Những nỗi lo không nhỏ

Lê Bá Kỷ

Mấy hôm nay vào mạng đọc tin, có những chuyện không thể không lo.

1. “Động đất ở ngoài khơi biển Phan Thiết” [1].

image

Những năm gần đây, khí hậu thay đổi khiến thế giới chịu nhiều thiên tai khốc liệt. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Năm 2009, đồng bào ở dải đất Miền Trung thân yêu đã chịu nhiều thiệt hại, mất mát, và tang thương bởi những cơn lũ “lịch sử”. Dù Chính phủ cũng như nhiều quan chức cao cấp đều cho rằng vấn nạn lũ lụt là do “ảnh hưởng và sự thay đổi của khí hậu toàn cầu” nhưng có lẽ, không quá khó khăn để nhận ra rằng chính bàn tay “con người Việt Nam” đã góp phần tác động đến “những cơn lũ lịch sử” này, từ “lâm tặc” đến việc xây dựng nhiều thủy điện mà không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng những ảnh hưởng xấu đến dòng chảy do thủy điện gây ra. Để rồi, người dân nghèo phải gánh lấy hậu quả, trả giá bằng sinh mệnh cũng như tiền của gom góp sau nhiều năm dành dụm.

Cách đây mấy năm, sóng thần đã gây ra thảm họa không lường ở Thái Lan, Indonesia, …và nhiều nước ở Châu Á. Nạn sóng thần này xảy ra bởi động đất ở dưới đáy biển. Việt Nam là một nước có bờ biển dài. Qua bao đời được biển hiền hòa cưu mang, người dân Việt quen xây nhà sống cách bờ biển không xa. Vậy thì, có đáng để Chính phủ quan tâm, đầu tư cho các trường đại học, và các nhà khoa học trong nước nghiên cứu vấn nạn sóng thần để có thể tìm ra kế sách, giải pháp tốt nhất trước khi lâm nạn hay không? Hay là khi đó, người dân lại phải nghe rằng “Sóng thần lịch sử - Chính phủ không thể làm gì được”!

Đã vậy, kế hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân ở ngay sát biển. Như vậy, có quá nguy hiểm cho công trình vừa tốn tiền cũng như an toàn về vấn đề phóng xạ hay không? Bởi lẽ, sự hủy diệt của Mẹ Thiên Nhiên thì con người khó tránh, khó chống.

2. “Quy hoạch 8 địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân” [2].

Năm 2009, Quốc hội đã thông qua dự án ĐHN ở Ninh Thuận. Dự án ĐHN cũng đã khiến dư luận người dân trong và ngoài nước cũng như giới khoa học nước nhà quan ngại bởi hiệu quả kinh tế cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực cho ĐHN. Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua bởi vì Chính phủ “bảo lưu quan điểm” và “người dân ủng hộ” sau những cuộc “hội thảo, trả lời” cũng như sau khi “người dân” được Bộ Công thương mời đi “tham quan” nhà máy ĐHN ở nước ngoài!

Theo bản tin ở trang mạng www.vnexpress.net thì ngoài dự án ĐHN ở Ninh Thuận đã được Quốc hội thông vào năm ngoái thì có thêm nhiều dự án sẽ được xây dựng tại 8 địa điểm.

[…..Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 với mục tiêu từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân, bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả, từng bước tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các dự án. Về lâu dài, Việt Nam sẽ tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân…… ]

Một dự án ĐHN ở Ninh Thuận đã khiến dư luận quan ngại. Vậy thì, nhiều dự án ĐHN như vậy có đáng lo hay không? Xin dành câu hỏi này cho dư luận. Bởi lẽ, một người có lo thì cũng chỉ là “lo bò trắng răng” mà thôi.

Vậy thì, cái đáng lo ở đây là gì? Cái đáng lo ở đây là ước mơ “phát triển ngành công nghiệp ĐHN… cũng như tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng các nhà máy ĐHN”!

Ước mơ bao giờ cũng là “ước mơ” và “ước mơ bao giờ cũng đẹp”. Nhưng khổ nỗi, ước mơ chỉ đẹp “trong mơ” còn khi tỉnh ngủ thì lại khác hoàn toàn cũng như rất là phũ phàng. Nền công nghiệp khoa học cao của chúng ta đang ở đâu để chúng ta có thể mơ “tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng các nhà máy ĐHN”?

Vào những năm 85-90 ở thế kỷ trước, người dân đã không nghe “Dầu khí để hiện đại hóa … giúp đất nước giàu mạnh” rồi hay sao? Than Quảng Ninh không phải là than tốt trên thế giới hay sao? Nhà máy lọc dầu Dung Quất không phải để “hiện đại hóa cũng như làm giàu đất nước hay sao”? Bauxite Tây Nguyên không phải là “chủ trương lớn… để hiện đại hóa nền công nghiệp nhôm” hay sao?

Thử nhìn lại Dầu khí đem gì về cho Đất nước ngoài một công ty Dầu khí đem lợi về cho nhóm lợi ích nào đó. Than Quảng Ninh được bán lậu qua Trung Quốc ngày đêm. Một kế hoạch độc đáo của Bộ Công thương mà theo lời ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là “Bán tốt mua xấu - vẫn có lời”! Oái ăm hơn, cũng chính ông Bộ trưởng Bộ Công thương thì “nơi nào có quặng - đời sống người dân khó khăn”! Dung Quất tăng vốn đầu tư ngùn ngụt nhưng đến nay vẫn không nghe kết quả khả quan về kinh tế. Vậy thì, liệu người dân sẽ được gì từ dự án bauxite Tây Nguyên? Một dự án có lời sau “45 năm” cũng như “bây giờ là 50-50, lời lãi khi nào làm thì mới biết”?

Để biến giấc mơ thành hiện thực không thể, không chỉ dựa vào lời nói suông cho sướng miệng mà phải dựa vào hành động. Nhất là những “giấc mơ khoa học công nghệ cao”. Để làm được điều này, Chính phủ phải có kế sách đầu tư cho các trường đại học. Con người là tài sản vô giá. Tri thức là tài sản vô giá. Nếu Chính phủ biết trọng dụng hiền tài, biết cầu thị, và đầu tư đúng mức cho các trường đại học để sở hữu khối tài sản liên thành là “con người và trí tuệ” thì “giấc mơ công nghệ cao Việt Nam” mới có thể trở thành hiện thực thay vì bằng những hành động khai thác bòn rút làm cạn kiệt tài nguyên, những lời nói huênh hoang, hay dùng số vốn đầu tư khổng lồ để “mua” những dự án công nghệ.

3. Hậu Đường sắt cao tốc.

Sau những giờ phút nóng bỏng, căng thẳng, và hồi hộp nơi nghị trường, Quốc hội đã quyết định bác dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) với tỉ lệ 208 đại biểu (ĐB) không đồng ý, 185 ĐB đồng ý, và 34 ĐB bỏ phiếu trắng.

Chuyện Quốc hội bác bỏ một dự án, hay một đề xuất của Chính phủ là một chuyện bình thường. Và nghị trường căng thẳng khi tranh luận trước một chính sách cũng là môt điều bình thường. Những việc này là lành mạnh trong một quốc gia theo mô hình Nhà nước Pháp quyền. Đúng ra, người dân Việt Nam đã có thể thấy Quốc hội “mở miệng hay biết nói” cách đây hơn vài ba thập kỷ mới đúng chứ không phải chờ đến năm 2010 mới thấy Quốc hội “mở miệng” như những em bé chậm biết nói. Nhưng dẫu sao thì có chậm cũng còn hơn không. Quốc hội quyết định bác dự án ĐSCT là một quyết định đúng đắn, cầu thị, và hợp lòng dân. Vậy thì có gì phải đáng lo về “hậu ĐSCT”? Và chúng ta có thể thấy gì qua dự án ĐSCT?

Chúng ta không thấy gì ngoài một sự kém cỏi về năng lực, hiểu biết, cũng như tầm nhìn của những người lãnh đạo của đất nước. Năm ngoái, người dân đã sốc khi Bộ Công thương trình báo cáo liên quan các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên bằng sự cóp nhặt các bài báo, bài viết. Và cũng chính ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng đã “cả vú lấp miệng em” với câu nói ấn tượng “Chia nhỏ các dự án để làm cho tốt”! Có phải vì Bộ Công thương không có khả năng lập một bản báo cáo ra hồn nên các dự án khai thác bauxite đang đi vào ngõ cụt?

Những tưởng các Bộ ngành liên quan sẽ rút ra kinh nghiêm xương máu này để làm tốt hơn trong việc chuẩn bị báo cáo tiền khả thi trình Quốc hội năm nay. Nhưng không, các Bộ ngành vẫn ngựa quen đường cũ. Bản báo cáo tiền khả thi cho một dự án chiếm nửa GDP của đất nước và đã được Thủ tướng nghĩ tới từ năm 2007 chỉ gói gọn trong 33 trang giấy học trò. Không cần phải bàn hiệu quả kinh tế, nợ nần,... Chỉ cần nhìn vào sự nghèo nàn của bản báo cáo 33 trang này cũng đủ thấy sự vô tâm cũng như vô liêm khi dám đem vận mệnh của Dân Tộc ra để đùa giỡn.

Một luận án tốt nghiệp 4 năm đại học của một Kỹ sư dài bao nhiêu trang giấy? Một luận án tốt nghiệp Thạc sĩ dài bao nhiêu trang giấy? Một luận án Tiến sĩ dài bao nhiêu trang giấy? Chả lẽ một công trình quan trọng của đất nước với số vốn 56 tỷ đô la (hoặc hơn) không quan trọng bằng luận án Tiến sĩ và chỉ gói gọn trong 33 trang giấy thôi sao?

Đến ngay cả ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã phải thốt lên rằng:

Dự án này rất lớn, một quốc gia chưa chắc đã có thể hợp tác để làm hết. Thế thì phải nhiều quốc gia, nhiều nhà thầu. Còn bây giờ Nhật đang giúp mình trong việc chuẩn bị dự án [3].

Vậy thì, lẽ nào 33 trang giấy học trò có thể thể hiện được, cung cấp đầy đủ dữ liệu, số liệu liên quan của dự án để Quốc hội xem xét tỏ tường để mà quyết định? Quả là nực cười và ngớ ngẩn. Những ai đã từng làm cho nước ngoài, hay đang ở nước ngoài và đã từng làm báo cáo tiền khả thi (pre-feasilbility report) cho các dự án với số vốn vài trăm triệu đô la cũng biết nó dài chừng nào. Bởi lẽ, báo cáo tiền khả thi phải chứa đựng ít nhất là 30% những dữ liệu quan trọng liên quan đến dự án. Bản báo cáo này là cái khung sườn của dự án để từ đó sau mỗi lần trình duyệt thì sẽ được bổ sung để hoàn thiện. Vậy mà người ta vẫn dám trình Quốc hội và trong Quốc hội có những 185 ĐB ủng hộ cái dự án 56 tỷ đô gói gọn trong 33 trang giấy này. Không quá khó khăn để nhận ra rằng 185 ĐB đã “nhấn nút” ủng hộ dự án ĐSCT kia đều có chỉ số “AQ” cao vút cùng một “túi tham vọng càn khôn” không đáy.

Có người cho rằng, bản báo cáo dài 33 trang giấy này chỉ là “báo cáo tiền khả thi”. Do vậy, không đi vào chi tiết và cũng bởi “Cha mẹ chưa đồng ý… thì chưa bàn chuyện cụ thể”! Đây là cung cách làm việc của những kẻ quen sống và làm việc trong môi trường quan liêu và dốt nát. Bởi vì, báo cáo “tiền khả thi” mà không gây ấn tượng thì dự án sẽ chết từ trong trứng nước.

Điều buồn cười hơn nữa là bản báo cáo chỉ dài 33 trang giấy nhưng người ta lại biết kinh phí làm báo cáo khả thi là 5.6 tỷ đô la! Cần bao nhiêu người làm “báo cáo khả thi”? 10.000 ( mười ngàn) người được chăng? 5.6 tỷ USD chia cho 10.000 người= 560.000 USD cho 1 người.

5600.000.000USD /10000 người=560.000USD/người.

Nếu cần 8 năm để làm xong bản báo cáo khả thi thì lương mỗi người nhận được 70.000USD! 10.000 người làm báo cáo khả thi trong 8 năm ròng. Và lương mỗi người là 70.000 USD năm! Và những ai sẽ được nhận vào làm công việc béo bở này?

Có thiệt không đây hả trời? Với số tiền nhỉnh hơn 10 tỉ USD, Công ty Boeing của Mỹ làm ra chiếc máy bay 787 hiện đại có giá bán từ 180-200 triệu đô la. Công ty Boeing bắt đầu dự án nghiên cứu và chế tạo chiếc Boeing 787 từ tháng 1 năm 2003. Đến cuối năm 2009, Boeing đã thành công bay thử chiếc máy bay tối tân của mình. Dự án 6 năm trời này đem lại bao nhiêu ngàn công việc làm cho Công ty Boeing cũng như những công ty nhận hợp đồng của Boeing. Và chắc chắn, lương Kỹ sư làm cho các công ty chế tạo máy bay phải từ 50.000USD năm (thấp nhất) đến trên 150.000USD năm. Và chắc chắn, con số Kỹ sư cũng không dưới 1.000 Kỹ sư và 2.000 công nhân với mức lương hàng chục USD cho một giờ làm việc.

Vâng. Thế đấy. Với gấp đôi số tiền 5.6 tỉ USD thì Công ty Boeing có thể chế tạo ra một sản phẩm mang tính đột phá trong ngành công nghiệp máy bay cũng như doanh thu Boeing thu về từ việc bán chiếc Boeing 787 lên đến cả trăm tỉ USD. Còn Chính phủ Việt Nam tốn 5.6 USD để có được bản “báo cáo khả thi”! Điều ngớ ngẩn nữa là khi làm “báo cáo khả thi” thì cũng có nghĩa kết quả có thể là “không khả thi”! Vậy thì có phải là “thông minh cùng cực” hay không?

Đã vậy, vị Bộ trưởng Bộ GTVT còn khen lấy khen để “vì báo cáo được chuẩn bị kỹ quá”! Chả trách gì ông ta không ta đã không ngại nói:

-“Đu dây qua sông Pôkô là một sáng kiến không ngờ tới”!

Nghĩa là, nếu vị lãnh đạo này nằm vào thế người dân huyện Ngọc Hồi thì Ngài không biết cách đu dây qua sông vì Ngài không có “sáng kiến” này. Như vậy, người dân huyện Ngọc Hồi có khả năng lãnh đạo tốt hơn Ngài.

Ông Bộ trưởng Bộ GTVT đã vậy. Còn ông Bộ truởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc thì sao? Ông Võ Hồng Phúc vốn được giới báo chí khen là “kinh nghiệm, giỏi nhớ dai…trả lời rành mạch”. Vậy thì ông Bộ trưởng “kinh nghiệm nghị trường” này nói gì về dự án ĐSCT?

Tỏ ra lạc quan, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc thuyết phục: "Bài toán kinh tế, môi trường, công nghệ... chúng tôi đã tính hết. QH cứ quyết chủ trương đi".

Ông Phúc đảm bảo rằng "từng dự án thành phần cũng sẽ phải qua cửa QH, hoàn toàn kiểm soát được rủi ro phát sinh chứ không có chuyện "ào ào đồng khởi" làm một loạt" [4].

Ông Bộ trưởng đã tính hết thế nào được khi vấn đề môi trường là thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường kia mà? Bộ Tài chính đã tính được gì ngoài một “Hiệu quả kinh tế thì không cao nhưng tốt về hiệu quả xã hội” – thưa ông Võ Hồng Phúc? Với lại, đã tính “hết rồi” thì tại sao lại cần 5.6 tỉ USD để làm báo cáo khả thi –thưa ông Bộ trưởng? Đã tính hết nhưng bản báo cáo chỉ gói gọn trong 33 trang giấy học trò thì dưới bầu trời này chỉ có ông Võ Hồng Phúc mới có thể nói những lời vô nghĩa, lạ lùng như vậy.

Ngoài những phát ngôn “ấn tượng” theo kiểu “bá đạo Tần Thủy Hoàng”, “AQ” chỉ số, hay “đi tắt đón đầu”… tưởng cũng nên nhắc đến ông PTT Nguyễn Sinh Hùng với “Tôi yên tâm… lúc đó là 20.000USD/năm”! Là Tiến sĩ Kinh tế và từng làm Bộ trưởng Bộ Tài chính mà ông PTT mạnh miệng đi ủng hộ bản báo cáo 33 trang giấy thì cũng nên coi lại khả năng của ông PTT “yên tâm tiền Dân” này! Đã vậy, ông PTT Nguyễn Sinh Hùng còn đem vận mệnh của Đất nước để mà đùa giỡn với những kế hoạch “trên mây” được nghĩ ra bởi những người chỉ ưa mơ tưởng! Bauxite Tây Nguyên là “bài học nhãn tiền” mà ông PTT nên khắc cốt ghi tâm.

4. Tầm nhìn 30 năm đánh bại Sự thật ngàn năm.

Hà Nội không được xem là Thủ đô của Quốc gia từ khi Vua Quang Trung đóng đô ở Huế. Và tiếp đến Nhà Nguyễn chọn Huế làm Kinh đô. Điều này dễ hiểu bời vì từ thời Chúa Nguyễn Hoàng truyền đến các đời con cháu đã gây dựng sự nghiệp ở Đàng Trong. Như vậy, Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam với thời gian hơn 750 năm. Điều này nói lên tầm nhìn của Vua Lý Công Uẩn là “tầm nhìn thiên niên kỷ” và việc Ngài quyết định dời đô là vĩ đại và đúng đắn. Thử điểm qua lịch sử nước nhà sau khi dời đô như thế nào. Thời Nhà Lý, đất nước phồn vinh, Văn hóa phát triển, Đạo Phật cực thịnh. Quốc Tử Giám được xây dựng. Đại Việt đã anh dũng đánh bại quân Tống và mở mang bờ cõi. Thời Nhà Trần, ba lần đánh bại quân Nguyên. Quốc Tử Giám đào tạo Hiền tài cho Đất nước và đưa nền giáo dục phát triển rực rỡ. Thời Nhà Lê, “thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”…. Như vậy, Hà Nội đúng là Đất Kinh Đô của Nước Việt.

“Tầm nhìn 30 năm và một chữ Nếu”! Bỏ qua chuyện phong thủy, địa cuộc, Rồng chầu Hổ phục. Chỉ nội một câu “Tầm nhìn 30 năm” thì đủ thấy kế hoạch dời trung tâm hành chính quốc gia lên chân núi Ba Vì là một kế hoạch không ra gì. Bởi lẽ, kế hoạch trọng đại liên quan, ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước thì chí ít phải 100 năm. Đằng này chỉ vỏn vẹn có 30 năm. Cũng không thể nói Ba Vì thuộc Hà Nội. Do đó, Thủ đô vẫn ở Hà Nội cho dù có dời lên núi Ba Vì. Kiểu lập luận này là kiểu lập luận “theo đóm ăn tàn” của những kẻ “chạy theo thời cuộc” để kiếm lợi cho bản thân. Thế nào là “thuộc Hà Nội”, nói vậy thì mở Hà Nội lên tới Lạng Sơn và có dời lên Lạng Sơn cũng thuộc Hà Nội được ư? Hơn nữa, Hà Nội cũng thuộc Việt Nam. Vậy tại sao Thủ đô ở Hà Nội?

Ngoài ra, tầm nhìn “30 năm” còn đi kèm với một chữ “NẾU”! Sau đây là lời “vàng ngọc” của ông Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn.

- Đó là bài toán của các nhà quản lý, cũng như thiết kế một cái nhà song xây dựng đúng hay không là do chủ nhà. Theo tôi, cần tăng cường biện pháp quản lý, và có quy chế phù hợp có tính thực tiễn. Hiện không thể nói trước chúng ta có xây dựng đúng theo quy hoạch hay không [5].

Bố khỉ, chưa chi mà ông Thứ trưởng đã “bán cái” cho người khác rồi. Lại thêm “nếu làm đúng, quản lý tốt” thì mới thành công. Không thể nói trước – Lại một kiểu đánh bạc 50/50!

Vậy thì liệu ông Thứ trưởng có dám xây nhà cho ông và gia đình ông ở mà “không thể nói trước là thợ xây có xây dựng đúng hay không”? Nếu ông Thứ trưởng dám xây thì tôi xin được chia buồn bởi lẽ cái nhà của ông Thứ trưởng có thể sập bất cứ lúc nào để biến thành... ngôi mộ đấy!

5. Các Bộ ngành ứng xử kém văn hóa.

Xin thưa đó là Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại Giao. Số là, gần đây ông Đại tướng Phùng Quanh Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã “báo cáo” với Từ Hậu. Rồi cũng chính ông Bộ trưởng tuyên bố “Biển Đông không có gì – chúng tôi (Việt Nam –Trung Quốc) là đồng chí, là anh em” tại Hội nghị An ninh khu vực ở Singapore. Kế đến, bên hành lang Quốc hội, ông Đại tướng nói với cánh báo chí rằng:

- Cuộc tiếp xúc với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc phụ trách về tình báo và đối ngoại, diễn ra trên tinh thần hết sức thân tình, hữu nghị, đúng là tinh thần láng giềng, đồng chí, anh em và là những người bạn tốt của nhau.

Theo lời trên đây của ông Đại tướng Phùng Quang Thanh thì mọi chuyện hết sức tốt đẹp. Vậy thì, tại sao bà Nguyễn Phương Nga lại cho hay “đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ... hôm 22/6để phản đối, bởi vì

Trung Quốc lại vi phạm chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa!

Vậy thì, chỉ có thể có hai cách hiểu. Một là ông Đại tướng Phùng Quanh Thanh bị lừa. Hai là bà Nguyễn Phương Nga bịa chuyện để “chia rẽ quan hệ giữa hai Đảng”! Dẫu hiểu cách nào thì hiểu nhưng một khi hai Bộ quan trọng bậc nhất của một quốc gia mà lại “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì thật là hết còn biết công việc nội trị ngoại giao của các ngài ra thế nào nữa.

Thay cho lời kết. Biến đổi khí hậu khôn lường. Giáo dục đại học chậm tiến, thụt lùi. Những dự án có số vốn thật to, thật kêu nhưng hiệu quả thì “thật lép, thật nhỏ”. Chính phủ sẵn sàng đề ra những dự án nửa vời đủ đưa nước nhà vào con đường phá sản nhưng các quan chức cao cấp vẫn “yên tâm làm, người ta cho vay là tốt”. Rừng đã cho thuê bằng một tỉnh Tây Ninh. Biển Đông “tĩnh lặng” theo ông Phùng Quang Thanh thế nhưng bà Nguyễn Phương Nga lại đi “phản đối”…. Vậy thì, những nỗi lo này có nhỏ hay không?

LBK

[1] http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/06/3BA1D45C/

[2] http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/06/3BA1D3D7/

[3] http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/04/3BA1A96E/

[4] http://www.laodong.com.vn/Home/Khong-nen-lam-nong-tinh-hinh-bien-Dong/20106/187474.laodong

[5] http://vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Trung-Quoc-lai-vi-pham-chu-quyen-Hoang-Sa-Truong-Sa-918090/

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn