Hiện đại và mai sau

Nguyễn Quang A

Những ngày này, khi Quốc hội bàn về dự án đường sắt cao tốc, người dân đi từ sửng sốt này đến sửng sốt khác vì chưa bao giờ thấy liên tiếp nhiều nhận định lạ lùng đến khó tin lại xuất phát từ các quan chức cấp cao như vậy.

  • Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Lê Doãn Hợp: “Nếu ta làm đường thì họ mới ưu ái cho vay vì tình nghĩa với Việt Nam chứ nếu ta muốn đầu tư nông thôn, vùng sâu vùng xa thì làm sao vay được?”.
  • Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc:"Bài toán kinh tế, môi trường, công nghệ... chúng tôi đã tính hết. Quốc hội cứ quyết chủ trương đi".
  • Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Ngô Thịnh Đức: [Sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ tính toán hiệu quả kinh tế và phương án huy động vốn vì] "Bố mẹ chưa đồng ý cho con cái cưới vợ thì chưa thể bàn những việc cụ thể".
  • Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn: "Sau khi Quốc hội đồng ý về chủ trương xây đường sắt cao tốc thì sẽ tính toán chi tiết".
  • Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long: "Có đi vay mới có đầu tư cho phát triển, quan trọng là sau đó lo trả nợ"; "Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay".
  • Giám đốc Công an TP Hải Phòng Trần Bá Thiều: "Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ Chính phủ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường Thành?".

Như thế cái lý do "muốn đi ngay vào hiện đại" và “giải quyết tầm nhìn cho mai sau” mà ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nêu ra để giải thích cho chuyện phải làm đường sắt cao tốc, chỉ là một tiếng nói trong dàn đồng ca đó.

Mức độ kỳ quặc của những lập luận trên khiến cho người bình thường không tài nào hiểu được. Không lẽ các quan chức cấp cao ấy lại thành thực tin những điều rành rành phi lý đó? Người ta buộc phải tìm cách lý giải khác: nói như TS Nguyễn Quang A, tất cả những lý lẽ ấy đều là giả, đó "rất có thể là bình phong cho lý do thực không muốn nói ra (mà hầu như ai cũng biết nhưng không tiện nói ra, chẳng hạn xài càng nhiều tiền “chùa” thì khoản lại quả càng lớn)".

Khác với TS Nguyễn Quang A, chúng tôi muốn tin điều không thể tin: chẳng qua do "trình độ hạn chế", do "nhỡ miệng", do "muốn đẹp lòng cấp trên" hay do bất cứ cái gì, miễn không phải là cái lý do "hầu như ai cũng biết" ấy. Vì không lẽ người ta đem tương lai của cả dân tộc ra để "đánh quả" ư? Các vị là rường cột của Cách mạng, một lòng vì nước vì dân, chịu nhiều thiệt thòi hy sinh mà đảm trách nhiệm vụ xây dựng một dải giang sơn gấm vóc được tô bồi bởi máu xương của bao anh hùng liệt sĩ, điều đó quyết nhiên hơn 80 triệu quốc dân đồng bào không ai có một chút nghi ngờ. Lương tâm của các vị làm sao cho phép?

Anh Hoàng

clip_image001Một tuyến đường sắt cao tốc ở Đài Loan. Ảnh: TL

(LĐCT) - Báo chí đưa tin, để bảo vệ dự án đầu tư đường sắt cao tốc đang trình Quốc hội, ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã nêu thêm một trong những lý do lựa chọn phương án được đệ trình là do “muốn đi ngay vào hiện đại. Có thể ban đầu gặp khó khăn, tốn kém, nhưng giải quyết được tầm nhìn cho mai sau”. 

Nếu các tiêu chuẩn về hiệu quả kinh tế xã hội của dự án là tốt, đảm bảo những đòi hỏi về môi trường và những yêu cầu khác mà lại thêm được cái “hiện đại” và “tầm nhìn” thì quả là tuyệt vời. Các thế hệ con cháu sẽ luôn nhớ đến các vị có “tầm nhìn” và chắc lịch sử cũng sẽ ghi danh họ ở vị trí xứng đáng.

Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia và người dân được đăng tải trên cách phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua buộc mọi người phải cân nhắc kỹ về tính hiệu quả của dự án, về phân kỳ đầu tư, về lựa chọn công nghệ, về bản thân các phương án (chỉ chở hành khách với tốc độ 300km/giờ hay cả chở khách và hàng với tốc độ 200km/giờ, …), về các hệ quả nợ nần mà dự án có thể gây ra cho các thế hệ tương lai.

Hãy chỉ bàn khía cạnh “muốn đi ngay vào hiện đại” và “giải quyết tầm nhìn cho mai sau”.

Sự “hiện đại” tự thân nó không thể là mục đích. Và thế nào là hiện đại cũng là đề tài bàn cãi. Người ta chẳng đã tốn bao công sức, tiền của, thời gian cho rất nhiều ý tưởng “đột phá”, “hiện đại” và “nhảy vọt” nhưng thực ra là ấu trĩ và đã gây ra bao hậu quả khó có thể quên đó sao?

Đưa máy cày cho những người chỉ quen dùng cày chìa vôi, chưa được đào tạo, lại quen lối làm ăn cũ và không muốn thay đổi khoảng hơn ba mươi năm trước ở quy mô huyện cũng đã là “muốn đi ngay vào hiện đại”. Muốn nhanh chóng vượt nước này, nước kia về mặt này mặt nọ. Đấy là căn bệnh “vĩ cuồng”.

Còn có thể kể ra nhiều ý định to lớn “muốn đi ngay vào hiện đại” khác đã chết yểu.

Công việc đổi mới (tạo ra hay ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới) luôn là vậy. Trong hàng trăm thử nghiệm mà phần lớn thất bại thì may ra mới có vài thành công. Nhưng quá trình đó chủ yếu do người dân (doanh nghiệp) tự làm và hậu quả của thất bại chỉ một số ít người gánh chịu. Cũng rất đáng khen những người “dám liều” bỏ công sức và tiền của của mình ra thử nghiệm và thất bại vì không có họ thì không có đổi mới sáng tạo thành công.

Nhưng việc “hiện đại hóa”, “đổi mới” của Nhà nước, do dùng tiền của dân (dẫu là đi vay thì rốt cuộc nhân dân vẫn là người phải trả), do ảnh hưởng đến hàng chục triệu người, như dự án đường sắt cao tốc, thì phải thận trọng. Không thể vì “muốn đi ngay vào hiện đại” mà không tính đến làm thế nào mang lại hiệu quả cao nhất, không tính đến các gánh nặng (chèn ép các lĩnh vực khác, nợ nần, môi trường,..) mà các thế hệ hiện tại và tương lai phải chịu do ý muốn cao đẹp “đi ngay vào hiện đại” có thể gây ra.

Có khi lý do “muốn đi ngay vào hiện đại” rất có thể là bình phong cho lý do thực không muốn nói ra (mà hầu như ai cũng biết nhưng không tiện nói ra, chẳng hạn xài càng nhiều tiền “chùa” thì khoản lại quả càng lớn).

Chuyện dùng giải pháp “hiện đại” đắt gấp 7-8 lần bê tông nhựa thông thường trên tuyến đường cao tốc “đắt nhất hành tinh”, TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, vừa được khánh thành chẳng phải là một minh chứng hùng hồn! Giải pháp hiện đại này rất tốt, và cũng “tốn kém”; nó thực sự “giải quyết được tầm nhìn cho mai sau” nếu được áp dụng cho mặt đường đã vững chắc, không còn lún nữa. Đằng này biết là đường sẽ lún mà vẫn xài sang để tốn gấp 7-8 lần rồi cũng phải vứt đi để làm lại, thì “cái hiện đại” ấy chỉ là tai hại mà thôi. Có thể liệt kê nhiều trường hợp tương tự.

Hiện đại mà không hợp thời, không phù hợp, không hiệu quả thì hóa ra lãng phí vô cùng.

Quay sang chuyện “giải quyết được tầm nhìn cho mai sau”. Các vĩ nhân có tầm nhìn xa, trông rộng, được các thế hệ sau quý trọng nhắc đến, nhưng rất cần tôn trọng quyền quyết định và quyền lựa chọn của các thế hệ tương lai.

Một quyết định ảnh hưởng tới hàng chục triệu người, có thể có những hệ quả rất tốt đến sự phát triển của đất nước nhưng cũng có thể có các hậu quả khôn lường, phải là đề tài của thảo luận công cộng và phải được các giới liên quan xem xét kỹ lưỡng trước khi những người có trách nhiệm ra quyết định. Chỉ có cách làm thế mới có thể giảm thiểu rủi ro không thể tránh khỏi của bất cứ dự án nào. Đường sắt cao tốc là một dự án như vậy. Có thể viện dẫn lý do chính đáng “muốn đi ngay vào hiện đại”, muốn “giải quyết được tầm nhìn cho mai sau” nhưng cũng nên nhìn từ nhiều góc cạnh khác.

N. Q. A.

Nguồn: Báo Lao Động

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn