Hai lá thư bạn đọc: Trẻ em đi học, bà mẹ đi chợ 15 cây số đi, 15 cây số về? & Cần một làn sóng dư luận cảnh giác với “bẫy thu nhập trung bình”

Thư thứ nhất:

image Trẻ em đi học, bà mẹ đi chợ 15 cây số đi, 15 cây số về?

Kính gửi GS Huệ Chi và quý đồng sự tại trang mạng Bauxite Việt Nam,

Đồng kính gửi nhà giáo Hà Văn Thịnh,

Nhân đọc bài "Vĩ thanh và vĩ cuồng" do nhà giáo Hà Văn Thịnh viết, tôi càng thấy "chất xám" của một số đại biểu Quốc hội có "vấn đề".

Đã có lần cách đây trên 10 năm, tôi đi tàu cao tốc liên quốc gia tại Châu Âu, và nhẩm tính. Cứ mỗi giây đồng hồ, tàu đi được một khoảng cách bằng chiều dài giữa 2 cột điện, cho là 50 m. Như vậy vận tốc của tàu là 180 Km/giờ.

Trở lại chuyện tàu cao tốc, cứ cho là khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm là 5 phút, tức 15Km, để bảo đảm hiệu năng của tàu. Như vậy, trẻ em đi học, bà mẹ đi chợ hàng ngày tối thiểu là 15 Km đi và 15 Km về. Tôi chưa hình dung được trên thế giới có những thành phố nào mà trẻ em và bà mẹ phải đi học, đi chợ xa như thế.

Quả là IQ của các vị đại biểu này thiệt là cao. Tôi thật tình không dám so sánh IQ với các ông.

Qua những sự việc vừa xảy ra trong vòng hơn một năm trở lại, tôi có câu chuyện sau đây muốn chia sẻ cùng quý vị độc giả:

Hai định nghĩa của một chữ hạnh phúc

Hai gia đình cùng thôn, mỗi gia đình cùng có đứa con đang tuổi trưởng thành.

Ở gia đình đầu thôn, cha mẹ luôn mong mỏi con mình thành đạt. Họ dồn tâm huyết để khuyên con chọn cái đúng cái hay. Khi con họ được vào trường tốt, thương hiệu uy tín nhận, là cha mẹ, họ hạnh phúc lắm.

Ở gia đình cuối thôn, cha mẹ luôn mong mỏi con mình đừng làm bậy. Bao nhiêu tâm huyết họ dồn vào để thuyết phục rằng con đang lầm đường, việc con làm là hành động vĩ cuồng. Khi con họ quyết định không làm chuyện xằng bậy, là cha mẹ, họ cũng hạnh phúc lắm.

Là con, chắc hẳn ai cũng muốn được đầu thai vào gia đình đầu thôn. Là cha mẹ, nếu lỡ sinh phải "nghịch tử", chắc hẳn ai cũng buồn phiền, nhưng phải có biện pháp đối với đứa con hư hỏng. Bởi vì, hạnh phúc thực sự là nguồn vui tràn dâng, chứ không phải là nỗi lo vơi dần.

Lê Minh Thịnh

Thư thứ hai:

Cần một làn sóng dư luận cảnh giác với “bẫy thu nhập trung bình”

Kính gửi: GS Nguyễn Huệ Chi và mạng Bauxite Việt Nam

Tôi được biết, hôm thứ Tư, ngày 23/6/2010 vừa qua, Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam”  được UB Kinh tế Quốc hội phối hợp với Trường ĐH Kinh tế Hà Nội tổ chức. Tại Hội thảo này, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã cảnh báo là Việt Nam sẽ rất khó thoát khỏi cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” nếu Việt Nam không nhanh chóng có những thay đổi then chốt, đột phá trong cơ chế điều hành quốc gia, và trong quá trình hoạch định chính sách. Các chuyên gia đã nêu lên rất nhiều vấn đề bất cập hiện đang tồn tại trong cơ chế điều hành quốc gia, và trong quá trình hoạch định chính sách của chúng ta. Những vấn đề bất cập này chính là nguyên nhân làm cho Việt Nam khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Thưa Giáo sư, đây là một vấn đề rất lớn, thậm chí là rất hệ trọng đối với mọi người dân Việt Nam chúng ta. Nếu trong thời gian tới, Việt Nam chúng ta không thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, thì mãi mãi Việt Nam sẽ chỉ là một nước nghèo, dân tộc Việt chúng ta mãi mãi là một dân tộc nghèo; mà đã nghèo thì thường là hèn. Dân tộc ta cần cù, chịu thương chịu khó, có phần thông minh và ham học (tuy còn đầy khiếm khuyết, đầy thói xấu), song, lẽ nào lại phải chịu số phận nghèo hèn mãi như vậy?

Nguy cơ để Việt Nam rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”  là rất lớn. Thực tế đã chứng minh điều này: Ở châu Á, đến nay chỉ có 4 nước là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore vựợt qua được “bẫy thu nhập trung bình”  để trở thành những nước phát triển, có nền kinh tế hùng mạnh, có thu nhập bình quân trên đầu người cao nhất châu Á – là những nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thật sự. Còn phần lớn các nước khác sau khi đạt mức thu nhập trung bình đều bị cái anh “bẫy thu nhập trung bình” chết tiệt này tóm chặt, như Phillipin, Malaysia, Indonesia, Thái Lan,...

Thưa Giáo sư, điều tôi lo ngại nhất là các nhà lãnh đạo quốc gia của chúng ta không nhìn thấy được nguy cơ này, hoặc họ nhìn thấy nhưng lại vì  những  lý  do nào  đó  mà không chịu thay đổi cơ chế điều hành quốc gia, quá trình hoạch định chính sách quốc gia.

Một cơ chế điều hành quốc gia, một quá trình hoạch định chính sách quốc gia thông minh, khôn ngoan, hữu hiệu và tối ưu là một cơ chế điều hành quốc gia, một quá trình hoạch định chính sách quốc gia tập hợp và phát huy được trí tuệ, tâm huyết và các nguồn lực của mọi người Việt Nam chúng ta hiện đang sống cả trong và ngoài nước, tập hợp và phát huy được mọi tiềm năng của đất nước.

Thưa Giáo sư, tôi nghĩ là Giáo sư cũng đã và đang trăn trở về vấn đề này. Giáo sư thử suy tính xem, mạng Bauxite Việt Nam bằng cách nào để dấy lên một làn sóng công luận về vấn đề bức thiết trên đây, như đã làm với Dự án đường sắt cao tốc vừa rồi? Khi có một làn sóng công luận mạnh mẽ thì các nhà lãnh đạo quốc gia không thể không để ý, không thể không suy nghĩ.

Kính chào Giáo sư.

Hà Nội, ngày 25/6/2010

Hà Trí Anh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn