Quan chức VN nhận tiền để thuyết phục Venezuela in tiền Polymer

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

VIETNAM-BANKING-SAVINGS-RATESTiền đồng Polymer của Việt Nam, ảnh chụp tại Hà Nội hôm 28/02/2008. AFP PHOTO

Truyền thông Úc vừa loan thêm tin liên quan vụ bê bối của Công ty Securency, hối lộ các quan chức ngân hàng trung ương của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, để giành các hợp đồng in tiền polymer.

Việt Nam thuyết phục Venezuela

Securency International là công ty thuộc Ngân hàng Dự trữ Úc, đã bị cáo buộc hối lộ tổng cộng khoảng $50 triệu đô la cho các quan chức thuộc ngân hàng trung ương ở các nước Châu Phi và Châu Á, trong đó có Việt Nam, nhằm giành các hợp đồng in tiền polymer.

Theo tin tức từ truyền thông Úc, Securency bị cáo buộc đã từng trả hơn mười triệu đô la cho các quan chức Việt Nam thông qua người môi giới là ông Lương Ngọc Anh, để giành các hợp đồng in tiền polymer cho Việt Nam.

Chúng tôi quan tâm tới thiệt hại cho danh tiếng nước Úc, nếu các cáo buộc đó là đúng sự thật, hoặc nếu chính phủ không xử lý thích đáng.

Ô. George Brandis

Mới đây, truyền thông Úc loan tin, Securency đã trả tiền cho các quan chức Chính phủ Việt Nam để những người này đi gặp đại diện Chính phủ Venezuela, thuyết phục nước này sử dụng tiền polymer. Báo The Age cho biết, Securency trả tiền cho các quan chức Việt Nam do Công ty này tin rằng các quan chức Việt Nam có nhiều khả năng thuyết phục Venezuela in tiền polymer hơn, vì Việt Nam đã đưa vào sử dụng loại tiền này kể từ năm 2004. 

Báo The Age đã tiết lộ thông tin trên trước khi các viên chức thương mại và ngoại giao ra điều trần trước Ủy ban Thượng viện Úc, để trả lời các câu hỏi có liên quan đến vụ bê bối về các hợp đồng in tiền polymer của Securency.

Cũng theo tin từ báo The Age, ông Paul Martin là viên chức thuộc Ủy ban Thương mại Úc (Austrade) và đã từng quản lý chi nhánh Securency ở Nam Mỹ trước đây. Ông Martin là người đã đứng ra tổ chức các cuộc họp giữa các quan chức Ngân hàng Trung ương Việt Nam và các quan chức Ngân hàng Venezuela ở Mexico hồi năm 2007.

Trả tiền quan chức Indonesia

VIETNAM-BANKING-SAVINGS-RATES

Tiền đồng Polymer của Việt Nam, ảnh chụp tại Hà Nội hôm 28/02/2008. AFP  PHOTO

Không những trả tiền cho các quan chức Việt Nam đến Nam Mỹ giúp giành hợp đồng in tiền cho Securency, Công ty này còn trả các khoản chi phí ăn ở và giải trí cho các quan chức Ngân hàng Trung ương Indonesia, khi các quan chức này đến tham dự hội thảo quốc tế về tiền polymer ở Châu Á năm 2005.

Việc Securency trả chi phí đi lại cho các quan chức nước ngoài để có được hợp đồng làm ăn là hành động bất hợp pháp. Theo luật pháp Úc, các công ty hoặc cá nhân chi trả tiền bạc cho các quan chức nước ngoài để được giúp đỡ, nhằm có được lợi thế trong kinh doanh là phạm tội hình sự. Tội này có thể bị lãnh mức án tối đa mười năm tù và bị phạt một số tiền lớn.

Cũng theo tin từ báo The Age, ông Glenn Stevens, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc đã từng giúp vận động Ngân hàng Trung ương Indonesia để có được hợp đồng in tiền hồi năm 1999. Tin tức cũng cho biết, Securency đã hối lộ số tiền $1,3 triệu đô la cho các quan chức ở ngân hàng Indonesia, thông qua một người môi giới ở Jakarta, là ông Radius Christanto.

Ông Christanto còn bị cáo buộc là người giữ vai trò đứng đầu trong các cuộc đàm phán giữa Securency với Ngân hàng Indonesia hồi năm 2005. Các bản fax do báo The Age tiết lộ cho thấy, ông Christanto được trả $3,65 triệu đô la để giúp Securency giành thêm hợp đồng in tiền với Indonesia.

Tin tức về mối liên quan giữa Ngân hàng Dự trữ Úc với Ngân hàng Trung ương Indonesia được đưa ra vào thời điểm các đảng đối lập ở Úc tuyên bố, sẽ đưa vụ việc ra Thượng viện điều tra, nếu không nhận được câu trả lời thích đáng từ phía chính phủ Úc, trong cuộc điều trần dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này.

Tất cả những thông tin phía Úc đưa, chỉ mang tính chất tham khảo, khi tiếp nhận thì chúng ta phải xem xét rất đúng nguyên tắc.

Ô. Trần Văn Truyền

Tin tức cũng cho biết, các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện sẽ đặt câu hỏi cho các Bộ trưởng của Chính phủ Úc, Đại sứ và các quan chức thương mại Úc về việc đã giúp đỡ Securency.

Ông George Brandis, Tổng Chưởng lý và là Thượng nghị sĩ Úc nói: “Chúng tôi quan tâm tới thiệt hại cho danh tiếng nước Úc, nếu các cáo buộc đó là đúng sự thật, hoặc nếu chính phủ không xử lý thích đáng”.

Indonesia vào cuộc, Việt Nam phớt lờ

Ngay sau khi báo The Age đưa tin các quan chức Indonesia liên quan đến vụ bê bối này hồi tuần trước, Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết, họ đã bắt đầu các cuộc điều tra nội bộ. Ngân hàng này cũng hứa sẽ hợp tác với nhà chức trách, giúp điều tra các cáo buộc hối lộ có liên quan đến nhân viên của mình.

UN-ECONOMIC CONFERENCE-VIETNAMÔng Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong một lần phát biểu tại LHQ hồi tháng 06/2009. AFP PHOTO

Riêng Việt Nam, từ khi báo chí và Cảnh sát Liên bang Úc tiến hành điều tra vụ bê bối có liên quan đến các quan chức nước này nhận hối lộ hồi đầu năm ngoái, cho đến thời điểm này vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào ở Việt Nam bị điều tra hay khởi tố vì liên quan đến vụ tham nhũng này.

Năm ngoái, trả lời báo chí trong nước, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam nói rằng “khó xác định ranh giới tiền hoa hồng và hối lộ”.

Sau đó, trả lời báo VietNamNet hồi cuối năm ngoái, ông Trần Văn Truyền cho biết: "Sự việc này đã được Thủ tướng giao cho cơ quan công an điều tra. Hiện tại, Thanh tra Chính phủ chưa nhận được thông báo từ cơ quan điều tra nên tôi không bình luận".

Ông Truyền cũng cho biết thêm: "Tất cả những thông tin phía Úc đưa, chỉ mang tính chất tham khảo, khi tiếp nhận thì chúng ta phải xem xét rất đúng nguyên tắc. Thậm chí, có thể theo nước ngoài, người ta nói căn cứ đó là đủ, đó là phạm tội nhưng theo quy định pháp luật của Việt Nam như vậy chưa chắc đã phạm tội vì chưa đủ chứng cứ".

Có thể theo nước ngoài đó là phạm tội, nhưng theo quy định pháp luật của Việt Nam như vậy chưa chắc đã phạm tội vì chưa đủ chứng cứ.

Ô. Trần Văn Truyền

Trước đây, khi trả lời báo chí Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao nói rằng, nếu Úc có yêu cầu phối hợp thì Việt Nam sẽ phối hợp, và sau này, nếu Úc có yêu cầu và đủ căn cứ để kết luận thì sẽ xử. Nghĩa là theo ông Viện trưởng thì, có lẽ Việt Nam sẽ không chủ động điều tra vụ bê bối này, mà chỉ phối hợp với Úc hoặc chờ nước này có đủ căn cứ thì Việt Nam mới xử.

Khi được hỏi, cơ quan tư pháp Việt Nam có nên đề nghị phóng viên cũng như những tờ báo nước ngoài đã đăng tin về vụ việc này, phối hợp cũng như cung cấp tài liệu về vụ việc, ông Trần Quốc Vượng đã trả lời trên báo Dân trí, rằng: “Tôi là cơ quan công tố chứ không phải là cơ quan điều tra. Luật tố tụng cũng không đề cập trách nhiệm của Viện Kiểm sát ở đây, chỉ khi xác định có nguồn tin tố giác tội phạm chuyển tới Cơ quan Điều tra thì cơ quan này có thẩm quyền quyết định vào cuộc”.

Ngày càng có nhiều tin tức về vụ Securency được tiết lộ. Diễn biến của vụ án này cho thấy, các hành vi tham nhũng và làm giàu bất hợp pháp của các quan chức Việt Nam sẽ khó có thể giữ kín như một số vụ việc đã từng xảy ra trước đây. Chúng ta hãy chờ xem…

NT

Nguồn: Đài Á Châu Tự Do

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn