phải giám sát và báo cáo rõ cho QH hằng năm.

- Công khai khoản nợ là càng phát huy thêm vai trò giám sát của người dân?

- Trong thể chế hành chính của ta hiện nay đang cần công khai về nhiều vấn đề chứ không riêng vấn đề ngân sách hay vay nợ. Đây là điều cần tiếp tục đổi mới và thúc đẩy hơn nữa. Khi người dân thấy rõ việc cần thiết phải vay, vay để làm gì, sử dụng thế nào, hiệu quả trở lại với cuộc sống của họ ra sao thì người dân chắc chắn ủng hộ, thậm chí sẵn sàng chấp nhận gánh nợ vì sự phát triển của đất nước.

Định kỳ công khai nợ công

Điều 47: “Công khai thông tin về nợ công” của Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 quy định rõ: “Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công. Thông tin về nợ công được công khai bao gồm tổng số dư nợ; cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ của chính quyền địa phương; số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hằng năm; các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Thông tin về nợ công được Bộ Tài chính công bố định kỳ theo quy định của pháp luật”.

PD

Nguồn: Báo Người Lao Động

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn