Một vài suy nghĩ về sinh hoạt Quốc hội

Nguyễn Trần Bạt

Chủ tịch Invest Consult Group

Hỏi: Với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông có cảm nhận như thế nào khi quan sát sinh hoạt Quốc hội ở nước ta?

Trả lời: Quan sát sinh hoạt Quốc hội ở nước ta, nói chung tôi thấy có nhiều tiến bộ so với 20 năm về trước, nhưng cũng thấy có hai vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, các anh biết rằng Quốc hội là một trong ba nhánh của quyền lực nhà nước, theo thông lệ của nhiều nền văn hóa chính trị thì ba nhánh ấy độc lập với nhau, đặc điểm này được gọi là "Tam quyền phân lập". Tuy nhiên, trong điều kiện của nền chính trị Việt Nam thì ba nhánh quyền lực ấy không phân lập mà được gọi là phân công. Cả ba nhánh ấy đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính sự phân công có tính chất nội bộ như vậy làm cho Quốc hội rất khó rành mạch trong sinh hoạt nội bộ cũng như trong sự quan sát của nhân dân.

Theo Hiến pháp của chúng ta, Quốc hội được định nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng các nhà lãnh đạo của Quốc hội khi điều hành các phiên họp Quốc hội không thể hiện được rõ rệt và đầy đủ địa vị cao nhất ấy. Qua thái độ của các đại biểu Quốc hội khi chất vấn các quan chức của Chính phủ thì người dân cũng không nhìn thấy được sự cao nhất của cơ quan quyền lực này. Có thể thấy rất rõ là tùy thuộc vào từng chức vụ khác nhau của các quan chức hành pháp mà thái độ của các đại biểu Quốc hội là rất khác nhau khi chất vấn. Tôi chưa bàn đến nội dung chất vấn là hay hay dở, nhưng sự phân biệt thái độ khi chất vấn các thành viên của Chính phủ làm cho xã hội thấy phản cảm. Thậm chí, nhiều đại biểu Quốc hội còn tranh thủ diễn đàn Quốc hội để có những thể hiện có chất lượng đưa đẩy các tình cảm chính trị một cách lộ liễu và vô nguyên tắc. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thể hiện những tình cảm chính trị đặc biệt với các nhân vật khác nhau của Chính phủ ở những chỗ khác, không nên tận dụng một diễn đàn công cộng quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước để làm chuyện ấy, nhất là khi những sinh hoạt như vậy được truyền hình trực tiếp. Bởi vì rất có thể người ta sẽ nghi ngờ quá trình lựa chọn các đại biểu, nghi ngờ tư cách chính trị của các đại biểu và sẽ không còn đủ cảm hứng để nghe các nội dung có ích khác của quá trình chất vấn. Các đại biểu Quốc hội cần có một thái độ chuẩn và một sự vô tư chuẩn trong quá trình chất vấn, bởi vì không phải bản thân họ chất vấn các thành viên Chính phủ mà họ thay mặt nhân dân để chất vấn. Còn các thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn thì không phải là họ trả lời các đại biểu Quốc hội mà trả lời nhân dân thông qua các đại biểu Quốc hội, cho nên sự thận trọng, sự minh bạch và sự khiêm tốn là rất cần thiết, nhất là trong những phiên họp được truyền hình trực tiếp. Nếu các thành viên Chính phủ không trả lời chất vấn bằng những thái độ chuẩn mực, thông tin chuẩn mực, lập luận chuẩn mực thì tức là thể hiện một thái độ không chuẩn mực trong cư xử với nhân dân.

Vấn đề thứ hai là trong các kỳ họp Quốc hội, tôi vẫn thấy các đại biểu Quốc hội trích dẫn nghị quyết này của Bộ chính trị, hay nghị quyết kia của Ban chấp hành Trung ương… Trong mỗi một loại sinh hoạt chính trị có một hệ thống ngôn ngữ riêng của nó. Ngôn ngữ trong sinh hoạt Quốc hội là ngôn ngữ luật pháp, không phải ngôn ngữ chính trị, vì thế việc nêu cao hay trích dẫn các nội dung cơ bản của các nghị quyết của Đảng trong sinh hoạt Quốc hội theo tôi là một lỗi văn hóa. Chúng ta đều biết rằng có tới 80-90% các thành viên của Quốc hội là Đảng viên, nhưng các Đảng viên khi tham gia sinh hoạt Quốc hội với tư cách đại biểu Quốc hội thì không nhất thiết phải dùng ngôn ngữ sinh hoạt Đảng. Hay nói cách khác, các thành viên của Quốc hội cần phân biệt một cách rõ ràng rằng khi sinh hoạt Quốc hội là mình đại diện cho nhân dân chứ không đại diện cho quyền lực chính trị của Đảng, cho nên phải lựa chọn hệ thống ngôn ngữ thích hợp. Tôi nghĩ rằng diễn đàn Quốc hội là nơi người ta bàn đến những vấn đề của đất nước chứ không phải là nơi để nói về các vấn đề của Đảng, bởi vì Đảng đã có những diễn đàn khác như Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương. Không nên biến diễn đàn sinh hoạt của cơ quan lập pháp thành diễn đàn sinh hoạt chính trị, mà nên phân định một cách rõ ràng rằng đấy là nơi mà những người thay mặt Đảng tham gia vào Quốc hội bàn về những vấn đề của đất nước, những vấn đề của đời sống xã hội.

Hỏi: Lúc đầu ông nói về vấn đề quyền lực không có sự phân lập, tại sao lại có trạng thái đó?

Trả lời: Đấy là do lý thuyết xây dựng nhà nước của chúng ta khác với các lý thuyết xây dựng nhà nước khác. Với những nhà nước phổ biến khác thì người ta gọi là nhà nước pháp quyền, còn nhà nước CHXHCN được xây dựng trên nguyên lý của nền chính trị XHCN, cho nên được gọi là nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước pháp quyền lấy quyền lực pháp luật làm nền tảng duy nhất, còn nhà nước pháp quyền XHCN thì lấy pháp luật và XHCN làm nền tảng. Trong nhà nước pháp quyền XHCN, Đảng là người lãnh đạo cả ba nhánh quyền lực, là người điều phối, phân công các nhánh quyền lực, chính vì vậy giữa các nhánh quyền lực chỉ có sự phân công chứ không có sự phân lập.

Hỏi: Phần lớn các đại biểu Quốc hội đều là Đảng viên, phải chăng họ mang tư duy từ các cuộc họp Trung ương, họp Đảng ủy, họp Chi bộ đến các cuộc họp Quốc hội và họ không thể tách bạch được vai trò của mình?

Trả lời: Đại biểu Quốc hội của chúng ta là đại biểu kiêm nhiệm, một người giữ nhiều cương vị. Một người khi đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc thì phải có đủ năng lực phân biệt từng nhiệm vụ một cách rạch ròi và phải có kiến thức, thái độ và ngôn ngữ phù hợp với từng nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng việc tách bạch các vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong mỗi một đại biểu kiêm nhiệm là rất khó, nhưng hoàn toàn khả thi. Trong cuộc sống cũng thế. Ví dụ, tôi vừa làm cha, vừa làm chồng, tôi không thể lẫn lộn chức năng làm chồng và chức năng làm cha được. Phân biệt các hệ thống thái độ khác nhau đối với các chức năng khác nhau của mỗi một con người chính là trình độ văn hóa cơ bản của mỗi người. Mọi người trên thế giới này đều phải kiêm nhiệm cả, cho nên, tất cả mọi người đều học cách phân biệt, sắp xếp các thái độ và ngôn ngữ phù hợp với từng nhiệm vụ, từng chức năng một.

Chúng ta phải xác định được mình đang nói ở cương vị nào, cương vị của một ông Chủ tịch tỉnh thì khác với cương vị của một đại biểu Quốc hội. Ở cương vị Chủ tịch của một tỉnh thì tôi là thành viên của cơ quan hành pháp có trách nhiệm quản lý một địa phương, tức là nhân dân là đối tượng quản lý của tôi. Nhưng ở cương vị đại biểu Quốc hội thì tôi là người đại diện cho nhân dân, tôi phải nói ngôn ngữ của người đại diện, tôi không thể nhầm lẫn ngôn ngữ của một đại biểu Quốc hội với ngôn ngữ của một ông Chủ tịch tỉnh. Hoặc ví dụ như chức danh Thủ tướng chẳng hạn. Thủ tướng là một nhà chính trị kép, Thủ tướng vừa là Chủ tịch cơ quan hành pháp và vừa là đại biểu Quốc hội. Vậy khi nào Thủ tướng là đại biểu Quốc hội, khi nào là Chủ tịch cơ quan hành pháp là phải rất tách bạch.

Hỏi: Trong Quốc hội, những người mới trúng cử, mới đi họp thường được hướng dẫn các thao tác bấm nút, cách phát biểu, hay được hướng dẫn tập trung vào các vấn đề trọng tâm trong mỗi phiên họp… Dường như những quy tắc, những hướng dẫn của những người lãnh đạo, điều hành Quốc hội có những tác động ở mức độ nào đó làm cho các đại biểu trở nên e dè, không mạnh dạn đưa ra ý kiến mà thường chờ đợi những người khác phát biểu trước?

Trả lời: Câu hỏi của các anh khiến tôi liên tưởng đến một vấn đề, đó là Chủ tịch Quốc hội có phải là Thủ trưởng của Quốc hội không? Tôi cho rằng Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu Quốc hội, là đại biểu số một của Quốc hội, là người điều khiển sinh hoạt của Quốc hội chứ không phải là Thủ trưởng của Quốc hội. Trong sinh hoạt Quốc hội, tất cả các đại biểu Quốc hội đều bình đẳng với nhau và không có thủ trưởng của Quốc hội. Những kỹ năng như anh nói là những kỹ năng cần thiết mà một người muốn làm đại biểu Quốc hội phải có và phải tự có. Còn chuyện đưa ra nội dung cần thảo luận, đưa ra hướng dẫn cần tập trung thảo luận vào vấn đề gì thì đó là công việc, là chức năng của những người lãnh đạo Quốc hội. Lãnh đạo Quốc hội có quyền hướng dẫn, khuyến khích các đại biểu chú ý vào những nội dung cụ thể, miễn là gợi ý ấy hợp lý và nó không ngăn cản các đại biểu bàn đến những vấn đề khác. Tức là các đại biểu Quốc hội có quyền phát hiện các vấn đề cần thảo luận chứ không phải là chỉ được thảo luận các vấn đề mà lãnh đạo Quốc hội gợi ý.

Hỏi: Nhưng ông đánh giá thế nào về tình trạng các đại biểu bao giờ cũng trông chờ vào ý kiến của ông trưởng đoàn, phó đoàn đại biểu của tỉnh mình? Bởi vì các ông ấy cũng là những người có chức sắc, ví dụ như Chủ tịch tỉnh hoặc tương đương.

Trả lời: Đấy chính là những ví dụ thể hiện tính phân công nội bộ trong việc hình thành nhà nước CHXHCN Việt Nam, tức là hệ thống chính trị có nghĩa vụ lãnh đạo tất cả mọi thứ, kể cả sinh hoạt Quốc hội. Cái đấy có thể hạn chế dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội. Đương nhiên, đoàn đại biểu nào cũng có một người trưởng đoàn, nhưng ông trưởng đoàn đại biểu có phải là một chức sắc không thì đấy là một vấn đề cần xem xét. Nhân dân chỉ bầu đại biểu Quốc hội chứ không bầu trưởng đoàn đại biểu Quốc hội. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội không phải là một chức sắc hợp pháp trong Quốc hội. Đó chỉ là những người được các đại biểu cùng nhóm bầu ra để thay mặt họ tiếp nhận những hướng dẫn có tính chất tổ chức trong sinh hoạt. Những người đấy không có quyền gì trong việc đưa ra những yêu cầu và bắt buộc các đại biểu khác phải nghe theo.

Hỏi: Nhiều đại biểu Quốc hội không biết vì lý do gì mà dường như không nói ra được tất cả những điều mình nắm được với cương vị đại diện cho cử tri. Theo ông tại sao có hiện tượng đó?

Trả lời: Đấy là bởi vì họ nhầm lẫn giữa chức năng là một đảng viên, là một quan chức hành pháp với chức năng của một người đại diện cho nhân dân ở một vùng lãnh thổ. Nếu không tách bạch được từng chức năng như vậy thì họ không thể đại diện được, hoặc đại diện một cách không thực tế và không hiệu quả cho người dân. Sự đại diện không rõ ràng và không thành công ấy không chỉ có hại cho quyền lợi của người dân mà có thể còn làm hại cho uy tín của đảng cầm quyền, của cơ quan hành pháp và cả Quốc hội nữa. Tại sao tôi lại nói vậy?

Thứ nhất, đối với Đảng, nếu không phản ánh được nguyện vọng của nhân dân thì các nhánh quyền lực của Đảng không thể có chính sách phù hợp với lòng dân được. Mà chính sách không phù hợp với lòng dân thì không có cách gì tìm kiếm được sự đồng thuận của xã hội và nó làm tồn đọng trong xã hội những sự bất mãn mà các nhà lãnh đạo đất nước không biết được hết và do đó không thể giải quyết được hết.

Thứ hai, sự nhập nhằng như vậy cũng mang lại những cái hại cho cơ quan hành pháp, vì nếu anh phản ánh sai về nhân dân hoặc không phản ánh được chính xác nguyện vọng của nhân dân thì sẽ khó có thể xây dựng được những chính sách tốt, và chính anh sẽ phải cưỡi con ngựa chính sách khập khiễng mà anh đã chót tạo ra.

Thứ ba, đối với Quốc hội, nếu không đại diện cho nhân dân một cách thành công, tức là anh không phản ánh chính xác nguyện vọng của họ, thì pháp luật do anh xây dựng không có tính nhân dân, không phù hợp với xã hội và cũng không tìm kiếm được sự đồng thuận của xã hội về mặt pháp lý. Sự không tìm kiếm được sự đồng thuận của xã hội về mặt pháp lý còn nguy hiểm hơn nhiều so với sự sai lầm của một vài chính sách vĩ mô nào đó, vì chính sách là tạm thời, còn pháp luật là căn bản. Sai trong quá trình lập pháp là cái sai cần phải cảnh giác nhất. Nội dung cơ bản của sinh hoạt Quốc hội là xây dựng pháp luật và giám sát sự thực hiện pháp luật của Chính phủ. Nếu quá trình lập pháp sai thì có nghĩa là anh vừa làm ra một cái hỏng, vừa phải giám sát để cho nó hỏng trên thực tế, và như vậy thì nó sẽ gây ra một loạt hậu quả cho xã hội. Cho nên, tôi thấy rằng chính sự kiêm nhiệm hiện nay của các đại biểu Quốc hội ở nước ta đòi hỏi ở họ hai tiêu chuẩn cực kỳ rõ ràng, đó là bản lĩnh và trình độ.

Hỏi: Đó là ước muốn của tất cả mọi người, nhưng có lẽ đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận những gì mình có trong tay?

Trả lời: Cái trình độ mà tôi nói không phải là trình độ chuyên môn. Trình độ của một nhà chính trị không phải là trình độ đại học hay Tiến sĩ mà là sự tự giác về lợi ích của con người, lợi ích của xã hội, lợi ích của nhân dân, và người ta phải tìm kiếm cách thức để biến sự tự giác ấy trở thành kiến thức. Đôi khi một người có trình độ phổ thông và một ông Tiến sĩ làm đại biểu Quốc hội có thể có trình độ chính trị như nhau. Chưa kể người có trình độ phổ thông kia có thể còn va chạm với thực tế nhiều hơn ông Tiến sỹ và do đó có nhiều kinh nghiệm chính trị hơn. Cho nên, trình độ của đại biểu Quốc hội là một khái niệm hoàn toàn khác với khái niệm bằng cấp chuyên môn.

Hỏi: Hàng năm, cơ quan Quốc hội vẫn có những đợt tập huấn cho các đại biểu Quốc hội nhưng có những người không học được những điều đó. Có lẽ họ đã kiêm nhiệm quá nhiều vai nên họ không thể tách bạch được?

Trả lời: Rõ ràng việc làm đại biểu Quốc hội trong một thể chế xã hội như của chúng ta là rất khó, cho nên cần phải có một hệ thống tiêu chuẩn chọn lựa các đại biểu Quốc hội rất khắt khe thì mới có thể chọn được. Chúng ta cần chọn những người không chỉ có phẩm chất chính trị mà còn phải thông minh và có năng lực. Tôi không tin rằng một dân tộc có gần 100 triệu người như dân tộc chúng ta lại không thể chọn ra được 500 người thông minh. Chúng ta chọn được 10 người đi thi Toán quốc tế thì 9 người giành giải, như vậy, chúng ta cũng có thể chọn được 500 người đủ tiêu chuẩn để làm Nghị sĩ nếu chúng ta có tiêu chuẩn lựa chọn đúng. Tất cả mọi người đều có kinh nghiệm trong việc tách bạch vai trò làm cha và làm chồng và nhiều vai trò khác, do đó việc phân biệt giữa chức năng của Chủ tịch tỉnh với chức năng của đại biểu Quốc hội là việc hoàn toàn có thể làm được, nếu chúng ta xem đó là cần thiết. Tôi cho rằng tình trạng hiện nay là kết quả của sự thiếu các tiêu chuẩn đòi hỏi chứ không hoàn toàn do khuyết điểm có tính chất trình độ của các cá nhân.

Hỏi: Nhưng phải chăng nhiều khi do trong đội ngũ thiếu những người khá nên người ta buộc phải lấy những người mà trong thâm tâm người ta biết rằng có thể hơi non một chút?

Trả lời: Anh vừa nói đến một nhược điểm có tính chất truyền thống của các hệ thống chính trị như chúng ta là lựa chọn người cho những chức năng hoạt động khác nhau dựa trên cùng một tiêu chuẩn, đó là phẩm chất chính trị. Cách lựa chọn này đã gây cho chúng ta nhiều nhầm lẫn. Trong một bộ máy nhà nước thì những người có quyền lực va chạm trực tiếp với xã hội là các thành viên của cơ quan hành pháp. Chất vấn cơ quan hành pháp, chất vấn những người có quyền lực thực sự thì buộc phải có lòng dũng cảm. Cho nên, tiêu chuẩn để chọn các đại biểu Quốc hội trước tiên phải là tiêu chuẩn dũng cảm, vì họ là những người thay mặt nhân dân để hạn chế các mặt tiêu cực của các nhánh quyền lực khác. Để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất thì các thành viên của Quốc hội trước hết phải có phẩm chất chiến sĩ, sau đó mới đến trình độ. Về trình độ thì phải nói rằng, không thể đòi hỏi một đại biểu Quốc hội phải có đủ tất cả các kiến thức để thẩm định các dự luật thuộc về các lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ, môi trường đến y tế, bảo hiểm… bởi vì không ai trên đời này có thể biết tất cả mọi thứ. Cho nên, cần phải có những cách thức, những chế độ để các thành viên của Quốc hội có thể sử dụng các dịch vụ làm phong phú kiến thức của mình trước mỗi một kỳ họp. Ví dụ, trước khi thẩm định các dự án luật, trước khi chất vấn Chính phủ, một đại biểu Quốc hội có thể thuê các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực để xây dựng cho mình những luận cứ chất vấn, và như vậy thì cần phải có một ngân sách để chi tiêu cho việc ấy.

Một đại biểu Quốc hội không thể biết tất cả mọi thứ, từ vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình đến vấn đề liên quan đến du hành vũ trụ được. Nhưng trong xã hội luôn có những chuyên gia dân số và kế hoạch hóa gia đình hoặc chuyên gia du hành vũ trụ, và ông ta phải thuê các chuyên gia ấy để làm phong phú trí tuệ của mình để có đủ khả năng đại diện cho quyền lực của nhân dân trong việc thẩm định các hoạt động ấy. Cho nên, tôi nghĩ rằng việc chọn một người có trình độ chuyên môn trên tất cả các lĩnh vực là không khả thi trong thực tế, nhưng xây dựng một chế độ để mỗi người đại diện cho nhân dân có những ngân sách để có thể kiện toàn trí tuệ của mình nhằm phục vụ chức năng đại diện cho nhân dân trong sinh hoạt Quốc hội là hoàn toàn có thể được.

Hỏi: Qua các phiên chất vấn, người ta thấy trách nhiệm giữa các thành viên Chính phủ được chuyền từ người này sang người khác như chuyền bóng. Nếu cứ theo cách làm hiện tại thì các cử tri sẽ tắt ti-vi, không đọc báo, không để ý đến sinh hoạt của Quốc hội nữa, mặc dù báo chí có hâm nóng thế nào đi nữa. Ông đánh giá việc đó thế nào?

Trả lời: Tôi cho rằng vấn đề không phải ở chỗ không ai chịu trách nhiệm trọn vẹn khuyết điểm, hiện tượng đó là tất yếu, bởi vì xã hội của chúng ta không có sự phân chia quyền lực một cách độc lập mà chỉ có sự phân công nội bộ. Sự đùn đẩy trách nhiệm như vậy là do môi trường chính trị, do hệ thống pháp luật, do hệ thống chính sách của chúng ta không đủ cơ sở khoa học để quy trách nhiệm chứ không hoàn toàn là do khuyết điểm hoặc tính cách của các thành viên Chính phủ. Có lẽ vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm hiện nay là hiện tượng thiếu khiêm tốn của một số thành viên Chính phủ. Những thái độ được thể hiện trên diễn đàn Quốc hội phản ánh tình trạng thiếu khiêm tốn có chất lượng bản năng. Thiếu khiêm tốn thì không cầu thị, mà không cầu thị thì không thể hiểu nhân dân, hiểu cuộc sống được. Cho nên nhân dân phản ứng về những câu trả lời thế nào thì tôi không biết, nhưng sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận khuyết điểm thì dư luận thay đổi thái độ ngay. Vì vậy, nếu cần phải rút kinh nghiệm đối với các thành viên của Chính phủ khi trả lời chất vấn thì có lẽ vấn đề khiêm tốn là số một. Khiêm tốn là hệ quả của việc anh nhận thức được Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.

Tóm lại, chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa chính trị làm nền tảng để các nhà chính trị giữ những cương vị kép ở Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hành động.

Trích trong sách Đối thoại với tương lai.

Nguồn: Pagewash

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn