Đôi điều lạm bàn về phát biểu của ông Đại tướng

Hà Hiển

image “Nếu phát biểu của tướng Thanh về mối quan hệ Việt – Trung như đề cập ở trên có thể phù hợp với đường lối đối ngoại của Chính phủ Việt Nam mong muốn xây dựng mối quan hệ cùng tồn tại hòa bình lâu dài với Trung Quốc thì việc ông Thanh dùng chữ “người ngoài” trong câu phát biểu sau đó có thể tạo nên một bầu không khí nghi kỵ, một vết gợn rất không phù hợp với chính sách ngoại giao đa phương, xây dựng lòng tin với tất cả các đối tác, “muốn làm bạn với tất cả các nước” mà Việt Nam luôn luôn công khai nói đến.

Mong muốn “quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” cũng như “quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ta” không bị chia rẽ có thể là một dụng ý tốt nhưng để đạt được điều đó mà phải gây ra sự chia rẽ hay nghi kỵ không cần thiết giữa Việt Nam với các nước khác, trong đó có các cường quốc có tầm ảnh hưởng mạnh nhất trên thế giới thì chắc chắn không phải là một phương cách khôn ngoan”.

Thì chính BVN đã nêu vấn đề này trong Lời bình bài viết của Hai Xe Ôm ngày hôm qua. Một cú tạt sườn lấy điểm với ông láng giềng “4 tốt” và cũng là cách từ chối khéo lời đề xuất nặng ký của một đại cường quốc đang nóng lòng tham gia tìm giải pháp rất có lợi – cho họ và cả cho nhiều nước Đông Nam Á – đối với tranh chấp biển Đông. Vì lợi ích của ai mà phải uốn éo rạp người đến khổ như vậy? Khí phách tinh hoa của dân tộc chẳng lẽ không hấp thụ được tí gì?

Bauxite Việt Nam

Ngoài vấn đề thời sự nóng bỏng là Dự án Đường sắt cao tốc đang được Quốc hội “bàn thảo” mấy ngày hôm nay, bài phát biểu trước báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 8/6 của Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vừa trở về từ cuộc Đối thoại Shangri-La về an ninh châu Á - Thái Bình Dương có lẽ cũng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.

Theo lời Tướng Thanh thì mục đích của Hội nghị Shangri-La là tăng cường hợp tác cấp cao về quốc phòng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với những nội dung mà theo Tướng Thanh là “ở tầm chiến lược” như “mở rộng hợp tác về quân sự, quốc phòng với 8 nước đối tác và đối thoại đầy đủ của ASEAN, trong số đó có Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand…” nhằm đạt được “nhận thức chung về an ninh khu vực” (theo VietNamNet).

Khi bàn đến những chủ đề ở “tầm chiến lược” như vậy thì những cách diễn đạt theo phong cách ngoại giao như “nhất trí về nguyên tắc” trong “sự nhận thức chung” về tất cả những gì khác thuộc phạm trù “chung chung” rất hay được các chính khách sử dụng để đưa hội nghị đến “thành công tốt đẹp” .

Nếu chỉ có “chung chung” như vậy thì chẳng cần phải nói thêm điều gì vì nó luôn “đúng như sách”. Nhưng vấn đề không phải chỉ có thế.

Tình hình Biển Đông: Mỹ – quan ngại mạnh mẽ, Việt Nam – không có gì nghiêm trọng.

Theo BBC, tại diễn đàn của Hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã dành một phần quan trọng trong bài phát biểu của mình để “phản đối các hạn chế đi lại cũng như kinh doanh làm ăn đối với tàu bè và công ty Hoa Kỳ” ̀ tại khu vực Biển Đông. Cũng theo bình luận của BBC thì “phát biểu của ông Gates được đánh giá là phản ánh quan ngại mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Mỹ về Biển Đông”.

Mỹ bày tỏ sự quan ngại “mạnh mẽ nhất” như vậy, còn Việt Nam thì sao?

Cũng theo VietNamNet, trước câu hỏi của báo chí liên quan đến tình hình ở Biển Đông, cũng tại hành lang của phiên họp Quốc hôi đang diễn ra, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng VN đã cung cấp thông tin về cuộc gặp giữa ông với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc phụ trách về tình báo và đối ngoại Mã Hiểu Thiên mà theo Tướng Thanh thì “trên tinh thần đồng chí, anh em, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thân tình, cởi mở, thẳng thắn tất cả các vấn đề”. Ông Thanh cũng bình luận thêm rằng “tình hình trên Biển Đông hiện nay vẫn yên tĩnh. Chúng ta vẫn hoạt động kinh tế bình thường, hàng hải bình thường, du lịch bình thường, không có vấn đề gì trở ngại cả”.

Với giả thiết rằng lời phát biểu này của tướng Thanh không phải với tư cách cá nhân (tôi hy vọng như thế) giành cho các đối tượng là các ngư dân ở Quảng Ngãi mà là 1 thông điệp ngoại giao của Chính phủ VN mà ông Thanh thấy mình có trách nhiệm phải chuyển tải một cách gián tiếp qua báo chí đến “đối tác chiến lược” núi liền núi, sông liền sông thì người viết bài này thấy chưa nên vội có những bình luận gì về phát biểu trên vì trộm nghĩ rằng ngôn ngữ ngoại giao thường là ý tại ngôn ngoại, cũng rất hay được dùng trong những tình huống cần phải nói lên những niềm mong muốn hay khát vọng, hoặc cũng có thể được dùng khi cần phải cố tình “làm nguội” những cái đầu quá nóng, hoặc để “làm nhỏ” những “chuyện to” hay không “làm to” những “chuyện nhỏ”, hoặc giả như cái gốc của vấn đề thực ra không đến mức “tinh tế” như thế mà “giản dị” hơn rất nhiều so với người ta tưởng… thì cũng chỉ có “những người trong cuộc” mới biết rõ. Khi thấy những vấn đề còn tù mù, không biết chắc là thế nào thì người viết bài này thường chọn cách tối ưu cho riêng mình là cố gắng kiềm chế cái sự bình… loạn.

“Không để cho “người ngoài” kích động và gây chia rẽ?

Nhưng điều làm tôi thực sự băn khoăn là lời phát biểu tiếp theo của ông Phùng Quang Thanh rằng “không cho người ngoài sử dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chia rẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ta”.

“Người ngoài” khi được nói trong ngữ cảnh rất cụ thể là mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thì hẳn phải được hiểu là một nước hay một số nước nào đó không phải là Việt Nam và Trung Quốc. Không thể có cách hiểu thứ hai khi mà cho đến nay người ta chưa tìm ra một sinh vật thông minh nào nằm ngoài Trái Đất.

Nếu phát biểu của tướng Thanh về mối quan hệ Việt – Trung như đề cập ở trên có thể phù hợp với đường lối đối ngoại của Chính phủ Việt Nam mong muốn xây dựng mối quan hệ cùng tồn tại hòa bình lâu dài với Trung Quốc thì việc ông Thanh dùng chữ “người ngoài” trong câu phát biểu sau đó có thể tạo nên một bầu không khí nghi kỵ, một vết gợn rất không phù hợp với chính sách ngoại giao đa phương, xây dựng lòng tin với tất cả các đối tác, “muốn làm bạn với tất cả các nước” mà Việt Nam luôn luôn công khai nói đến.

Mong muốn “quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” cũng như “quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ta” không bị chia rẽ có thể là một dụng ý tốt nhưng để đạt được điều đó mà phải gây ra sự chia rẽ hay nghi kỵ không cần thiết giữa Việt Nam với các nước khác, trong đó có các cường quốc có tầm ảnh hưởng mạnh nhất trên thế giới thì chắc chắn không phải là một phương cách khôn ngoan.

Giá như ông Thanh có lời cải chính rằng phát biểu này của ông chỉ phản ánh quan điểm của cá nhân ông chứ không phải quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam…

HH

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn